Ai lấy mất mảng xanh đô thị ?

TTCT - Diện tích cây xanh/đầu người ở TP.HCM và Hà Nội hiện là 2m2. Những lá phổi xanh đó của đô thị chẳng những không phát triển tương ứng sự gia tăng dân số tại các thành phố này mà còn bị cắt xén để bán, kinh doanh, cho thuê…

 

Hà Nội: Nhà ở cao tầng “trắng” cây xanh

Tại Hà Nội, hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng “trắng” cây xanh do hầu hết chủ đầu tư “bỏ quên” khi đầu tư xây dựng công trình. Trên phố Thái Thịnh (Q.Đống Đa), cụm chung cư hai tháp cao 18 tầng Hà Thành Plaza dù đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng tuyệt nhiên xung quanh không hề có cây xanh nào.

Chung cư Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân) ngoài khoảng sân nhỏ làm chỗ đỗ xe, xung quanh là tường rào bêtông kín mít, không hề có cây xanh nào trong khuôn viên dự án.

“Ám ảnh” nhất có lẽ là hàng chục dự án chung cư trên trục Lê Văn Lương - Tố Hữu (nối hai quận Thanh Xuân và Hà Đông) nằm sát vỉa hè.

Hầu hết các dự án này không hề có bóng dáng cây xanh. Tất cả đều tận dụng số ít cây xanh có sẵn dọc vỉa hè được trồng trước đó. Thời điểm nắng nóng, người đi đường trên vỉa hè dọc tuyến này phải chịu cảnh hơi nóng hầm hập trút xuống vì không hề có bóng râm từ cây xanh.

Các chủ đầu tư đã tận dụng mọi diện tích đất hiện có để tăng diện tích xây dựng, nhiều công trình cao hàng chục tầng lấn sát ra chỉ cách mặt đường vài mét.

Ở các khu đô thị phân khúc giá rẻ, tầm trung cũng tương tự. Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian dài không hề thấy bóng dáng cây xanh.

Các chung cư Eurowindow trên phố Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy), chung cư Mipec trên phố Tây Sơn (Q.Đống Đa) hay chung cư Hoàng Huy trên phố Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân), tòa nhà Sông Hồng Parkview trên phố Thái Hà (Q.Đống Đa)… tuyệt nhiên không thấy mảng xanh dù giá bán căn hộ ở những dự án này cao ngất ngưởng 30-40 triệu đồng/m2.

Theo một chuyên gia về xây dựng, nghị định 64 về quản lý cây xanh đô thị (năm 2010) nêu rõ khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh.

Cây xanh được trồng phải “đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đã được phê duyệt”, đồng thời phải có trách nhiệm “chăm sóc và bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý” theo quy định.

Theo ông Võ Nguyên Phong - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tỉ lệ cây xanh tại các dự án đô thị hoặc nhà ở cao tầng đều thể hiện rõ trong quy hoạch chi tiết 1/500 tại mỗi dự án, do cơ quan về quy hoạch kiến trúc thẩm định và phê duyệt.

Muốn có hướng xử lý phải xem xét kỹ hồ sơ, chỉ tiêu quy hoạch cụ thể của từng dự án một. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận thực tế nhiều chủ đầu tư bỏ mặc việc trồng cây xanh cho cơ quan quản lý nhà nước, họ chỉ chú trọng tận dụng diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình mà ít quan tâm tới hạ tầng nói chung.

Riêng với cây xanh, khi lập dự án, chủ đầu tư thường “tận dụng” không gian quy hoạch chung lân cận với hạ tầng cây xanh có sẵn để hợp thức hóa thực trạng thiếu cây xanh tại dự án của mình.

Chung cư Khang Gia (Q.Gò Vấp, TP.HCM).-Ảnh: Quang Định
Chung cư Khang Gia (Q.Gò Vấp, TP.HCM).-Ảnh: Quang Định

 

TP.HCM: Chủ đầu tư “cù cưa” làm công viên

Ngày 13-8, trở lại các dự án nhà ở do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) đầu tư trên địa bàn P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, nhiều khu vực quy hoạch là công viên cây xanh vẫn là những bãi đất bỏ hoang hoặc làm sân tennis, bãi đậu xe cho thuê...

Khu đất thuộc khu dân cư gần chợ Cây Da Sà, khu phố 9 được quy hoạch làm công viên diện tích khoảng 14.000m2 đang là bãi giữ ôtô. Tại khu phố 7, một khu đất diện tích hơn 3.000m2 quy hoạch làm công viên hiện là tổ hợp ba sân tennis và quán ăn, quán cà phê.

Ngoài sân, bảng thông tin công trình được dựng lên thông báo thời gian làm công viên kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12-2016.

Ông N.T.V., người dân tại đây, cho biết gia đình ông chuyển về đây sống từ năm 2002. Đến nay, sau gần 15 năm cũng là ngần ấy thời gian khu đất công viên biến thành nơi kinh doanh, cho thuê.

“Tôi muốn mua đất gần công viên để có nơi tập thể dục, nhưng chờ mãi không thấy công viên đâu. Một phía sân giáp với đường số 5 xây tường cao, khuất nên nhiều người đổ rác rất mất vệ sinh, dân ở đây phải chịu đựng mùi hôi suốt ngày” - ông V. nói.

Tại khu vực quy hoạch làm công viên thuộc khu phố 10 đang tồn tại hai sân tennis. Ông Nguyễn Tấn Hòa, trưởng ban điều hành khu phố 7, cho biết Quận ủy và UBND Q.Bình Tân vừa làm việc với người dân về hướng giải quyết các khu vực được quy hoạch làm công trình công cộng nhưng đang dùng sai công năng.

Nhiều người dân yêu cầu phải có lộ trình rõ ràng về thời gian hoàn thành dự án. Phía quận hứa sẽ đốc thúc chủ đầu tư, đơn vị thi công nhanh chóng thực hiện dự án.

Nhiều khu dân cư tại P.Bình Trị Đông B (khu Tên Lửa) đã được BCCI triển khai trước năm 2000. Khi dân cư đến đây sinh sống đông đúc hơn cũng là lúc quán ăn, sân tennis, bãi cho thuê đậu xe... mọc lên dày đặc tại các khu đất quy hoạch làm công viên.

Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền TP đã có nhiều đợt kiểm tra, yêu cầu trả lại đất, làm công viên nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chây ỳ.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, các dự án do BCCI làm chủ đầu tư tại quận có tới 37 hạng mục là công viên cây xanh, 30 hạng mục là trường học.

Đến hết tháng 7-2017, chủ đầu tư mới bàn giao được 30 công viên và khu đất để làm công viên, 26 khu đất xây dựng trường học. Hiện vẫn còn 11 khu đất làm công viên, trường học mà BCCI chưa bàn giao, trong đó có nhiều khu đất lớn đến nay vẫn chưa đền bù xong.

Như 14.000m2 đất gần chợ Cây Da Sà hiện còn hơn 5.000m2 chưa bồi thường; công viên tại các khu dân cư: Bắc Lương Bèo, Nhất Lan - Tân Tạo, Lý Chiêu Hoàng còn hàng ngàn mét vuông đất chưa giải tỏa xong…

Ông Nhựt cho biết không chỉ các dự án của BCCI, nhiều dự án của các chủ đầu tư khác tại quận cũng “nợ dai” việc đầu tư các công trình công cộng, công viên nhưng quận không có thẩm quyền chế tài mà chỉ nhắc nhở, báo cáo cho các sở ngành TP.

Bảng thông tin tiến độ dự án công viên dựng ngoài sân tennis tại KP7, P.Bình Trị Đông B (trước đây là P.Bình Trị Đông), Q.Bình Tân. -Ảnh: Lê Phan
Bảng thông tin tiến độ dự án công viên dựng ngoài sân tennis tại KP7, P.Bình Trị Đông B (trước đây là P.Bình Trị Đông), Q.Bình Tân. -Ảnh: Lê Phan

 

Đà Nẵng: cảnh báo “lá phổi” mất dần

Dù không gian đô thị được quy hoạch khá bài bản, nhưng gần đây các chuyên gia đô thị đều cảnh báo mảng xanh của Đà Nẵng đang bị mất dần.

Công viên 29-3 nằm giữa trung tâm TP xưa là bãi chứa rác, sau ngày đất nước giải phóng các thế hệ thanh niên Đà Nẵng đã chung tay biến nơi này thành lá phổi xanh.

Nhưng khi chính quyền cắt bán hai lô đất ở phía bắc và phía nam công viên, người dân đã vô cùng tiếc nuối. Chuyện bắt đầu khi vệt đất rộng 5.314m2 dọc đường Điện Biên Phủ phía bắc công viên được TP bán cho Tổng công ty Hàng không VN.

Gần 8 năm qua, đến nay Tổng công ty Hàng không VN vẫn chưa xây dựng gì ngoài ngôi nhà nhỏ là đại lý bán vé máy bay, diện tích còn lại bỏ trống. Người dân Đà Nẵng đã phản ứng kéo dài vì cho rằng việc cắt bán công viên là sai lầm.

 

Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, mãi đến năm 2015 lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc đó có chủ trương tìm một lô đất khác hoán đổi cho Tổng công ty Hàng không VN nhằm trả lại diện tích đất trên cho công viên 29-3. Thông tin đó từng khiến nhiều người dân TP vui mừng, nhưng đến nay mọi việc vẫn nằm trên giấy.

Không chỉ cắt công viên 29-3 ở phía bắc, mà khu đất phía nam công viên này (mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương) TP cũng đã cắt khoảng 665m2 bán cho Công ty cổ phần đại lý Jean Desjoyaux (trụ sở tại Hà Nội).

Tuy nhiên, năm 2016 TP Đà Nẵng có chủ trương tìm lô đất khác đổi cho nhà đầu tư, lấy lại lô đất trên để mở rộng diện tích công viên 29-3, bố trí bãi để xe. Nhưng đến nay mọi việc vẫn ì ạch, khu đất cỏ mọc um tùm nhếch nhác.

Tại các khu đô thị, tình trạng điều chỉnh quy hoạch đã làm nhiều diện tích đất quy hoạch làm công viên trước đây biến mất, như các khu đô thị ở P.An Hải Bắc, Phước Mỹ (Q.Sơn Trà), P.Mỹ An, Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn).

Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, diện tích đất dành cho công viên đã bị cắt bớt để phân lô bán nền. Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng một số khu đất của TP dọc hai bên sông Hàn được quy hoạch làm công viên, công trình công cộng đã được điều chỉnh sử dụng không đúng mục đích quy hoạch ban đầu.

Ông cho rằng lãnh đạo TP Đà Nẵng nên hết sức cân nhắc khi cho điều chỉnh quy hoạch.

“Việc điều chỉnh quy hoạch sau phê duyệt chỉ được phép thực hiện nếu như đảm bảo nguyên tắc: chất lượng đồ án quy hoạch sau phải cao hơn chất lượng quy hoạch trước khi điều chỉnh, không giảm diện tích mảng xanh, thể thao, các công trình phúc lợi công cộng, không thu hẹp tuyến đường giao thông” - kiến trúc sư Tô Văn Hùng, trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng, nói.

Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP Đà Nẵng đang tính làm thêm các vườn hoa, vườn dạo ở các khu dân cư khu trung tâm, bởi 6 quận của Đà Nẵng đang triển khai chủ trương di dời các khu mồ mả xen lẫn khu dân cư ra khỏi nội thành. Khi đó Đà Nẵng sẽ có hàng trăm khu đất và TP sẽ sử dụng một phần diện tích để làm các vườn dạo, vườn cây xanh. ■

Chung cư Khang Gia Gò Vấp (P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM) do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư gồm ba block, hơn 1.118 căn hộ. Block 1 giao nhà cho dân vào ở từ năm 2010, hai block còn lại bàn giao sau này.

Cả khu chung cư chỉ có một bồn cây nối giữa hai dãy nhà A và B với bốn cây dừa cao khoảng 1,5m. Theo người dân, khi giới thiệu dự án, chủ đầu tư cho biết giữa ba tòa nhà A, B, C là hệ thống công viên, cây xanh. Thực tế thì khoảng không gian ở giữa ấy vẫn đang thi công dang dở, nhếch nhác, là chỗ chứa rác và thành những ao chứa nước khi trời mưa.

Theo UBND P.14, hiện chủ đầu tư chung cư chưa hoàn thành, bàn giao phần khuôn viên cây xanh của dự án cho Nhà nước. UBND phường nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành phần hạ tầng công viên cây xanh, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Hết quý 3 năm nay, nếu vẫn chậm trễ hoàn thiện khuôn viên cây xanh thì phường sẽ làm việc với chủ đầu tư, có phương án đề xuất quận giải quyết.

THẢO TRẦN

Ông Trần Trọng Tuấn (giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):

Các nhà đầu tư cùng “góp sức” làm công viên

Qua kiểm tra, hầu hết dự án không đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh là những dự án trước đây được giao đất quy mô lớn và dự án phân kỳ thành nhiều giai đoạn, hoặc dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính, sau đó các chủ đầu tư thứ cấp đầu tư dự án thành phần.

Do vướng công tác bồi thường nên chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng làm cây xanh.

Một số dự án chung cư cao tầng nằm xen kẽ khu dân cư hiện hữu, diện tích đất được giao không lớn nên thường không có công viên. Với các dự án này, chủ đầu tư có thể đóng góp đầu tư hạ tầng kỹ thuật cùng địa phương theo thỏa thuận, không bắt buộc chủ đầu tư phải làm hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án.

Giải pháp, theo tôi, với một cụm dân cư có một công viên nhưng phục vụ phúc lợi chung có nhiều dự án, cơ quan địa phương phải tính toán để các nhà đầu tư cùng góp sức thực hiện dự án công viên cây xanh đó theo quy hoạch; hay UBND quận phải chủ trì để xác định số tiền giải phóng mặt bằng, đầu tư công viên khu vực đó bao nhiêu và các nhà đầu tư phải đóng góp vào. TIẾN LONG ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận