Cuộc chiến nữ quyền trong thể thao

HUY ĐĂNG 08/03/2024 09:09 GMT+7

TTCT - Suốt nhiều thập niên, thể thao vẫn luôn là một trong những lĩnh vực mà các nhà hoạt động nữ quyền tranh đấu sôi nổi nhất.

Suốt nhiều thập niên, thể thao vẫn luôn là một trong những lĩnh vực mà các nhà hoạt động nữ quyền tranh đấu sôi nổi nhất.

Do đặc thù tiếp xúc liên tục và trực tiếp với báo chí và người hâm mộ, so với những môi trường làm việc khác, sân chơi thể thao luôn dễ dàng phơi bày những vấn nạn nhức nhối.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Phụ nữ luôn thiệt thòi

Phụ nữ gặp nhiều bất lợi hơn nam giới trong thể thao là thực tế khó phủ nhận. Cuối năm 2023, tạp chí Runner World công bố bài báo khoa học về hội chứng thiếu hụt năng lượng tương đối (RED) - căn bệnh đang làm đau đầu nhiều VĐV chạy bộ. 

Hội chứng này xảy ra khi một người tập luyện quá sức và/hoặc ăn uống quá ít trong thời gian dài nhằm cố gắng cải thiện thành tích.

Thoạt nghe, RED hoàn toàn... bình đẳng giới, nhưng theo khảo sát của Đài BBC, đã có nhiều VĐV nữ đánh mất phong độ, thậm chí là cả sự nghiệp vì RED. Một số cái tên nổi bật là Pippa Woolven và Mary Cain. Một khảo sát khác cho thấy tỉ lệ VĐV nữ bị RED (từ nhẹ đến nặng) lên đến hơn 40%, gấp nhiều lần so với nam giới.

RED rõ ràng là một dạng bệnh tình phổ biến đến từ thói quen sinh hoạt hết sức thông thường của giới thể thao - tập nhiều nhưng phải ăn ít để giữ cân. Và kể cả trong dạng bệnh lý phổ biến như vậy, phụ nữ vẫn gặp nhiều nguy hiểm hơn. 

Nguyên nhân cũng tương tự những khó khăn sinh học khác mà phụ nữ thường phải đối mặt. Đó là chu kỳ kinh nguyệt, thiên chức làm mẹ, cũng như những rào cản khác về chế độ tập luyện.

Trước những bất lợi vì đặc tính sinh học, các nhà hoạt động nữ quyền đành bó tay. Nhưng những vấn đề xã hội lại là chuyện khác.

Hồi Olympic Tokyo năm 2021, chủ nhà Nhật Bản từng hứng chịu vô vàn chỉ trích vì sắp xếp giờ thi đấu trận chung kết bóng đá quá khó khăn cho các cô gái. Ban đầu, trận chung kết bóng đá nữ được lên lịch vào lúc... 11h trưa. 

Thời điểm giữa trưa ở Tokyo, nhiệt độ vào khoảng 33-35oC, nhiệt độ cảm nhận thực tế có thể lên đến 47oC. Trong khi đó, các cầu thủ bóng đá nam được chơi trận chung kết vào khoảng thời gian chiều tối quen thuộc.

Trong tính toán ban đầu, ban tổ chức dự định tổ chức trận chung kết ở sân trung tâm, nhưng phải nhường giờ thi đấu đẹp cho các nội dung chung kết của môn điền kinh - cuộc chơi thu hút nhiều khán giả hơn. 

Quyết định này bị chỉ trích là thiếu nhân văn vì không suy nghĩ cho sức khỏe của nữ cầu thủ. Sau cùng, chủ nhà phải nhượng bộ, đổi giờ thi đấu sang buổi tối, nhưng tiến hành trận đấu ở một sân bóng kém quy mô hơn.

Khi thể thao ngày một thương mại hóa, những cuộc đấu kém hấp dẫn hơn phải nhường "giờ vàng" cho các cuộc đấu thu hút khán giả là dễ hiểu. 

Nhưng mặt khác, những người quản lý phải luôn đảm bảo các yêu cầu sức khỏe. Khi họ sẵn sàng đẩy các cô gái vào điều kiện thi đấu nguy hiểm chỉ để đảm bảo lịch phát sóng truyền hình thuận tiện, đó thực sự là phân biệt đối xử.

Tối và sáng

Rào cản về thể chất, khó khăn trong thu nhập và vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục vẫn đang cản trở thể thao nữ, vẫn len lỏi vào làng thể thao đỉnh cao một cách khó tin, bất chấp những hoạt động mạnh mẽ của các nhóm nữ quyền.

Hơn 5 năm trước, cả thế giới chấn động khi vụ bê bối Larry Nassar bị phanh phui ở Mỹ. "Bác sĩ ác quỷ" là biệt danh truyền thông đặt cho Nassar: gã bác sĩ đồi bại đã xâm hại tình dục 265 nữ VĐV, gồm nhiều người vị thành niên, trong suốt 20 năm trời. 

Nassar không thể làm được như vậy nếu không có sự tiếp tay của cả hệ thống Liên đoàn Thể dục dụng cụ quốc gia (USAG). Trong đó, tội đồ lớn nhất - HLV lừng danh John Geddert - đã tự sát vào năm 2021, sau khi bị cáo buộc hơn 20 tội danh buôn người, cưỡng bức lao động, kinh doanh tình dục...

Là HLV trưởng của tuyển thể dục dụng cụ Mỹ tại Olympic 2012, Gedder đã đào tạo rất nhiều cô gái trẻ và y nổi tiếng bởi phương thức huấn luyện hà khắc, có thể nói là tàn bạo, khiến nhiều VĐV trẻ khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, lo âu. 

Đó chính là những "con mồi" của Nassar - người có quan hệ mật thiết với Geddert. Y an ủi các cô gái dưới danh nghĩa hỗ trợ tâm lý, rồi tiến hành hành vi đồi bại. Suốt gần 2 thập niên, USAG đã nhắm mắt làm ngơ trước những điều tiếng liên quan đến Nassar.

Vụ bê bối thể dục dụng cụ Mỹ trở thành vết nhơ không thể xóa nhòa trong lịch sử thể thao, là bài học đau đớn cho những hoạt động bảo vệ nữ giới trước vấn nạn xâm hại tình dục trong thể thao. 

Sau trận chung kết World Cup nữ 2023, vấn đề một lần nữa trở nên nóng bỏng, với vụ ép hôn cầu thủ Jenni Hermoso của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) Luis Rubiales. Trước sự công kích dữ dội của dư luận, Rubiales phải từ chức và hiện vẫn đối mặt với cuộc chiến pháp lý.

World Cup nữ 2023 để lại cả những tranh cãi ồn ào và những dấu ấn đẹp. Việc mở rộng quy mô từ 24 lên 32 đội tạo thêm cơ hội cho những nền bóng đá ít tên tuổi góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, cụ thể là các nước Hồi giáo. 

Một ví dụ là Morocco, đội bóng đầu tiên thuộc thế giới Ả Rập tham dự World Cup nữ. Hậu vệ Nouhaila Benzina cũng trở thành cô gái đầu tiên mang khăn trùm hijab truyền thống bước ra sân cỏ thế giới. Đó là một hình ảnh đẹp nhiều ý nghĩa bởi hiện nhiều nước Hồi giáo thậm chí vẫn cấm CĐV nữ vào sân bóng đá.

Những đấu tranh không ngừng của phong trào nữ quyền đã dẫn tới thay đổi nơi giới quản lý thể thao. VĐV nữ được đối xử ngày càng công bằng hơn về nhiều mặt, được bảo vệ khỏi những vấn đề kỳ thị và lạm dụng, cũng như có mức thu nhập xứng đáng hơn.

Quần vợt là môn đi đầu trong xác lập mức thưởng cân bằng giữa hai giới. Tất nhiên điều này còn bởi chất lượng và sức thu hút khán giả của các trận đấu quần vợt nữ chẳng kém gì những nội dung nam. 

Thống kê cho thấy thu nhập trung bình của các tay vợt nữ trong top 100 là hơn 1 triệu USD/năm, trong khi của các đồng nghiệp nam là 1,5 triệu USD. Ở môn golf, thu nhập của VĐV nữ bằng khoảng 1/3 nam giới, với bóng đá là 1/10, trong khi bóng rổ là tận 1/100.

Các trận bóng đá nữ có thể khó hấp dẫn bằng bóng đá nam, và chuyện đòi hỏi mức lương tương đồng là bất khả, nhưng cuộc đấu tranh nữ quyền có thể vĩnh viễn xóa sổ những kẻ như Nassar, và khuyến khích những người như Benzina bước ra sân đấu chuyên nghiệp, để các cô gái có thể theo đuổi con đường VĐV một cách thảnh thơi.■

Lực cản từ phụ huynh

Theo tổ chức Women in Sport, những chỉ số quan trọng để đánh giá "nữ quyền trong thể thao" là việc cha mẹ tạo điều kiện cho con cái, và tỉ lệ phụ nữ trung niên tham gia thể thao. Theo khảo sát, chỉ 30% cha mẹ muốn con gái chơi thể thao nghiêm túc, thấp hơn nhiều so với mức gần 50% với con trai. Đồng thời có ít nhất 1/3 phụ nữ trung niên trên toàn thế giới không hề tập thể dục thể thao, với một phần nguyên nhân đến từ định kiến xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận