​Những nỗ lực vì trẻ em

THANH TUẤN 20/10/2014 03:10 GMT+7

TTCT - “Giải Nobel không phải dành cho những người tử tế làm việc hay ho rồi thấy vui mừng nhận được giải… Điều Nobel muốn là giải thưởng dành cho việc giải trừ quân bị trên toàn cầu”.

Ông Kailash Satyarthi và Malala Yousafzai, đồng chủ nhân giải Nobel hòa bình 2014
Ông Kailash Satyarthi và Malala Yousafzai, đồng chủ nhân giải Nobel hòa bình 2014

Fredrik Hefermehl, một chuyên gia về luật từng viết về giải Nobel, lên tiếng trước những chỉ trích cho rằng giải năm nay không còn đi đúng với di nguyện của nhà sáng lập Alfred Nobel.

Đang học hóa học cùng các bạn ở Trường nữ sinh Ed-gbaston tại Birmingham (Anh) trưa 10-10, Malala Yousafzay được cô giáo gọi thông báo: “Chúc mừng, em đã giành giải Nobel hòa bình và em cùng giành giải thưởng với một người vĩ đại khác cũng đấu tranh vì quyền trẻ em”. 

Malala - biểu tượng tuổi 17

Giải thưởng năm nay tiếp tục mang tính chính trị rất cao khi được trao cho một người Ấn - một người Pakistan (hai nước luôn thù hằn nhau từ khi độc lập), một người đạo Hindu - một người đạo Hồi (hai tôn giáo luôn xung đột), một già - một trẻ...

Một thông điệp đầy ý nghĩa khi cùng trong tuần, quân đội Ấn Độ và Pakistan đã đấu súng qua lại tại khu vực biên giới gần Kashmir khiến 20 dân thường thiệt mạng.

Ở tuổi 17, Malala trở thành chủ nhân trẻ nhất trong lịch sử của giải Nobel hòa bình. Đúng gần hai năm trước, vào ngày 9-10-2012, một tay súng Taliban bịt mặt nhảy lên xe buýt mà Malala đang đi từ trường về nhà hỏi: “Ai là Malala?”.

Sau khi nhận diện được người cần tìm, tay súng đã nã đạn vào đầu và cổ cô bé. Cha cô khi đó đã gọi người anh rể đi mua quan tài cho con, nhưng thật may mắn Malala tỉnh lại. Cô được cứu sống nhờ một nhóm bác sĩ Anh đang ở thăm Pakistan.

Một chút may mắn nữa là viên đạn bắn vào đầu đã không xuyên qua não, nhờ đó Malala được đưa sang Anh điều trị và sống sót. Ý chí, giọng nói ấm áp quyết đoán và nụ cười hồn hậu của cô bé vẫn không suy suyển. 

Quá trình đấu tranh của Malala đã bắt đầu từ lâu trước đó. Ở tuổi 11, Malala bắt đầu lên tiếng phản đối Taliban áp dụng chế độ hà khắc, đóng các trường học nữ tại Mingora, thuộc thung lũng Swat ở Pakistan từ đầu năm 2009.

Một bài viết trên BBC, cô bé 11 tuổi Malala (bút danh) phê phán các đạo luật hà khắc khiến cô không thể học hành và không thể gặp bạn bè mình. Bút danh đó ban đầu là để bảo vệ tính mạng Malala, nhưng chẳng bao lâu sau danh tính thật của cô bé lộ ra: cô là con một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.

Ở đất nước bị giày xéo bởi khủng hoảng kinh tế, các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng như những tay súng của các nhóm bộ tộc, lời kêu gọi của Malala khiến Taliban tức giận và ra tay ám sát.

Nếu như việc cô bé sống sót là điều kỳ diệu, thì cuộc đời cô bé đã chuyển sang ngã rẽ khác sau phát súng định mệnh: trở thành một biểu tượng toàn cầu về tranh đấu, nhưng cùng với đó là sự chỉ trích bất ngờ từ chính quê nhà.

Ở Pakistan, những kẻ bảo thủ chỉ trích tung ra thuyết âm mưu cho rằng Malala là điệp viên CIA và là kẻ phản bội. Người dân thường cũng thấy khó chịu với cách truyền thông phương Tây “thần thánh hóa” Malala, trong lúc máy bay không người lái của Mỹ liên tục thực hiện các vụ tấn công ở Pakistan và nhiều lần sát hại dân thường nước này. 

“Câu chuyện của Malala, cách nó được kể, hoàn toàn phù hợp với lối suy nghĩ phương Tây. Nhưng cuối cùng đó chỉ là cô gái nhỏ. (Dù là) cô có thể có ý nghĩa với rất nhiều người” - New York Times trích lời Ziyad Faisal, sinh viên kinh tế ở Milan, Ý. 

Với phương Tây, vụ ám sát Malala là minh chứng tình trạng bạo lực của một số nhóm Hồi giáo. Những nhà vận động khác nhau thi nhau lôi kéo Malala để gây quỹ và lên tiếng cho các chiến dịch của họ.

Malala, với sự giúp đỡ của cha và đội ngũ PR riêng, cũng tự thay đổi hình ảnh của mình và ra được một cuốn hồi ký best-seller I am Malala. Bản thân Malala cũng thoát xác từ cô bé học sinh dẫn dắt phong trào đấu tranh chống Taliban để đòi quyền đi học.

Dù mới ở tuổi 17, Malala đã có sức hút rất lớn với người nghe và có biệt tài diễn thuyết kể từ sau vụ ám sát hụt. Cô đã được tiếp kiến những nguyên thủ cấp cao nhất như Tổng thống Mỹ Barack Obama, nữ hoàng Anh, ra phát biểu tại Liên Hiệp Quốc...

Cùng lúc, cô chuyển dần trọng tâm của mình từ cuộc chiến chống Taliban sang ủng hộ rộng hơn cho trẻ em. Cô hợp tác với cựu thủ tướng Anh Gordon Brown để thúc đẩy hoạt động của mình.

Dù có nhiều tranh cãi về chuyện chính trị của Malala, rất ít người nghi ngờ về sự quả cảm của cô. Trong cuốn hồi ký, cô viết: “Với tôi, dường như mọi người đều biết một ngày mình sẽ chết. Vì vậy tôi nên làm bất cứ thứ gì tôi muốn. Tôi sống sót được là bởi một lý do: để sử dụng cuộc đời mình giúp đỡ người khác”.

Cách đây một năm, khi trả lời CNN, Malala từng nói cô không sợ bị Taliban ám sát nữa: “Chúng chỉ có thể bắn một cái xác, chúng không thể bắn hạ giấc mơ của tôi”. 

Trong cuốn hồi ký, Malala cũng nhắc với thế giới rằng cô vẫn là một thiếu nữ, một người vẫn thích các show truyền hình như Ugly Betty hay MasterChef, vẫn hay lo lắng về chuyện quần áo, tóc tai hay là chuyện ước gì mình cao hơn.

Trong bài phỏng vấn với báo chí, Malala nói cô hầu như không xem tivi và đã xóa Candy Crush khỏi iPad để tránh rơi vào tình trạng nghiện chơi game. Malala không sử dụng Facebook và thậm chí không dùng điện thoại di động để có thể tập trung vào học (điểm số cô bé bị giảm thời gian gần đây).

Cô nói giải thưởng “là sự khích lệ lớn đối với tôi để tiến lên phía trước và tin vào bản thân mình hơn”. Dù vậy, cô nói giải Nobel “sẽ không giúp tôi với các bài kiểm tra và bài thi”.

Những em gái tại một lớp học ở Mingora, thành phố quê hương của Malala Yousafzai, khi hay tin cô đoạt giải Nobel hòa bình - Ảnh: Reuters
Những em gái tại một lớp học ở Mingora, thành phố quê hương của Malala Yousafzai, khi hay tin cô đoạt giải Nobel hòa bình - Ảnh: Reuters

Satyarthi - nhà đấu tranh thầm lặng 

Không nổi tiếng trên toàn thế giới như Malala, ông Kailash Satyarthi, 60 tuổi, đã thầm lặng suốt ba thập kỷ đấu tranh để chấm dứt tình trạng bóc lột trẻ em ở Ấn Độ vốn rất phổ biến và nghiêm trọng.

Ông thậm chí phải dùng những người mật báo tìm thông tin hay quay phim những xưởng hoặc mỏ bóc lột trẻ em để phục vụ công việc của mình. “Nô lệ trẻ em là tội ác chống nhân loại. Dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin là sẽ chấm dứt được tình trạng lao động trẻ em trong đời mình” - Satyarthi trả lời AP. 

Theo UNICEF, do hệ thống văn hóa phức tạp ở Ấn Độ với hệ thống đẳng cấp, khác biệt về tôn giáo, chính trị..., có khoảng 28 triệu trẻ em 6-14 tuổi vẫn đang phải làm việc tại nước này. Tổ chức Bachpan Bachao Andolan (Phái bộ cứu trẻ em) của Satyarthi đã cứu khoảng 70.000 trẻ em Ấn Độ suốt ba thập kỷ qua. 

Khi được hỏi vì sao bắt đầu công việc này, ông Satyarthi thường kể câu chuyện từ hồi nhỏ. Lần đầu tới trường, ông thấy một cậu bé bằng tuổi mình, con một người thợ sửa giày, nhìn ngắm ông chăm chú từ phía ngoài cổng. Ông hỏi người thợ giày vì sao con ông ta không được đi học.

“Ông ta trả lời: “thưa ngài, chúng tôi là những người sinh ra để làm việc”. Tôi thấy quá bực mình. Tại sao những người như chúng tôi được phép có ước mơ, còn họ thì không? Những điều này thấm sâu vào tim tôi và đó là khi tôi bắt đầu làm việc với những đứa trẻ nghèo” - ông Satyarthi kể.  

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng, lực lượng trung lưu tại nước này có nhu cầu tìm người giúp việc ở nhà và họ thường thuê trẻ nhỏ. Luật lao động hầu như không được tuân thủ và báo chí thường xuyên thông tin tình trạng trẻ em bị bán rồi bị buộc làm việc trong điều kiện tồi tệ, không được trả lương và bị bỏ đói.

Ông Satyarthi là một trong những người đấu tranh quyết liệt về vấn đề này. Ông xây dựng một mạng lưới nguồn tin để cung cấp cho ông thông tin về những trường hợp bóc lột trẻ em.

“Nếu có thông tin trẻ em đang được đưa đi trên tàu, họ sẽ ập đến và cứu trẻ ở ga tiếp theo” - Simon Steyne, viên chức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), giải thích về cách làm của Satyarthi.

Trong số những người ăn mừng chiến thắng của ông có Mohammad Manan Ansari, người từng phải vào mỏ từ năm 6 tuổi để làm. Ansari từng thấy người bạn nhỏ của mình bị đá đè chết trong hầm và nói biết ơn ông Satyarthi cho tới cuối đời.

Ansari, giờ đã là sinh viên đại học, nói: “Giây phút hạnh phúc nhất đời tôi là khi các công nhân của Bachpan Bachao Andolan tới cứu tôi. Giờ giải Nobel của ông Satyarthi là khoảnh khắc hạnh phúc khác nữa của đời tôi. Tôi không thể diễn tả hết niềm vui của mình”. 

Nhân quyền không phải là tiêu chí của A.Nobel 

Hai nhân vật xuất sắc nhận giải Nobel hòa bình 2014 đã làm được những việc lớn cho quyền trẻ em, nhưng đáng tiếc nhân quyền không phải là tiêu chí Alfred Nobel chọn để trao thưởng. Vì vậy, Ủy ban Nobel một lần nữa đã vi phạm chúc thư và tinh thần ý nguyện của Nobel.

Giải thưởng lẽ ra phải được trao cho việc giảm bớt bạo lực quân sự và chấm dứt chiến tranh, bởi Nobel muốn thưởng “cho người làm được nhiều nhất hoặc làm việc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa các dân tộc, cho việc thủ tiêu hoặc giảm bớt quân đội thường trực và cho việc duy trì, xúc tiến các hội nghị hòa bình”. 

Năm nay là năm mà chiến tranh đang ác liệt ở nhiều nơi, vậy mà Ủy ban này lại không thể tìm ra một hay hai người trong số hàng triệu người đấu tranh chống lại chiến tranh - chẳng hạn những tổ chức dân sự, các công dân không bao giờ chạm tay vào súng và giữ gìn nhân tính con người...

(Transnational Foundation)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận