Thi công chức ở Trung Quốc: 77 người lấy 1 người

NGUYỄN THÀNH TRUNG 10/12/2023 15:17 GMT+7

TTCT - Chạm được tay vào "bát cơm sắt" - một việc làm trong lĩnh vực công lập - ở Trung Quốc là chuyện không hề đơn giản.

Những phút ôn bài cuối cùng của thí sinh trước khi vào phòng thi, ngày 26-11 ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Ảnh: China Daily

Những phút ôn bài cuối cùng của thí sinh trước khi vào phòng thi, ngày 26-11 ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Ảnh: China Daily

Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 8 vừa qua, tôi có dịp hàn huyên với một số nhân viên chính quyền ở cấp địa phương. Mặc dù thu nhập là chủ đề "khó nói", các công chức mà tôi tiếp xúc đều cho rằng lương thưởng của họ "đủ sống" và có thể nuôi được gia đình. 

Họ cũng cho rằng thu nhập của nhân viên ở hệ thống công được cải thiện giúp chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình hiệu quả hơn, khi cán bộ có thể an tâm sống với công việc chính, mà không phải tơ hào của công.

Dù không có số liệu chính thức về tác động của thu nhập công chức tăng với chỉ số tham nhũng ở Trung Quốc, con số những người nộp đơn thi tuyển vào hệ thống công quyền Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục những năm vừa qua cũng nói lên nhiều điều.

Từ "khoa cử" đến "khảo công"

Năm 2023, khoảng 7,7 triệu người Trung Quốc đã tham gia kỳ thi công viên chức trong vòng nộp đơn. Họ sẽ cạnh tranh cho chỉ hơn 200.000 vị trí trong chính quyền, cả ở Bắc Kinh và cấp tỉnh, theo phân tích của Đài CNBC dựa trên tổng hợp tin tức truyền thông Nhà nước Trung Quốc.

Vào chủ nhật 26-11, theo Cục Quản lý dịch vụ công quốc gia Trung Quốc, hơn 2,61 triệu người đăng ký và cuối cùng hơn 2,25 triệu người đã tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức tổ chức tại 237 thành phố trên cả nước. 

Theo Nhân Dân Nhật báo, số liệu của chính quyền cho thấy năm nay số việc làm ở cấp chính quyền trung ương là 39.600, và tỉ lệ chọi là khoảng 1:77. Năm ngoái, tỉ lệ thấp hơn đôi chút, 1:70, khi có 37.100 vị trí việc làm được tuyển.

Kỳ thi công chức của Trung Quốc có lịch sử lâu dài gần 15 thế kỷ. Nó có nguồn gốc từ hệ thống khoa cử của chế độ phong kiến từ thế kỷ thứ 6 bắt đầu vào thời nhà Tùy. 

Theo hệ thống đó, các thí sinh sẽ thực hiện một số cấp độ kiểm tra (thi hương, thi hội, thi đình) để giành các vị trí trong chính quyền, tức ra làm quan. Tiến trình này phần nào mang lại cơ hội bình đẳng hơn cho đông đảo quần chúng ở một xã hội nông nghiệp phân chia giai cấp.

Hệ thống thi cử công chức hiện tại ở Trung Quốc, còn gọi là "khảo công", được áp dụng từ năm 1993 và trở thành bắt buộc với bất cứ ai muốn làm việc trong hệ thống nhà nước từ năm 2005. Hệ thống ngữ vựng tiếng Trung đã nhanh chóng "bắt trend" với những từ mới như "khảo công nhiệt" để mô tả sự quan tâm ngày càng tăng của giới trẻ với kỳ thi công chức.

Hiện tượng này có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Trước hết, con số kỷ lục người tham gia kỳ thi thể hiện mối lo của giới trẻ về một công việc ổn định trong một nền kinh tế khó khăn. 

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc mấy năm gần đây đã chậm lại so với tốc độ ồ ạt các thập kỷ trước. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 1970, nhiều người trẻ chọn theo đuổi mức lương cao và cơ hội làm giàu ở khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, cạnh tranh gay gắt và văn hóa làm việc 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày trong tuần) độc hại đã khiến nhiều người chán nản. Ngoài ra, nhân viên bị sa thải hàng loạt sau đại dịch COVID-19 cũng là yếu tố khiến những người trên 35 tuổi ở các công ty tư nhân đã bị coi là quá già và không thể theo kịp. 

Điều này khiến lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc, đặc biệt là những hãng công nghệ, trở nên kém hấp dẫn hơn. Trong khi đó, hệ thống công đảm bảo công việc ổn định và ít phân biệt tuổi tác hơn hẳn.

Giáo sư Trương Thái Tô, Đại học Yale và là chuyên gia về luật Trung Quốc, nhận xét: "Khi nói đến nhận thức về sức khỏe nền kinh tế, mọi người bỏ phiếu bằng chân". Hành vi cho thấy họ hướng về đâu, trong khi "COVID-19 thực sự là cú sốc sâu sắc với niềm tin vào lĩnh vực kinh tế tư nhân".

Thí sinh đang chờ đến giờ thi ở Hợp Phì, An Huy. Ảnh: China Daily

Thí sinh đang chờ đến giờ thi ở Hợp Phì, An Huy. Ảnh: China Daily

Khu vực công nay lấy lại sức hấp dẫn

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, một năm trước khi COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 95% tổng số doanh nghiệp công nghiệp và tuyển dụng 85% lao động thành thị ở nước này. Nhưng giờ có vẻ như gió đang đổi chiều. 

Cuối năm 2020, khi các hạn chế vì COVID-19 ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế, tỉ lệ công-tư trong nền kinh tế bắt đầu biến chuyển. Tính đến giữa năm nay, các doanh nghiệp nhà nước chiếm 40% khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc tính theo vốn hóa thị trường. 

Trong 100 công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước chiếm 61%, mức cao kỷ lục trong thời hiện đại.

Thay đổi diễn ra cùng lúc với thời điểm tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục, lên tới gần 20%. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dẫn lời giáo sư Trúc Lập Gia tại Học viện Hành chính Trung Quốc cho biết nhà nước đã mở rộng tuyển dụng ở cấp quốc gia và cấp tỉnh khoảng 15-20% trong nỗ lực "giảm bớt áp lực thất nghiệp, đặc biệt là đối với sinh viên tốt nghiệp đại học". 

Truyền thông nhà nước cũng cho hay khoảng 2/3 vị trí công chức cấp trung ương trong kỳ thi công chức vừa rồi chỉ dành cho sinh viên mới tốt nghiệp hoặc những người đã tốt nghiệp trong hai năm qua nhưng không tìm được việc làm.

Theo một phân tích gần đây của một nhóm học giả tại Đại học Stanford và Trung Quốc, khoảng 64% sinh viên trong cuộc khảo sát sinh viên đại học Trung Quốc do chính phủ thực hiện bày tỏ ưa thích mạnh mẽ với việc làm trong khu vực nhà nước. 

Làm việc trong lĩnh vực công có lịch sử "vinh quang" về tính ổn định, không sợ bị đuổi và giờ làm việc thoải mái, nên được đặt cho biệt danh "bát cơm sắt".

Tuy nhiên, chạm được tay vào bát cơm sắt đó không đơn giản. Ngoài tỉ lệ chọi cao, yêu cầu học thuật và hành chính cho các kỳ thi công ngày càng khắt khe. Không khác các vị nhà Nho đi thi thời khoa cử, trong số những người đã đỗ kỳ thi khảo công, không ít người đã thi hai, thậm chí là ba lần.

Nội dung kỳ thi rất nghiêm ngặt. Thí sinh phải trả lời khoảng 130 câu hỏi trắc nghiệm trong 120 phút với các chủ đề từ toán, phân tích dữ liệu, khoa học, tới năng lực chuyên môn hành chính và kinh tế. Kỳ thi cũng kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ, phân tích dữ liệu, phương pháp định lượng, "phán đoán và lý luận" và "phán đoán theo lẽ thường". 

Ngoài ra, thí sinh được yêu cầu viết 5 bài luận, mỗi bài từ 200 đến 1.000 từ trong 180 phút có tên "thân luận", gợi nhớ lại những bài văn bát cổ thời xưa - với yêu cầu "xây dựng và bảo vệ một lập luận" về các vấn đề xã hội và chính sách của chính phủ. Điểm thi cũng chỉ mới là một phần của quá trình tuyển dụng, bởi sau đó là nhiều cuộc phỏng vấn, kiểm tra lý lịch và các đánh giá khác nữa.■

Bài kiểm tra cũng bao gồm các câu hỏi về báo cáo của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nội quy, quy định khác. Chẳng hạn, phần thi trắc nghiệm bắt đầu bằng câu hỏi về các bài phát biểu và tư tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là một câu hỏi mẫu trong các bộ đề câu hỏi luyện thi cho kỳ thi công chức:

Tư tưởng của Tập Cận Bình về kinh tế là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời kỳ mới. Về tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế, có bao nhiêu nhận định sau đây đúng?

1. Bước vào giai đoạn phát triển mới là định hướng lịch sử phát triển kinh tế Trung Quốc

2. Thúc đẩy phát triển chất lượng cao là một chủ đề nổi bật trong phát triển kinh tế của Trung Quốc

3. Tuân thủ khái niệm mới về phát triển là nguyên tắc chỉ đạo phát triển kinh tế của Trung Quốc

4. Kiên trì mở cửa với thế giới bên ngoài là động lực đầu tiên cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc

5. Phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất và nền kinh tế thực là trọng tâm phát triển kinh tế của Trung Quốc

A. 2 đáp án

B. 3 đáp án

C. 4 đáp án

D. cả 5 đáp án

Theo CNBC tổng hợp số liệu từ Cục Quản lý dịch vụ công Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc là đơn vị tuyển dụng lớn nhất ở cấp bộ trong năm nay. Dưới đây là danh sách số lượng tuyển dụng của một số cơ quan:

1. Bộ Công an: 39 vị trí

2. Bộ Ngoại giao: 38 vị trí

3. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: 26 vị trí.

4. Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc: 20 vị trí, gồm 12 vị trí làm việc tại Trung tâm chỉ huy khẩn cấp về an ninh Internet.

Dù không hài lòng với công việc, một số công chức trẻ nói họ không có nhiều lựa chọn vì không có gì đảm bảo họ sẽ tìm được việc làm tốt hơn ở khu vực tư nhân. Ngoài ra, họ nói thường cảm thấy áp lực từ các bậc cha mẹ coi trọng công việc ổn định và thích con cái làm việc trong chính quyền. Jack Liu, một thí sinh tham gia kỳ thi vừa tốt nghiệp đại học, nói với Reuters: "Kỳ thi cực kỳ cạnh tranh, nhưng nếu được điểm cao và vào làm cho chính phủ, bạn đã sẵn sàng cho cuộc sống".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận