Ủy nhiệm mới cho ông Putin

TƯỜNG ANH 22/03/2024 10:49 GMT+7

TTCT - Đúng như dự đoán, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 của nước Nga kể từ 1991, với tỉ lệ mỹ mãn mà như chính ông thừa nhận cũng "không ngờ": 87,28%.

Ảnh: Atlantic Council

Ảnh: Atlantic Council

Tỉ lệ đó cao hơn hẳn so với các kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy mức ủng hộ cao nhất "chỉ" hơn 80%, và nhất là so với cuộc bầu cử 2018: 76,69%.

Những kỷ lục mới

Ngoài kỷ lục tỉ lệ đắc cử cao, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Nga lần thứ 8 cũng vượt kỷ lục với hơn 77%, theo kết quả do Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) công bố ngày 18-3.

Cuộc bầu cử không có diễn biến bất ngờ với các ứng viên còn lại. Giành hạng hai vẫn là ứng viên Đảng Cộng sản Nga (KPRF) Nikolai Kharitonov với 4,31% phiếu. Ứng viên của Đảng Những con người mới (NL) Vladislav Davankov: 3,85% về thứ ba. Cuối bảng là đại diện Đảng Dân chủ tự do (LDPR) Leonid Slutsky với 3,20% phiếu.

Cụm từ "chưa từng có tiền lệ" đã được Chủ tịch CEC Ella Pamfilova nhắc nhiều lần trong cuộc họp báo sáng 18-3 ở Matxcơva. Ngoài chiến thắng vang dội của ông Putin và tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao không ngờ, thì "mức độ tác động từ bên ngoài lên cuộc bầu cử lần này, nếu không muốn nói là để làm gián đoạn, thì là để làm mất uy tín, cũng chưa từng có tiền lệ".

Theo Đài RT, hơn 4,6 triệu cuộc tấn công mạng đã bị hệ thống bỏ phiếu điện tử của thủ đô Matxcơva đẩy lùi trong ba ngày bầu cử. Nga cáo buộc các cuộc tấn công này xuất phát từ Đức, Anh, Hoa Kỳ, Phần Lan và Litva. 

Ủy viên CEC Igor Borisov nói Hoa Kỳ đã phân bổ khoảng 20 tỉ USD để can thiệp vào cuộc bầu cử. Theo ông, hơn 19.000 cuộc tấn công mạng vào trang web CEC đã được ghi nhận. Tổng cộng, kể từ tháng 1-2024, gần 8 triệu cuộc tấn công như vậy đã được thực hiện, bao gồm bốn cuộc tấn công DDoS có chủ đích với tổng thời lượng 14 phút.

Nhà khoa học chính trị Sergey Markov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế Matxcơva, bình luận trên kênh Telegram của mình: Trong 3 ngày bầu cử từ 15 đến 17-3 đã diễn ra "cuộc chiến mạng" với những cuộc tấn công lớn nhất của hacker vào hệ thống bầu cử Nga, tất cả các cuộc tấn công này đã bị đẩy lùi. Ông khẳng định: Nga đã thắng trong "cuộc chiến tranh mạng lớn nhất từ trước đến nay chống lại an ninh Ukraine và CIA".

Theo CEC, một kỷ lục khác cũng đã được thiết lập trong cuộc bầu cử vừa qua: số phiếu bầu bị tuyên bố không hợp lệ, lên tới 1,178 triệu phiếu (tính đến 8h sáng 18-3), nhiều hơn so với cuộc bầu cử Duma Quốc gia năm 2021 (1,171 triệu phiếu bầu bị tuyên bố không hợp lệ). Có 791.000 phiếu không hợp lệ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018.

Một diễn biến khác, không phải là kỷ lục, nhưng được Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Alexander Gorovoy tổng kết: Tại các vùng lãnh thổ sáp nhập của Nga trong những ngày bầu cử đã xảy ra 19 vụ pháo kích và 25 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine. Một thành viên ủy ban bầu cử Berdyansk đã thiệt mạng. 

Tại vùng Belgorod sát biên giới Ukraine, đã xảy ra 135 cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo, và 67 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, làm 10 người thiệt mạng và 68 người bị thương. Ông nói: "Đây không phải là một chiến dịch quân sự. Đây là đòn tâm lý".

Cử tri Nga chụp hình với áp-phích ông Putin sau khi bỏ phiếu. Ảnh: efe.com

Cử tri Nga chụp hình với áp-phích ông Putin sau khi bỏ phiếu. Ảnh: efe.com

Hành động của phe đối lập Nga

Một chiến dịch mang tên "Trưa chống đối" do nhóm của Alexei Navalnyi, người đã qua đời trong khi bị giam giữ ở Kharp vào tháng 2, tổ chức. Các cử tri được kêu gọi đến các điểm bỏ phiếu vào lúc 12h ngày 17-3, và "bỏ phiếu cho bất kỳ ai, miễn không phải là Putin". 

Một ngày trước cuộc bầu cử, nhóm của Navalnyi đã công bố đoạn video có lá thư của ông, trong đó cố chính trị gia này nói về ý tưởng có thể giúp người Nga đưa ra lựa chọn bằng cách sử dụng "vật lý lượng tử".

Hầu hết những nhà đối lập nổi bật đều ủng hộ ý tưởng hành động này. Nhưng cũng có người, như chính trị gia Maxim Kats, đã mời những người ủng hộ mình bỏ phiếu cho ứng cử viên của NL Davankov, bởi Davankov là người duy nhất lên tiếng kêu gọi giải pháp hòa bình trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. 

Tuy nhiên, do Davankov lập luận rằng nền hòa bình này phải tuân theo "các điều kiện của Nga" và từng bỏ phiếu tại Duma ủng hộ các luật liên quan đến chiến tranh, chẳng hạn như việc sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine, nên nhóm Navalnyi đã chỉ trích lời kêu gọi của Katz.

Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, bà góa phụ của ông Navalnyi, Yulia Navalnaya đăng bài trên báo Mỹ Washington Post kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không công nhận kết quả cuộc bầu cử. 

Một đại diện phe đối lập Nga, cựu đồng sở hữu Tập đoàn Yukos Mikhail Khodorkovsky, thì nói với Đài Anh BBC rằng ông đã đàm phán với các chính trị gia phương Tây và hy vọng "một bộ phận đáng kể các chính phủ và nghị viện phương Tây thừa nhận tính bất hợp pháp của cuộc bầu cử sắp tới".

Tuy nhiên, kết quả bầu cử cho thấy các hoạt động của phe đối lập không mang lại tiếng vang mong muốn. The New York Times nhấn mạnh thất bại hoàn toàn của phe đối lập: "Không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc biểu tình thầm lặng của phe đối lập sẽ làm được gì để kiềm chế Putin, người đã cai trị nước Nga từ năm 1999".

Một nơi tưởng niệm ông Navalnyi đã xuất hiện bên ngoài đại sứ quán Nga ở London. Ảnh: The Guardian

Một nơi tưởng niệm ông Navalnyi đã xuất hiện bên ngoài đại sứ quán Nga ở London. Ảnh: The Guardian

Giải thích cho các kỷ lục

Nguyên nhân khiến ông Putin nhận được số phiếu bầu kỷ lục là do người dân thể hiện sự "ủng hộ với con đường đất nước đang theo đuổi, ủng hộ hành động của nguyên thủ quốc gia và đồng tình với chương trình phát triển mà ông đã lên tiếng trong thông điệp liên bang" - giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị Pavel Danilin giải thích.

Theo chuyên gia này, kết quả bầu cử còn bị ảnh hưởng bởi "sự tức giận lành mạnh" trước áp lực của phương Tây. "Họ đang cố gắng bẻ cong chúng tôi, đe dọa chúng tôi, đè bẹp chúng tôi. Mà chúng tôi chưa sẵn sàng khuất phục hay bỏ cuộc".

Yếu tố công nghệ cũng góp phần quan trọng trong việc nâng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Năm 2024, bỏ phiếu điện tử từ xa lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống, tính năng này hiện có ở 1/3 khu vực của Nga. 

Tỉ lệ bỏ phiếu trực tuyến trên nền tảng liên bang đạt tới 94% trong số các cử tri đăng ký bầu online. (Trong những người sử dụng hình thức bỏ phiếu này có cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Mikhail Mishustin).

Những diễn tiến đã nêu giải thích vì sao có hai luồng nhận định trái ngược nhau về việc ông Putin đắc cử. Báo New York Post (Mỹ) viết rằng ông Putin đã giành được số phiếu bầu kỷ lục, trong khi các đại diện phe đối lập đổ sơn màu xanh lá cây vào các thùng phiếu và ném cocktail Molotov vào các điểm bỏ phiếu. Politico thậm chí gọi cuộc bầu cử là "gian lận". 

Còn CNN tin rằng 6 năm tới sẽ "đầy sóng gió đối với Putin do hành động của nhiều nước, ngoại trừ Trung Quốc".

Báo Đức Spiegel viết rằng Đức đang phản đối kết quả cuộc bầu cử, đồng thời chỉ ra rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào các khu vực biên giới đã làm hỏng bầu không khí trang trọng chung và khiến Điện Kremlin lo lắng. 

France 24 (Pháp) thì liên kết các cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine vào lãnh thổ Nga với lời kêu gọi từ phe đối lập và các cuộc biểu tình rầm rộ. France 24 cũng nói nhiều đến các vụ bắt giữ và vi phạm tại các điểm bỏ phiếu.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Ở chiều ngược lại, truyền thông Trung Quốc ngợi ca thắng lợi của ông Putin. Hoàn Cầu Thời báo trong bài xã luận 18-3 viết: Phương Tây không thể đánh bại cường quốc hạt nhân Nga về mặt quân sự nên đặt cược vào sự sụp đổ chính trị của Điện Kremlin. 

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử đã chứng minh rằng mục tiêu này cũng không thể đạt được. Vì vậy, phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận điều tất yếu: Putin là tổng thống hợp pháp của Nga ít nhất cho đến năm 2030.

Ấn bản Forbes tiếng Nga dẫn lời Chủ tịch đảng Nước Nga công bằng Sergey Mironov cho rằng cuộc bầu cử là "cuộc trưng cầu ý dân về lòng tin của cử tri Nga giành cho ông Putin", khẳng định sự đoàn kết của người Nga quanh tổng thống của họ.■

Truyền thông Nga thì quan tâm hơn đến nhiệm kỳ tổng thống 6 năm sắp tới. Công việc trước mắt của ông Putin, theo họ, bao gồm:

(1) Ngăn chặn cuộc chiến tranh lai với phương Tây leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

(2) Chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng không phải bằng cách chấp nhận các điều kiện của phương Tây.

(3) Buộc phương Tây tham gia đàm phán hòa bình về Ukraine.

(4) Hình thành nền kinh tế quân sự hùng mạnh giúp quân đội Nga giành thắng lợi trong cuộc chiến, trong đó, đặc biệt chú ý tới phòng không, máy bay không người lái, tác chiến điện tử.

(5) Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước ngoài phương Tây, tạo ra các mối quan hệ kinh tế không phụ thuộc vào phương Tây.

(6) Tạo điều kiện và tiến hành đàm phán hòa bình về Ukraine và ký hiệp ước hòa bình ổn định.

(7) Xây dựng nền kinh tế không phụ thuộc vào lệnh trừng phạt của phương Tây; hơn nữa, phải là nền kinh tế công nghệ cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận