Dạy - học trực tuyến tiểu học ở Úc: Từ một căn dặn của nhà trường...

LẠI THỊ THANH VÂN 06/09/2021 18:05 GMT+7

TTCT - “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một cái bình mà là việc thắp sáng một ngọn lửa” - tôi luôn tâm đắc điều này.

 

Tôi làm việc trong ngành giáo dục, và là mẹ của hai bé đang học tiểu học tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc. Tại bang này, cấp tiểu học bao gồm 7 lớp, bắt đầu là lớp vỡ lòng và tới lớp 6.  

Để không học trò nào mất đi cơ hội học tập 

Ở một thành phố lớn và phát triển như Melbourne, vẫn có những gia đình không có đủ thiết bị điện tử hoặc kết nối Internet để con họ học trực tuyến trong lúc giãn cách xã hội. Vì thế, đầu mỗi đợt giãn cách, trường các con tôi gửi thông báo tới phụ huynh qua Compass (một ứng dụng liên lạc điện tử) để các gia đình đăng ký mượn máy tính xách tay và thiết bị kết nối Internet nếu cần. 

Trong trường có đội ngũ kỹ thuật trực điện thoại để hỗ trợ phụ huynh giải quyết những vấn đề phát sinh trong sử dụng thiết bị điện tử và các ứng dụng phục vụ học trực tuyến. Sự hỗ trợ này là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu dạy học trực tuyến vì không phải phụ huynh và học sinh nào cũng sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử và ứng dụng hiện đại.

Với một nhóm nhỏ học sinh, việc học trực tuyến là không khả thi hoặc không đủ an toàn. Đó là những học sinh có nhu cầu đặc biệt, cần được dạy bởi những giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt; hoặc những em có bố mẹ vẫn phải đi làm ở ngoài, không có ai thay mình ở nhà hỗ trợ con học; và đó là những học sinh dễ bị tổn thương đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Để những nhóm học sinh ấy theo học trực tuyến, nhà trường phải đầu tư nhiều hơn về nhân lực và cơ sở vật chất. Nhưng đấy là điều họ chú tâm để đảm bảo tất cả học sinh đều được học tập trong môi trường an toàn và không em nào bị bỏ lại giữa thời đại dịch.

Nền tảng học trực tuyến mà trường các con tôi chọn cũng là Microsoft Teams. Giáo viên tạo sẵn các phòng học trên Teams, mỗi phòng tương ứng một môn học toán, đọc, viết, kể chuyện, ngoại ngữ, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thể dục... Các tài liệu liên quan đến môn học được giáo viên tải lên phòng học tương ứng.

Trong năm học 2021, các con tôi mỗi ngày có hai buổi học trực tiếp vào 9h30 và 11h30. Trong các buổi học này, giáo viên và học sinh tương tác với nhau trên Teams. Giáo viên chuẩn bị bài giảng trên PowerPoint và trình chiếu cho học sinh xem trong lúc giảng bài; hoặc ghi lại buổi học trực tiếp để học sinh xem lại nếu cần. Đối với buổi học trực tiếp, học sinh phải tuân thủ đúng thời gian quy định. Thời khóa biểu cũng đưa ra thời gian học gợi ý đối với các môn học khác trong ngày, tuy nhiên học sinh có thể chủ động và linh hoạt sắp xếp thời gian phù hợp để hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

Với những môn rất khó để tiến hành dạy học trực tuyến như nghệ thuật biểu diễn và thể dục, họ làm thế nào? Giáo viên gửi cho học sinh đường link dẫn đến một video do giáo viên tự ghi. Học sinh xem video và thực hiện hoạt động theo hướng dẫn của giáo viên, ghi hình lại hoạt động của mình hoặc trả lời một số câu hỏi liên quan đến hoạt động rồi gửi cho giáo viên.

 
 Một học sinh lớp 4 tại TPHCM đang học online tại nhà. Giáo viên đã thiết kế nhiều hình thức học tập khác nhau để các em không phải lúc nào cũng cần thiết bị điện tử. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Sức khỏe tinh thần của học sinh được ưu tiên hàng đầu 

Trong hơn bốn năm các con tôi học tại Úc, tôi thấy rất rõ sự quan tâm của nhà trường tới sức khỏe tinh thần của học sinh. Trong giãn cách xã hội, các cô bé, cậu bé phải ở nhà suốt ngày với bố mẹ - những người cũng bận bịu làm việc trực tuyến hoặc cau có căng thẳng vì những áp lực cuộc sống do đại dịch mang đến. Việc tương tác với thầy cô và bè bạn thông qua máy tính cũng không mấy thú vị với các em. Vì thế, nhà trường thường gửi tới phụ huynh những hướng dẫn cụ thể để phụ huynh chia sẻ cảm xúc với con, giúp con vượt qua sự buồn chán và lo lắng. “Sức khỏe tinh thần của con bạn là điều quan trọng nhất. Đừng quá căng thẳng nếu con bạn không thể hoàn thành hết các hoạt động học tập trong thời khóa biểu này” - trong thời khóa biểu học tập hằng ngày của con tôi khi bé học lớp 1, nhà trường luôn nhấn mạnh điều này.

Đôi dòng nhắn nhủ ngắn gọn đó nhiều khi đã “cứu rỗi” sức khỏe tinh thần của chính tôi, giúp tôi không cảm thấy “tội lỗi” khi không thể “ép” con làm cho bằng hết các bài tập. Có lẽ cũng nhờ đó mà mối quan hệ mẹ con chỉ bị “sứt mẻ” chút ít qua mỗi mùa COVID. Việc “ép” trẻ học không đúng cách về lâu dài sẽ khiến trẻ chán và sợ học.

Và xét về đại cục, nếu trong các giai đoạn giãn cách xã hội, các ông bố bà mẹ làm việc trực tuyến ở nhà lại cứ phải hy sinh công việc của mình vì “sự nghiệp học hành” của các con thì thiệt hại nói chung cho kinh tế - xã hội sẽ là không tính đếm hết.

Thật lòng, trong những ngày đầu kèm bé thứ hai học trực tuyến vào năm 2020, tôi có đôi lúc chưa hài lòng với cách tổ chức giảng dạy của nhà trường. Chẳng hạn, việc gửi thời khóa biểu hằng ngày và tài liệu học tập cho học sinh quá gấp gáp, chỉ cách giờ học khoảng 15 phút, khiến nhiều phụ huynh khó chủ động trong việc chuẩn bị tài liệu học tập cho con, đặc biệt là những phụ huynh phải đi làm từ sớm. 

Và do không có sự thống nhất các khung giờ học trực tiếp giữa các ngày trong tuần và giữa các tuần, học sinh gặp khó khăn trong việc hình thành thói quen ngồi học trực tiếp vào những khung giờ nhất định. Bài giảng được ghi hình cho học sinh xem nhiều khi còn chưa rõ hình, rõ tiếng. Nhưng tất cả những phàn nàn, góp ý đó của chúng tôi đều được nhà trường lắng nghe và điều chỉnh.

Khi mọi điều khởi sự, không thể trông chờ có ngay sự hoàn hảo. Những thử nghiệm ban đầu có thể thành công hoặc thất bại, nhưng tất cả đều là những trải nghiệm vô cùng cần thiết và quý giá để dần cải thiện chất lượng. Tôi thực lòng biết ơn nỗ lực của các thầy cô trong việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến để con cái chúng tôi không bị “thất học” giữa thời đại dịch và hy vọng các phụ huynh Việt Nam kiên nhẫn hơn, đồng cảm hơn và hỗ trợ các thầy cô nhiều hơn nữa trong hành trình dạy học trực tuyến này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận