Thương xà vi xanh mướt, nhớ thòi lòi hiền lành

TỪ KẾ TƯỜNG 30/12/2023 12:10 GMT+7

TTCT - Ở quê, những lúc "cực ăn", tức những hôm ngoài chợ không có cá thịt, một đứa trẻ con có thể đi đặt xà vi bắt cá thòi lòi về cải thiện bữa ăn gia đình

Ảnh: Huy Thọ

Ảnh: Huy Thọ

Quê tôi nhiều sông rạch, nổi tiếng với những vườn dừa bạt ngàn. Những "thớt" vườn dừa nối nhau tưởng như không ranh giới, nhưng thật ra luôn có những bờ ranh để phân định sở hữu chủ. Trong "thớt" vườn dừa có rất nhiều con mương ngang dọc dẫn nước từ sông rạch vào mỗi ngày theo hai đợt thủy triều lên xuống, còn gọi "nước lớn, nước ròng".

Khi thủy triều lên, những con mương đầy nước, ở chỗ "đầu đùi", nơi tiếp giáp với sông rạch rất sâu, trẻ con bơi, tắm được. Khi thủy triều xuống, nước ròng, những con mương trơ bãi bùn, cũng là lúc những đàn cá họ "thòi lòi" rời hang lang thang trên bãi bùn kiếm ăn, những là kèo, bóng sao, lóc nói, thòi lòi… 

Trong số này, lóc nói là loài cá nhỏ nhất. Lóc nói mắt lồi, thịt cứng và tanh không ai ăn, vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn được, chúng làm hang chi chít trên bờ mương hoặc sát mép nước.

Nhiều người không phải gốc quê rặt thường nhầm lẫn lóc nói là thòi lòi, thật ra chúng cùng họ nhưng hoàn toàn khác nhau về hình dáng, đặc điểm nhận dạng và cả đặc tính sinh sống. Lóc nói ăn tạp, ở dơ nhưng thòi lòi thì rất vệ sinh, thức ăn, chỗ ở đều sạch sẽ. 

Trừ lóc nói là loài lưỡng cư, những loại còn lại cùng họ như kèo, bóng sao, thòi lòi thì làm hang trên bãi bùn. Người ta có thể dùng lông đuôi ngựa làm một cái vòng để bắt kèo, bóng sao. Nhưng đặc biệt thòi lòi thì phải săn bằng chĩa khi chúng rời hang hoặc đặt xà vi bắt chúng ở dưới hang.

Thòi lòi bơi giỏi, phóng chạy nhanh và rất khôn nên không thể dùng bẫy vòng đuôi ngựa lừa thắt cổ chúng được. Tôi đã thử làm cách này suốt thời gian dài nhưng không tài nào cho được cái vòng đuôi ngựa vào cổ chúng để giật lên như đối với bóng sao, cá kèo. Muốn bắt thòi lòi chỉ có hai cách: dùng chĩa ba mũi hoặc đặt xà vi.

Thương xà vi xanh mướt, nhớ thòi lòi hiền lành- Ảnh 2.

Thòi lòi cùng họ với lóc nói nhưng to hơn, con to nhất có thể bằng cổ tay. Ở quê, những lúc "cực ăn", tức những hôm ngoài chợ không có cá thịt, một đứa trẻ con có thể đi đặt xà vi bắt cá thòi lòi về cải thiện bữa ăn gia đình. Cá thòi lòi thịt dai, nướng mọi sẽ rất thơm, nhưng kho sả mới là món "hết ý" của người nhà quê. 

Đặc tính của loài cá này là ở hang rất sâu. Hang cá thòi lòi rất dễ nhận biết vì miệng hang rất to, hình tròn bằng miệng chén hay miệng dĩa, xung quanh có "mà", là những viên đất bùn do cá lấy đất "đùn" lên, để khi nước lớn chúng lấp miệng hang lại và sống dưới đó tới khi nước rút cạn lại "đùn" miệng hang, chui lên. 

Cá thòi lòi ở rất sạch, hang của chúng không bao giờ ô nhiễm. Nếu ô nhiễm chúng sẽ chui lên khỏi hang, tắm táp rất kỹ bằng cách đập đầu vào bờ mương cho sạch rồi bỏ đi ngay để đào hang khác.

Xà vi làm bằng những bẹ lá dừa nước tươi kết lại thành hình phễu, miệng rộng bằng với miệng hang cá thòi lòi. Bẻ đầu bẹ lá dừa nước làm hom, xà vi cao khoảng 5 tấc, chóp thắt lại bằng dây lạt dừa. Một con nước có thể đặt 20-30 cái xà vi, nếu "trúng quả" cũng thu được chừng ấy cá thòi lòi cỡ 5-7 con/kg. 

Khi nước ròng sát mương còn trơ bãi bùn, người đặt xà vi lội dọc mương vườn tìm hang cá thòi lòi. Muốn biết dưới hang có cá hay không cứ nhìn vào những viên "mà" cá đùn lên quanh miệng hang rồi cẩn thận đặt miệng xà vi xuống sao cho trùm lên miệng hang cá, gài chặt lại bằng những que cây cắm chung quanh.

Đặt hết 20-30 cái xà vi thì leo lên bờ mương đi dạo khắp vườn hoặc về nhà nằm vắt chân chữ ngũ thảnh thơi… ca vọng cổ hoặc ngủ một giấc, canh sao con nước vừa "những lớn" bò vào mương vườn là nhanh chóng đi gỡ xà vi. Vì lúc này những chú cá thòi lòi đã phóng lên khỏi miệng hang để bơi lội tìm thức ăn và rồi… nằm gọn trong bẫy rập.

Không gì thú vị bằng khi giở những cái xà vi lên thấy nằng nặng, biết có chú cá thòi lòi đã nằm trong đó. Thu hồi thành quả mang về nhà cùng lúc con nước lớn tràn vào mương vườn, cũng là lúc bếp lửa cơm chiều của nhà nghèo đang lên khói qua mái lá. 

Những chú cá thòi lòi béo núc được đánh vẩy sạch sẽ, cắt khúc ướp gia vị và sả bằm nhuyễn để kho sệt, cho chút mỡ, vị nêm vừa mặn vừa ngọt dịu, chất cay nồng, thơm thơm của sả, của ớt, tiêu quyện thịt cá bốc lên ngào ngạt. 

Bữa cơm dân dã, thức ăn đạm bạc, nhưng làm ta nhớ đời, rồi thành những hồi tưởng khó quên ở một góc làng quê đã xa vời vợi đối với nhiều người rời bỏ quê nghèo lăn lội tha phương.

Thương xà vi xanh mướt, nhớ thòi lòi hiền lành- Ảnh 3.

Trong những thăng trầm, vui buồn của cuộc sống, ký ức về làng quê, những thú vui dân dã thiết thực ấy luôn nhắc nhớ tôi về thời thơ ấu của mình bằng nỗi hoài niệm thiết tha với vạt nắng bay qua cửa sổ, ngọn gió mang hơi mưa, tiếng chim cu gáy từ nhà hàng xóm ấm áp thanh bình. 

Lại muốn phóng xe về một góc làng quê của mình tận hưởng những phút giây êm đềm qua làn sương khói mỏng trong khu vườn mà ở thành phố ồn ào náo nhiệt không bao giờ có được. Nhưng tìm lại thú vui dân dã xưa cho bữa cơm quê của hôm nay chẳng còn dễ dàng, không riêng gì ở xứ dừa Bến Tre quê tôi, mà cả những vùng cá thòi lòi từng cư ngụ, sinh sôi phát triển như Cần Giờ, Cà Mau…

Thòi lòi nay đã thành đặc sản với người thị thành, lên ngôi trong các nhà hàng, nâng "đẳng cấp" thành thòi lòi nướng mọi, thòi lòi chiên xù… Người ta không còn đặt xà vi để bắt một vài con đủ bữa cơm quê mà ngày thì cắm câu ngay miệng hang, đêm đến soi đèn dọc bãi sông, mép kênh, mép rạch bắt cho bằng hết. Thòi lòi còn không kịp sinh sản, trở nên hiếm hoi.

Đã qua thời bữa đói bữa no, việc ăn uống thường ngày không chỉ để sống mà đã được nâng lên tầm "văn hóa ẩm thực", việc cùng tồn tại, song hành với thiên nhiên càng phải được ý thức. 

Nhớ cái xà vi xanh mướt, tôi lại thương loài cá hiền lành rất hữu ích trong môi trường cân bằng sinh thái nay lại sắp bị tận diệt bởi lòng tham con người. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận