Việt Nam liệu đã cần khuyến sinh?

LAN ANH 17/08/2023 05:54 GMT+7

TTCT - Trong khi các láng giềng châu Á vất vả tìm cách tăng mức sinh, liệu Việt Nam đã đến lúc phải làm thế chưa?

Khẩu hiệu mới "Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ hai con". Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khẩu hiệu mới "Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ hai con". Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù mức sinh giữa các địa phương ở Việt Nam có chênh nhau, song ở mức độ nào đó, giới hoạch định chính sách đã đặt ra vấn đề "khuyến sinh". Trong dự thảo Luật Dân số (bản dự thảo năm 2022) cũng có chủ trương vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con.

Từ "chỉ nên có từ 1-2 con" đến "sinh đủ 2 con"

Việt Nam khởi đầu thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình từ năm 1961. Những người làm dân số lâu năm nhất nhớ lại thời điểm đó dân số Việt Nam là 30,2 triệu (năm 1960, với 16,1 triệu ở miền Bắc và 14,1 triệu ở miền Nam), tỉ lệ tăng dân số rất cao - 3,8%/năm - là hệ quả của mức sinh rất cao; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lên tới 6,3 con/bà mẹ.

Chính sách dân số thời điểm đó trước hết là vận động giảm sinh với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có đông con - là cán bộ, bộ đội, công nhân viên chức ở Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh bắc miền Trung - sau đó mới mở rộng ra.

Những năm sau đó, chính sách dân số đã được triển khai mở rộng dần, từng bước giảm tỉ lệ sinh nhưng khoảng 1991, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn là 3,8 con. Đầu những năm 1990, lần đầu tiên những chính sách khuyến khích mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con được đặt ra: đất canh tác được cấp trên cơ sở quy mô gia đình 2 con, cấp nhà cho cán bộ công nhân viên chức trên cơ sở định mức 2 con/hộ... Đi đâu người ta cũng nhìn thấy những tấm panô truyền thông "mỗi gia đình chỉ nên có 1-2 con".

Với những hoạt động giảm mức sinh chung này, đến 2006, Việt Nam bắt đầu đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con. Mức sinh này vẫn giữ cho đến hiện nay. Điều này khác hẳn với nhiều nước trong khu vực khi mức sinh tiếp tục giảm sau khi đạt mức sinh thay thế, và đó là lý do các nước bạn đang tích cực thực hiện khuyến sinh.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tốc độ tăng dân số những năm gần đây chỉ hơn 1%/năm, trong khi đầu thập niên 1960 là 3,9%. Nhờ giảm tốc độ tăng, giai đoạn 1979 - 1999 dù tổng số dân thấp hơn rất nhiều so với hiện nay, mỗi năm Việt Nam tăng thêm 1,2 triệu người, nhưng giai đoạn 1999 - 2019 tổng số dân tăng cao thì mỗi năm chỉ tăng xấp xỉ 1 triệu người.

Đây chính là giai đoạn có những sửa đổi về chính sách dân số. Chính sách dân số chuyển từ "mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con" sang "mỗi gia đình sinh đủ 2 con".

Mặc dù chưa báo động về mức sinh giảm thấp, do bình quân chung cả nước vẫn đạt mức sinh thay thế, nhưng đã có nhiều địa phương liên tiếp có mức sinh thấp (1,5-1,8 con/bà mẹ, đặc biệt là TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) trong nhiều năm và các biện pháp nhằm tăng mức sinh ở các tỉnh thành tỏ ra chưa hiệu quả, nên các chuyên gia đánh giá Việt Nam đã bắt đầu cần thay đổi chính sách, đề phòng khi mức sinh xuống quá thấp thì "gỡ" cũng không nổi như một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện nay.

Và trong khoảng 5 năm gần đây, khẩu hiệu "mỗi gia đình sinh đủ 2 con" đã xuất hiện. Có người nói như vậy là sớm, bởi người Việt vẫn sinh đẻ nhiều. Nhưng về dân số, các chuyên gia cho biết cần phải có sớm hơn vì hiệu quả thực tế chỉ đến sau nhiều năm.

Đã đặt vấn đề khuyến sinh

Nói về chuyện "sinh đủ 2 con", có câu chuyện khá được quan tâm xảy ra ở tỉnh Hà Nam gần đây. Năm 2022, Hà Nam có hơn 2.300 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, chiếm 18,1% (tăng 0,6% so với năm 2021). 6 tháng đầu năm 2023, có 818 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, chiếm 20,4% (tăng 0,2% so với cùng kỳ 2022).

Theo lý giải của Hà Nam, nguyên nhân chính của tình trạng sinh con thứ ba tăng cao trong thời gian gần đây là do "một bộ phận" cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu đúng về chính sách dân số trong tình hình mới, cho rằng đã được sinh con thoải mái. Tâm lý muốn có nhiều con xuất hiện trong một bộ phận dân cư có điều kiện kinh tế khá giả. Tâm lý sinh nhiều để dự phòng tai nạn rủi ro cũng đã xuất hiện ở nhiều gia đình.

Bà Tạ Thị Hoa, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam, cho biết theo xếp loại của Bộ Y tế giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nam thuộc vùng có mức sinh cao, do đó vẫn cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng dừng lại ở 2 con.

Không chỉ Hà Nam, nhiều tỉnh thành có tình trạng tương tự: Ở Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023, có 7% trẻ sinh ra là con thứ 3, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái; tại Hà Tĩnh, tỉ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn là 34,01%, tăng 0,9% so với cùng kỳ; tại Nghệ An, tỉ lệ này ở mức trên 20%.

Tại Tây Bắc và Tây Nguyên, mức sinh cũng vẫn còn rất cao. Chính vì vậy, dù TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long mức sinh thấp dưới mức thay thế, nhưng bình quân cả nước thì vẫn trên 2 con/bà mẹ và 2022 còn nhỉnh hơn so với những năm trước.

Theo thống kê chung, hiện có 21 tỉnh thành (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang...) có mức sinh dưới mức thay thế. Số còn lại là bằng hoặc vượt mức 2 con/bà mẹ.

Số liệu 2020

Số liệu 2020

Lần đầu tiên trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng, ở mục "các biện pháp điều chỉnh mức sinh", đã đưa ra quy định: Các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai...

Dù chính sách này (và các chính sách khác nhằm khuyến sinh) mới ở mức dự thảo hoặc dù đã thành hình nhưng chưa thực sự được đi vào cuộc sống, Việt Nam ở mức độ nào đó đã đặt ra vấn đề "khuyến sinh", và chủ trương kể cả trong dự thảo Luật Dân số (bản dự thảo năm 2022) vẫn đặt ra chủ trương vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú - tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm thưởng tiền và có chính sách hỗ trợ về nhà ở, miễn giảm học phí cho các gia đình sinh đủ 2 con ở cả vùng có mức sinh thấp và mức sinh cao. Đây cũng là biện pháp khuyến khích để điều chỉnh mức sinh hợp lý tại các vùng, đồng thời gián tiếp cải thiện chất lượng dân số.

Mặc dù việc thưởng tiền cho gia đình sinh đủ 2 con đề xuất áp dụng chung ở cả vùng có mức sinh thấp và mức sinh cao, ở nơi mức sinh cao vẫn cần các chính sách để giảm tỉ lệ sinh. Tức là về dân số ở giai đoạn mới thì không "cào bằng" ở mọi vùng, mọi địa phương như trước đây. Bởi thực tế cho thấy có những vùng sử dụng nhiều biện pháp mà vẫn sinh nhiều, nhưng 21 tỉnh thành sinh thấp thì nhiều ý kiến cho rằng chi phí nuôi dạy trẻ hiện nay tốn kém, cha mẹ vất vả hơn xưa nên không sinh nhiều, mức sinh thấp vẫn hoàn thấp.

Dân số: Chất lượng hay số lượng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về chính sách dân số hiện nay, ông Giang Thanh Long, chuyên gia về dân số, cho rằng ở Hàn Quốc mặc dù khuyến sinh nhưng mức sinh bình quân vẫn dưới 1, Nhật Bản cũng có tỉ lệ sinh thấp hơn. Việc sinh mấy con phụ thuộc vào việc làm, điều kiện kinh tế, bên cạnh chính sách như tăng thời gian nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng, hỗ trợ tài chính, nhà ở...

"Ở Việt Nam vẫn có nhiều vùng có mức sinh cao và có thể dịch chuyển lao động/dân cư từ vùng mức sinh cao đến vùng mức sinh thấp. Do vậy, vấn đề của chúng ta chưa phải là số lượng dân mà vẫn là phấn đấu cho chất lượng" - ông Long, hiện đang làm việc tại ĐH Kinh tế quốc dân, nói.

Vấn đề chất lượng dân số đang đặt ra ở Việt Nam và chưa giải quyết được trong nhiều năm qua là chênh lệch giới tính khi sinh, nguy cơ dẫn tới thừa nam thiếu nữ trong tương lai rất gần. Thứ 2 là tỉ lệ lao động đã qua đào tạo và thu nhập của người lao động. Thứ 3 là sức khỏe của trẻ em, tuổi thọ bình quân và tuổi thọ khỏe mạnh, tỉ lệ dân số bị dị tật bẩm sinh... đòi hỏi phải có thêm nhiều chính sách để giải quyết.

Tất nhiên đây là những việc rất khó, tuy nhiên "đi mãi rồi cũng thành đường", như hơn 60 năm trước mỗi bà mẹ Việt Nam có hơn 6 con, có người 10-12 con, nhưng nay đây là những điều đặc biệt, hiếm thấy, bình quân mỗi phụ nữ chỉ có 2 con.

Sinh ít đi, sinh muộn hơn

Đông Nam Bộ là vùng đạt mức sinh thay thế sớm nhất, tuy nhiên từ đó đến nay mức sinh ở vùng này có xu hướng giảm sâu, từ 1,9 con/phụ nữ năm 1999 xuống 1,92 con/phụ nữ năm 2020. Tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2002 là 1,99 con/phụ nữ, 2020 là 1,82 con/phụ nữ. Năm 1999, nhóm phụ nữ trong độ tuổi 20-24 có mức sinh cao nhất, đến 2009 và 2019 nhóm 25-29 là mức sinh cao nhất. Xu hướng sinh muộn rõ rệt hơn ở thành thị.

(Nguồn: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận