Sân khấu của tương lai, hay cái gai kiến trúc?

XUÂN TÙNG 14/12/2023 06:10 GMT+7

TTCT - The Sphere được định hướng để làm nên một cuộc cách mạng trong bình diện giải trí nghe-nhìn khắp thế giới - với trải nghiệm số "tinh tế" hơn.

The Sphere có thể hiển thị các mẩu quảng cáo ấn tượng và sáng tạo nhất (ảnh nhỏ). Ảnh: SPHERE ENTERTAINMENT

The Sphere có thể hiển thị các mẩu quảng cáo ấn tượng và sáng tạo nhất (ảnh nhỏ). Ảnh: SPHERE ENTERTAINMENT

Giữa sa mạc Nevada, một khối cầu khổng lồ phủ kín bằng bóng LED, trông như một mặt trăng nhân tạo vừa đâm xuống Trái đất, bên trong là màn hình "không lối thoát" phủ vòm lên sân khấu có sức chứa ngang một sân bóng. Đây là tương lai của ngành công nghiệp nghe nhìn hay một sản phẩm "đu trend" khác của thời đại mạng xã hội?

The Sphere - công trình kiến trúc mới nhất và có lẽ cũng kỳ khôi nhất ở thủ đô giải trí thế giới Las Vegas - gây chú ý ở mọi phương diện. Cao 111m và rộng 157m, nó được coi là công trình hình cầu lớn nhất thế giới. 

Mặt ngoài công trình được gắn 1,2 triệu bóng LED, tạo thành một màn hình quảng cáo khổng lồ rọi sáng sa mạc (đôi lúc chiếu quảng cáo game Spiderman, lúc lại biến hình thành mặt trăng hay một nhãn cầu khổng lồ khiến người đi đường sững sờ) - được cho là lập kỷ lục thế giới về kích thước. 

Phủ kín vòm nhà hát bên trong là một màn hình LED rợn ngợp, được cho là màn hình có độ phân giải cao nhất thế giới. Theo Paul Westbury, lãnh đạo mảng xây dựng và phát triển của công ty chủ quản công trình Sphere Entertainment, màn hình có độ phân giải 16K này có kích thước bằng hai sân bóng đá, đi kèm dàn âm thanh, hệ thống rung và điều chỉnh nhiệt độ nhằm đem lại cảm giác toàn nhập tối đa cho khán giả.

Sau nhiều năm xây dựng và ngốn trên dưới 2,3 tỉ đô la, không gian này được đưa vào sử dụng ngày 29-9 vừa qua, với đêm diễn mở màn dài 2 tiếng của U2, đánh dấu thời kỳ "tạm trú" tại sân khấu này trong 3 tháng của ban nhạc rock huyền thoại.

Là đứa con tinh thần mới nhất của tỉ phú James Dolan - trùm sò trong ngành công nghiệp giải trí và thể thao nhà nghề Mỹ, Sphere được định hướng để làm nên một cuộc cách mạng trong bình diện giải trí nghe-nhìn khắp thế giới - với trải nghiệm số "tinh tế" hơn, trong bối cảnh các tour diễn hậu COVID đang kiếm bộn hơn bao giờ hết. 

Liệu các khán giả đang chi hàng trăm, hàng ngàn đô la cho vé hòa nhạc Taylor Swift có sẵn sàng bỏ ra số tiền tương tự để chui vào một phòng hòa nhạc giữa Las Vegas, để trải nghiệm "thực tế ảo" mà không cần đeo kính?

Quảng cáo sáng tạo trên mặt ngoài của The Sphere.

Quảng cáo sáng tạo trên mặt ngoài của The Sphere.

Kỳ quan công nghệ

Mang theo thắc mắc này, báo giới và các nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý về đêm diễn khai trương không gian của nhóm nhạc U2. Với sự có mặt của những tên tuổi như Oprah Winfrey, Paul McCartney và Matt Damon trên khán đài, đêm diễn này là phép thử lớn cho ý tưởng vô tiền khoáng hậu của Sphere, và U2 - nhóm nhạc được biết đến với nhiều tour diễn ứng dụng công nghệ tối tân, bán cháy vé nhiều sân vận động lớn - chính là cái tên phù hợp nhất để tiến hành canh bạc này.

Để chuẩn bị cho đêm diễn, U2 và ê kíp các nghệ sĩ đa phương tiện của mình đã thực hiện hàng loạt video khổ lớn bao trùm mái vòm nhà hát, đưa khán giả đến với hàng loạt không gian kỳ ảo - từ một sa mạc Vegas trải dài đến tận chân trời, đến điện Sistine kỳ ảo, nơi các bức vẽ kiểu Phục hưng trôi dần trong một đường hầm dài vô hạn.

Dù công chúng đã quen mắt với những màn trình chiếu video viễn tưởng trên vỏ ngoài The Sphere từ mấy tháng trước, đêm diễn này vẫn chứng minh rằng mặt trong của công trình có những trải nghiệm vượt trội - hơn cả các nhà thủy cung hay rạp phim IMAX. 

Trong màn trình diễn ca khúc The Fly của U2, màn hình video màu sắc bất ngờ chớp tắt, rồi chuyển thành một màn hình đen phủ đầy các dòng lệnh khắp 360 độ quanh khán đài, khiến khán giả ồ lên thích thú.

Ấn tượng nhất có lẽ là màn trình diễn ca khúc Even Better Than the Real Thing, đi kèm trình chiếu video King Size của nghệ sĩ Marco Brambilla. Khi giọng hát Bono vang vọng trên hệ thống 167.000 loa trong nhà hát, những hình ảnh xưa của Vegas và video của ông vua rock and roll Elvis Presley lấp đầy toàn bộ trần nhà, biến nhà hát thành một kính vạn hoa khổng lồ. Hình ảnh trôi chầm chậm từ trần nhà xuống sàn, khiến khán giả ảo giác như thể đang bay lên.

Trên mạng xã hội, khán giả dùng vô số mỹ từ để mô tả trải nghiệm đêm diễn: "điên rồ", "chưa từng có", "một tầm cao biểu diễn mới"... Trang Business Insider dùng từ "xoắn não" (mind-bending), còn Rolling Stone gọi đây là "một kỷ nguyên mới của trình diễn live".

Dù doanh thu đêm diễn chỉ đạt 2-3 triệu đô la (không thấm vào đâu so với mức 10 triệu đô la trả cho ban nhạc, hay khoản đầu tư ban đầu 2,3 tỉ đô), nhưng màn đặt cược của The Sphere vào U2 đã thành công toàn diện trên bề mặt truyền thông, định vị dự án này như kẻ dẫn đầu cuộc chơi. Thứ vũ khí chính mà Sphere đang nắm trong tay chính là công nghệ.

"Dự án này đầy rẫy gian nan - chúng ta đang nói về một màn hình 16K, nên khối lượng dữ liệu mà chúng tôi phải xử lý cũng là chưa từng có" - theo Stefan "Smasher" Desmedt, đạo diễn kỹ thuật và video của U2. 

Sân khấu "toàn nhập" trong buổi diễn của U2 bên trong The Sphere. Ảnh: GETTY IMAGES

Sân khấu "toàn nhập" trong buổi diễn của U2 bên trong The Sphere. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Smasher, mỗi phút video 16K ngốn từ 200-300 gigabyte dữ liệu, ê kíp đã phải di chuyển tổng cộng 500 terabyte video được kết xuất (render) tại Anh sang server tại Vegas để phục vụ đêm diễn. Các video thông thường chỉ được kết xuất ở mức 2K hoặc 4K, sau đó được nâng chất lượng lên 8K; tuy nhiên các video mà khán giả nhìn thấy tại đêm diễn Sphere đã ở mức 16K ngay từ khi kết xuất - "thật sự là một khoảnh khắc bước ngoặt" trong ngành biểu diễn, Jonathan Martin, giám đốc Weka - đối tác công nghệ của U2 - nói.

Không chỉ có hình ảnh ấn tượng, khán giả còn được trải nghiệm trên nhiều tầng giác quan khác, với gió thổi và mùi hương, cùng một công nghệ mới gọi là "beamforming": Hệ thống 167.000 chiếc loa do Công ty Holoplot thiết kế, với các thuật toán giúp điều chỉnh âm thanh ở khoảng cách xa. Một hệ thống robot hình người mang tên Aura được đặt ngoài sảnh, trang bị AI để chào đón và trả lời các câu hỏi của khách tham quan.

Bản thân công trình này, với sắt thép, xi măng và hàng triệu bóng đèn LED, cũng là một kỳ quan thiết kế đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, theo đại diện Paul Westbury của Sphere Entertainment. 

Mỗi bóng LED cần được đặt đúng vị trí, với sai số không quá "độ dày ngọn cỏ" để các màn trình chiếu video tạo hiệu quả hút hồn người xem. "Tôi đã thiết kế nhiều sân vận động Olympic, sân bóng ngoại hạng, các sân vận động đa chức năng. Tôi đã thu thập kinh nghiệm từ chúng, bỏ vào một rổ và chọn ra những mảnh phù hợp nhất cho công trình này" - Westbury nói.

Tương lai gây tranh cãi

Một điều không thể phủ nhận là The Sphere đang làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi tại kinh đô giải trí Las Vegas. Ở trên cao, giá phòng khách sạn có hướng nhìn ra khối cầu khổng lồ này được nâng lên hàng ngàn đô một đêm. 

Ngoài đường, những hình thù lạ kỳ được trình chiếu lên vỏ ngoài của The Sphere khiến nhiều bác tài mất tập trung, số khác đỗ lại lề đường cho khách đi xe chụp ảnh, gây tắc nghẽn cả đoạn dài trên đại lộ Vegas.

"Đây là công trình kiến trúc của thời đại mạng xã hội - cây viết Maura Judkis của The Washington Post nhận định - Trên nóc tòa quan sát High Roller cao 550 feet (167m) trên đỉnh Vegas, khách tham quan trầm trồ khen tòa nhà bằng ba thứ tiếng, rồi lướt điện thoại xem ảnh về Sphere trên Instagram - dù tòa nhà đang đứng ngay trước mặt họ". 

Vài chục phút một lần, The Sphere trình chiếu một mã QR, gửi đến điện thoại của người đi đường đang chĩa về phía nó một link mua vé xem Postcard From Earth, một bộ phim mới của đạo diễn Darren Aronofsky sẽ chiếu tại Sphere cuối năm 2023.

The Sphere. Ảnh: MSG

The Sphere. Ảnh: MSG

Darren là một trong số các nghệ sĩ đầu tiên bày tỏ sự hứng thú vào các khả năng thể nghiệm mới mà The Sphere và công nghệ tối tân có thể đem đến cho biểu đạt nghệ thuật. Bộ phim sắp chiếu của ông dài 50 phút, được quay bằng máy quay chuyên dụng của Sphere Studio, dự kiến sẽ không được chiếu ở đâu khác ngoài màn hình vòm của The Sphere.

"Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Hình ảnh 18K là thứ mà chưa ai từng thấy, và 500.000 GB dữ liệu sẽ dội vào bạn trong khoảng 50 phút. Chúng tôi không biết điều này sẽ tạo ảnh hưởng ra sao lên bộ não người" - Aronofsky nói với báo giới trong buổi ra mắt phim.

Trái với sự hào hứng ấy, nhiều chuyên gia lại không hề thích thú với ảnh hưởng của The Sphere. Sự xuất hiện của công trình này làm dấy lên câu hỏi "về khả năng cạnh tranh của kiến trúc truyền thống với các công trình số được dựng nên để thu hút sự chú ý", theo lời Christopher Hawthorne, giáo sư kiến trúc thuộc Đại học Yale trên The New York Times.

Joshua Vermillion, giáo sư kiến trúc ở Đại học Nevada, cho rằng ngành kiến trúc đang bị buộc phải tích hợp các công trình kỹ thuật số vào thiết kế của mình. "Điều này sẽ đem lại gì cho các tòa nhà chọc trời? Tôi nghĩ chúng sẽ tạo ra biến chuyển mạnh mẽ trong cách mà môi trường nhân tạo - các tòa nhà vào không gian giữa chúng - tương tác và chuyển mình".

Với một số người, Sphere là mảnh ghép phù hợp với đại lộ Vegas, nơi các công trình luôn ganh đua nhau về độ mới lạ nhằm thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại về tòa nhà này với cảnh quan.

The New York Times cho biết nhiều người đi đường "cảm thấy như bị say sóng" sau khi nhìn vào màn hình khổng lồ của tòa nhà. Nhà hát bên trong Sphere phải có riêng một "phòng tĩnh tâm" cho các khán giả bị ngợp bởi trải nghiệm đa giác quan mà công trình mang lại.

Kéo theo đó cũng là những tranh cãi về môi trường. Tại Vegas, nơi vốn đã là kinh đô ánh sáng, nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo rằng Sphere có thể gây tác động tiêu cực lên động vật hoang dã trong khu vực.

"Trăng Vegas" khó sáng ở London

Sphere Entertainment đang có kế hoạch mở rộng mô hình Sphere, với các kích thước và tầm cỡ khác nhau, ra nhiều thành phố lớn khác trên thế giới. "Chúng tôi có 6 mô hình Sphere khác nhau, kích thước nhỏ nhất gồm 3.000 chỗ ngồi. Chúng tôi đã sẵn sàng nhân rộng mô hình này đi khắp thế giới" - tỉ phú James Dolan cho biết.

Ở Anh, MSG - công ty "chị em" với Sphere Entertainment - đã nộp đơn xin cấp phép xây dựng một "quả cầu" có sức chứa 21.500 người ở Stratford, gần công viên Olympic ở Đông London.

Thị trưởng London Sadiq Khan đã bác kế hoạch này, tuyên bố rằng một công trình như thế "sẽ gây ra tác động tiêu cực không thể chấp nhận được đối với người dân địa phương", theo The Guardian ngày 20-11.

Tuy nhiên, đến ngày 2-12, báo này đưa tin cập nhật: Bộ Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương sẽ can thiệp vào quyết định của thị trưởng Khan. Việc có cho xây công trình ở London hay không sẽ do hội đồng của bộ xem xét và quyết định, theo Bộ trưởng Michael Gove.

Điều thú vị nhất là lúc này Sphere Entertainment cho biết đã "hết hứng thú" với việc xây cơ sở ở London. Người phát ngôn công ty cho rằng thị trưởng London và "báo cáo sai sự thật vào phút cuối của ông ta" đã phá hỏng mọi thứ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận