Công chúa mồ côi

BẢO LIÊN 24/11/2014 06:11 GMT+7

TTCT - LTS: Trong số các phản hồi cho loạt “Cha mẹ trực thăng” (xem TTCT từ số ra ngày 19-10-2014), bên cạnh những bài viết chỉ trích việc cha mẹ “bao cấp” hoặc “trực chiến” quá mức là những bài viết ở chiều ngược lại.

Minh họa: Bích khoa
Minh họa: Bích khoa

TTCT giới thiệu hai ý kiến này.

1. Ngày xưa xem phim hoạt hình Bạch Tuyết & bảy chú lùn, Lọ Lem, Công chúa ngủ trong rừng, Giai nhân và quái vật... tôi thường hay băn khoăn một điều: Vì sao các nàng công chúa ấy đều mồ côi, thiếu vắng tình yêu thương, sự chăm sóc của cha mẹ? Tôi khóc cho các nàng công chúa và khóc cho mình. 

Tôi có thể tự lập trong công việc, trong cuộc sống nhưng lòng tôi chông chênh, nghiêng ngả, mất phương hướng. Tôi luôn phải kìm nén ý muốn cầu cứu mẹ trong mọi việc. Tôi tự lập một cách cô đơn, buồn tủi như cô công chúa mồ côi ngày xưa ấy.

Cha mẹ ly dị từ khi tôi còn nhỏ, tôi sống với mẹ và ít khi gặp cha. Cha tôi thiếu trách nhiệm đến nỗi tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu vắng ông. Tôi hoàn toàn không cần đến cha, hình ảnh ông bị xóa nhòa hẳn trong lòng và cả trong trí nhớ của tôi.

Tôi dửng dưng với cha bao nhiêu thì lại cần có mẹ bấy nhiêu.

2. Mẹ tôi là một nhà báo, có cách hành xử riêng của mình. Trong khi các bạn tôi được nuôi dạy như những con “gà công nghiệp” chính hiệu, với những ông bố bà mẹ “trực thăng cứu hộ”, thì mẹ lại rèn tôi theo một cách khác. 

Nghe bà ngoại kể lại lúc nhỏ tôi nhõng nhẽo ghê lắm, khóc nhề nhệ suốt ngày đòi ẵm nhưng mẹ kiên quyết không bồng. Khi tôi khóc đòi, mẹ bỏ tôi vào xe nôi đẩy đi chơi chứ nhất quyết không ôm vào lòng như hầu hết bà mẹ khác. Mẹ không muốn tôi “quen hơi” mẹ vì mẹ còn phải đi công tác dài ngày, tôi phải tập xa mẹ từ thuở nằm nôi.

Mẹ tôi là người đàn bà cứng rắn. Từ khi chia tay cha tôi cho đến bây giờ, 15 năm qua, chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc một lần nào. Tôi được dạy dỗ phải kiềm chế lòng mình ngay từ tuổi mầm non.

Ngày đầu tiên đến lớp mẫu giáo, sau khi hôn từ giã và trao tôi vào tay cô bảo mẫu, mẹ quay lưng đi ngay không một lần nhìn lại. Tôi, nước mắt nhạt nhòa, cố dõi tìm bóng mẹ trong số các bà mẹ đứng lấp ló trước cửa trường nhưng tuyệt nhiên không thấy.

Tôi dần quen với việc đó, thôi không hi vọng, không tìm kiếm mẹ nữa. Buổi sáng từ giã mẹ vào lớp, trong khi các bạn khác khóc ầm ĩ, riêng tôi cố hết sức kìm nén nước mắt. Không hiểu vì sao tôi phải vất vả kìm giữ như vậy trong khi tôi chỉ muốn òa khóc mà thôi.

Tôi rưng rưng nhìn theo mẹ cho đến khi khuất hẳn, lòng ao ước mẹ hãy quay lại nhìn tôi một lần...

3. Thử thách cam go đến với tôi ngày đầu vào lớp 1. Tôi ngồi cạnh một con bé đáo để, nó đánh tôi, cào rách tay tôi ngay khi vừa vào lớp. Và sau đó, ngày nào bạn cũng đánh tôi, lấy bút thước, gôm tẩy của tôi, giành giật và ăn hết bánh kẹo của tôi...

Về méc mẹ, mẹ bảo tôi nên méc cô giáo. Tôi méc cô nhưng yên ổn chỉ được một hôm, ngày mai tình trạng ấy tái diễn. Tôi năn nỉ mẹ vào lớp can thiệp giúp, rầy la cho con bé kia sợ, nhưng mẹ đưa tôi cây thước bảo: 

- Con phải mạnh dạn lên, tự giải quyết lấy chuyện của con.

Tôi không biết tự giải quyết bằng cách nào ngoài việc chịu đựng và khóc lóc. Vì sự yếu đuối đó của mình, tôi cũng không dám méc mẹ nữa. 

Tôi là con của mẹ nhưng tôi không thể, không bao giờ giống mẹ.

Hằng ngày tôi đi bộ đến trường một mình. Mẹ tôi bận nhiều việc và phải đi công tác. Đồng thời mẹ muốn tôi “tự làm lấy mọi việc” - đó là nguyên tắc dạy con của mẹ. Nhìn bạn bè cùng lớp và cả các anh chị lớp trên được cha mẹ đưa rước tận cổng, tôi thèm được như vậy lắm, tôi xấu hổ vì sự lẻ loi của mình. 

Mẹ dạy dỗ và đề cao tính tự lập. Khi mẹ đi công tác, tôi tự lo liệu tất cả. Mới 10 tuổi tôi có thể nấu cơm, chiên trứng, nấu canh rau..., nghĩa là tự nấu bữa ăn đơn giản cho mình, tự giặt đồ, ủi quần áo... sống một mình trong vài ngày vắng mẹ.

Các cô, các chú trong cơ quan của mẹ và xóm giềng ai cũng khen tôi ngoan, giỏi... Tôi lại không thấy hãnh diện chút nào, chỉ thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi - một cô công chúa mồ côi trong truyện cổ tích.

Tôi thèm được mẹ chăm sóc, âu yếm, thắt bím cột nơ trên tóc như các bạn đồng trang lứa. Tôi mong ước có “cha mẹ trực thăng” như trong câu chuyện “Việc gì cũng hỏi mẹ thôi...”. 

4. Nếu như “việc gì cũng hỏi mẹ” thì tôi đã không đau khổ đến thế ở mối tình đầu của mình. Năm đầu tiên của cấp trung học phổ thông, tôi đã yêu. Biết chuyện, mẹ chỉ nói nhỏ nhẹ:

- Bây giờ con còn trẻ, tình cảm chưa ổn định đâu, rồi đây con hoặc “kẻ kia” sẽ thay đổi tình cảm. Hãy khoan yêu, hãy để dành những cảm xúc ban đầu thiêng liêng ấy cho một người xứng đáng hơn, một tình cảm bền chặt hơn. Mẹ chỉ đưa ra ý kiến như vậy để con tham khảo, có thể bây giờ con không muốn nghe mẹ, nhưng con hãy từ từ suy nghĩ về lời khuyên của mẹ. 

Rồi mẹ không nói gì nữa, để mặc tôi trải nghiệm tình cảm đầu đời. Đối với tôi lúc ấy thì “kẻ kia” quả là... xứng đáng rồi. Ôi, giá như mẹ la rầy, cấm đoán quyết liệt thì tôi đã có thể dứt ra khỏi mối tình buồn bã đó sớm hơn... 

“Việc gì cũng hỏi mẹ thôi” nghe có vẻ trẻ con nhưng tôi muốn được như vậy. Tôi tin chắc rằng mẹ tôi nói chỉ có đúng, và mẹ chỉ mong muốn cho tôi điều tốt đẹp. Vậy tại sao mẹ không chìa cho tôi, khi ấy, một cánh tay?

Tôi có thể tự lập trong công việc, trong cuộc sống nhưng lòng tôi chông chênh, nghiêng ngả, mất phương hướng. Tôi luôn phải kìm nén ý muốn cầu cứu mẹ trong mọi việc. Tôi tự lập một cách cô đơn, buồn tủi như cô công chúa mồ côi ngày xưa ấy.

Mẹ giáo dục tôi tính tự lập, mạnh mẽ thì tôi tự lập và mạnh mẽ. Nhưng đó không phải con người tôi, không phải tính cách của tôi. Lẽ nào mẹ tôi không biết?! 

_______________________

Ước gì bố tôi "trực chiến" chặt chẽ hơn

Các bạn trẻ bây giờ thường ta thán bị quản thúc kỹ quá, mất cả sáng tạo và hồn nhiên, cứ như robot được lập trình từng bước một trong cả cuộc đời. Riêng kinh nghiệm bản thân tôi nhận thấy mình sẽ thành công hơn nếu có được “trực thăng” nghiêm khắc!

Tuổi thơ tôi gắn liền với một làng quê Bắc bộ, nhờ chế độ của viên chức cấp cao ở tỉnh của bố mà cuộc sống không đến nỗi nào, song cũng vì thế mà ông trực ở cơ quan suốt, thường cuối tuần mới về nhà nên chúng tôi ít được gần bố.

Mẹ tôi bệnh tim, ra vào bệnh viện suốt, vì vậy anh em tôi cũng không gần mẹ bao nhiêu. Nhưng mẹ luôn tranh thủ dạy bảo con cái từng chút một, nhờ vậy 6 tuổi tôi đã biết nấu cơm, 8 tuổi tôi biết câu cá, 10 tuổi tôi soi ếch đã giỏi. Quét dọn, khâu vá, cả chợ búa anh em tôi làm được tất.

Bà luôn cho rằng các con dẫu bé vẫn phải tập chăm sóc bản thân và tự chịu trách nhiệm, ngộ nhỡ xa bố mẹ mới không bị đói. Có lẽ ý thức sức khỏe của mình, bà cố rèn giũa và gần gũi hai đứa con trai bất kể khi nào có thể. 

Ngược lại bố tôi phần tính xuề xòa, phần ỷ đã có mẹ bảo ban, phần cả tuần xa cách nên cuối tuần gặp gỡ là chiều chuộng vợ con hết mực, chẳng bao giờ ông đe nẹt chúng tôi. 

Bệnh tim trở nặng, mẹ ra đi đột ngột lúc tôi vừa sang tuổi 14, còn đứa em mới vào cấp II. Khi ấy bố tôi vẫn đương chức trên tỉnh nên hai anh em lúc lủi thủi ở quê, lúc lon ton theo bố. Bố tôi vẫn vậy, hiền lành, đơn giản, có gì ngon đẹp cũng dành cho con, song chẳng mấy quan tâm chúng tôi suy nghĩ và hành xử ra sao. 

Khi tôi ra Hà Nội học đại học thì ông hưu trí và về quê cưới vợ mới, từ đấy bố con càng xa nhau... Cũng vì vậy mà thằng em tôi đang học cấp III tại thị trấn bất mãn bỏ lớp.

Bố chẳng nghiêm trị, chỉ động viên dăm ba câu rồi buông xuôi, thở dài nhìn nó lang bạt đánh chắn, tụ tập bạn bè bán buôn vớ vẩn, thỉnh thoảng tạt qua nhà chớp nhoáng mà bố con vẫn lặng thầm như hai chiếc bóng.

Tại Hà Nội tôi học ngành không phù hợp, bỏ ngang thi lại ngành khác ông cũng chả tìm hiểu nhiều, chỉ biết bán đất thêm học phí cho con. Tôi tập tành hút thuốc, uống rượu, đánh nhau... ông biết cả, nhắc nhở vài lời chứ không kiên quyết chấn chỉnh.

Tốt nghiệp, tôi lần hồi “Nam tiến” ông chỉ gật gật vẻ đồng ý mà chẳng khuyên bảo gì nhiều. Ngày tiễn đưa, bố nhìn tôi chan chứa yêu thương và bất lực, phải chăng ông ở thế hồi bé xa con nên lớn rất khó gần con? Giờ thêm gia đình mới càng thấy mình chẳng dễ bắt nhịp với con riêng? Khoảng cách tuổi tác và địa lý làm chệch nhau về cách sống, cách làm?...

Năm sau em trai tôi bị tai nạn giao thông mất trong một chuyến đi buôn, bố buồn suy sụp, ông lặng lẽ thu xếp đời mình rồi cũng ra đi vài năm sau đó. 

Từ đấy tôi mồ côi hoàn toàn, song thật ra hầu như tôi đã tự lo thân từ ngày mất mẹ. Những trăn trở trong việc học, lo lắng trong công tác, băn khoăn trong các mối quan hệ đều tự xoay xở thôi, do đó tôi va vấp rất nhiều, tự đúc kết rồi tự đứng lên, không ít lần trả giá xót xa.

Hiện thời tôi rắn rỏi và tạo dựng được cơ ngơi kha khá song chưa dám nhận là thành đạt khi vẫn vướng nhiều thói tật và cô đơn. Nhiều đêm tôi ước chi mẹ sống bên tôi nhiều hơn, bố gần gũi và nghiêm khắc hơn thì chắc em trai tôi không ra đi sớm vậy, chắc cuộc đời tôi sẽ thành công và hạnh phúc hơn. 

Giờ đây tôi trở thành ông bố “trực thăng” đáng yêu, gần gũi, sẻ chia chứ không đơn thuần là giám sát con trẻ, bởi tuổi thơ con trôi qua rất mau, để gia đình tôi không bao giờ phải hối tiếc “giá mà...”.

NGUYỄN QUANG ĐẠO (Bình Thạnh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận