Chuyển đổi số chuyển đổi tương lai
Việt Nam trỗi dậy số
9X Hà Nội số hoá bảo tàng, hoạt hình
Công dân số ở Đà Nẵng
Doanh nghiệp FDI đào tạo nhân lực số
Người trẻ thúc đẩy y tế số
“Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào ngày 26-1-2021”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào ngày 26-1-2021.
Khái niệm chuyển đổi số - áp dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh và mô hình quản lý - đã trở thành từ khóa phổ biến trong các chương trình nghị sự quan trọng của Việt Nam kể từ năm 2018. Đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Nhờ tinh thần tiến công, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu về “trỗi dậy số” ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong 3 năm qua, theo báo cáo Digital Riser Report 2021 của Trung tâm Cạnh tranh số châu Âu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. “Năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng cho biết.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia nhận định các cơ hội và thách thức đan xen của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam)
3 dấu ấn chuyển đổi số
Có thể nói 2021 là “năm của đại dịch”, khi hầu hết thời gian trong năm, người dân Việt Nam chúng ta phải gồng mình chống chọi với COVID-19. Tuy nhiên chính trong nghịch cảnh đó, chuyển đổi số tại Việt Nam được thúc đẩy nhanh chóng với 3 dấu ấn nổi trội. Ứng dụng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 là dấu ấn đậm nét nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều ứng dụng chống dịch đã được các doanh nghiệp trong nước phát triển và đưa vào sử dụng. Tất nhiên bên cạnh mặt tích cực, việc ứng dụng công nghệ vẫn còn nhiều sự chồng chéo gây bối rối cho người dân và lãng phí.
Hai là thử nghiệm dịch vụ 5G tại nhiều thành phố ở Việt Nam. Đó là dấu mốc lớn khẳng định chúng ta bắt nhịp được với xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Không chỉ vậy, chúng ta còn sản xuất được thiết bị 5G, tạo ra triển vọng làm chủ công nghệ và cơ hội kinh doanh. Việc đầu tư triển khai 5G cũng cho thấy Việt Nam dám chấp nhận thách thức về hiệu quả kinh tế và cạnh tranh nhằm phục vụ cho lộ trình phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin của quốc gia.
Dấu ấn thứ ba là công tác truyền thông về chuyển đổi số. Giới truyền thông đã gây ấn tượng rất mạnh, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong năm 2021. Không chỉ vậy, truyền thông còn góp phần lớn vào việc liên kết và thúc bách các đối tượng tham gia vào chuyển đổi số. Kết quả là Việt Nam đã có một phong trào chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ và quyết liệt.
“Phát huy nội lực của mình, chúng ta cần hoàn thành các Mục tiêu Bogor, Tầm nhìn Putrajaya, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ, thúc đẩy hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị cấp cao APEC lần 28 vào ngày 12-11-2021.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham quan, trải nghiệm 5G của Viettel - Ảnh: ĐN
Theo tôi, để phát triển nhanh, mạnh và đúng, chuyển đổi số Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức. Một là thách thức về sự đổi mới của cơ quan hành pháp. Phải đổi mới để tạo môi trường pháp lý lành mạnh, có động lực cho phát triển và chấp nhận sáng tạo, đột phá, khác biệt.
Hai là thách thức về gương mẫu của Chính phủ. Chuyển đổi số của Chính phủ, tiêu dùng của Chính phủ phải vừa là định hướng tiêu dùng vừa là động lực cho sản xuất, và là hình mẫu cho chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực.
Cuối cùng là thách thức về triển khai các kịch bản, chương trình, đề án chuyển đổi số. Chúng ta có nhiều kịch bản lớn, nhưng vẫn phải có kịch bản bám sát thực tế và nhạc trưởng. Lấy ví dụ, việc triển khai kịch bản lúng túng và thiếu vai trò nhạc trưởng vừa qua đã gây tình trạng loạn ứng dụng chống dịch, gây lãng phí nguồn lực rất lớn trong doanh nghiệp, xã hội và người dân.
Do đó, theo tôi, để chuyển đổi số thành công, Việt Nam cần phải bám sát đề án quốc gia song song với việc học tập kinh nghiệm từ các nước. Nếu Việt Nam muốn nhảy vọt và đuổi kịp về chuyển đổi số với thế giới, một Chính phủ quyết tâm và hành động sẽ đóng vai trò quyết định. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân luôn luôn phải làm trong suốt cả quá trình chuyển đổi số.
Phải có tư duy đột phá
Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30-11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuyển đổi số trong những năm qua đã được thực hiện tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng trong điều kiện của một nước đang phát triển.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: xếp hạng về chính phủ điện tử còn thấp (đứng thứ 6 trong các nước ASEAN); môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa theo kịp sự phát triển; một số cơ quan chưa thật sự coi trọng chuyển đổi số; kết nối các nền tảng số còn mất nhiều thời gian, gây lãng phí nguồn lực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
TS Jacques Morisset (chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)
Thành bại phụ thuộc người lao động
“Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp”
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vào ngày 30-11-2021.
Kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt mục tiêu trở thành kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không hề đơn giản.
Theo một phân tích của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động. Quá trình số hóa sẽ vừa làm mất đi vừa tạo ra việc làm. Tại các ngành mà công nghệ có thể thay thế con người, công việc sẽ mất đi, trong khi sẽ có việc làm mới trong những ngành cần sự bổ trợ tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề.
Việt Nam muốn thành công trong quá trình chuyển đổi số cần phải tập trung nguồn lực nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước. Nếu không, Việt Nam sẽ thu được rất ít thành công hoặc không nhiều như mong đợi từ quá trình này vì nhiều người Việt Nam sẽ không thể tìm được việc làm.
Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động Việt Nam là trong tầm tay. Chúng tôi cho rằng Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cho người lao động. Không những cần hành động quyết liệt hơn, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để giúp họ đưa ra quyết định. Các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần được nâng cao chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động có chuyên môn cao gia nhập hoặc quay trở lại làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính trong quá trình đào tạo những kỹ năng mới. Những quốc gia thành công nhất về chuyển đổi số như Singapore hay Hàn Quốc đã thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp này.
Ông Nguyễn Văn Khoa (tổng giám đốc Tập đoàn FPT)
Vượt qua dịch bệnh nhờ nền tảng số
Để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021, đặc biệt là ở khu vực TP.HCM, chúng tôi đưa ra phương án thay đổi về mặt quản trị điều hành. Những thay đổi này gồm: Chỉ huy chống dịch quyết liệt; đổi mới các hoạt động kinh doanh của mình; vận hành một cách linh hoạt dựa trên kết quả của chuyển đổi số đem lại trong suốt thời gian vừa qua.
Trong suốt 3 đến 4 năm vừa qua, chúng tôi tập trung vào hoạt động chuyển đổi số của Tập đoàn FPT và đến khi đối diện làn sóng lần thứ 4, FPT đã có một nền tảng số tốt. Nền tảng số đó là gì? Thứ nhất, chúng tôi chuyển toàn bộ môi trường làm việc tại văn phòng được bảo mật, quy trình hóa, sắp xếp mọi thứ theo lịch làm việc và mang môi trường ấy về nhà.
Thứ hai, chúng tôi có một nguyên tắc: đưa tất cả hoạt động của FPT về zero paper (không giấy tờ). Chúng tôi đã áp dụng và đưa vào rất nhiều giải pháp của FPT để giải quyết một cách quyết liệt, đó là hợp đồng hoá điện tử, hoá đơn điện tửgiao việc điện tử, nhận việc điện tử. Trong thời gian giãn cách, vào lúc cao điểm có đến 85% nhân sự làm việc tại nhà, kết quả là chúng tôi đã tăng được 15% năng suất.
Tôi nghĩ rằng kết quả của chuyển đổi số, sự sẵn sàng về công nghệ đã giúp chúng tôi có được thành tựu như vậy. Chúng tôi dự báo rằng dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen khó lường, chỉ có một điều chắc chắn rằng công nghệ sẽ giúp cho doanh nghiệp linh hoạt hơn, nhờ thế chúng ta sẽ kinh doanh, sản xuất an toàn hơn.
“Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp đang còn 1 tỉ USD mà chưa tiêu được do những vướng mắc về luật. Nếu dùng số tiền này cho doanh nghiệp chuyển đổi số thì quá tốt. Nếu có vướng mắc gì về mặt luật pháp, chúng ta phải tháo gỡ”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vào ngày 5-12-2021.
Không cần tự mình đặt chân đến bảo tàng, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Cũng nhờ chuyển đổi số, trẻ em có thể học lập trình từ xa với các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới và xem phim hoạt hình được “chuyển thể” từ các bộ truyện tranh.
Những ngày Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ hai, không ít người dành nhiều thời gian rảnh rỗi để khám phá nền mỹ thuật nước nhà qua ứng dụng iMuseum VFA. Ứng dụng tái hiện 100 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được sắp xếp một cách logic và dễ hiểu theo sơ đồ trực tiếp tại bảo tàng hay theo các bộ sưu tập: Bảo vật quốc gia, Phụ nữ Việt Nam, Một thời Hà Nội...
Đưa văn hóa việt ra thế giới
Không chỉ khám phá được các tác phẩm mỹ thuật từ xa, nếu có cơ hội đến bảo tàng, người dùng còn có thể quét mã QR hoặc nhập số hiệu được gắn trên bảng mô tả hiện vật để đọc thông tin về tác phẩm được trưng bày. Cai Thái Hoàng Uyên (sinh năm 1994), quản lý dự án này, cho biết: “Đây là ứng dụng đa phương tiện đầu tiên trong việc hỗ trợ khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hỗ trợ đa ngôn ngữ lên đến 8 ngôn ngữ. Bằng ứng dụng này, nhiều người trên thế giới có thể tiếp cận với di sản văn hóa một cách dễ dàng hơn”.
Nói về việc cơ duyên thực hiện ứng dụng chuyển đổi số các tác phẩm trong bảo tàng, Hoàng Uyên cho biết năm 2018 Uyên và các cộng sự có cơ hội tham gia một buổi triển lãm tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng và nảy sinh ý tưởng từ đó. “Mình rất ngạc nhiên khi nghe thuyết minh về di sản văn hóa Việt Nam quá hay nhưng lại rất ít người có thể biết được thông tin ấy. Là những người trẻ yêu văn hóa Việt Nam, có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, mình ý thức được cần phải làm điều gì đó để đưa văn hóa Việt Nam đến với toàn thế giới”.
Bằng ứng dụng iMuseum VFA, du khách được trải nghiệm tham quan hỗ trợ đa phương tiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi quét mã QR hay nhập số hiệu hiện vật tại bảo tàng - Ảnh: NVCC
Từ quá trình số hóa dữ liệu cho đến việc xây, đập rồi lại xây hơn 160 phiên bản thử nghiệm để có được sản phẩm cuối cùng, Hoàng Uyên cho rằng nếu muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật thì trước hết phải hiểu được quy trình, giá trị nghệ thuật, các hạn chế còn tồn đọng khi tham quan truyền thống và cả nhu cầu của du khách.
“Tôi rất bất ngờ khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam áp dụng ứng dụng này để nâng cao trải nghiệm tham quan của du khách, dù cho ở nước chúng tôi, Bảo tàng Lourve đã áp dụng. Dành nhiều sự quan tâm cho mỹ thuật Việt Nam, nhưng khi lần đầu đến bảo tàng, tôi lại không tiếp cận được nhiều thông tin. Tuy nhiên với ứng dụng iMuseum VFA, khi quét mã QR hay tham quan online, tôi được hỗ trợ ngôn ngữ để tìm hiểu câu chuyện của các tác phẩm - một trong những điều kéo tôi đến gần với mỹ thuật Việt Nam hơn. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè mình” - Jay Gottlieb, du khách Pháp, hào hứng chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ.
“Tôi rất bất ngờ khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam áp dụng ứng dụng này để nâng cao trải nghiệm tham quan của du khách, dù cho ở nước chúng tôi, Bảo tàng Lourve đã áp dụng. Dành nhiều sự quan tâm cho mỹ thuật Việt Nam, nhưng khi lần đầu đến bảo tàng, tôi lại không tiếp cận được nhiều thông tin. Tuy nhiên với ứng dụng iMuseum VFA, khi quét mã QR hay tham quan online, tôi được hỗ trợ ngôn ngữ để tìm hiểu câu chuyện của các tác phẩm - một trong những điều kéo tôi đến gần với mỹ thuật Việt Nam hơn. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè mình”
Jay Gottlieb, du khách Pháp, hào hứng chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ.
Series phim hoạt hình: “Lớp học Mật ngữ: Show your star” ra mắt tháng 12-2020 là sản phẩm chuyển đổi số từ bộ truyện tranh Lớp học Mật ngữ được nhiều người hâm mộ bộ truyện này hưởng ứng Ảnh: NVCC
Học lập trình, xem hoạt hình
Nguyễn Hà San, người sáng lập trường học công nghệ MindX Technology School và là một trong 30 gương mặt xuất sắc người Việt dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes bình chọn, cho biết nhờ việc chuyển đổi số trong giáo dục mà MindX giúp cácbạnởxacócơhộiđượctiếp cận với lập trình. Có 1/4 là các bạn học sinh đến từ các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Bình Dương, Thanh Hóa... thậm chí xa hơn là Hà Giang, Yên Bái hoặc đang sống ở nước ngoài.
Đồng thời giảng viên cũng đa dạng hơn rất nhiều, có những giảng viên là những kỹ sư trong các công ty hàng đầu của thế giới như Google, Shopee, Ninja Van - những người mà nếu chỉ học offline thì các học sinh không có cơ hội tiếp cận.
“Rõ ràng môi trường học trực tuyến không quen thuộc với cả nhà trường, học sinh, phụ huynh nên tất cả đều phải học cách làm quen, thích nghi và tối đa hiệu quả với việc học này. Thực tế không giống sự lo sợ của người lớn, các em nhỏ thích nghi nhanh hơn nhiều với người lớn, thực tế phần lớn các em học trên nền tảng online vẫn đạt được hiệu quả về mặt kiến thức tương đương với offline. Vì các em sinh ra lớn lên trong thời đại số hóa, nên các em là digital natives (cư dân số), chứ không phải digital immigrants (người nhập cư số) như người lớn chúng ta” - cô gái trẻ sinh năm 1994 chia sẻ.
MindX hoạt động từ năm 2015 tại Hà Nội, ban đầu với cái tên Techkids, là nơi có lộ trình học lập trình khởi đầu từ ngay cấp I, II, III cho tới đại học và đi làm chuyên nghiệp, cam kết việc làm tại Việt Nam và thế giới. Đến nay MindX đã từng giảng dạy hơn 15.000 học sinh, từ các bạn 9 - 15 tuổi cho đến các bạn sinh viên muốn tìm kiếm cơ hội tốt ở cả Việt Nam và các quốc gia khác.
Trong bối cảnh đại dịch 2020 - 2021, anh Ngô Anh Tuấn - nhà sáng lập của EverJoy (các sản phẩm giải trí hoạt hình) và BGVN (một trong những thương hiệu board game lớn nhất Việt Nam) - đã có cơ hội để quyết đoán hơn với những điều mà doanh nghiệp từng do dự trước đây. Anh Tuấn nhận ra việc chuyển đổi số là tất yếu để tăng khả năng cạnh tranh cũng như tìm được cơ hội sống sót và phát triển trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này. Anh Tuấn “khoe” nhờ chuyển đổi số anh cũng tìm được những thị trường tiềm năng, ít cạnh tranh hơn.
“Có thể kể đến một vài thành tựu nhỏ nhưng rất đáng tự hào như với Lớp học Mật ngữ, chúng tôi đã chuyển đổi số trải nghiệm của các bạn hâm mộ bằng series phim hoạt hình Lớp học Mật ngữ: Show your star vô cùng thân thương và đáng yêu, hoàn toàn miễn phí để các bạn có thể tận hưởng và gặp gỡ các nhân vật trong lớp học mật ngữ một cách gần gũi và dễ dàng” - anh Tuấn tự hào kể.
Cần quyết tâm lớn
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Ngọc Bảo, giám đốc vận hành Base.vn (nền tảng cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện dành cho doanh nghiệp), nói với những doanh nghiệp nhỏ, chuyển đổi số thực sự là một vấn đề khó bởi phải cân nhắc và tính toán rất nhiều về tình hình kinh doanh và sự phát triển chung của tổ chức cũng như sự sống còn của doanh nghiệp mình.
Theo ông Bảo, với những doanh nghiệp lớn hơn, vấn đề quan trọng nhất chính là ban lãnh đạo cần phải quyết tâm rất lớn và thực hiện thật sự quyết liệt. Người đứng đầu cần phải duy trì quyết tâm ấy trong suốt cả hành trình, kể từ khi thai nghén cho đến khi thực thi một cách chi tiết với từng bộ phận, phòng ban; hướng dẫn triển khai chi tiết cho chính doanh nghiệp mình.
Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước về chuyển đổi số nói chung và đứng đầu cả 3 nhóm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong năm 2020, theo đánh giá của Bộ Thông tin và truyền thông. Đà Nẵng cũng đoạt giải thưởng Thành phố thông minh châu Á và châu Đại Dương (ASOCIO Smart City) năm 2019 và giải thưởng Thành phố thông minh (VietNam Smart City) năm 2020 và năm 2021.
Sở dĩ Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh là nhờ chính quyền đã quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số với phương châm “hạ tầng phải đi trước một bước”.
8x số hóa giấy đi đường, thẻ đi chợ
Ông Thạch cho biết thành phố rất vui khi Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về chuyển đổi số cả nước trong năm 2020, nhưng theo ông, “đó chỉ mới là bước khởi đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm”.
Theo ông Thạch, thời gian qua Đà Nẵng xác định triển khai ứng dụng công nghệ số gồm 3 trụ cột: hạ tầng, dữ liệu và ứng dụng thông minh. Trong đó hạ tầng đi trước, sau đó đến dữ liệu và ứng dụng thông minh. Trong đó hạ tầng đi trước, sau đó đến dữ liệu để triển khai ứng dụng thông minh. Nhờ sự sẵn sàng về hạ tầng và dữ liệu số, Đà Nẵng đã triển khai trên 20 ứng dụng, đặc biệt là kịp thời ngay để thích ứng với phòng chống dịch COVID-19.
Ông Thạch nêu một ví dụ điển hình chuyển đổi số ở Đà Nẵng được người dân cả nước đánh giá cao là ứng dụng giấy đi đường và giấy đi chợ QR code được triển khai ngay sau 4 ngày để đáp ứng việc mở một số hoạt động kinh tế - xã hội (có hạn chế) sau thời gian “ai ở đâu thì ở yên đó”. Ứng dụng sử dụng các cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh và cơ sở dữ liệu vùng dịch tễ trên địa bàn (đỏ, vàng, xanh) để cấp giấy đi đường QR code và 100% yêu cầu/ đề nghị, xét duyệt và trả kết quả đều qua mạng. Trong 20 ngày, thành phố đã cấp 510.000 giấy đi đường QR code 100% trực tuyến. Việc này tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp khoảng 26 tỉ đồng (chỉ tính tiết kiệm chi phí đi lại để nộp hồ sơ trực tiếp).
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng QR code cho phiếu đi chợ. Trong ảnh: một phụ nữ trình phiếu đi chợ QR code tại chợ Hòa Cường tsrong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Kỹ sư trẻ Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 1987), giám đốc Công ty TNHH MTV công nghệ Astraler và “cha đẻ” của ứng dụng QR code, chia sẻ: “Ban đầu nhìn cảnh phát giấy đi chợ thì mình thấy rất bất cập, làm thủ công phải có một đội ngũ in ra ghi tên đóng dấu, rồi đi phát cho mọi người rất phức tạp. Ngay lập tức mình nghĩ phải làm một cái ứng dụng số hóa việc này để giải phóng nhiều nguồn lực cả về thời gian, công sức và nó sẽ đem lại nhiều tiện ích”.
Anh Cường chia sẻ ý tưởng này lên Facebook với mong muốn chuyển ý tưởng của mình cho mọi người tham khảo. Sau đó, một phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng gọi cho anh vì cho rằng ý tưởng của anh phù hợp với nhu cầu của thành phố và mong muốn hợp tác. Sự hợp tác để tạo ra các ứng dụng thẻ đi chợ, giấy đi đường QR code rất ăn ý và công ty của anh Cường làm miễn phí hoàn toàn, coi đó là sự đóng góp có trách nhiệm của công ty với cộng đồng để chống dịch.
Cùng với đó, thành phố triển khai các ứng dụng khác phục vụ phòng chống dịch COVID-19 chủ động dựa trên dữ liệu khai báo y tế, kiểm soát và phát hiện sớm người có “nguy cơ” để hướng dẫn, thăm khám, xét nghiệm, cách ly kịp thời, tránh phát sinh F0 hoặc lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, sự linh hoạt của Đà Nẵng là ngay khi dịch bùng phát thì trên ứng dụng Danang Smart City bổ sung các phân hệ phòng, chống COVID-19 như khai báo y tế điện tử; đăng ký, quản lý người ra/vào thành phố; đăng ký, quản lý xe vận chuyển hàng hóa vào thành phố; quản lý cách ly F1 tại nhà, bản đồ số CovidMaps, tra cứu thông tin tiêm chủng... Qua khảo sát cho thấy 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên môi trường số ở Đà Nẵng.
Người dân thụ hưởng
Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả xã hội, mỗi người dân sẽ trở thành “công dân thông minh”, “công dân số”. Ở đó họ đóng vai trò cốt lõi, trung tâm và là đối tượng hưởng thụ chính các thành quả, giá trị, lợi ích mang lại từ chuyển đổi số.
Đánh giá về dịch vụ công trực tuyến, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết hiện Đà Nẵng đã triển khai 1.786 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 để phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Ước tính mỗi năm tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp (chỉ tính tiết kiệm chi phí đi lại để nộp hồ sơ trực tiếp) hàng tỉ đồng.
Ông Thái Văn Bình, một người dân ở quận Hải Châu, phấn khởi nói: “Nếu như trước đây tất cả giấy phép xây dựng đều phải làm hồ sơ xin phép trực tiếp thì nay người dân có thêm lựa chọn làm thủ tục xin giấy phép qua mạng rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại nhiều lần”. Ngoài ra, việc số hóa, công khai dữ liệu về đất đai, quy hoạch xây dựng... đã tạo ra môi trường giao dịch, tương tác rất thuận lợi giữa người dân và chính quyền. Thực tiễn cho thấy Sở Tài nguyên và môi trường đã vận hành và khai thác thử nghiệm ứng dụng số hóa dữ liệu đất đai như: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai; vận hành hai cổng thông tin thử nghiệm cung cấp thông tin địa chính, giá đất, quỹ đất, kêu gọi đầu tư đến các tổ chức và công dân. Đồng thời thực hiện liên thông thuế điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế, qua đó rút ngắn được thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính đất đai.
Nhiều dịch vụ công tại TP Đà Nẵng được giải quyết trên ứng dụng Danang Smart City - Ảnh: TẤN LỰC
Đặc biệt, từ cuối năm 2020, Sở Tài nguyên và môi trường tiếp tục vận hành thử nghiệm cổng thông tin đất đai với những dữ liệu luôn được cập nhật. Việc công khai, minh bạch cơ sở dữ liệu đất đai có ý nghĩa rất lớn, tạo thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong tiếp cận đất đai. Ông Trần Văn Hưng, một nhà đầu tư bất động sản, nói: “Bây giờ tất cả các khu đất ở Đà Nẵng đều được công khai rõ ràng từng chi tiết với đầy đủ số liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chỉ cần bạn vào trang web của sở là biết tất cả tình trạng pháp lý các lô đất. Nhà đầu tư muốn đấu giá hay đăng ký đầu tư dự án không phải mất thời gian công sức đến từng sở ngành liên quan xin xỏ hồ sơ tài liệu như trước đây”.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chính quyền điện tử nhiều năm qua, Đà Nẵng đã triển khai một số ứng dụng theo hướng chuyển đổi số. Hiện nay Danang Smart City đã tích hợp với các ứng dụng phục vụ đời sống người dân như ứng dụng Góp ý, Cứu hộ; ứng dụng Danabus (tra cứu lộ trình xe buýt), ứng dụng Cho và nhận, Cổng dữ liệu mở, ứng dụng Dịch vụ công (nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ...); ứng dụng Phòng chống thiên tai...
Bên cạnh đó còn có nhiều ứng dụng cung cấp các tiện ích cho người dân như tra cứu tiền điện, tiền nước; theo dõi lượng mưa, tra cứu giá đất, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm an toàn giao thông...
Chìa khóa mở ra nhiều cơ hội
Trong những năm gần đây, kinh tế số đã đem lại nguồn thu đáng kể cho Đà Nẵng và chính quyền thành phố này nhanh chóng có định hướng thay đổi cơ cấu kinh tế, xác định công nghệ thông tin, công nghệ cao là ngành mũi nhọn. Hiện tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông đạt 30.383 tỉ đồng, công nghiệp công nghệ thông tin chiếm 7,5% GRDP thành phố. Tổng quy mô 2 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động là 132,8ha. Hiện Đà Nẵng có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng, cho biết theo đánh giá của các chuyên gia trong xây dựng nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2045, sau nhiều năm phát triển vượt bậc, Đà Nẵng đã gặp những “điểm nghẽn” trong phát triển. Do vậy, chuyển đổi số được xem là chìa khóa để tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như là cơ hội giải quyết các “điểm nghẽn” và tạo đột phá trong phát triển thành phố. Cụ thể, chuyển đổi số góp phần thay đổi hay hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy trình lâu nay.
Nhận định về ý nghĩa to lớn của chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết đó là “động lực mới” tạo đột phá trong phát triển thành phố. “Tuy nhiên so với nhu cầu của người dân và phát triển của Đà Nẵng, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, rất nhiều nhiệm vụ cần phải triển khai trong 5 năm, 10 năm tới” - ông Chinh nói.
Giữa bối cảnh nhiều ngành nghề thiếu nhân lực do tác động của đại dịch COVID-19, các công ty tại Việt Nam, bao gồm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như đào tạo kỹ năng số cho người lao động để thích nghi với bình thường mới.
Giữa bối cảnh nhiều ngành nghề thiếu nhân lực do tác động của đại dịch COVID-19, các công ty tại Việt Nam, bao gồm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như đào tạo kỹ năng số cho người lao động để thích nghi với bình thường mới. Chuyển đổi số không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động mà còn là thay đổi cơ bản cách doanh nghiệp vận hành, tạo thêm giá trị cho khách hàng. Bà Phạm Thị Thu Điệp - tổng giám đốc IBM tại Việt Nam - đánh giá rằng quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đã có “một cú bứt tốc ngoạn mục" trong đại dịch COIVD-19.
Nâng cấp kỹ năng số cho nhân viên
Trong bối cảnh chuyển đổi số tăng tốc, bà Đặng Thanh Thủy - giám đốc nhân sự Tập đoàn 3M Việt Nam - thừa nhận việc tìm kiếm nhân lực phù hợp là “một khó khăn và thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp không chỉ 3M”. Theo bà Thủy, số lượng ứng viên cho những vị trí liên quan khoa học dữ liệu, chuyển đổi số hoặc thương mại điện tử của công ty còn khiêm tốn, vì nguồn ứng viên trên thị trường không nhiều.
Là một trong số những công ty lớn của Mỹ sở hữu nhiều sản phẩm thông dụng như nhãn hiệu giấy ghi chú Post-it, bà Thủy cho biết 3M đã cố gắng đào tạo đội ngũ nhân sự hiện có với những kỹ năng mới liên quan chuyển đổi số. “Đặc biệt chúng tôi đang chuyển đổi dần những nền tảng đào tạo, phát triển và đánh giá năng lực nhân viên sang hệ thống số. Việc này giúp cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên quen với việc thao tác trên những hệ thống này. Đây là điều đặc biệt cần thiết trong thời gian dịch bệnh và sắp tới khi toàn thế giới phải sống và làm việc theo cách bình thường mới" - bà Thuỷ nói.
IBM Việt Nam phối hợp với các trường đại học tại Việt Nam đào tạo kỹ năng số cho sinh viên. Trong ảnh: các sinh viên tại Hà Nội tham gia chương trình Hackathon về lập trình kéo dài 48 giờ với sự hỗ trợ của các cố vấn từ IBM và đối tác của IBM - Ảnh: IBM
Trong khi đó, tổng giám đốc IBM Việt Nam Phạm Thị Thu Điệp khuyến khích nhân viên tiếp tục học thêm kỹ năng mới và nâng cấp các kỹ năng cũ trong công nghệ như điện toán đám mây, Ai hay máy học để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo bà Diệp, trong năm nền tảng đào tạo kỹ thuật số Think Academy của IBM ghi nhận số giờ học đã tăng lên.
20% so với năm ngoái ở một số chủ đề quan trọng. Trong đó có thể kể đến ứng dụng công nghệ đám mây, tư duy thiết kế doanh nghiệp và các yếu tố cần thiết về tự động hóa. IBM Việt Nam đã phối hợp Trường đại học Khoa học & công nghệ Hà Nội và Viện Giáo dục trải nghiệm quốctế và ytế xãhội để giới thiệu chương trình đào tạo AI và robot, kết hợp cùng giáo dục STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học).
Dù không làm việc ở những doanh nghiệp đa quốc gia như 3M hay IBM, Nguyễn Trâm Anh - 26 tuổi, giám đốc vận hành Công ty cổ phần công nghệ Hekate - cũng nhận ra rằng người lao động, đặc biệt là người trẻ, cần phải trau dồi và học hỏi các xu hướng công nghệ mới. “Người lao động không chuyên về công nghệ vẫn cần nắm vững kiến thức chuyên môn của mình, để biết rằng mình cần công nghệ nhằm giúp mình giải quyết vấn đề nào, cải thiện và phát triển những công việc nào trong tương lai. Dù công nghệ chỉ là chất xúc tác, không thể thay thế được năng lực của người lao động, nhưng nếu làm những công việc công nghệ thay thế được, chúng ta sẽ bị đào thải khỏi thị trường lao động” - Trâm Anh đúc kết.
Xu hướng tất yếu
70% & 20%
Theo nghiên cứu về cách các doanh nghiệp chuyển đổi trong giai đoạn bất ổn do IBM và Bloomberg Media Studios công bố tháng 10-2020, các tổ chức tham gia ghi nhận chi phí hoạt động giảm đến 70% trong vòng 6 tháng kể từ khi triển khai chuyển đổi số và doanh thu có thể tăng đến 20% trong vòng một năm.
Là một công ty chuyên cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) cho các doanh nghiệp, Hekate đã hỗ trợ nhiều đối tác xây dựng các giải pháp công nghệ để bù đắp vào lực lượng lao động thiếu hụt. Nữ giám đốc trẻ đánh giá do đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh ở Việt Nam, đặc biệt là ở các doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội. “Lực lượng lao động đang rời bỏ thị trường, họ không còn ở các thành phố lớn nữa mà bỏ về quê rất nhiều. Đó là lý do doanh nghiệp càng cần đến máy móc và công nghệ để thay thế cho nguồn lao động thiếu hụt” - Trâm Anh cho biết.
Nhận định tương tự, ông Nguyễn Minh Đức - giám đốc khối quan hệ chính phủ 3M Việt Nam - nhận định giai đoạn 2020 - 2021 được coi là giai đoạn bản lề lớn của Việt Nam trong chuyển đổi số và đó cũng là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp. “Đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19” - ông Đức nhận định với Tuổi Trẻ.
Tháng 2-2021, IBM - một trong những công ty có quy mô lớn nhất thế giới ở lĩnh vực cung cấp phần cứng, phần mềm, các dịch vụ và sản phẩm công nghệ - đã công bố nghiên cứu chỉ ra việc chuyển đổi số tạo ra tác động lớn nhất đến hiệu suất cho các tổ chức trong mọi ngành nghề. Nghiên cứu do Viện giá trị doanh nghiệp (IBV) của IBM thực hiện cho thấy công nghệ điện toán đám mây, công nghệ di động và AI là những công nghệ tiên tiến tạo ra tác động đáng kể nhất tới hoạt động của các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề. Khoảng 74% các công ty tham gia nghiên cứu này đều ứng dụng công nghệ đám mây lai (hybrid cloud - sự kết hợp giữa nền tảng đám mây của khối công và tư nhân) để cải thiện khả năng bảo mật, đồng thời xử lý những khâu quan trọng trong quy trình kinh doanh.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Thu Diệp cho biết các doanh nghiệp tại Việt Nam đang cải tiến bằng cách khai thác sức mạnh của hệ thống đám mây lai để số hóa các sản phẩm và dịch vụ hiện có của họ, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng khả năng phục hồi kinh doanh và giảm rủi ro bảo mật. “Ở IBM, chúng tôi nhận thấy đại dịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đám mây lai. Các công ty đang tìm cách ứng dụng hiện đại hóa, tự động hóa và kết hợp AI trong việc vận hành doanh nghiệp. Không có gì bất ngờ khi đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam chọn giải pháp này” - bà giải thích thêm.
Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, nhiều hoạt động y tế như tư vấn, khám bệnh, mua thuốc, theo dõi sức khỏe, xem kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng... từng bước được số hóa bằng các ứng dụng trên điện thoại di động.
Đó là xu hướng chuyển đổi số tất yếu của lĩnh vực y tế mà một start-up Việt đã “nhìn thấy” từ năm 2014. Một start-up trong lĩnh vực công nghệ y tế (MedTech) đã kiên trì hơn 7 năm “chiến đấu” chỉ để mong mang các dịch vụ y tế chất lượng đến với người dân Việt Nam bằng ứng dụng công nghệ.
Kiên trì thay đổi thói quen người dùng
Dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến eDoctor được thành lập năm 2014 với bộ ba bạn trẻ thế hệ 8X, 9X là Vũ Thanh Long (1985), Huỳnh Phước Thọ (1990), Nguyễn Văn Tài (1991) - đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Mục tiêu của họ là kết nối, mang những dịch vụ y tế từ cơ bản đến chất lượng cao đến tận tay người dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Thông qua ứng dụng, người dân có thể gọi ngay bác sĩ khi cần có tư vấn, giải đáp bất kỳ thắc mắc về sức khỏe, bệnh tình... mà không phải trực tiếp đi đến các phòng khám xếp hàng chờ chỉ để gặp bác sĩ trao đổi vài câu. Hoặc có thể đăng ký dịch vụ xét nghiệm tổng quát (được hầu hết bác sĩ chỉ định trong các trường hợp khám chữa bệnh) ngay tại nhà mà không cần phải trực tiếp làm ở bệnh viện. Hoặc có thể mua thuốc trực tuyến và được giao tận nhà cùng nhiều dịch vụ y tế tiện lợi khác. Đặc biệt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong ứng dụng sẽ giúp đưa ra những lời khuyên tốt nhất để người dùng hiểu, theo dõi và cải thiện sức khỏe của mình.
Bộ ba nhà sáng lập của eDoctor (từ trái sang): Huỳnh Phước Thọ, Vũ Thanh Long và Nguyễn Văn Tài
“Thế nhưng ngay từ khi khởi nghiệp, không ít người cho rằng dịch vụ của chúng tôi là thừa thãi”, Vũ Thanh Long - tổng giám đốc eDoctor - nhớ lại. Theo anh Long, một trong những thách thức lớn nhất khi các nhà sáng lập eDoctor bắt đầu triển khai các dịch vụ là thay đổi thói quen của người dùng. Trong quá trình phát triển sản phẩm, vấn đề lớn nhất mà eDoctor nhận thấy ở hành vi người dùng chính là việc họ muốn được thấy, được gặp trực tiếp bác sĩ. Họ không tin rằng mình có thể gặp được bác sĩ qua ứng dụng trên điện thoại và do đó nghi ngại các bác sĩ ở trong ứng dụng của eDoctor là không đáng tin. “Thật sự từng có lúc tôi muốn bỏ cuộc”, anh Long thổ lộ khi nhận thấy quá khó để thay đổi thói quen khám chữa bệnh cũng như nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, nhóm sáng lập eDoctor vẫn kiên trì để dần dần thay đổi nhận thức và thói quen của người dùng. Đến nay eDoctor là một trong những ứng dụng chăm sóc y tế nổi bật nhất tại Việt Nam với lượng người sử dụng hơn 300.000. Đây cũng là ứng dụng khởi nghiệp duy nhất của Việt Nam được Google lựa chọn vào chương trình bệ phóng tài năng (Launchpad Accelerator) năm 2017. eDoctor cũng liên tục được các nhà đầu tư rót vốn triệu đô để phát triển như: Google năm 2017; chương trình Shark Tank tháng 9-2019; các quỹ đầu tư lớn là CyberAgent Capital, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc) năm 2020...
Nở rộ start-up Medtech
Tôi rất mong muốn chính sách về chuyển đổi số cho ngành y tế phải thật rộng mở, phải có những cơ chế mở rộng, không phân biệt trong việc hợp tác công - tư, cùng mang lại lợi ích cho người bệnh.
TS HuỳnH PHước THọ (đồng sáng lập eDoctor)
Nhiều start-up MedTech khác cũng đã đạt được những thành quả nhất định trong việc giảm tải cho các bệnh viện, chăm sóc tận tình tận nơi cho người dùng, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm hiện nay và trong tương lai.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Med247 - start-up chuyên về công nghệ y tế từ phòng khám truyền thống đến trực tuyến - tiếp quản một phòng khám ở tỉnh Nam Định với thực trạng rất khó khăn: doanh số phòng khám, số bệnh nhân đến khám đều giảm sút. Doanh thu phòng khám từ bảo hiểm sụt giảm đáng kể, trong khi nguồn thu của khám dịch vụ gần như không có. Chất lượng khám chữa bệnh cũng bị ảnh hưởng nhiều... Để giải quyết, Med247 đã ứng dụng công nghệ vào việc phân tích chỉ số, phân tích hiệu quả kinh doanh, từ đó cắt giảm thu gọn bộ máy, tối ưu hóa lại quy trình quản lý.
Mặt khác họ xây dựng quy trình chống nhiễm khuẩn, hệ thống dự phòng COVID-19 nhằm nâng cao uy tín và mang đến sự an tâm cho người bệnh. Để gia tăng doanh thu, phòng khám cũng linh hoạt thay đổi cơ cấu sản phẩm, đa dạng cơ cấu doanh thu, gia tăng chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh chăm sóc khách hàng... Kết quả việc ứng dụng công nghệ đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp cơ sở y tế phát triển...
Med247 hiện điều hành chuỗi phòng khám gia đình của riêng mình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dùng có nhu cầu. Tháng 8 vừa qua, Med247 được tạp chí Forbes xướng tên trong top 100 công ty nhỏ và start-up châu Á nổi bật (Forbes Asia 100 to Watch).
Nhiều start-up MedTech khác cũng được “rót” vốn để phát triển tại Việt Nam. Tháng 6-2021, AiHealth - giúp kết nối tìm bác sĩ, đặt lịch khám và mua thuốc trực tuyến - gọi vốn thành công từ quỹ TNBA Vietnam Scout và một số nhà đầu tư thiên thần ở Đông Nam Á. Tháng 9, Medigo - ứng dụng kết nối bệnh nhân với nhà thuốc và dược sĩ, bác sĩ - đã gọi vốn thành công khoản đầu tư 1 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners. Cùng thời điểm start-up chăm sóc sức khỏe y tế Medici nhận vốn đầu tư vòng hạt giống từ Insignia Ventures. Medici đang hợp tác với hơn 50 phòng khám và bệnh viện, có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành phố với hơn 100.000 hồ sơ y tế điện tử...
Qua dịch vụ MedTech, người dân được nhân viên y tế đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm.
Thách thức và cơ hội
Mặc dù vậy, cuộc chuyển đổi số lĩnh vực y tế của Việt Nam vẫn bị đánh giá là rất chậm so với thế giới. “Việt Nam đang đi rất chậm, nếu không nói là đã bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực y tế số. Có thể nói chúng ta vẫn đang ở đâu đó 2.0 trong khi thế giới các nước phát triển là 4.0”, TS Huỳnh Phước Thọ (tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Nanyang, Singapore) - đồng sáng lập kiêm phó tổng giám đốc eDoctor - thẳng thắn nhận xét.
Thực tế thời gian qua cho thấy dù khá nhiều bệnh viện lẫn cơ quan chức năng như Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều công nghệ khám chữa bệnh hiện đại về mặt chuyên môn, nhưng phần lớn vẫn đang loay hoay số hóa dữ liệu, khám chữa bệnh qua video... Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã triển khai AI trực tiếp vào khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe qua nền tảng số cho người dân một cách lâu dài bằng nhiều thiết bị đeo, các kỹ thuật như đo sinh hiệu, điện tim, chụp phim và thậm chí cả cộng hưởng từ đều được thực hiện từ xa, thực hiện tại nhà nhờ việc ứng dụng công nghệ.
Theo bà Hoàng Thị Kim Dung - trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures, đại bộ phận người dân vẫn còn tư duy chưa có bệnh thì chưa cần lo lắng, nhắc đến y tế là nhắc khám chữa bệnh, mà không phải là sống khỏe để không bị bệnh. Đó là thách thức của nhiều cơ sở dịch vụ y tế, không chỉ riêng doanh nghiệp MedTech trong việc đưa dịch vụ sức khỏe đến với đông đảo người dùng, khi họ chưa sẵn sàng với tư duy mới.
Thị trường đầy tiềm năng
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - CEO Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) - cho rằng MedTech sẽ làm thay đổi lớn thị trường nhờ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như AI, Big Data... hỗ trợ chẩn đoán sớm và chính xác bệnh tật. MedTech mang đến một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt ở Việt Nam khi mà việc sử dụng thiết bị di động thông minh và Internet ngày càng phổ biến.
Bà Hoàng Thị Kim Dung - trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures - cho biết lợi thế của MedTech là chọn cách tiếp cận khác biệt với các dịch vụ y tế truyền thống, bằng việc áp dụng công nghệ một cách linh hoạt, giúp có thể tối ưu hóa chi phí khám chữa bệnh, rút ngắn khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế cả về không gian và thời gian tới nhiều người hơn ở một quy mô lớn hơn. Vai trò quan trọng này hứa hẹn sẽ được dẫn dắt bởi những doanh nghiệp MedTech trong tương lai.
Muốn vượt qua trở ngại này, bà Dung cho rằng MedTech cần linh hoạt áp dụng công nghệ để thay đổi cách tiếp cận, đưa sản phẩm tới người dùng một cách gần gũi hơn, để họ tương tác thường xuyên, qua đó thấu hiểu được sức khỏe người dùng trong cả một quá trình. “Nếu như các dịch vụ cơ sở y tế truyền thống là điểm đến của bệnh nhân, MedTech nên là nơi đồng hành với họ trong cả một hành trình cuộc sống. Chỉ khi làm được như vậy, doanh nghiệp MedTech mới thực sự làm đúng sứ mệnh khác biệt, đổi mới của mình, từ đó mới có thể tồn tại và phát triển được”, bà Dung chỉ ra.
Thách thức lớn đồng nghĩa cơ hội nhiều, với rất nhiều kinh nghiệm làm việc trong các công ty công nghệ tại Việt Nam, anh Vũ Thanh Long cho biết: “Người dân Việt Nam có nhu cầu vô cùng lớn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, chuẩn quốc tế, bằng chứng là hàng tỉ đôla vẫn “chảy” ra nước ngoài hằng năm cho các dịch vụ khám chữa bệnh tại nước ngoài. Với tỉ lệ rất cao người dân có sử dụng Internet và thiết bị thông minh, tiềm năng và nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế số rất lớn. Khi cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số thì chắc chắn người dân sẽ nghe theo và hưởng ứng”.
Nội dung
Đức Thiện - Thanh Hà - Chi Lan - Mai thương - Vũ Khá - Vũ Nguyên Hạnh
Đức Thiện - Thanh Hà - Chi Lan
Mai thương
Vũ Khá
Vũ Nguyên Hạnh
Đức Thiện
Thiết kế
Vũ Hoàng
Trình bày
Đình Khánh
Concept
Bảo SuZu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận