2 vựa lương thực chính bị đe dọa

NGUYỄN ĐẠT ÂN 20/02/2008 19:02 GMT+7

TTCT - Khi nhìn vào bất cứ tấm bản đồ dự báo nào về mức SLR (mực thủy triều dâng) của các tổ chức quốc tế, một màu đỏ cảnh báo đang được tô đậm toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và dọc bờ biển miền Trung.

Phóng to
Bản đồ các khu vực nông nghiệp nằm ở vị trí thấp so với mực nước biển. Nguồn: Tạp chí Rice Today, tháng 7 & tháng 9-2007
TTCT - Khi nhìn vào bất cứ tấm bản đồ dự báo nào về mức SLR (mực thủy triều dâng) của các tổ chức quốc tế, một màu đỏ cảnh báo đang được tô đậm toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và dọc bờ biển miền Trung.

Điều đó có nghĩa là hai vựa lương thực chính và các bờ biển du lịch đẹp của chúng ta có nguy cơ bị mất trắng hoàn toàn.

69cm hay 1m

Đó là hai con số dự báo về mức SLR của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) đang làm bối rối giới khoa học Việt Nam tại hội thảo “Hướng tới chương trình hành động của ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11-1-2008. Họ đang lúng túng xây dựng một kịch bản để Việt Nam đối phó với thảm họa toàn cầu và kịch bản này chỉ dựa trên hai con số giản đơn!

Chỉ riêng với vấn đề biến đổi khí hậu, các chuyên gia môi trường trên thế giới có đến bốn lý do để chuẩn bị hàng loạt kịch bản, và một tâm thế để đối phó với mức SLR tối thiểu là 5m:

1. Lịch sử địa chất Trái đất đã chứng minh với một mức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 2°C - 3°C thì SLR trên toàn bề mặt Trái đất sẽ dâng cao 25 ± 10m!

2. Các hậu quả của biến đổi khí hậu (ví dụ: bão, nhiệt độ trung bình toàn cầu, mực thủy triều dâng, mất cân bằng sinh thái...) mang tính phi tuyến tính (nghĩa là không xảy ra theo công thức), bất ngờ và không dự đoán được.

3. Mức SLR do băng tan là một chuyện, nhưng cần phải tính đến mức SLR thực tế khi có sự cộng hưởng của các nhân tố thảm họa thiên nhiên khác (ví dụ như: gió, bão, lũ lụt). Hình ảnh tiểu bang New Orleans chìm trong biển nước khi bão Katrina tràn qua bờ biển phía đông nước Mỹ là một ví dụ điển hình.

4. Cứ theo mệnh đề đánh cược nổi tiếng “Nếu chúng ta sai thì sao?” của nhà triết học và toán học lừng danh người Pháp Blaise Pascal (còn được gọi là “thuyết nghịch biện Pascal”), nếu chúng ta hành động để ngăn chặn và phòng chống thảm họa biến đổi khí hậu và chúng ta sai lầm thì chỉ là vấn đề tốn một ít tiền. Còn nếu chúng ta không hành động và chúng ta sai lầm thì sẽ thấy ngay hậu quả khủng khiếp.

Chính vì thế Architecture 2030 (Hiệp hội Kiến trúc sư và công trình sư bảo vệ môi trường của Mỹ) đã cảnh báo một biên độ dao động từ 1-6m SLR tại 36 thành phố lớn của Mỹ bằng bản báo cáo nghiêm túc Nation Under Siege (tạm dịch: “Nước Mỹ bị công hãm”). WB cũng đã thống kê thiệt hại do SLR gây ra tại Việt Nam như sau: “Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng bởi SLR nghiêm trọng nhất thế giới, chỉ sau quần đảo Bahamas. Phần lớn ảnh hưởng nằm ở hai đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Với mức 1m SLR, 10,8% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng. Với mức 5m SLR, con số sẽ là 35% dân số Việt Nam”. (Báo cáo đối chiếu của WB về ảnh hưởng của SLR đối với các nước đang phát triển).

Trên tạp chí Rice Today số tháng 7, tháng 9-2007, Hội nghị hợp tác về gạo và biến đổi khí hậu của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã chỉ rõ những khu vực trồng lúa nằm dưới 1m SLR và nằm trong biên độ từ 1-5m SLR của Việt Nam. Hiện IRRI đang hợp tác với Viện Qui hoạch thủy lợi miền Nam ở TP.HCM để đánh giá ảnh hưởng của SLR đối với các điều kiện thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cần một nhận thức có hệ thống

Phóng to
Dự báo của Trung tâm cảnh báo từ xa về băng khối của Mỹ (CReSIS)

Trong một báo cáo năm 2003 về khả năng thích nghi biến đổi khí hậu dựa trên yếu tố cộng đồng của GS Rajib Shaw (Đại học Kyoto, Nhật Bản), ông và người cộng sự Okazaki có đề cập những phương pháp giúp Việt Nam củng cố khả năng phát triển bền vững:

1. Tăng cường và củng cố một “nền văn hóa có tâm thế đối phó với khủng hoảng”.

2. Tăng cường nhận thức của cộng đồng về mối hiểm họa.

3. Nhận ra các động lực giúp cộng đồng bắt tay vào hành động.

4. Kêu gọi sự tham gia của cộng đồng và bồi thêm sức mạnh nghiên cứu thông qua các học viện chuyên ngành.

5. Tập trung chú ý tập luyện những phương pháp cứu hộ dành cho nhu cầu sống còn căn bản.

6. Mời gọi sự tham gia từ nhiều phía, dựa trên nhu cầu và mục tiêu hành động, và bằng nhiều cách thức, cả chính qui và không chính qui.

7. Tăng cường khả năng tích lũy hữu hình và vô hình về vật chất, công nghệ và tài sản kinh tế để sử dụng như đầu ra cho các dự án đối phó với cuộc khủng hoảng.

8. Tăng cường tích hợp sự tích cực và sáng tạo của cộng đồng xã hội vào việc hoạch định và giải ngân chính sách phát triển để đảm bảo khả năng tồn tại bền vững.

Với những khái niệm như thế, vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ là chuyện của Bộ NN&PTNT mà là trách nhiệm chung của cộng đồng và xã hội, trong đó, những nhà hoạch định chính sách giữ vai trò quan trọng. Quan tâm đến vấn đề này cũng không phải chỉ đơn giản là xem xét mực nước triều dâng hay dự đoán mưa bão lụt lội. Cần phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu từ nhiều khía cạnh: khoa học, xã hội, kinh tế, chính trị, dân số...

Chính phủ cần hướng đến mục tiêu cắt giảm khí thải CO2, hơn là chỉ nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm. Các nhà hoạch định chính sách của chúng ta nên đặt ra nhiều sự chọn lựa và đàm phán: giữa việc phát triển một nền kinh tế mang tính nhất thời với khả năng phát triển các điều kiện giao thương bền vững, giữa việc xây dựng một nền tảng cơ sở vật chất quá phụ thuộc vào dầu mỏ và năng lượng không tái tạo được với những nguyên vật liệu và công nghệ sạch và có thể tái tạo được, và giữa quyết định trồng rừng, gây rừng và bảo tồn thiên nhiên dựa trên cái giá rẻ mạt về buôn bán trao đổi khí thải carbon mà người ta đang cám dỗ chúng ta, với khả năng phát triển một hệ sinh thái vững vàng để bảo vệ cuộc sống của nhân dân.

Trên tờ New York Times, TS John P. Holdren - chuyên gia vật lý và khí hậu của Harvard, chủ tịch Hiệp hội Tiến bộ khoa học Mỹ - đã cảnh báo về các khoản đầu tư cho loại cơ sở hạ tầng và công nghệ quá phụ thuộc vào dầu mỏ: “Chúng ta đầu tư 12 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế năng lượng thế giới chỉ để thu về được một khoảng thời gian trong vòng 30-40 năm... Nếu mong có một tương lai khác trong 30-40 năm nữa, cần phải bắt đầu lại từ giờ...”.

Năm 2007, Việt Nam đã tự tin ký kết biên bản ghi nhớ với Boeing và Airbus về việc mua 42 máy bay “thế hệ mới” dành cho việc chuyên chở hàng không từ năm 2012-2018. Bản thỏa thuận này được xem như một chỉ báo cho ý định đầu tư của Chính phủ về một ngành chuyên chở hàng không quốc gia mang tầm cỡ quốc tế. Như vậy, tổng số máy bay của Vietnam Airlines sẽ được nâng lên con số 86 chiếc vào năm 2015 và 110 chiếc vào năm 2020.

Với thông tin dự báo của các chuyên gia năng lượng thế giới về khả năng khai thác dầu khí - mà kerosene là một thành phần của dầu mỏ chiếm hàm lượng cao trong xăng của máy bay - sẽ đạt mức đỉnh về sản lượng vào năm 2020 và sút giảm nhanh chóng trong những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ còn bao nhiêu chiếc máy bay sử dụng được vào năm 2030?

Lịch sử thì lặp lại nhưng cơ hội không lặp lại. Một đất nước lớn lên không chỉ nhờ mức tăng trưởng GDP hay chỉ số tiêu dùng cao. Tầm cao của một dân tộc còn được quyết định dựa trên khả năng biết phân biệt giữa cơ hội phát triển và mối đe dọa.

Vào đầu năm nay, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, các chuyên gia môi trường đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Predicament” để thay thế cho “Crisis”. Điều đó có nghĩa cuộc khủng hoảng này không chỉ là ngắn hạn, nhưng sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng trong dài hạn, về cả hai mặt vật chất và tinh thần, với mối hiểm họa tăng lên gấp bội. Và Climate Predicament nghĩa là: (1) Mức tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHSs) làm nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng; (2) Hiện tượng suy giảm tính đa dạng sinh học; (3) Dân số quá đông; (4) Sự suy giảm các nguồn tài nguyên có thể tái tạo được (đất, nước, không khí...); và (5) Sự suy giảm các nguồn tài nguyên không thể tái tạo được (dầu mỏ, khí đốt, uranium...).

Báo cáo Planet Titanic của tác giả Raja Sohail Bashir

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận