Tầm sư học... chơi Instagram, nhảy TikTok

TRỌNG NHÂN 01/02/2024 05:49 GMT+7

TTCT - Tuy "động cơ" là để chơi nhưng việc học một cái gì đó rõ ràng không bổ ngang cũng bổ dọc.

Ảnh: PetaPixel

Ảnh: PetaPixel

Để có "content" (nội dung đăng lên mạng xã hội) chất lượng, không ít bạn trẻ sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc đi học chụp hình để vợ, bạn gái lung linh nhất Facebook, Instagram hay học nhảy để "bắt trend" TikTok theo cách bài bản nhất.

Tuy "động cơ" là để chơi nhưng việc học một cái gì đó rõ ràng không bổ ngang cũng bổ dọc. Kỹ năng chụp hình tất nhiên sẽ còn đất dụng võ với các chủ thể khác ngoài... vợ. Và học nhảy TikTok cũng như bao món nhảy khác, vừa thư giãn tinh thần vừa rèn luyện thân thể.

Học làm phó nháy cho "người ấy"

Tháng 12-2023, tôi tham dự một buổi workshop chia sẻ bí quyết chụp hình cho người yêu ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trong gần 40 người tham dự, tới 95% là nam, 5% còn lại đi cùng… bạn trai. Hầu hết đều mang máy ảnh, chăm chú nghe bày bí quyết chụp hình để người mẫu - cụ thể là bạn gái - hài lòng nhất.

Duy Kiên (27 tuổi) vừa sắm một chiếc máy ảnh cũ giá khoảng 15 triệu đồng. Chịu đầu tư vì anh thích chụp hình và bạn gái cũng thường khoe ảnh cá nhân trên Facebook. 

Dù máy thuộc hàng khá nhưng nhiều bức ảnh do Kiên làm phó nháy lại không làm vừa ý nửa kia. Thường bị chê nhất là những tấm lộ khuyết điểm của nàng như thấy mặt hay vai to.

Chủ trì workshop hôm ấy là nhiếp ảnh gia Tùng Phạm, người khá nổi tiếng với những clip hướng dẫn chụp ảnh trên TikTok. 

Anh dặn dò: ảnh đẹp đôi khi không nằm ở thiết bị mà nằm ở một số lưu ý "sống còn", chẳng hạn để không chụp làm nhân vật bị béo thì tránh để camera thẳng mặt, người được chụp nên thẳng lưng và đứng góc nghiêng để có vẻ thon hơn.

Những tay máy thực hành sau buổi workshop chụp ảnh cho người yêu tại Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: TRỌNG NHÂN

Những tay máy thực hành sau buổi workshop chụp ảnh cho người yêu tại Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: TRỌNG NHÂN

Một lời khuyên khác: không được crop (cắt) ảnh vào các khớp như đầu gối, tay, cổ, bởi crop quá chặt có thể làm người xem ảnh thấy ngạt và nhiều lúc cảm giác đang sót chi tiết. "Có thể crop trên mắt cá chân, crop trên đùi hoặc crop dưới hoặc trên thắt lưng một xíu… Nếu ảnh toàn thân thì không drop mất giày và không crop phần hông" - anh Tùng lưu ý.

Nhận thấy nhu cầu học chụp ảnh, quay video cao từ những buổi như trên, Tùng Phạm cùng đồng nghiệp mở lớp dạy chụp ảnh tại TP.HCM. Mỗi khóa thường kéo dài khoảng 10 buổi. Học viên được học các kiến thức cơ bản như điều chỉnh các thông số máy, chụp ảnh bằng điện thoại, quay video, chỉnh sửa video…

Tùng cho biết độ tuổi người học từ 18 - 50, phổ biến nhất là tuổi từ 20 - 35. Các lớp học thường được mở từ 2 tuần đến 1 tháng hoặc linh hoạt khi có đủ số lượng học viên. Mỗi lớp thường có được duy trì khoảng 10 học viên để người học có thể thực hành và chỉnh sửa nhiều nhất.

Học nhảy TikTok để giải khuây

Vì đang là thời của TikTok, nhiều bạn trẻ có nhu cầu học cách sống "ảo" trên TikTok. Chị Lưu Thị Thùy Linh, giáo viên dạy múa tại Mistake Dance Studio (TP.HCM), cho biết nhiều bạn trẻ tìm đến các buổi học cuối tuần dành riêng cho TikTok. 

Không đi theo lộ trình từ cơ bản đến nâng cao, các bài múa được thiết kế cho TikTok thường rất cô đọng, chỉ khoảng 20 - 30 giây. Học viên có thể tập các động tác từ 1 - 1 tiếng 30 phút là đã có thể quay clip đăng lên.

Các bạn trẻ theo học thường từ 20 - 35 tuổi, phần nhiều xem đây như một hoạt động giải trí cuối tuần thay vì đi cà phê hay tập yoga, gym. "Học viên không quá quan trọng múa đúng kỹ thuật. Họ rất thích được vừa được vận động vừa có ngay một hai đoạn clip đăng TikTok. Nhiều bạn chọn thể loại múa cổ trang, chỉ cần mặc trang phục thời xưa là các bạn đã thích khoe ngay với bạn bè mạng xã hội" - chị Linh nói.

Thường thì mỗi học viên sẽ chủ động đề xuất bài nhảy, múa. Phổ biến là vũ điệu đang bắt trend trên TikTok, hoặc một bài hát mới của một ca sĩ Việt Nam nổi tiếng, hoặc một đoạn nhạc thập niên 1990 bắt tai đột nhiên nổi lại trên mạng. Sắp Tết, những bài xuân vui tươi cũng khá ăn khách.

Những học viên học múa do chị Thùy Linh hướng dẫn. Ảnh: NVCC

Những học viên học múa do chị Thùy Linh hướng dẫn. Ảnh: NVCC

Từ chỗ học nhanh gọn, một số bạn duy trì học nhảy như một thú vui kết hợp giải trí và thể thao. Đối tượng này sẽ sắp xếp các buổi học cố định trong tuần, có dân văn phòng và các cô nội trợ còn tận dụng cả thời gian nghỉ trưa để học nhảy, múa.

"Lúc này, các bài nào, theo trend nào cũng không còn quan trọng. Họ muốn được múa, được nhảy, được tập luyện và bắt đầu quan tâm hơn đến điều chỉnh động tác, nâng cao kỹ thuật. Lớp tôi hiện có khoảng 20 bạn tập thường xuyên được hơn ba năm" - chị Linh nói.

Học chụp hình không cứ là để "sống ảo"

Thời gian gần đây, Thủy Bùi (24 tuổi), đang làm phòng dữ liệu của một công ty thương mại điện tử tại TP.HCM, trăn trở về hình ảnh bản thân trên mạng xã hội. Khác với những bạn gái đồng trang lứa thường xuyên đăng các bức ảnh sống ảo trên Facebook hay Instagram, trang cá nhân của Thủy gần như trống trơn.

Không phải do ngoại hình kém xinh, mà là mỗi lần chụp ảnh là Thủy lại… cứng đơ nên các bức ảnh luôn khiến cô sượng sượng. "Mình thường không biết đứng dáng ra sao, tay nên đặt ở đâu, mắt nên nhìn hướng nào" - Thủy nói.

Thủy tìm đến các cộng đồng hướng dẫn làm mẫu thường chia sẻ nhau các bí kíp tạo dáng. Chỉ sau hai ngày, Thủy bắt được bệnh mình là thiếu ý tưởng. Nguyên nhân sâu xa được một số thành viên trong nhóm chỉ ra là vì Thủy ít khi xem ảnh, giống như không đọc nhiều sách thì thiếu vốn từ viết văn.

Thủy lên kế hoạch chủ động đến các buổi offline của dân chụp ảnh. Ở đó, Thủy chắc mẩm sẽ bắt gặp được một tay máy nào đó cũng vừa mới vô nghề. Cả hai sẽ như đôi bạn cùng tiến, tay máy luyện chụp, còn Thủy tập tạo dáng.

Ngày trước, Thủy Bùi từng đắn đo có phải thiếu ảnh đẹp là lý do khiến bạn ít được các bạn nam tương tác trên mạng xã hội hay không, và liệu đó có phải là lý do khiến bạn vẫn còn… cô đơn. 

"Tìm bạn trai là một lý do thôi thúc mình thay đổi trên mạng xã hội. Ngoài ra, mình muốn phát triển trang cá nhân thành một công cụ để marketing cho bản thân. Muốn vậy, hình ảnh của mình phải đẹp và chuyên nghiệp. Một bài viết chuyên môn công nghệ thông tin sẽ ít người đọc nhưng nếu có thêm ảnh một bạn nữ xinh xắn đang ngồi viết code chắc chắn sẽ thu hút hơn" - Thủy nói.

Đa dạng giá cả

Trưởng bộ phận tuyển sinh và marketing của một trường trung cấp tại TP.HCM cho biết không chỉ các trung tâm mà ngay cả các trường trung cấp, nhà văn hóa cũng đã có các khóa học về chụp ảnh cho những người có nhu cầu. Giá các khóa thường từ 2 - 4 triệu đồng cho một khóa kéo dài từ 3 - 6 buổi. Sau khóa học, ai muốn nâng cao trình độ có thể tìm thêm các khóa bán chuyên hoặc chuyên nghiệp, có thể tốn từ 10 - 30 triệu đồng cho từ 1 - 3 tháng học.

Các khóa học múa, nhảy cho dân không chuyên thường được tính theo gói, mỗi gói từ 6-8 buổi. Mỗi buổi thường kéo dài một tiếng và khoảng 10 học viên mỗi buổi. Học phí ở TP.HCM hiện có giá khá phải chăng, từ 80.000 - 200.000 đồng/người/buổi.

Với chị Nguyệt Anh (35 tuổi), chụp ảnh trên mạng xã hội còn đi đôi với kinh doanh. Nguyệt Anh đang khởi nghiệp bán quần áo qua Facebook. Để hút bạn bè mạng quan tâm, Nguyệt Anh nghĩ phải biết cách chụp ảnh các bộ quần áo sao cho bắt mắt và đúng thị hiếu. Nguyệt Anh dành ra 3,5 triệu đồng tham gia một lớp học chụp ảnh cơ bản, thời lượng ba buổi, tại TP.HCM.

Buổi đầu tiên Nguyệt Anh được học khái quát về ảnh, chất lượng ảnh, bố cục, ánh sáng và một số kỹ thuật chụp. Buổi thứ hai chị được học cách chỉnh sửa ảnh. Buổi cuối cùng Nguyệt Anh học cơ bản làm video trên điện thoại và cách đăng bài trên Facebook để có nhiều tương tác.

Nguyệt Anh cho biết nếu thuê một người quản lý mạng xã hội giúp, ít nhất chị phải chi khoảng 3 triệu đồng/tháng, nếu thêm yêu cầu biết chụp hình, quay phim ổn thì phải chi tới 5 triệu đồng/tháng. Mới khởi nghiệp bán hàng online nên chị muốn tiết kiệm và xác định sẽ đi học rồi tự làm.

"Từ chỗ không biết gì giờ mình biết nhiều thủ thuật, chẳng hạn chụp quần áo thì nên chọn phông nền đơn sắc và trung tính để quần áo nổi bật, tránh phông nền rối. Hay trong một loạt ảnh về mẫu áo mới nên có một số bức lấy cận vào các chi tiết của sản phẩm như họa tiết, đường may, chất liệu để khách hàng cảm nhận được chất lượng. Liệu các tip có hiệu quả? Mình nghĩ là có, bạn bè nhắn tin bình luận nhiều hơn so với lúc đăng những mẫu quần áo lấy ảnh sẵn từ Internet" - Nguyệt Anh nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận