TTO - 17-18 tuổi, tình nguyện gác việc học hành, bỏ lại cây bút cùng giảng đường để cầm súng xung phong lên biên giới phía Bắc. Rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại trên dặm dài biên cương Tổ quốc.
Sáng sớm ngày 17-2-1979, 600.000 quân bành trướng Trung Quốc bất ngờ tràn qua Việt Nam đồng loạt tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc, tàn sát người dân vô tội. Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước bảo vệ Tổ quốc.
Hàng ngàn sinh viên và giảng viên các trường đại học xung phong ra trận...
Ngày 9-3, Trung Quốc lui quân, nhưng thực tế cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài từ tháng 2-1979 cho đến tận năm 1988.
Trong 10 năm đó, những sinh viên học sinh 17-18 tuổi tình nguyện gác việc học hành, bỏ lại cây bút cùng giảng đường để cầm súng xung phong lên biên giới.
Rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại trên dặm dài biên cương Tổ quốc.
Một góc phòng truyền thống của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN có trưng bày bức huyết thư của thầy giáo Nguyễn Chiều, nguyên giảng viên khoa Khảo cổ học của trường - Ảnh: HÀ THANH
Chúng tôi tìm đến phòng truyền thống của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) vào những ngày cuối năm Mậu Tuất.
Dưới tấm bia "Tổ quốc ghi công" là tên tuổi 27 liệt sĩ sinh viên, giảng viên của trường và một lá thư đặc biệt được lồng trong tủ kính.
Bức thư ghi dòng chữ: "Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ Tổ Quốc", phía dưới ký tên Nguyễn Chiều, Sử 3Đ. Dòng chữ đó được viết bằng máu (người viết sau này là thầy giáo Nguyễn Chiều, giảng viên khảo cổ học khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau là Trường ĐH KHXH&NV).
Ngày ấy thầy Chiều vừa giải ngũ và đang theo năm thứ ba của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1972, đang theo học năm thứ nhất thì chàng sinh viên Nguyễn Chiều tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Đất nước thống nhất, năm 1976 ông ra quân và trở về trường tiếp tục theo học khoa sử.
Lời kêu gọi được Trường ĐH Tổng hợp phổ biến toàn trường. Nghe phát động của trường, chàng sinh viên năm thứ 3 Nguyễn Chiều liền chạy vào lớp lấy giấy, cắn tay cho bật máu để viết dòng huyết thư như trên.
Ông Nguyễn Hùng Minh, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng, Bộ Tài chính từng là cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên chia sẻ về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh: HÀ THANH
Sắp sửa bước sang tuổi 60, ông Nguyễn Hùng Minh, hiện là vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng của Bộ Tài chính, nhớ rất rõ ký ức những năm tháng chiến đấu trên mặt trận biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên cũ (nay là Hà Giang).
Năm 1982, chàng trai trẻ Nguyễn Hùng Minh tốt nghiệp khoa kinh tế ngoại thương Trường ĐH Ngoại thương. Thay vì đi làm, Minh viết đơn tình nguyện tham gia quân đội để lên biên giới.
Không chỉ có Minh, khi ấy cả Trường ĐH Ngoại thương có 31 sinh viên cùng viết đơn và cùng được nhập ngũ một ngày.
Ngày chia tay bạn bè, người thân ở ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) để lên biên giới, tất cả các sinh viên đều háo hức dù chưa từng biết đến chiến đấu, cũng không hề biết mình sẽ được đưa về mặt trận nào. Nhưng tất cả cùng chung một quyết tâm chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi huấn luyện thời gian ngắn ở Lào Cai, Nguyễn Hùng Minh được phân về đại đội 3, tiểu đoàn 4, trung đoàn 153, sư đoàn 356 và cơ động từ Lào Cai sang Hà Tuyên cũ đến điểm nóng Vị Xuyên, "nơi tiếng pháo ì ầm suốt ngày đêm".
Bức huyết thư của thầy giáo Nguyễn Chiều với dòng chữ: “Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ Tổ quốc” được trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - Ảnh: HÀ THANH
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhớ lại: "Tháng 8-1978, do yêu cầu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, lúc bấy giờ khoa ngữ văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội) động viên sinh viên nhập ngũ.
Tôi đăng ký ghi tên, đi khám sức khỏe. Lớp ngữ văn có ba người đi khám thì chỉ mình tôi đủ sức khỏe. Đến ngày 17-8-1978, tôi chính thức nhập ngũ và được phân về trung đoàn 977, sư đoàn 31, Quân đoàn 3, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam ở đồng bằng sông Cửu Long".
Khi nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2-1979), đơn vị của Nguyễn Xuân Năng cũng được lệnh cấp tốc cơ động từ chiến trường Campuchia lên mặt trận biên giới phía Bắc.
Năm 1981, tướng Năng trở về trường học nốt hai năm ngữ văn rồi tốt nghiệp đại học và được điều động về Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Năm 2008, ông được cấp trên điều động về làm phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhận lệnh lại lao ngay ra Bắc tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh: HÀ THANH
Thiếu tướng anh hùng Lê Mã Lương, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 568, sư đoàn 328, chỉ huy tuyến phòng ngự ngã ba Thanh Thủy (Vị Xuyên), nhớ lại:
"Tháng 10-1978, khi tôi đang là thiếu tá, giáo viên khoa công tác Đảng - công tác chính trị của Học viện Chính trị quân sự thì Bộ tổng tham mưu điều động tôi chỉ huy 500 sinh viên quân sự rải từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Lai Châu.
Ngày 14-2-1979, Bộ Quốc phòng phân công tôi cùng bốn sĩ quan đi làm nhiệm vụ "đốc chiến" ở Lạng Sơn cùng với sư đoàn 312 - sư đoàn chủ lực, cơ động đầu tiên của quân đội ta bước vào cuộc chiến biên giới phía Bắc".'
TTO - 'Trốn' lên biên giới, vừa làm quen đồng đội, chưa kịp nhận quân phục, Phạm Quang Thành, sinh viên năm thứ nhất khoa toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đã chết với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người.
Tháng 2-1980, tức một năm sau cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc , khi làm thống kê chính trị cho tiểu đoàn 1, trung đoàn 2, sư đoàn bộ binh 3 (Quân đoàn 14), sĩ quan Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là tiến sĩ, giảng viên Trường đại học Phương Đông) chú ý đến các di vật của sinh viên tên Phạm Quang Thành .
Đó là vài bức ảnh, mấy lá thư của người yêu và đặc biệt là lá đơn viết tay ngày 19-2-1979. Nội dung lá đơn như sau:
"Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam.
Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tôi xin trình bày một việc sau đây: Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng 17-2-1979 quân bành trướng Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt.
Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu.
Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc nào.
Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình.
Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại, tôi càng tự hào bao nhiêu thì càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng.
Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó...".
Đơn được viết tại Hà Nội, ngày 19-2-1979.
Mặt sau lá đơn có dòng chữ: "Hi sinh anh dũng ngày 22-2-1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng" - đó là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 1.
Đơn viết ngày 19-2-1979, tức chỉ ngày thứ hai sau khi quân bành trướng Trung Quốc xâm lược nước ta.
Liệt sĩ Phạm Quang Thành (hàng thứ hai, dấu *) cùng các bạn sinh viên trong lớp - Ảnh tư liệu gia đình
Sự dũng cảm đặc biệt của người thanh niên ấy đã khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng - cũng là một người lính trận - đau đáu, trăn trở.
Theo những thông tin còn lưu giữ, Phạm Quang Thành ở đại đội bộ binh 3, tiểu đoàn 1. Đó là đại đội bộ binh chiến đấu rất giỏi vì đại đội trưởng, trung đội trưởng đều trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh chiến đấu.
Ông Hùng đã tìm gặp người chỉ huy và những đồng đội còn sống trong đại đội 3 để nghe câu chuyện về Thành.
Đồng đội kể tối 21-2, đơn vị đang chiến đấu ở đồn Thâm Mô thuộc huyện Văn Lãng, phía nam Đồng Đăng thì thấy một thanh niên mặc thường phục.
Thời chiến, thấy người lạ đi đúng vào chỗ mình đang chiến đấu nên anh em bộ đội bắt giữ lại đưa đến gặp chỉ huy.
Anh ấy nói mình là sinh viên, muốn nộp đơn xin tham gia chiến đấu và trình cả thẻ thương binh, thẻ sinh viên. Lúc đó thật giả lẫn lộn nên anh em bộ đội cảnh giác vì sợ Hán gian trà trộn vào.
Nhưng khi xem các giấy tờ và nhìn dáng vẻ của Thành, chỉ huy đơn vị liền đưa súng cho Thành và nói: "Vậy cậu hãy chiến đấu cùng chúng tôi!".
Khi đó ở đồi Thâm Mô, tiểu đoàn 1 đã kiên cường chiến đấu chống lại hỏa lực quá mạnh của quân bành trướng Trung Quốc suốt từ ngày 17-2.
Đến rạng sáng 22-2, đơn vị tổ chức phản công giành lại đồi Thâm Mô, đồi Chậu Cảnh.
Đó là một trận chiến rất ác liệt. Đại đội 3 hi sinh và bị thương nhiều nhất so với các đại đội khác trong tiểu đoàn 1.
Gặp nhau mới chập choạng tối hôm trước, đến sáng hôm sau trở về sau cuộc chiến khốc liệt, đồng đội không thấy Thành đâu nữa...
Anh đã hi sinh chỉ sau mấy tiếng đồng hồ làm quen với đồng đội. Đơn vị còn chưa kịp cấp quân phục. Thành chết với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người.
Ông cất công về trường nơi liệt sĩ Thành học tìm chủ nhiệm khoa, rồi tìm gặp các chỉ huy đại đội 3, nhờ họ xác nhận để hoàn chỉnh hồ sơ, lập báo cáo gửi Ban chính sách trung đoàn 2 đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Thành.
Mười tháng sau, vào một ngày rét buốt, gia đình nhận giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Quang Thành.
Giấy báo tử do trung đoàn 2 ký ngày 16-12-1980. Anh được công nhận liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng 3.
Trong giấy báo tử, Thành được công nhận là hạ sĩ của đại đội 3, tiểu đoàn 1 với ngày tái ngũ là 19-2-1979.
Đó là ngày anh viết đơn ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) trong lúc chờ tàu đến lên Lạng Sơn...
4h sáng mùa đông ngày 17-2-1979. Dân ở bản Cô Ca, giáp biên của xã Bảo Lâm (Lạng Sơn), nhìn thấy hai phát pháo sáng từ bên kia biên giới bắn sang.
"Sau này chúng tôi mới biết đó là pháo hiệu của quân Trung Quốc khi tấn công mình" - trung sĩ Chu Văn Thủy, năm nay 65 tuổi, hiện sống ở Bắc Giang, nói.
Khi đó, trung sĩ Thủy là trinh sát của sư đoàn 3 (thuộc Quân khu 5), đang đóng chốt ở cột mốc 20 thuộc bản Cô Ca thì chiến sự bất ngờ xảy ra.
5h sáng, quân bành trướng Trung Quốc bắn pháo tấn công dồn dập vào các điểm cao 805, 811, bản Quốc Toóng và bản Cô Ca, nơi đơn vị trung sĩ Thủy đang đóng quân.
Trung sĩ Thủy cùng đồng đội là những người lính đầu tiên chứng kiến cảnh quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam sáng 17-2-1979.
Chiến tranh biên giới phía Bắc đã diễn ra, trong tâm thế hoàn toàn chủ động của quân bành trướng Trung Quốc và trong sự sửng sốt, ngỡ ngàng của quân dân Việt Nam!
Khi nhóm của trung sĩ Thủy lên đó thì phát hiện lính Trung Quốc đang rồng rắn tiến qua, hướng lên điểm cao 805 và 811.
Từ sáng đến trưa, địch dồn dập dùng hỏa lực bắn vào hai điểm cao 811 và 805. Ở hai điểm cao này chỉ có một ít trinh sát của ta. Khoảng 13h30 ngày 17-2-1979, địch chiếm được điểm cao. Đạn AK không thể đấu lại với hỏa lực pháo cối dày chít như mưa của địch.
"Đến 23h đêm ngày thứ tư, sư đoàn lệnh cho chúng tôi rút về thị xã Lạng Sơn. Các điểm cao Trung Quốc lấy hết rồi. Các đường mòn địch cũng đã chiếm. Con đường duy nhất lúc đó là... đi qua khe núi giữa hai điểm cao 805 và 811 địch đã làm chủ.
Chính trị viên Nhâm bảo bằng mọi giá chúng tôi phải lợi dụng đêm tối đưa dân theo con đường đó về thị xã Lạng Sơn. Nhưng chưa kịp đến Lạng Sơn thì anh đã hi sinh.
Thư gửi về gia đình của tiểu đoàn phó Trần Ngọc Sơn (sư đoàn 3) trước khi hi sinh ở Lạng Sơn tháng 2-1979 - Ảnh chụp lại: MY LĂNG
"Khi nộp đơn xung phong lên biên giới, chúng tôi - những chàng trai mười tám, đôi mươi - không thể hình dung cuộc chiến lại cam go, ác liệt đến thế. Trời biên giới thì mưa mù, rét thấu xương nhưng anh em cũng chỉ phong phanh manh áo mỏng.
Ăn uống cực kỳ kham khổ nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu và tin chắc sẽ có ngày im tiếng súng..." - nhạc sĩ Trương Quý Hải, một sinh viên bỏ giảng đường, xung phong ra chiến trường, cựu binh sư đoàn 356 chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm 1985-1986, nhớ lại.
23 tuổi cầm súng ra trận, ông Nguyễn Hùng Minh (cựu chiến binh trung đoàn 153, sư đoàn 356) nhớ lại: "Cứ 5h sáng, pháo từ phía Trung Quốc lại bắn sang dữ dội. Bọn mình nằm chốt suốt nên quen cả quy luật bắn của chúng.
Pháo địch bắn xa thì ta yên tâm chuẩn bị, nhưng pháo bắn gần, bắn đến đỉnh chốt và trườn xuống thì chúng tôi biết địch bắt đầu ào sang. Kinh nghiệm là thế nhưng có những trận pháo địch bắn như "đan quạt", bắn từ xa đến gần thì việc bị dính đạn pháo rất khó tránh khỏi.
Lính hi sinh bởi đạn pháo khá nhiều. Mảnh đạn pháo của Trung Quốc rất độc. Trên trận địa mình từng chứng kiến nhiều chiến sĩ bị thương vì pháo, miệng cắn cành cây để đồng đội cưa sống chân, tay để chống hoại tử...".
Trong cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc, ở mặt trận Lạng Sơn, đồi Chậu Cảnh và Không Tên cũng là cái tên gắn với trận đánh nổi tiếng.
Chậu Cảnh là cụm đồi gồm 3 mỏm (A, B, C), cách thị xã Lạng Sơn khoảng 10km. Phía tây là đồi Không Tên. Gần đó là cao điểm 611, 811, 409.
Đại tá Ngòi kể: "Ngay từ đêm 16-2-1979, Trung Quốc đã cho quân vượt biên giới. Đồi Chậu Cảnh, đồi Không Tên chỉ cách chúng hơn một giờ đi bộ.
5h sáng 17-2, quân Trung Quốc đã có một tiểu đoàn ở đấy rồi. Lúc đó, bộ đội mình đang ở cách chốt khoảng 2km, chuẩn bị trồng sắn. Khi mình lên chúng đã chiếm chốt".
"Ở đồi Chậu Cảnh, quân Trung Quốc đánh tiểu đoàn 2 (trung đoàn 2 - sư đoàn 3) bật khỏi trận địa. Vì chúng tập kích bất ngờ nên tiểu đoàn 2 hi sinh rất lớn, khoảng 200 người, trong đó có ba đại đội trưởng!
Bây giờ mà cứ nhắc đến đồi Chậu Cảnh, đồi Không Tên là nhắc lại nỗi đau vì rất nhiều đồng đội chúng tôi đã nằm lại ở đây" - đại tá Ngòi nói.
Trong hai ngày 17 và 18-2, tiểu đoàn 2 rất nhiều lần phản kích nhưng không thành công. Sang ngày 19-2, tiểu đoàn 2 gần như bị xóa sổ! Những người còn sót lại phải rút về đồi Không Tên.
"Trận chiến ở đồi Không Tên cũng rất ác liệt. Quân số địch đông hơn mình nhiều. Vũ khí của địch 10 thì mình chỉ có 2! Chúng dùng toàn xe tăng. Anh Lê Đình Tươi, xạ thủ B40, thật sự là một anh hùng.
Anh ấy bắn cháy ba xe tăng địch thì hi sinh. Chúng tôi chiến đấu khoảng bốn ngày thì không còn quân nữa. Hai trung đội của đại đội 5 bị xóa sổ" - cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàn (lính đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 2) kể.
TTO - "Quân bành trướng Trung Quốc đông như kiến. Chúng tràn đến đâu dày kịt đến đó! Nói thật, kể cả người bạo gan như tôi nhìn cũng thấy rùng mình", đại tá Nông Văn Phiao kể.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nông Văn Phiao - nguyên phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn, hiện sống ở thành phố Lạng Sơn - là một trong số ít chiến sĩ sống sót sau cuộc chiến một mất một còn tại pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) khi quân bành trướng Trung Quốc (TQ) bất ngờ tấn công vị trí chiến lược này.
Pháo đài Đồng Đăng nằm trên trục đường chính, bao quát bốn phía thị trấn Đồng Đăng và chỉ cách cửa khẩu 2km đường chim bay. Muốn tiến vào chiếm thị xã Lạng Sơn, quân bành trướng Trung Quốc phải tiêu diệt được pháo đài này.
Trong ngày 17-2-1979, khi quân bành trướng TQ tấn công vào pháo đài Đồng Đăng, ông Nông Văn Phiao là binh nhất của đại đội 5 Công an vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Ông kể: "Tôi nhớ rõ hôm đó là ca gác cuối cùng của chiến sĩ Dương Văn Phong, từ 4h30 đến 5h30 sáng. Khoảng 4h30, cậu Phong thấy phía biên giới có nhiều biểu hiện lạ.
Đến 4h45 nghe tiếng súng pháo nổ phía biên giới, Phong liền gọi các đồng chí khác dậy. Đồn trưởng - thiếu tá Hoàng Ý nhìn về phía biên giới, chỉ kịp nói "Quân TQ đánh ta rồi" và cho báo động toàn bộ đơn vị, lệnh cho anh em vào vị trí chiến đấu ngay.
Không kịp rửa mặt đánh răng, anh em cầm súng chạy lên pháo đài, vào các vị trí sẵn sàng chiến đấu. Thời điểm đó, một số đi công tác, một số thì đi phép.
Lúc đó, đồn trưởng Hoàng Ý lại có lệnh trên điều về Bộ chỉ huy Công an vũ trang Lạng Sơn nhận nhiệm vụ mới. Một số chiến sĩ được cử đi theo bảo vệ thiếu tá Hoàng Ý về tuyến sau. Cả đơn vị chỉ còn lại hơn 50 người."
5h sáng. Pháo binh bên đất Trung Quốc đồng loạt bắn dồn dập vào pháo đài Đồng Đăng và những quả đồi bên cạnh có bộ đội ta đóng quân. 5h15, tiếng súng ngừng.
Lúc đó, đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn và một đại đội bộ binh của Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phối hợp triển khai ra ngoài chiến hào để chiến đấu.
Đại đội bộ binh phụ trách phía bắc và đông pháo đài, còn đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn phụ trách phía nam và tây pháo đài.
Khoảng 6h30, quân Trung Quốc vây kín dưới chân pháo đài! Hỏa lực từ pháo binh và xe tăng TQ dưới chân pháo đài bắn lên. Bên kia biên giới, pháo binh TQ cũng dồn dập nhắm pháo đài mà bắn.
Ở phía tây, quân TQ dùng 7 xe tăng tiến về chân pháo đài. Binh nhất Lê Minh Trường, xạ thủ B40, vượt ra khỏi chiến hào, nằm dưới lùm cây bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu. Anh bắn tiếp quả đạn thứ hai thì trúng xích một xe tăng địch khiến nó lật ngửa.
Năm chiếc xe tăng đi sau lùi lại. Quân bành trướng TQ cho bộ binh tràn lên. Khi anh Trường quay lại chiến hào để lấy quả đạn thứ ba bắn tiếp thì bị trúng đạn, hi sinh ngay tại chiến hào!
Lần tấn công đầu tiên, quân bành trướng Trung Quốc không lên pháo đài được, phải lùi xuống rồi xông lên đợt hai.
"Nó từ bờ ruộng tràn lên, mình ở trên đỉnh cao bắn xuống. Nhưng quân TQ đông không tưởng tượng được, cứ chết lớp này đến lớp khác tràn lên. Trong đợt tấn công thứ hai, anh Trần Hà Bắc hi sinh. Trung úy Hoàng Quốc Hội lên thay để chỉ huy chiến đấu rồi cũng hi sinh. Nhiều chiến sĩ ở phía tây và nam pháo đài cũng hi sinh...", đại tá Phiao bùi ngùi nói.
Dùng biển người để tràn lên nhưng lần thứ hai này, quân bành trướng TQ vẫn chưa thể chiếm được pháo đài.
9h sáng 17-2, quân bành trướng TQ lại xông lên lần thứ ba. "Tôi cầm khẩu trung liên, bắn hết băng này đến băng khác. Đến trưa, bộ đội mình ở bốn hướng của pháo đài vẫn kiên cường đánh chặn, nó vẫn không lên được, phải dạt xuống bờ suối.
Thấy bộ binh nó không hiệu quả, pháo binh nó bên kia lại bắn sang dập pháo đài. Chỉ huy mình ở các hướng đều hi sinh hết! Quân ta hi sinh rất nhiều, số còn lại phải dạt về phía nam pháo đài nơi chúng tôi đang chiến đấu", đại tá Nông Văn Phiao kể.
14h ngày 17-2, quân TQ lại bắn pháo Kachiusa H12 sang. Pháo vụt đỏ rực trời! Đồng đội tôi tiếp tục hi sinh.
Cầu Kỳ Lừa và Trụ sở tỉnh Lạng Sơn bị lính Trung Quốc phá hủy năm 1979 - Ảnh tư liệu.
Tối 18-2, lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 Sao Vàng lên mở đường máu đưa thương binh, những người ốm yếu và một số người dân Đồng Đăng về tuyến sau. Những người còn khỏe vẫn ở lại tiếp tục chiến đấu.
Sáng 19-2, quân bành trướng TQ lại tràn lên tấn công. Dù vũ khí ít ỏi và quân số còn lại quá ít so với biển người của địch nhưng bộ đội ta vẫn quyết tử giữ pháo đài. Địch tấn công đến trưa vẫn không chiếm được pháo đài.
Càng chiến đấu, bộ đội ta hi sinh càng nhiều. Đạn dược ít đi: "Chúng tôi chiến đấu đến trưa thì không còn ai tiếp phẩm nữa vì người tiếp phẩm, anh nuôi cũng phải cầm súng chiến đấu".
Khoảng 16h30 ngày 21-2, pháo đài bị trúng pháo, tan nát. Binh nhất Nông Văn Phiao bị sức ép của pháo, ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh thấy nhiều đồng đội quanh mình đã hi sinh.
Người dân Đồng Đăng thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ đã hi sinh khi bảo vệ pháo đài Đồng Đăng - Ảnh: MY LĂNG
"Tôi gọi đồng đội nhưng không nghe thấy tiếng ai nữa. Quân TQ ào ạt tiến lên pháo đài. Tôi cầm khẩu AK vừa đi vừa bắn chặn, vừa lùi xuống tầng hai pháo đài.
Những người còn sống phải rút hết vào trong pháo đài. Quân TQ chặn hết đường ra, bắc loa gọi đầu hàng. Không ai ra, nó ném lựu đạn cay xuống hầm! Gió thổi hơi cay vào ho sặc sụa.
Cay lắm, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa nhưng anh em quyết tâm không đầu hàng, sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng!", đại tá Nông Văn Phiao xúc động khi nhớ lại những giờ phút kiên cường của đồng đội trước vòng vây kẻ thù 40 năm trước.
Tối đa: 1500 ký tự