Taylor Swift đi tour, ngành tâm lý phát sốt

XUÂN TÙNG 13/07/2023 06:39 GMT+7

TTCT - Săn được vé chỉ là một trong nhiều cơn đau đầu, thậm chí là vấn đề sức khỏe tâm thần, với các "Swiftie" (tên thân mật dành cho người hâm mộ Taylor Swift).

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Eras Tour vừa khởi hành đầu năm nay của Taylor Swift hứa hẹn không chỉ xô đổ các kỷ lục bán vé, mà còn khiến giới tư vấn tâm lý phải xắn tay vào việc, bởi quy mô tác động tâm lý của tour này lên người dân Mỹ có vẻ đã vượt mức một chuyến lưu diễn thông thường.

Đã đến, đã vui và đã quên

Vài ngày sau buổi biểu diễn của Taylor Swift tại sân vận động Gillette Stadium (Massachusetts, Mỹ) vào tháng 5 vừa qua, nhiều khán giả vẫn còn chưa hết lâng lâng, trong đó có Jenna Tocatilan. 

Swiftie 25 tuổi này cố gắng nhớ lại những ký ức của đêm diễn bùng nổ tại quê nhà, nhưng thay vì pháo sáng, trang phục lộng lẫy và những bài hit yêu thích, tâm trí cô gần như không ghi lại bất cứ thứ gì.

"Chứng mất trí nhớ hậu - hòa - nhạc là có thật" - Tocatilan quả quyết. Cô chỉ nhớ đã hết sức vui mừng khi Swift mang Better Man - ca khúc rất ít khi được cô hát live lên sân khấu Gillette Stadium. 

"Nếu không có video dài 5 phút ghi lại cảnh tôi đu đưa theo bài hát ấy tại đêm diễn, tôi có lẽ sẽ bảo với mọi người rằng màn trình diễn [Better Man] ấy không hề tồn tại" - cô nói với tờ Time. Lúc xếp hàng ra về sau buổi biểu diễn, Tocatilan dò lại danh sách các màn trình diễn trong đêm và phải liên tục hỏi lại người bạn đi cùng xem tối nay Taylor Swift đã hát ngần ấy bài thật không.

Cô nàng fan cứng cho rằng trải nghiệm quá tải giác quan và sự kỳ vọng tăng dần trong những ngày trước buổi diễn đã khiến cho khả năng nhận thức của cô lung lay ít nhiều. "Thật khó để tưởng tượng những thứ mà bạn được chứng kiến, nhưng xúc cảm của bạn khi bài hát yêu thích được trình diễn ngay trước mặt. Tôi có lúc phải tự hỏi 'mình đang ở đâu đây?'".

Dạo qua các diễn đàn Swifties, không khó để thấy những trải nghiệm tương tự. Một fan cho biết mình đã chờ đợi sáu tháng để được đi nghe Taylor Swift; sau đêm diễn, não bộ người này hoàn toàn không còn ký ức gì về sự kiện dài hơn 3 tiếng. 

Nicole Booz, một người hâm mộ khác tại Mỹ, cho biết rằng đêm diễn ngày 14-5 của Swift tại Philadelphia là một "trải nghiệm kiểu thoát xác, cứ như thể là nó chưa từng xảy ra với tôi vậy". Tuy nhiên, cô "cũng biết đêm diễn là có thật, vì tài khoản ngân hàng của tôi hụt mất tới 950 đô cho sự kiện này".

Taylor Swift đi tour, ngành tâm lý phát sốt - Ảnh 2.

Không sớm thì muộn, các chuyên gia tâm lý trị liệu cũng phải vào cuộc. Trong bài viết cho New York Times, Suzanne Garfinkle-Crowell, chuyên gia tâm thần học tại Đại học Y Dược Icahn (Mỹ), nửa đùa nửa thật rằng sau khi Eras Tour khởi động, quá nửa số thực hành trị liệu của bà đang "lấy Taylor Swift làm trung tâm". 

Hầu hết các thân chủ của bà là các thiếu nữ tuổi teen, và âm nhạc Taylor Swift từ lâu đã là chủ đề thường nhật xuất hiện trong các buổi tham vấn. Suzanne gọi Taylor như "người chị gái lớn", giúp các cô gái teen vượt qua các khó khăn của tuổi mới lớn: mối quan hệ bạn bè bất ổn, con mắt soi mói 24/7 của Internet, và trên hết, niềm mong mỏi bất tận để được yêu thương và tôn trọng. 

"Sau các buổi tham vấn về những khó khăn tuổi teen, tôi rất mừng khi có Taylor đồng hành cùng các thân chủ trẻ trong khoảng thời gian còn lại của tuần" - bà nói.

Thế nhưng, khi Eras Tour tới gần thành phố nơi Suzanne sống, bà nhận thấy các thực hành trị liệu "Taylor Swift" đạt đến độ sôi sục. "Làm sao cháu có thể giữ bình tĩnh trong lúc đợi Taylor lên sân khấu?" và "Cháu muốn tham vấn từ xa ngày hôm nay vì không muốn mắc COVID trước buổi hòa nhạc" là hai trong số những câu chuyện quen thuộc mà Suzanne nghe được trong dịp cao điểm tour lần này. 

Vị chuyên gia tâm thần học cũng đã phải vận dụng hết các kỹ năng: từ tâm lý học hành vi, nhận thức, tâm động học đến cả hiện sinh để giúp các thân chủ điều hòa kỳ vọng, sự tận hưởng, kỷ luật và cả nỗi đau trước khi đi xem Taylor Swift.

"Bản thân tôi là người hâm mộ "mềm" của Taylor, và sau dịp này, tôi bắt đầu nghe nhạc cô ấy nhiều hơn, thậm chí cũng bắt đầu refresh các trang web liên tục để giành vé đến xem "Taypocalypse" (Ghép chữ giữa Taylor Swift và tận thế) cùng con gái mình. Chính tôi cũng không thể giữ bình tĩnh nữa" - Suzanne thừa nhận.

Chuyện gì đang xảy ra?

Nói về những sự cố "quên tập thể", Ewan McNay, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học State University New York, cho rằng đây đơn giản là hệ quả của trạng thái hưng phấn cực độ. "Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở các buổi hòa nhạc, mà có thể đến bất cứ khi nào bạn rơi vào trạng thái cảm xúc cực độ" - McNay cho biết. 

Ví dụ, các cặp đôi có thể mất sạch ký ức về điệu nhảy đầu tiên trong đám cưới của mình, hoặc về sự có mặt (hoặc không) của khách mời. Khi mức độ stress của cơ thể tăng, các neuron thần kinh phát tín hiệu mạnh mẽ, từ đó gây khó khăn cho việc tạo ra ký ức mới. "Nếu hưng phấn vừa đủ, bạn có thể nhớ tốt hơn, nhưng nếu quá hưng phấn, bạn thậm chí sẽ không thể tạo ra ký ức mới nào".

McNay đưa ra so sánh thú vị giữa việc đi xem concert và tình huống bị gấu rừng săn đuổi: Cả hai để dẫn đến trạng thái hưng cảm cực độ (vốn được cơ thể coi là một trạng thái stress). Sự thay đổi hormone dẫn đến tăng glucose trong máu, vốn là nguồn nhiên liệu cho trí nhớ, suy nghĩ và học tập. "Bạn sẽ muốn nguồn nhiên liệu này đi vào các cơ để đấu lại hoặc chạy khỏi con gấu chứ không lãng phí vào việc tạo ký ức", ông chỉ ra.

Đồng thời, dây thần kinh phế vị, có chức năng điều hòa hoạt động nội tạng được kích thích, khiến hạch hạnh nhân của não bộ (cơ quan điều phối cảm xúc) sản sinh norepinephrine, khiến các ký ức mới càng khó được lưu lại trong não bộ. Chưa kể nhiều người đi xem nhạc còn sử dụng rượu bia hoặc caffeine, làm quá trình tạo ký ức thậm chí còn khó khăn hơn.

Ảnh: outkick.com

Ảnh: outkick.com

Đây cũng không phải lần đầu những ngôi sao nhạc pop có ảnh hưởng lớn đến vậy tới tâm lý công chúng. Từ nhà soạn nhạc thế kỷ 19 Franz List đến các ngôi sao toàn cầu như Beatles và Michael Jackson, hình ảnh người hâm mộ hưng phấn đến ngất xỉu đã luôn được ghi lại. Thế nhưng, văn hóa thần tượng hiện đại đã đẩy mọi thứ lên tầm cao mới.

Suzanne Garfinkle-Crowell chỉ ra rằng so với thời bà còn "đu idol" vào thập niên 1990, việc hâm mộ Taylor Swift không chỉ dừng lại ở việc nghe nhạc, mà còn là văn hóa tiêu thụ không ngừng nghỉ các sản phẩm bên lề - từ video ca nhạc, tin tức đồn đoán về đời sống riêng tư, săn lùng các sản phẩm mang thương hiệu Taylor, đến việc bày tỏ niềm yêu thích trên mạng xã hội, chia sẻ các đoạn nhạc và lời hát lên Instagram để bày tỏ tâm trạng - một bữa tiệc văn hóa Swiftie kéo dài cả ngày lẫn đêm.

Cũng theo Suzanne, Swiftie cũng là một nhóm có các hành vi và đặc tính chung nhất định. Đó là những phụ nữ trẻ được nuôi dạy trong tình thương và sự công bằng vừa đủ, nhạy cảm, tham vọng và hơi có chút cầu toàn. Bà viết: "Giống với Swift, các cô gái ấy cũng biết ăn mặc để trở nên đẹp và ngầu (đôi khi cũng là để trả thù), nhưng bên trong cũng ngập tràn tổn thương. Họ có xu hướng hoài nghi chính mình và tự đẩy mình ra ngoài thế giới trong trạng thái non nớt và sợ sệt. Họ làm việc chăm chỉ và thường tự hỏi rằng liệu mình là đàn ông thì có thành công nhanh hơn không. Mong mỏi một tình yêu đích thực, họ từng mong đợi Romeo của mình nói "có", từng bị đối xử tệ bạc, nhưng cũng mong trở thành Cinderella hiện đại, sống không màng đến đàn ông". 

Tóm lại, "họ coi Taylor Swift là người hùng, gần gũi vừa đủ nhưng cũng đầy cảm hứng với những thành tựu mà cô đã đạt được".

Taylor Swift trong mắt Midjourney

Taylor Swift trong mắt Midjourney

Khác với những kiểu người hùng đại chúng khác, Taylor xứng đáng được công nhận vì sự gần gũi và thấu hiểu trải nghiệm của các thiếu nữ tuổi teen. Không chỉ nói về sự non nớt cảm xúc của mỗi cá nhân, Taylor còn mô tả nỗi sầu muộn khi phải kết nối cảm xúc với những người non nớt y như mình, vốn là nguồn cơn của hiện tượng bắt nạt, biệt lập hoặc những tin nhắn tình cảm không có hồi âm.

"Không chỉ mô tả, Taylor còn cho họ sức mạnh để thừa nhận nỗi đau và tạo ra thứ gì đó đẹp đẽ với chúng - cô ấy đích thực là một nhà thơ lớn của thời đại này, khi đại dịch đã khiến cho kết nối con người trở nên thưa thớt và dựa vào thế giới ảo hơn bao giờ hết" - Suzanne tán dương.

Rồi Eras Tour cũng sẽ dừng lại, và sự cuồng nhiệt choán đầy cuộc sống của Swifties cũng sẽ dịu dần, thế nhưng hiện nay, không có lý do gì để những người hâm mộ không thả mình vào cơn sốt Taylor, Suzanne kết lại. 

"Đôi khi tự khiến mình bị ngắt quãng, trở nên kém năng suất đi một xíu, và hòa mình vào thế giới thần tiên một thời gian cũng chẳng sao. Đặc biệt là khi có ai đó trong cuộc đời khiến bạn thấy những sắc màu bạn chưa từng thấy trước đây", vị chuyên gia tâm thần học trích một phần lời trong ca khúc của Taylor Swift làm phần kết bài viết của mình trên New York Times.

Nền kinh tế lưu diễn

Không hẹn mà gặp, hai nữ ngôi sao nhạc pop đắt giá nhất ở thời điểm hiện tại - Beyonce và Taylor Swift - đều khởi động các tour diễn khuynh đảo sân khấu toàn thế giới.

Renaissance Tour của Beyonce với đêm diễn mở màn tại Stockholm thu hút hàng chục ngàn khách quốc tế đến Thụy Điển, đến mức được cho là tác nhân đẩy lạm phát ngành khách sạn, ăn uống nước này tăng 0,3% trong tháng 5. Taylor với Eras Tour cũng không kém cạnh khi được dự báo sẽ đóng góp 5 tỉ đô la cho GDP nước Mỹ, đồng thời đang có khả năng trở thành tour diễn có doanh thu cao nhất mọi thời đại với con số 1 tỉ đô ước tính.

Rõ ràng hòa nhạc và biểu diễn đang là ngành công nghiệp hái ra tiền. Chúng đã là nguồn thu chính của các nghệ sĩ thu âm từ thời kỳ bán đĩa CD cuối 1990 - đầu 2000, và còn quan trọng hơn trong bối cảnh streaming nắm trùm (nhưng không đem lại mấy lợi nhuận cho nghệ sĩ) ngày nay.

Ảnh: futureparty.com

Ảnh: futureparty.com

Đối với các nghệ sĩ lớn như Beyonce, Taylor Swift hay Elton John, miếng bánh đi tour còn phình to hơn nữa: Taylor Swift đút túi khoảng 11-12 triệu đô sau mỗi đêm diễn. Theo cây viết kinh tế Paul Krugman của New York Times, tiến bộ công nghệ đang góp công không nhỏ vào miếng bánh thơm ngọt này: Truyền thông số và mạng xã hội cung cấp cho nhóm nghệ sĩ top đầu khả năng lan tỏa tên tuổi vượt khoảng cách địa lý, đến với hàng chục triệu màn hình trên toàn thế giới.

Công nghệ loa đài, âm thanh cũng giúp nghệ sĩ bán hàng chục ngàn vé một đêm - vốn từng là chuyện không tưởng, bởi tiếng reo hò của từng ấy khán giả có thể nhấn chìm mọi tiếng hát, như thời the Beatles diễn tại Shea Stadium những năm 1960.

Tuy nhiên, theo Krugman, Taylor Swift đáng lẽ đã có thể bỏ túi nhiều hơn nữa nếu không phải do những kiềm tỏa cũng do công nghệ mang lại.

Trong thời đại mà các màn trình diễn live luôn có sẵn trên YouTube, người nghe có thể nghe ở bất kỳ đâu mà không cần chen lấn, đồng nghĩa với việc tầm quan trọng của việc mua vé hòa nhạc với khán giả ngày càng giảm đi.

Không còn là "việc dĩ nhiên phải làm" với mỗi người nghe nhạc, đi nghe nhạc live giờ trở thành một thú chơi ngách, đắt đỏ dành cho một nhóm nhỏ hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận