Cảng - thép và sự phát triển bền vững

LÊ MINH TIẾN 18/03/2008 18:03 GMT+7

TT - Một vấn đề đang gây tranh luận lớn giữa các nhà khoa học và giới chức trách ở Khánh Hòa cũng như trung ương, đó là chủ trương cho xây dựng nhà máy thép tại vịnh Vân Phong song song với việc biến nơi đây thành cảng trung chuyển quốc tế. Câu chuyện tranh cãi này chắc sẽ không kết thúc nếu chúng ta không trả lời câu hỏi then chốt: chúng ta chọn phát triển kinh tế theo kiểu gì?

Trước hết, phải thừa nhận đối với những quốc gia thuộc nhóm có thu nhập thấp như Việt Nam chẳng hạn, phát triển kinh tế luôn là một nhu cầu cấp bách, bởi đó là cách để thoát khỏi tình trạng lạc hậu và đói nghèo. Tuy nhiên, không phải mọi quyết sách phục vụ phát triển kinh tế đều hợp lý, bởi có phát triển kinh tế kiểu “chụp giật”, kiểu “hi sinh tất cả cho phát triển kinh tế” chứ không phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nghĩa là phải tính tới lợi ích về xã hội và nhất là môi trường.

Khánh Hòa đã có một ví dụ về quan niệm “hi sinh tất cả cho kinh tế”, đó là chấp nhận sự hiện diện của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (lại là Vinashin), với hàng trăm nghìn tấn hạt nix đã qua sử dụng đang từng ngày từng giờ phát huy tác dụng tàn phá và gây ô nhiễm môi trường của nó. Một điều chắc chắn là nếu chuyện này xảy ra ở Hàn Quốc, thì dân chúng đã phản đối mạnh mẽ và chính quyền ra tay từ lâu.

Phát triển bền vững là gì? Khái niệm này xuất hiện vào năm 1980, nhưng chỉ thật sự được phổ biến rộng rãi trên thế giới kể từ năm 1987 sau báo cáo Brundtland của Ủy ban quốc tế về Môi trường và phát triển. Theo định nghĩa trong báo cáo này, “phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo, tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động vật và thực vật”.

Năm 1995, Ủy ban về Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc cũng đã công bố bảng chỉ báo nhằm đánh giá các quốc gia có vận hành chính sách phát triển kinh tế của mình theo hướng bền vững hay không. Theo bảng chỉ báo này, các quốc gia sẽ phải trả lời các câu hỏi liên quan đến các chiều kích xã hội, kinh tế, môi trường và thiết chế trong các quyết sách của mình, chứ không phải chỉ có chiều kích kinh tế.

Chẳng hạn đối với chiều kích xã hội, các vấn đề phải làm rõ là học vấn, việc làm, sức khỏe, nhà ở, khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội, khả năng tiếp cận đất đai và các nguồn lực, những gì sẽ còn lại cho thế hệ mai sau... Còn đối với chiều kích môi trường, các quốc gia sẽ phải làm rõ các vấn đề về biến đổi khí hậu, chất lượng không khí, vấn đề Trái đất nóng dần lên, chất lượng nguồn nước, sự đa dạng sinh học, chất thải, việc sử dụng các nguồn năng lượng...

Cần phải tỉnh táo trước khuynh hướng chuyển các ngành công nghiệp có nguy cơ làm tổn hại môi trường từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, và cũng cần phải tính đến cuộc sống của cháu chắt chúng ta trong các quyết định hôm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận