Thiên đường của chủ nghĩa thân hữu

CẢNH CHÁNH 27/06/2016 18:06 GMT+7

TTCT - Cuộc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vốn đã không dễ dàng sẽ càng thêm khó khăn, khi đụng tới những công ty này cũng là đụng tới hàng loạt nhân vật thuộc về một nhóm quyền lực chính trị rất mạnh ở quốc gia này: các “thái tử đảng”.

Biếm họa trên Tân Hoa xã thể hiện quyết tâm của cuộc cải tổ doanh nghiệp nhà nước nhằm không để tài sản nhà nước rơi vào túi riêng                          -xinhuanet.com
Biếm họa trên Tân Hoa xã thể hiện quyết tâm của cuộc cải tổ doanh nghiệp nhà nước nhằm không để tài sản nhà nước rơi vào túi riêng -xinhuanet.com

 

Mạng lưới chằng chịt

Alvin Jiang (Giang Chí Thành) mới 30 tuổi nhưng đã là một doanh nhân sừng sỏ trên thị trường đầu tư tài chính Trung Quốc. Alvin là người sáng lập công ty đặt trụ sở ở Hong Kong - Boyu (Bác Dụ), hiện là một trong những công ty hấp dẫn nhất ở Trung Quốc.

Theo Reuters, Boyu đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm người giàu nhất châu Á Li Ka-shing (Lý Gia Thành) và quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek. Mới thành lập năm 2010 nhưng Boyu đã đứng ra làm trung gian niêm yết lần đầu cho Alibaba, hãng mua nợ được nhà nước bảo trợ China Cinda Asset Management và nhiều tập đoàn lớn khác.

Tốt nghiệp Đại học Harvard ngành kinh tế học năm 24 tuổi, Alvin Jiang thật sự có tài, nhưng anh còn một điểm đặc biệt khác: anh là cháu nội của ông Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch nước Trung Quốc.

Các nhà đầu tư đặc biệt ấn tượng với việc Boyu mua được cổ phần kiểm soát chuỗi siêu thị bán hàng miễn thuế ở các sân bay quốc tế Thượng Hải và Bắc Kinh Sunrise Duty Free vào năm 2011.

Thỏa thuận đó được cho là bằng chứng cho thấy Alvin Jiang có thể tiếp cận lĩnh vực béo bở do nhà nước kiểm soát chặt chẽ này, theo Reuters. Công bằng mà nói, không có bằng chứng nào cho thấy Alvin tận dụng các quan hệ cá nhân trong việc làm ăn của anh, nhưng những tin đồn không vì thế mà bị dập tắt.

Bản thân Alvin và Boyu rất kín tiếng, từ chối báo chí và ngay cả trang Wikipedia tiếng Anh với hơn 5 triệu đề mục cũng không có tên Alvin Jiang hay Boyu. Cũng đáng nhắc rằng cha của Alvin, Giang Miên Hằng (Jiang Mienheng), cũng là một “thái tử đảng”, từng là tổng giám đốc một trong những công ty nhà nước lớn nhất ở Thượng Hải.

Luật pháp về xung đột lợi ích ở Trung Quốc thường yếu hoặc không được thực thi và ai cũng hiểu luật chơi là muốn làm ăn lớn phải ít nhiều có quan hệ với chính giới. Các “thái tử đảng” vì thế đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế ở nhiều lĩnh vực, cả nhà nước lẫn tư nhân, từ tài chính, năng lượng, an ninh, viễn thông tới truyền thông và cả ở các quỹ đầu tư tư nhân hay ngân hàng cổ phần quốc tế.

Năm 2014, Reuters thực hiện một nghiên cứu cho thấy trong các công ty đầu tư tư nhân mạo hiểm ở Trung Quốc - một lĩnh vực còn chịu nhiều hạn chế của nhà nước, 15 công ty do một “thái tử đảng” thành lập hoặc có một “thái tử đảng” nắm giữ vị trí then chốt.

Trong giai đoạn 1999-2014, các công ty này đã huy động được ít nhất 17,5 tỉ USD tiền đầu tư. Những nhà đầu tư của các quỹ này thuộc đủ thành phần, các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm khổng lồ ở Mỹ, các quỹ đầu tư nhà nước nước ngoài, các quỹ của trường đại học và những siêu tỉ phú.

“Quan trọng là quen đúng người” - một nhà đầu tư giấu tên nói. “Bất cứ khi nào trong nền kinh tế có gì béo bở xuất hiện thì họ là những người đứng ở đầu hàng - Minxin Pei, chuyên gia về Trung Quốc và là giáo sư quản trị nhà nước ở Đại học Claremont McKenna, California, nói với báo The New York Times - Họ có mặt ở các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, ngành khai thác tài nguyên, bạn cứ kể tên cho bằng hết”.

Chẳng hạn, Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong, hay Winston Wen), con trai cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, đứng đầu công ty nhà nước chuyên về vệ tinh viễn thông được cho là sắp trở thành công ty lớn nhất châu Á của ngành này.

Hồ Hải Phong (Hu Haifeng), con trai cựu chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, từng đứng đầu một công ty nhà nước nắm độc quyền về các phương tiện kiểm tra an ninh ở các sân bay, bến cảng và nhà ga tàu điện tại Trung Quốc, trước khi nắm Tsinghua Holdings, một quỹ nhà nước khổng lồ với hơn 20 công ty đủ các ngành nghề.

Năm 2006, Phùng Thiệu Đông (Feng Shaodong, hay Wilson Feng), con rể cựu chủ tịch quốc hội Ngô Bang Quốc, giúp ngân hàng Mỹ Merrill Lynch giành được một thỏa thuận 22 tỉ USD tư vấn niêm yết lần đầu (IPO) cho ngân hàng nhà nước khổng lồ của Trung Quốc là ICBC. Vụ IPO lớn nhất thế giới lúc đó...

Vị thế và thu nhập của những nhân vật “thái tử đảng” là hợp pháp, nhưng sự xung đột về lợi ích là không thể tránh khỏi và truyền thông trong nước gần như không đề cập tới vấn đề này. Ngay cả các đối tác làm ăn với những nhân vật “thái tử đảng” ở nước ngoài cũng rất biết điều và kín tiếng về những thỏa thuận của họ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là từ khi ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư, đã nỗ lực siết chặt hơn kỷ luật đảng và các quy định về công khai tài chính với những quan chức cấp cao, bao gồm buộc khai báo về công ăn việc làm, nơi ở và các khoản đầu tư của vợ con ngoài thu nhập của chính họ.

Nhưng cho tới nay, các biên bản công khai tài chính đó vẫn chưa được công bố cho dư luận. “Đây là một trong những thách thức lớn nhất với Trung Quốc - giáo sư Pei nói - Bất cứ khi nào cần cải cách, con cái của các vị lãnh đạo có thể lên tiếng: Nhưng còn chuyện làm ăn của con thì sao?”.

Vươn sang cả lĩnh vực tư nhân

Theo báo cáo tài chính công bố tháng 2-2016 của Ngân hàng HSBC, một số công ty tài chính mà HSBC có cổ phần đang bị Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) điều tra vì hành vi tuyển dụng ứng viên do quan chức hay lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc giới thiệu.

Thông tin HSBC bị điều tra không gây bất ngờ ở Trung Quốc, vì 3 năm trước Ngân hàng JP Morgan từng bị điều tra vì hành vi tương tự. Chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng lâu năm Ôn Thiên Nạp bình luận trên tờ Đệ Nhất Tài Kinh Nhật Báo rằng hành vi của các hãng tài chính quốc tế không mới, việc tuyển dụng “thái tử đảng” đã tồn tại hơn 20 năm qua và HSBC hay JP Morgan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ.

Các công ty đầu tư tài chính ở Hong Kong vẫn truyền miệng câu chuyện về những cuộc phỏng vấn tuyển dụng không bao gồm các câu hỏi về bằng cấp và năng lực, mà là về bố mẹ anh là ai cùng yêu cầu kỳ lạ liệt kê những nhân vật “tai to mặt lớn” mà họ quen biết. Danh sách càng dài, nhân vật có chức vụ càng cao thì cơ hội trúng tuyển càng lớn.

Tốc độ và quy mô của nền kinh tế Trung Quốc tạo ra những doanh nghiệp khổng lồ, cả nhà nước và tư nhân, biến nơi đây thành một thị trường quyết định với các hãng đầu tư và tư vấn tài chính.

Những doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng đến một mức độ nào đó thường phải niêm yết, bán cổ phần ra cho công chúng, còn doanh nghiệp nhà nước cũng phải cổ phần hóa dần trong cuộc đại cải tổ và các thương vụ IPO giá trị hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD không phải là hiếm hoi ở nước này. Đi kèm với đó là những khoản phí béo bở cho các hãng đầu tư và dịch vụ tài chính nước ngoài.

Có đi có lại, việc tuyển dụng được một “thái tử đảng” làm giám đốc cho những hãng này ở Trung Quốc sẽ cực kỳ “lợi hại”.

Trong bối cảnh thị trường tài chính Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn mới phát triển, mối quan hệ với chính quyền càng trở nên quan trọng. Và đó là điều có đi có lại. Các hãng tài chính muốn các thương vụ béo bở, còn lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước muốn làm giàu thông qua những vụ IPO.

Nếu như trước giờ các ngân hàng và công ty tài chính nhà nước Trung Quốc là nơi “gửi gắm” của giới lãnh đạo chính trị (như CCIC, Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc hay Ngân hàng Kiến thiết quốc tế - CCB), xu hướng mới bây giờ là các hãng tài chính nước ngoài, sang trọng hơn, ít điều tiếng hơn mà vẫn không kém phần béo bở.

Trang people.cn giải thích tình trạng gửi gắm này là bởi từ lâu đã tồn tại một “truyền thống” các quan chức sắp xếp tất cả mọi việc cho con cái từ lúc lọt lòng đến khi yên nghỉ. Ví dụ sinh con ở những bệnh viện phụ sản quốc tế nổi tiếng, xin vào học ở các trường mầm non công lập, trường tiểu học - trung học trọng điểm, đến khi lên đại học thì tìm mọi cách để được xét tuyển ưu tiên hoặc đưa đi du học.

Đến khi tốt nghiệp thì gửi gắm vào các cơ quan quen biết, làm việc chưa được hai năm thì được thăng chức như diều gặp gió, thậm chí một đứa bé mấy tuổi đã cho vào biên chế hưởng lương, ông bố vừa về hưu thì con thế chỗ bố... Việc tuyển dụng con cái của nhau ở các doanh nghiệp nhà nước và sau này là cả các công ty tư nhân, trở thành điều có đi có lại.

Chính truyền thông Trung Quốc cũng đã cố gắng lên tiếng về thực trạng này. Trang Quang Minh (gmw.cn) chẳng hạn, nói cơ quan quản lý nhà nước cần ra tay quyết liệt hơn với tình trạng thân hữu, trong khi Pháp Chế Nhật Báo đòi hỏi công khai thông tin hơn nữa về các “thái tử đảng”. Trong bối cảnh chung của cuộc cải tổ gian nan hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt, điều đó càng cần thiết hơn bao giờ hết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận