4 chàng trai và 60 ngày lên Everest

HOÀI NAM 08/04/2008 22:04 GMT+7

TTCT - Ngày 6-4, bốn chàng trai Việt Nam trong chương trình truyền hình thực tế Chinh phục đỉnh Everest gồm Phan Thanh Nhiên, Lê Bá Công, Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh sẽ lên đường đến Nepal. Chuyến đi kéo dài 60 ngày và đây là chặng cuối trong hành trình chinh phục Everest của những người Việt Nam đầu tiên.

Phóng to
Từ phải qua, người thứ hai là Pemba Choti Sherpa, người năm lần chinh phục thành công Everest, sẽ là một trong sáu người dẫn đường cho bốn vận động viên Việt Nam lần này - Ảnh: Hoài Nam
TTCT - Ngày 6-4, bốn chàng trai Việt Nam trong chương trình truyền hình thực tế Chinh phục đỉnh Everest gồm Phan Thanh Nhiên, Lê Bá Công, Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh sẽ lên đường đến Nepal. Chuyến đi kéo dài 60 ngày và đây là chặng cuối trong hành trình chinh phục Everest của những người Việt Nam đầu tiên.

Đoàn leo núi Everest lần này sẽ có 19 thành viên (gồm bốn vận động viên và 15 thành viên trong tổ sản xuất trong đó có sáu chuyên gia Thái Lan, một quay phim của Hãng truyền hình National Geographic - đã hai lần chinh phục Everest). Theo kế hoạch, đoàn leo núi sẽ chinh phục Everest từ hướng Tây Tạng. Nếu đi theo cung đường này thì sẽ bắt đầu di chuyển bằng xe Land Cruiser từ Kathmandu đến Base Camp. Sau đó bốn vận động viên sẽ có 40 ngày bắt đầu chinh phục đỉnh cao 8.850m.

Tuy nhiên, do một số bất ổn từ Tây Tạng nên đường đến Everest từ hướng này đã bị Trung Quốc đóng cửa tạm thời, dự kiến đến hết tháng năm.

Hành trình 60 ngày

Tháng năm mới bắt đầu chinh phục Everest lại là một thời điểm bất lợi vì lúc này ở đây đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Sự thay đổi thời tiết sẽ làm giảm tốc độ gió nên tuyết sẽ rơi nhiều, gây khó khăn cho việc chinh phục.

Vì vậy đoàn leo núi VN quyết định chọn phương án chinh phục Everest từ hướng nam thuộc địa phận Nepal.

Đây là con đường mà Edmund Hillary và Tenzing Norgay đã chinh phục thành công Everest vào năm 1953. Đây cũng là điểm đoàn Việt Nam đã từng đến trong chặng chinh phục Island Peak đầu tháng ba vừa qua.

Ở nhiệt độ -300C thì nguồn nước uống duy nhất của các vận động viên được lấy từ những tảng nước đã đông thành đá và nấu ở nhiệt độ sôi khoảng 70-800C.

Có những bình thủy chuyên dụng để trữ nước nhưng rất mau lạnh. Thức ăn chủ yếu là đồ ăn khô dành cho khí hậu lạnh như energy gel hay energy bar (loại thức ăn nhiều năng lượng mà không bị đóng băng ở nhiệt độ thấp) được đem theo. Nhiệt độ trên đỉnh Everest khoảng -400C.

Đáp máy bay cỡ nhỏ từ Kathmandu đến Lukla, nếu đi theo cung đường này thì đường đến Everest sẽ hết sức gian nan vì phương tiện di chuyển có được từ Lukla đến Everest chỉ có yak (một loại trâu núi), phu khuân vác và đi bộ. Đoàn chinh phục sẽ mất tổng cộng khoảng hơn mười ngày đi bộ để đến Everest Base Camp (EBC), khoảng thời gian đủ để các thành viên làm quen và thích ứng với độ cao cũng như khí hậu khắc nghiệt (nhiệt độ trung bình khoảng -15 đến -20 độ). 40 ngày tiếp theo, bốn vận động viên sẽ bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest. Bộ phận sản xuất sẽ chờ ở EBC. Sau khi chinh phục, đoàn sẽ mất mười ngày đi bộ trở về.

40 ngày ở Everest là thời gian thử thách và quyết định. Các vận động viên sẽ có khoảng gần một tuần ở EBC để thích ứng độ cao, những chuyên gia leo núi Sherpa sẽ thiết lập đường đi, thang, dây leo tuyết để chuẩn bị hành trình vượt thác băng Khumbu.

Qua thác băng này sẽ đến trại 1 (hay còn gọi là Advanced Base Camp - ABC cao 6.065m). Sau đó là hành trình vượt thung lũng để đến trại 2 (6.500m). Kế đó là những ngày dùng dây vượt qua những vách băng dựng đứng để lên trại 3 (7.470m), rồi đến trại 4 (8.000m). Đến chặng này, bốn chàng trai sẽ đặt những bước chân đầu tiên đến “vùng chết”. Theo những người Sherpa, nhà leo núi nào vượt qua được “vùng chết” mới có khả năng chinh phục đỉnh. Nhưng điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, dù có sức khỏe, chịu đựng tốt mà thời tiết xấu, gió nhiều thì vẫn khó có thể chinh phục.

Từ đây, các vận động viên sẽ mất hơn 12 giờ nữa mới đến mỏm núi nhỏ có tên The Balcony ở độ cao 8.400m để nghỉ ngơi giây lát. Trước khi leo lên sườn núi để đến bậc Hillary (8.760m) lại phải đi qua một đoạn núi dễ sụt lở, cuối cùng họ mới đặt chân lên nóc nhà thế giới...

Ý chí và may mắn

Phóng to
Nhà mạo hiểm Khoo Swee Chiow trên Everest - Ảnh tư liệu
Nhà mạo hiểm nổi tiếng Singapore Khoo Swee Chiow, 44 tuổi, người Đông Nam Á đầu tiên hai lần lên đỉnh Everest nói:

Điều bất lợi cho những người thuộc ASEAN là việc chúng ta đến từ nơi có khí hậu nhiệt đới. Thời tiết lạnh là sự khó khăn mà chúng ta phải đối mặt.

Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn VN cần phải được học cách quan tâm đúng mức đến cái lạnh tê buốt này, phải học rất kỹ cách phòng tránh bỏng lạnh và giữ ấm cơ thể.

Hội chứng độ cao là điều đáng sợ nhất, cách duy nhất để ngăn ngừa nó là đi lên thật chậm rãi. Đừng bắt ép bản thân mình trong sự vội vã. Hãy cho cơ thể bạn một khoảng thời gian cần thiết thích nghi với độ cao.

Thức ăn rất quan trọng. Bạn phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng cho việc leo trèo trong điều kiện giá lạnh. Các bạn nên mang theo những thức ăn mà mình quen ăn và thích ăn. Bằng không bạn sẽ không cảm thấy ngon miệng và muốn ăn nữa. Như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Nói về chặng đường dài 60 ngày để chinh phục Everest sắp tới, Nhiên “a quắn” rất tự tin: “Đi đôi giày đặc biệt nặng hơn 6kg; trên vai vác balô nặng khoảng 10kg, cộng thêm trang phục nặng 10kg. Sau chặng chinh phục núi Island Peak ở độ cao trên 6.000m, chúng tôi đã đi qua vách băng hình lưỡi dao, trèo lên vách băng đứng, chịu cái lạnh -250C. Tôi nghĩ chúng tôi đã có những bước tập luyện khá kỹ để chinh phục Everest”.

Còn Lê Bá Công, người từng bị viêm giác mạc do bỏng tuyết, dù rất tự tin nhưng cũng hồi hộp: “Bị mù tuyết một lần là tôi nhớ đời, đó cũng là một kinh nghiệm để tôi sẽ cố gắng hơn cho chuyến đi này. Nhưng dù thể lực chúng tôi tốt đến mấy mà không thiên thời địa lợi thì cũng... thua. Ngoài ý chí và quyết tâm, tôi còn cầu mong sự may mắn”.

Bùi Văn Ngợi thì quyết tâm: “Chuyến đi sắp tới của chúng tôi rất nguy hiểm, rất khắc nghiệt và rất khó khăn. Tôi biết, gia đình tôi biết nhưng chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn sẽ xảy ra và chúng tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả. Đời người, cơ hội khám phá và chinh phục thử thách không nhiều. Tôi nghĩ mình đã sẵn sàng”.

Hừng hực quyết tâm, hun đúc ý chí, bởi chính các vận động viên là người trong cuộc. Còn người thân của họ? Mẹ Nhiên ở quê, chỉ theo dõi con trai qua tivi, đêm đêm nằm khóc suốt vì lo cho Nhiên. Còn Lê Bá Công, thành viên duy nhất trong đoàn đã có gia đình thì phải đóng cửa một tiệm bán giày của mình ở Nha Trang, gác lại kế hoạch xây nhà...

Vợ anh, chị Lê Thị Minh Hà, chia sẻ: “Nói thật, lúc đầu tôi để ảnh tham gia vì muốn ảnh đi cho thỏa mong ước. Nhưng càng vào vòng trong, thấy anh đam mê, tôi cũng bị mê theo. Bây giờ chinh phục Everest không còn là đam mê của riêng chồng tôi mà với tôi đó là lòng tự hào dân tộc. Tôi biết tất cả những nguy hiểm khi chinh phục Everest, nhưng tôi tin chồng tôi cũng như đồng đội của anh ấy sẽ vượt qua”.

60 ngày, hành trình vẫn còn dài, cờ Việt Nam sẽ bay trên Everest hay không vẫn chưa có câu trả lời nhưng ý chí và quyết tâm cắm cờ Việt Nam trên nóc nhà thế giới đang là ước mơ cháy bỏng của không chỉ bốn vận động viên, những người thân của họ mà của cả hàng triệu trái tim Việt Nam.

Chúng tôi sẽ cắm cờ Việt Nam trên Everest
Chinh phục núi tuyết
Bốn chàng trai Everest
Xem videoclip Bốn chàng trai Everest
Videoclip Chinh phục núi tuyết

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận