Huyện đảo Bạch Long Vĩ (có nghĩa "đuôi rồng trắng") thuộc thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 130 km.
Hòn đảo đặc biệt này có cả núi, cả thềm, cả bãi cát vàng lấp lánh. Bãi tắm ở Bạch Long Vĩ nằm ngay gần âu cảng. Nước trong, sóng vỗ rì rào. Thềm cát hơi dốc chứ không thoai thoải như nhiều bãi biển khác trong đất liền, nhưng nước rất trong, không mang kính bơi vẫn có thể lặn mở mắt, ngắm những hòn đá và san hô sặc sỡ khi ánh nắng rọi xuống đáy.
Tính từ nơi xuất phát gần nhất là đảo Hòn Dấu (Hải Phòng), quãng đường ra đến đảo khoảng 110 km. Tuy nhiên, tàu du lịch thường đón khách ở cảng trong thành phố, đi khoảng 10 tiếng.
Mùa biển êm chỉ kéo dài vài tháng đầu năm. Thành phố Hải Phòng đã có chính sách trợ giá để hỗ trợ người dân trên đảo và thu hút khách du lịch. Hải Phòng chi 50% giá vé tàu, khách ra đảo chỉ phải thanh toán một nửa (khoảng 2,5 triệu đồng). Khách muốn đi phải đăng ký trước.
Hải đăng trên đảo là một trong những địa điểm ưa thích của nhiều du khách khi đến Bạch Long Vĩ. Từ tháp của ngọn đèn biển này có thể nhìn bao quát hết đảo, ngắm những con tàu cá dập dềnh ngoài khơi, để gió biển mặn mòi lùa vào tóc.
Những "điểm vàng" du lịch khác: chùa Bạch Long, đền Bạch Long, bãi đá, bãi tắm…
Đêm đến, ngắm nhìn biển đêm với bầu trời lung linh đầy sao, bên dưới là cả vùng biển với hàng trăm con tàu câu mực với hàng nghìn bóng đèn tỏa sáng trông như thành phố nổi trên mặt biển.
"Đặc sản của Bạch Long Vĩ là bào ngư, một loài hải sản quí hiếm có giá trị kinh tế cao thì vài năm trở lại đây đã không còn nữa. Trước đây, quanh đảo này lặn xuống thì thấy rong biển dày đặc, cao cả mét. Rong biển là thức ăn duy nhất của bào ngư. Nhưng rồi vài năm nay chắc do môi trường biển bị ô nhiễm, hay biến đổi khí hậu mà rong biển chết sạch, kéo theo bào ngư cũng biến mất" - ông Trần Văn Hiên, một người sống lâu năm trên đảo tiếc nuối..
Trên đảo hiện vẫn chưa có khách sạn, nhà nghỉ hay resort. Tuy nhiên hệ thống nhà khách của thanh niên xung phong trên đảo và nhà khách của huyện có thể đáp ứng chỗ nghỉ cho khoảng 100 khách. Du khách còn có thể liên hệ để được ăn, ngủ ngay tại các nhà dân trên đảo.
Quần đảo Cát Bà gồm 367 hòn đảo, trong đó có đảo Cát Bà ở ngoài khơi thành phố Hải Phòng, phía nam vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh. Quần đảo này như nàng tiên vừa choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài.
Cát Bà (thuộc huyện đảo Cát Hải, một trong 12 huyện đảo của Việt Nam) không chỉ có biển mà còn có núi non, hang động, rừng ngập mặn, bãi triều, rừng mưa nhiệt đới, ao hồ trên núi đá vôi, các rạn san hô rộng lớn. Mùa du lịch chính ở đây kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9, nhưng vẫn đón khách quanh năm.
Quần đảo Cát Bà này là có 139 bãi tắm cát vàng. Ngoài những bãi nổi tiếng như Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3 ngay gần trung tâm thị trấn, còn hơn 100 bãi tắm rải rác ở các đảo, ven vịnh, vắng vẻ nhưng quyến rũ.
Khách có thể thăm vịnh Lan Hạ, bơi thuyền, khám phá hang động như ở Hạ Long, lặn biển ngắm san hô như ở Lý Sơn, nằm dài trên bãi cát dịu êm như ở Phú Quốc hay cũng có thể đi bộ xuyên rừng như ở Cúc Phương. Nhiều khách đến vịnh Lan Hạ rồi mê đắm, không muốn lên bờ.
Cát Bà được quy hoạch tiến tới là quần đảo không khói xe. Phương tiện di chuyển trên đảo sẽ là xe điện, xe đạp.
Trung tâm thị trấn Cát Bà: Là nơi tập trung các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cảng biển…, thị trấn Cát Bà vừa là chỗ nghỉ ngơi để bạn chuẩn bị cho những trải nghiệm, khám phá các điểm đến tuyệt vời khác vừa là nơi có nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn. Bạn có thể tắm biển ở bãi Cát Cò 2 - một trong những bãi biển đẹp nhất của Cát Bà, đi dạo trên đường ven biển, xem biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu ngoài trời ngay bên cảng… Buổi tối, ở trung tâm thị trấn rất nhộn nhịp
Điểm cao 177 - Pháo đài thần công: Đây là khu di tích lịch sử nằm trên ngọn đồi có độ cao 177m so với mặt nước biển. Địa điểm này là nơi check in lý tưởng, có thể ngắm khung cảnh kỳ vĩ của Cát Bà từ trên cao. Điểm du lịch này cũng là nơi tham quan trận địa pháo cỡ lớn, hệ thống hầm, hào quân sự …
Vịnh Lan Hạ: Lan Hạ là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam. Nước trong, xanh, núi non hùng vĩ và thơ mộng. Bạn có thể đi tàu tham quan vịnh, chèo thuyền kayak, lặn biển, leo núi, tắm biển hoặc đến thăm các bè nuôi hải sản trên vịnh.
Vườn quốc gia Cát Bà: Vườn quốc gia Cát Bà là nơi lý tưởng cho những người thích khám phá. Con đường checking qua rừng nguyên sinh, rừng kim giao, leo lên đỉnh Ngự Lâm để ngắm toàn cảnh núi non, biểm trời hùng vĩ của Cát Bà.
Cát Bà là nơi sinh sống của khoảng 3.860 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong đó có 130 loài được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới để bảo vệ. Đặc biệt, voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài đặc hữu chỉ còn một quần thể với 70 cá thể phân bố duy nhất trên thế giới tại Cát Bà.
Huyện đảo Cát Hải được nối liền với trung tâm thành phố Hải Phòng qua cầu Lạch Huyện dài 54,km - cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á khánh thành ngày 2-9-2017. Khách chỉ mất 30 phút đi phà để sang đảo Cát Bà.
Đến Cô Tô, du khách sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, những bãi cát trải dài, trắng mịn hòa cùng màu nước biển xanh ngắt. Ở đây có nhiều bãi tắm nổi tiếng như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Tình Yêu, có nhiều sao biển, những vách núi lạ, đẹp độc đáo.
Từ năm 2013, có điện lưới quốc gia, mọi thứ ở Cô Tô đều thay đổi, khách sạn, nhà hàng thi nhau mọc lên. Các tuyến đường liên tục được mở mang, nâng cấp. Hàng loạt các hồ chứa nước ngọt được xây dựng khắp đảo.
Trung tâm thị trấn có nhiều nhà cao tầng, các khách sạn 2-3 sao, một trung tâm thương mại khá qui mô. Quán bar, nhà hàng, quán karaoke, quán cà phê… nhiều vô kể.
Hội Du lịch Cô Tô đã giúp hình thành những "làng du lịch", và và nhiều loại hình du lịch ở khắp huyện đảo, như "làng du lịch" thôn Hoàng Hải, xã Đồng Tiến.
Mô hình "làng du lịch" thống nhất về giá cả lưu trú, chỉ cạnh tranh về chất lượng phòng, dịch vụ và cung cách phục vụ, môi trường sạch đẹp, an toàn trong cả lưu trú lẫn ăn uống.
Hiện nay, Cô Tô có gần 30 tàu cao tốc cỡ lớn có thể chở 150-300 khách/tàu hoạt động mỗi ngày, chưa kể những thuyền máy lớn, ca nô của huyện và ngư dân sẵn sàng được huy động. Chỉ mất 1 giờ đồng hồ, du khách có thể từ đất liền đặt chân lên đảo.
Cô Tô giờ đã thực sự gần với đất liền.
Vân Đồn được thiên nhiên ban tặng những giá trị ít nơi nào có được: phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình trên những hòn đảo đẹp, nổi tiếng như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng…, cùng các di lịch sử.
Điểm độc đáo của các đảo là thiên nhiên trong lành, hoang sơ. Các bãi cát trắng trải dài đã khiến nơi đây là điểm đến không thể thiếu của du khách trong các dịp hè, được nhiều du khách ví là "thiên đường du lịch".
Quảng Ninh và huyện Vân Đồn đã, đang biến những tiềm năng phát triển du lịch của đảo này thành hiện thực.
Tháng 9-2018, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Quảng Ninh được khánh thành, cũng là "cây cầu" nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, giúp rút ngắn quãng đường từ Hà Nội đi TP.Hạ Long từ 180 km xuống còn 130 km (và rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75km xuống còn 25km), giảm thời gian đi ôtô từ Hà Nội về Hạ Long từ hơn 200 phút xuống còn khoảng 100 phút.
Cuối tháng 12-2018, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km thông xe, giúp quãng đường từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ xe chạy.
"Bây giờ, mọi người có thể ăn sáng ở Hà Nội lúc 6h, uống cà phê tại thành phố Cảng Hải Phòng lúc hơn 7h và ngoài 8h một chút là tới Vân Đồn để làm việc. Vân Đồn giờ đã gần lắm rồi!" - ông Tô Xuân Thao, Bí thư huyện ủy huyện Vân Đồn nói về sự tiện lợi khi đến với Vân Đồn.
Cùng ngày thông xe cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM cũng đã đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Chỉ thời gian ngắn, hàng loạt chuyến bay nội địa và cả quốc tế (Trung Quốc) đã được nối đến sân bay hiện đại nhất nhì Việt Nam này.
Cồn Cỏ là đảo hình thành do hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát...
Nơi đây có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp. Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 74% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn, và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú.
Đứng trên cao nhìn xuống, đảo Cồn Cỏ như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía tây nam. Những ngày đẹp trời, từ Cửa Tùng có thể nhìn thấy đảo rất rõ với sự nhô lên 2 điểm cao làm nổi bật màu xanh sẫm của đảo trên nền trời trong nước biếc.
Ngắm san hô đã trở thành sản phẩm không thể thiếu từ khi đảo trở thành đảo du lịch. San hô nơi này phong phú và đa dạng, đã được đưa vào diện bảo tồn đặc biệt.
Hai ngày trên đảo là vừa đủ để khám phá Cồn Cỏ. Nơi đây không có những bãi biển yêu kiều diễm lệ hay những khu nghĩ dưỡng sang trọng, nhưng có những điểm nhấn để mỗi du khách đến đều có cái để nhớ. Đó là sự hoang sơ.
Huyện đảo Cồn Cỏ được cấp phép khai thác du lịch từ 2017. Trước đó, t năm 2002, đảo Cồn Cỏ được chuyển thành đảo dân sự.
Mỗi tuần có 3 chuyến tàu cao tốc ra đảo vào mùa nắng, một chuyến mỗi tuần vào mùa mưa. Mỗi chuyến tàu ra đảo thường bắt đầu ở cảng Cửa Việt ( thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vào khoảng hơn 7h các ngày thứ 2-4-6, và trở về đất liền vào các ngày thứ 3-5-7. Thời gian tàu này chạy ra đảo khoảng hơn một giờ với giá vé khoảng 200.000 đồng/người.
Một số đơn vị lữ hành đã tổ chức tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ hai ngày một đêm, và thường trong mùa biển lặng (khoảng từ tháng 3 đến tháng 8).
Nếu không muốn đặt tour, du khách cũng có thể tự tổ chức theo hình thức "bụi" bằng cách tự mua vé tàu đi ra đảo khám phá.
Trong tiếng còi tàu kéo dài, Lý Sơn hiện ra như một chiến hạm giữa trùng khơi. Đi tàu hiện là cách duy nhất nối đất liền với Lý Sơn. Đội tàu khách hùng hậu và ngày một hiện đại ấy đã mang xứ đảo đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Trên đảo có rất nhiều nhà hàng, quán ăn. Đặc sản xứ đảo dĩ nhiên là hải sản: cá, tôm, mực tươi rói vừa đánh bắt từ biển về được chế biển từ giản dị đến công phu.
Đến Lý Sơn đúng mùa tỏi, mùa rong, du khách sẽ thưởng thức món gỏi tỏi non nức tiếng và gỏi rong biển nhai giòn tan.
Tìm nơi lưu trú, thưởng thức những món ăn đậm hương vị biển khơi, bạn hãy thuê xe máy, hoặc đi xe điện, xe taxi, bắt đầu khám phá tuyệt tác mà tạo hóa tặng Lý Sơn. Hòn Vung, hòn Tai, hòn Sỏi, và 2 núi Thới Lới, Giếng Tiền là điểm nhất định phải tới để chiêm ngưỡng những miệng núi lửa có niên đại từ 25 đến 30 triệu năm về trước gầm gừ đổ nham thạch đỏ lừ tạo thành Lý Sơn.
Thả hồn nơi hai ngọn núi lớn nhất đảo, du khách cảm nhận đủ đầy gió trời từ biển thổi vào căng tràn lồng ngực, trước khi ngắm nhìn "thành trì" khổng ở danh thắng Hang Câu. Du khách đến đây vào buổi sáng có thể thấy bình minh lộ dần trên nền biển, vào buổi chiều xem khung cảnh hoàng hôn chìm dần sau đáy nước, để rồi trầm mình xuống biển mà hít hà đại dương mát lành, vừa tắm biển vừa nhìn di sản địa chất Hang Câu mà trầm trồ bàn tay tạo hóa quá khéo khi dựng lên công trình hoàn mỹ giữa đại dương.
Những người mở dịch vụ lưu trú ở Lý Sơn có những cách thức để biến nơi lưu trú của mình mang vẻ đẹp khác nhau, nhưng cùng chung câu chuyện truyền tải thông điệp chủ quyền biển đảo. Mỗi buổi tối khi du khách trở về nhà, trong buổi cơm, lúc uống trà, chủ nhà luôn muốn kể về niềm tự hào của họ - là đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải vâng lệnh vua đi mở rộng bờ cõi, hay những bản sắc phong vẫn còn nguyên giá trị hiện diện trong những nhà thợ họ trên Lý Sơn.
"Tôi muốn cho du khách biết về xứ sở này. Không chỉ cảnh đẹp mà con người gan dạ, một tấc biển Hoàng Sa cũng chưa bao giờ bỏ", chị Tý - chủ một homestay - tâm sự.
Đảo Phú Quý khá nhỏ, chạy một vòng chỉ mất 15 phút, bạn có thể tự chạy xe máy khám phá những điểm đẹp nhất.
Núi Cao Cát là 1 trong 3 ngọn núi chính của Phú Quý (còn lại là núi Cấm, núi Ông Đụn). Ngọn núi san hô này cao 85m, ở phía bắc đảo Phú Quý. Hàng vạn năm bị nước biển xâm thực và gió biển bào mòn tạo nên những lớp sóng trên đá, đẹp và lạ. Trên đỉnh núi có nhiều mỏm đá và hang động nguyên sinh sâu hun hút vào tâm núi.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thật ngỡ ngàng với bức tranh trời, biển, núi đẹp mê hồn: phía đông nam là hòn Tranh, phía đông bắc là hòn Đen, hòn Giữa, hòn Đỏ. Đây là một trong những địa điểm khách du lịch thường đứng ngắm hoàng hôn, thấy được cả biển và những trụ điện gió quay quay trong trời chiều.
Rời núi Cao Cát, bạn hãy tới hòn Đỏ nơi có mộ thầy Nại - một thầy thuốc người Hoa đi tàu gặp bão bị dạt vào đảo rồi ở lại với dân đảo.
Vịnh Triều Dương là một trong hai bãi tắm đẹp nhất đảo. Con đường từ cột cờ chạy về vịnh Triều Dương đẹp ngỡ ngàng với nắng vàng, biển xanh, những mỏm đá nhấp nhô ven biển màu nâu đen vì được hình thành từ nham thạch núi lửa.
Đến Phú Quý nhất định phải ra hòn Tranh ngắm san hô, bắt nhum, câu cá. Nước biển sạch, trong vắt và đẹp đến nỗi dù người không biết bơi cũng có thể ngụp xuống nước ngắm san hô. Những cụm san hô với nhiều hình dạng, màu sắc huyền ảo đổi màu lung linh
Quần đảo Hoàng Sa gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm… thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2.
Quần đảo Hoàng Sa gồm 2 cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía tây, cụm An Vĩnh ở phía đông. Cụm Lưỡi Liềm có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía Tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 8 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và bãi ngầm, mỏm đá. Ngoài các đảo như trên, quần đảo Hoàng Sa còn có nhiều đảo, đá, mỏm đá, cồn cát và bãi khác.
Dù đã bị chiếm đóng, vùng ngư trường Hoàng Sa rộng lớn truyền thống từ thời cha ông chưa bao giờ vắng tàu thuyền của ngư dân Việt. Ở vùng biển miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, những chuyến tàu nạp đầy nhiên liệu, sáng rực đèn điện, thực phẩm... mỗi mùa đánh bắt lại căng cờ, chở theo những ngư dân can trường, dũng cảm hướng thẳng ra vùng biển Hoàng Sa.
Bao năm qua, không thiếu những chuyến ra khơi bão tố, trắc trở do thiên tai gió bão; và giờ đây ngoài gió bão ra thì còn có sự uy hiếp của tàu Trung Quốc ngăn dân ta khai thác tôm cá ở vùng ngư trường truyền thống, nhưng ngư dân vẫn không bỏ biển, không nản lòng. Bà con hiểu rằng sự hiện diện của tàu bè Việt Nam ở Hoàng Sa - vùng ngư trường truyền thống của tổ tiên để lại - là sự hiện diện của những cột mốc chủ quyền Tổ quốc.
Ngày 19-1-1974, Trung Quốc xua quân xuống cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi, các quân nhân Việt Nam vẫn nổ súng chống lại kẻ xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng không thành công. Hoàng Sa bị Trung Quốc kiểm soát từ đó.
Nhưng Hoàng Sa là của Việt Nam! Chính phủ Việt Nam liên tục khẳng định trước cộng đồng quốc tế chủ quyền với quần đảo máu thịt này. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều có công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, ngày 11-12-1982, Nhà nước ta đã tuyên bố thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là một khẳng định có tính pháp lý quyền quản lý hành chính của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Từ ngày 1-1-1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Trụ sở của cơ quan thường trú UBND huyện được đặt tạm trong trụ sở của Sở Nội vụ, tại số 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Hằng năm, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đều giao chỉ tiêu ngân sách để UBND huyện Hoàng Sa duy trì tổ chức, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước này.
Ngày 28-3-2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng được khánh thành sau thời gian dài xây dựng và sưu tập tư liệu lịch sử. Công trình là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế.
Quần đảo Trường Sa cách thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 248 hải lý (khoảng 460km), cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 305 hải lý (tính từ đảo Trường Sa Lớn).
Huyện đảo Trường Sa có 3 đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và xã đảo Sinh Tồn. Đến bất cứ đảo nào, bạn cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh đầu tiên là những chiến sĩ mặc áo yếm hải quân còn trẻ măng, làn da ngăm sạm.
Quần đảo Trường Sa không còn là những đảo nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển khơi, nơi chỉ có sóng gió, bão giông. Trường Sa ngày nay như một thành phố nhỏ trên Biển Đông, với những khu dân cư, những làng chài ven đảo. Thị trấn có diện tích 0,15 km2, dài 630m, nơi rộng nhất 300m, không khác gì đất liền: có đường nhựa, có trường học, bệnh xá khang trang hiện đại và có cả chùa, có đường băng cho máy bay cất hạ cánh....
Thị trấn Trường Sa - trái tim của quần đảo Trường Sa - rợp bóng mát với nhiều loài cây xanh: bàng ta, tre, mù u, phi lao..., nhưng nhiều nhất là cây bàng vuông và cây phong ba. Cây bàng vuông là một trong những “thương hiệu” của Trường Sa. Hoa bàng vuông chỉ nở vào ban đêm, màu trắng hồng, như chiếc đèn lồng tí hon. Lá bàng vuông được bộ đội và dân đảo dùng để gói bánh chưng vào dịp Tết. Cây bàng vuông con cũng là món quà đặc biệt mà người đất liền ra đảo muốn có được để lưu lại kỷ niệm đến Trường Sa.
Không có nhà hàng sang trọng, khách sạn chọc trời, quán bar sôi động, không có rác lềnh bềnh, ở Trường Sa chỉ có sự bình dị, mộc mạc, và biển xanh. Nước biển trong veo in bóng mây trời. Cát mịn, trắng phau.
Quần đảo Trường Sa có hàng trăm đảo san hô, cồn cát, rạn đá và bãi ngầm rải rác trên vùng biển rộng lớn.
Nhiều người dân từ đất liền đã vượt hàng trăm hải lý ra đảo sinh sống, an cư, lập nghiệp từ rất lâu. Nhiều đứa trẻ đã chào đời tại quần đảo xa xôi này. Những đứa bé Trường Sa tạo nên hình ảnh thú vị, khi chúng mặc bộ đồ như quân phục hải quân, lon ton hớn hở theo cha mẹ đi đón khách ra thăm đảo. Có những giáo viên rất trẻ xung phong ra đảo dạy học. Ở Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, xã đảo Nam Yết, xã đảo Song Tử Tây... đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học. Sau khi học hết cấp 1, các bé sẽ được chuyển vào đất liền học tiếp.
Quần đảo Trường Sa hiện nay vẫn là đảo quân sự dù đã có dân ở. Phương tiện để đi ra Trường Sa ngoài tàu hải quân, chỉ có thuyền ghe của bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Trường Sa có sân bay nhưng chỉ có máy bay quân sự, trực thăng cứu hộ cứu nạn hạ cánh, chưa có máy bay dân sự hoạt động.
Thời nhà Lê, các đảo ngoài khơi phía Đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo. Đến thời nhà Nguyễn, trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ của Phan Huy Chú xuất hiện tên Vạn Lý Trường Sa. Trong lịch sử hiện đại, thời chiến tranh chống Mỹ, quần đảo Trường Sa được chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Quần đảo Trường Sa được quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn ngày 29-4-1975.
Trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam, quần đảo Trường Sa là vùng đất của máu và nước mắt với sự kiện 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh khi bảo vệ bãi đá ngầm Gạc Ma ngày 14-3-1988. Từ tháng 5-2005, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng tại đảo Đá Tây rộng 3.000m2 với nhiều trang bị hiện đại, hỗ trợ cho ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản. Quần đảo Trường Sa hiện chưa có cảng lớn mà chỉ có một số cảng cá nhỏ. Quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu và khí thiên nhiên rất lớn, là một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới.
Huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 16 hòn lớn nhỏ. Đó cũng là 16 điểm du lịch với những thế mạnh riêng biệt.
Nằm cách đảo chính chỉ 30 phút đi cano, hòn Cau hoang sơ và xinh đẹp. Bãi cát trắng tinh hình cánh cung nghiêng mình ôm lấy đảo. Cát cực mịn và nhỏ. Nước biển trong vắt, nhìn rõ những viên sỏi lấp loáng nắng trời dưới đáy. Trên đảo những cây cau, thân dừa cao chót vót đung đưa trong gió lộng. Những hàng phong ba sừng sững đứng chắn gió, che chở cho đảo.
Ở đây, sắc xanh ôm lấy cả trời cả đất: xanh trời, xanh biển, xanh cây, xanh lá, xanh hoa, xanh cỏ. Giữa bao la trời xanh, biển xanh, nắng vàng, cát trắng, mọi thứ nguyên sơ, thuần khiết và sạch sẽ, ngồi dưới gốc cây phong ba cổ thụ nghe sóng biển vỗ rì rào, thiên đường là đây chẳng phải đâu xa.
Hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ hai trong 16 đảo của Côn Đảo, rộng tới 683 ha.
Đây là 1 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất. Đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có cua xe tăng. Loài cua này có màu hạt dẻ, màu vàng nhàn nhạt, càng lớn bên to bên nhỏ, kềnh càng như xe tăng. Đây là loài cua cạn to nhất Việt Nam.
Hòn Trứng được mệnh danh là sân chim của Vườn quốc gia Côn Đảo.
Ngoài hòn Trứng, du khách có thể tới hòn Tài để xem khỉ mặt đỏ, đến hòn Bông Lan - nơi chim yến làm tổ nhiều nhất Côn Đảo và có cột mốc cơ sở. Mỗi hòn đảo đều có những nét đẹp riêng. Thế nên không ngạc nhiên khi biết năm 2011, Côn Đảo được tạp chí du lịch thế giới Lonely Planet (Anh) bình chọn là 1 trong 10 hòn đảo lãng mạn và bí mật nhất thế giới.
Đến Côn Đảo, bạn hãy dành mộtả buổi sáng đi thăm hệ thống di tích nhà tù nổi tiếng thời chiến tranh với "chuồng cọp" kiểu Pháp, "chuồng cọp" kiểu Mỹ... Ám ảnh nhất là khi đến di tích Chuồng Bò, thật ra giờ chỉ còn lại một phần nào bức tường. Chẳng ai ngờ, những hầm tối ngập phân bò ở đây lại là "phòng biệt giam" mà bọn cai ngục nghĩ ra để tra tấn các tù nhân.
Với hệ thống di tích nhà tù đặc biệt cấp quốc gia, Côn Đảo còn có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh. Người ta bảo đến Côn Đảo mà không ra nghĩa trang Hàng Dương, không đi viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu thì coi như chưa đến Côn Đảo.
Không nổi tiếng như các đảo lớn, hàng chục hòn đảo nhỏ của Kiên Hải được ví như "Vịnh Hạ Long" trên biển Tây cũng đang trở thành những điểm đến hấp dẫn dành cho du khách theo cách rất riêng.
Từ Rạch Giá, du khách tới đảo Hòn Sơn với hành trình 1 tiếng 30 phút bằng tàu cao tốc. Hòn Sơn có các bãi biển có thể tắm là bãi Bàng và bãi Cây Dừa Nằm.
Tại chợ Hòn Sơn, du khách nên tìm đặt mua tôm, mực đánh từ biển, sẽ tươi ngon hơn. Còn nếu vô quán, mức giá cho 1 bữa ăn với 4-6 người lớn gồm lẩu hải sản, cá kho, đồ xào thêm chút bia, nước ngọt khoảng 500.000-700.000 đồng.
Ban ngày, du khách nên dành thời gian leo núi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh, với độ cao khoảng 500m so với mực nước biển. Có 2 con đường lên đỉnh núi này, 1 đường dài 2.200m dễ đi hơn và 1 đường 1.300m rất dốc chỉ thích hợp cho các bạn có sức khoẻ tốt. Ngoài thưởng thức món gà ta nuôi thả trên sườn núi rất ngon, du khách còn được phóng tầm mắt bao quát toàn bộ vùng biển xung quanh đảo Hòn Sơn với khung cảnh tuyệt vời.
Hòn Lớn cách Hòn Sơn 40 phút đi tàu cao tốc, là trung tâm của xã An Sơn. Tại Hòn Lớn, ngoài đi vòng quanh đảo để ngắm cảnh, du khách cũng có thể tắm biển ở Bãi Cây Mến (dân địa phương gọi là Bãi Mến).
Từ Hòn Lớn, mỗi ngày sẽ có các tàu du lịch chở khách đi tham quan Hòn Ngang, Hòn Mấu… với giá chỉ 150.000 đồng/người (mùa cao điểm có thể tăng chút ít). Thoả thích câu cá, câu mực, lặn ngắm san hô.
2 - 3 ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần vừa đủ cho một tour du lịch đậm chất sinh thái với thiên nhiên hoang sơ vùng biển đảo Kiên Hải. Bạn nhớ thuê xe máy rong ruổi trên những cung đường quanh đảo, xuyên đảo đẹp mê hồn. Những cung đường này không quá dài, như ở Hòn Sơn chỉ khoảng 14km, ở Hòn Lớn khoảng 10km, Hòn Tre khoảng 7km…
Phú Quốc là quần đảo nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, một trong 12 huyện đảo của Việt Nam. Có vùng biển dài tiếp giáp với Campuchia, quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo lớn nhỏ. Trong đó, đảo Phú Quốc lớn nhất rộng gần 57.000ha.
Phú Quốc nổi tiếng với hàng chục bãi biển dài, đẹp, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, hải sản rất ngon. Ngoài các đặc sản hồ tiêu, nước mắm, chó xoáy, những năm gần đây đảo Phú Quốc còn nổi tiếng với sản phẩm ngọc trai nuôi cấy nhân tạo.
Du khách nên chọn khám phá "đảo ngọc" từ những nhà thùng nước mắm, rồi tới những vườn tiêu, thăm trang trại nuôi chó xoáy Phú Quốc, thăm Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc, thưởng thức đặc sản vùng biển, lặn ngắm san hô…
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc (ở xã Dương Tơ) lại là một chứng nhân lịch sử cho giai đoạn bi tráng nhất của hòn đảo, cũng là của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của quân và dân Việt Nam.
Muốn thưởng thức đặc sản vùng biển, du khách có rất nhiều lựa chọn. Từ những nhà hàng sang trọng, cho tới những quán nhỏ ven đường đều có sẵn hàng chục loại tươi ngon.
Khu vực chợ đêm Dương Đông giữa trung tâm đảo với khoảng 40 quán ăn là địa điểm được nhiều người lựa chọn bởi giá cả phải chăng.
Khu vực bán hải sản ở Dinh Cậu, cảng An Thới cũng rất hấp dẫn vì được người dân địa phương trực tiếp đứng ra bán.
Phú Quốc còn có món đặc sản bánh canh chả cá thu nức tiếng với quán bánh canh "đèn dầu" trên đường 30/4. Quán bánh canh "Dì Năm" chỉ bán vào buổi đêm ở gần trường tiểu học Dương Đông cũng là 1 lựa chọn hấp dẫn.
Ở đây có cáp treo Hòn Thơm dài 7,9km (được ghi vào sách kỷ lục Guiness thế giới) đưa du khách từ An Thới ra Hòn Thơm để trải nghiệm nhiều loại hình ẩm thực, lặn ngắm san hô, tắm biển thoả thích.
Quần đảo Nam An Thới có cả chục hòn đảo nhỏ với bãi đá ngầm nước trong vắt như: Hòn Thơm, Hòn Dừa, Hòn Đụn, Hòn Gầm Ghì, Mây Rút, Kim Quy, Hòn Rỏi, Hòn Dăm, Hòn Xưởng… Dịch vụ du thuyền vừa câu cá, câu mực lên tàu nướng, nấu cháo ăn, vừa lặn biển với giá chỉ khoảng 500.000 đồng /du khách sẽ là 1 trải nghiệm khó quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận