Quan hệ kinh tế Việt - Trung: Còn có thể làm gì thêm?

NGUYỄN THÀNH TRUNG 18/12/2023 08:55 GMT+7

TTCT - Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc trong 30 năm qua, nhưng dư địa hợp tác sắp tới thậm chí còn lớn hơn nữa, khi cả hai nền kinh tế đang hướng tới giai đoạn trưởng thành mới.

Sầu riêng là một trong những sản phẩm Việt Nam rất được Trung Quốc ưa chuộng.  Ảnh: scmp.com

Sầu riêng là một trong những sản phẩm Việt Nam rất được Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: scmp.com

Khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, chỉ có một dự án do Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam lúc đó: một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) liên doanh với một công ty Việt Nam mở nhà hàng Hoa Long tại Hà Nội. Kim ngạch thương mại song phương là một con số hết sức bé: 32 triệu USD, trong đó 90% là thương mại mậu biên. 

Khi hai nước ký Hiệp định Hợp tác kinh tế vào năm 1992, kim ngạch thương mại song phương tăng gần gấp 6 lần, nhưng cũng mới chỉ là 179 triệu USD.

Thương mại song phương

Những năm sau đó, các con số nhảy vọt. Chỉ mất chưa đầy 15 năm, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam vào năm 2005 khi thương mại hai bên đạt con số khoảng 9 tỉ USD. 

Đến năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung vượt mốc 100 tỉ USD. Đây là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam đạt đến con số thương mại kỷ lục này. Tới năm 2022, kim ngạch song phương đã lên tới 180 tỉ USD theo số liệu từ phía Việt Nam. 

Trong khi đó, theo thống kê từ phía Trung Quốc thì mốc 200 tỉ USD đã được vượt qua từ năm 2021, đạt tới 230 tỉ USD.

Dù cho theo bảng thống kê nào, hiện Trung Quốc vẫn giữ kỷ lục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong gần 20 năm liên tiếp. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ tư trên toàn cầu của Trung Quốc, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn nếu xét ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.

Bất chấp ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, thương mại Việt - Trung, theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt bình quân hơn 10 tỉ USD/tháng. Cho đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 61,51 tỉ USD (bình quân hơn 12,3 tỉ USD/tháng), chiếm 23,58% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả Việt Nam.

Tuy nhiên, bức tranh không phải lúc nào cũng màu hồng đối với Việt Nam. Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các đối tác thương mại và ngày một tăng. Tỉ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018 chiếm 27,6%, đến năm 2020 và 2021 đã tăng lên 32% và 33,1%. Coi như hiện nay hàng Trung Quốc chiếm 1/3 tổng hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, nhìn vào cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể thấy Việt Nam nhập khẩu hầu hết các mặt hàng quan trọng, từ hàng tiêu dùng đến nguyên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị, hàng điện tử..., khi đây là các nhóm hàng hóa có giá trị cao, kim ngạch hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD. 

Chẳng hạn chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc là 8,35 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 8,35 tỉ USD nữa; nguyên liệu dệt may, da giày 5,2 tỉ USD.

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc luôn là một vấn đề với nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Việt Nam, từ chỉ 0,2 tỉ USD vào năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), con số thâm hụt tăng lên 10 tỉ USD vào năm 2008, khi hai nước ký kết quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. 

Đến năm đầu tiên thương mại song phương đạt 100 tỉ USD vào 2018 thì cán cân thương mại thâm hụt hơn 24 tỉ USD cho Việt Nam. Năm 2022, nhập siêu của Việt Nam đã lên tới hơn 60 tỉ USD. Như vậy chỉ trong 5 năm (2018-2022), nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 250%.

Điều đáng nói là con số này không có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, thâm hụt cũng mang tính cấu trúc khi Việt Nam lệ thuộc vào máy móc và các nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất. Điều đó cũng dẫn đến lo ngại rằng Việt Nam cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Việt Nam khi tình hình giao dịch thương mại ngày càng bất cân xứng. 

Theo số liệu của Tổ chức Vietnam Credit vào năm 2020, 8% nguyên liệu đầu vào được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi chỉ có 0,1% nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam. Có thể nói, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giữ vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đoàn tàu chở 875 tấn nông sản từ Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc đi TP.HCM, Việt Nam ngày 26-6-2023. Ảnh: Globatl Times

Đoàn tàu chở 875 tấn nông sản từ Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc đi TP.HCM, Việt Nam ngày 26-6-2023. Ảnh: Globatl Times

Đầu tư

Điểm nổi bật của hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung không chỉ thể hiện tại lĩnh vực thương mại mà còn ở việc đẩy mạnh thúc đẩy đầu tư và hợp tác công nghiệp. 

Khi nền kinh tế Trung Quốc mạnh lên và bắt đầu hướng ra ngoài thì Việt Nam là một trong những nơi đầu tư ưa thích của doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt khi Việt Nam trở thành thành viên của nhiều khu vực mậu dịch tự do.

Ông Hồng Thiên Chúc, người sáng lập Tập đoàn Texhong của Trung Quốc, cho biết vào cuối tháng 6-2023 Texhong đã đầu tư hơn 1,6 tỉ USD vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam kể từ năm 2006, với sản lượng sợi của công ty chiếm khoảng 25% tổng sản lượng của cả Việt Nam. 

Công ty Texhong Việt Nam đã tạo ra hơn 20.000 việc làm tại Việt Nam và đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Ông Hồng đánh giá: "Năng lực sản xuất của Trung Quốc kết hợp với lợi thế thương mại của Việt Nam trong việc kết nối các thị trường lớn có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng khu vực và phát huy tối đa hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại".

Hơn 30 năm qua, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối tháng 11-2023 có 4.203 dự án vốn Trung Quốc còn hiệu lực, với hơn 27 tỉ USD vốn đầu tư lũy kế, đứng thứ 3 về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký. 

Nếu tính cả đầu tư từ Hong Kong thì lượng FDI còn cao hơn nhiều. Hơn 60% tổng vốn FDI của Trung Quốc tập trung vào sản xuất và chế biến, với phần lớn tập trung vào các ngành thâm dụng lao động.

Bosco Law, giám đốc điều hành Lawsgroup, công ty sản xuất quần áo cho các thương hiệu như Gap, có hoạt động toàn cầu bao gồm nhiều cửa hàng ở Trung Quốc, cho biết: "Chúng tôi đầu tư chiến lược vào Việt Nam vì lợi thế địa lý - gần Trung Quốc hơn và do đó chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển thấp hơn và thời gian sản xuất tương đối ngắn hơn".

Trong nửa đầu năm 2023, phóng viên đặc biệt của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng và nhận thấy so với tình hình 5 năm trước, tỉ lệ doanh nghiệp có vốn Trung Quốc tại các khu công nghiệp khác nhau đã tăng lên đáng kể. 

Hầu hết đại diện của các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc được phỏng vấn đều cho rằng quyết định đầu tư vào Việt Nam của họ là đúng đắn và lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam.

Hội đàm cấp cao Nguyễn Phú Trọng - Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã

Hội đàm cấp cao Nguyễn Phú Trọng - Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã

Bổ sung cho nhau

Chính những lợi thế chi phí đất đai, chi phí lao động rẻ hơn và dân số trẻ hơn đã khiến Việt Nam có thể mô phỏng con đường phát triển trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. 

Bắt đầu từ các ngành sử dụng nhiều lao động như như dệt may, giày dép và điện tử, Việt Nam hy vọng có thể đi theo con đường tương tự Thâm Quyến trong việc thu hút các ngành công nghệ cao sau đó. Giống như Trung Quốc trước đây, Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào sản xuất hàng xuất khẩu công nghệ thấp, như đồ nội thất, phụ tùng ô tô, và lắp ráp hàng điện tử.

Nhưng hiện nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Alibaba đã xây dựng trung tâm dữ liệu máy tính đám mây tại Việt Nam, trong khi Tencent đang đầu tư vào các công ty game. 

Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ và chuyên môn của Trung Quốc. Dù Việt Nam chưa ngang tầm Trung Quốc về chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh phát triển, nhưng đã thể hiện những dấu hiệu chuyển dịch khi chính phủ có chính sách dịch chuyển thu hút nhà đầu tư ra khỏi hướng thâm dụng lao động, chuyển sang hướng ưu tiên chất lượng và công nghệ.

Việt Nam, với nhu cầu cao về năng lượng nói chung và năng lượng sạch nói riêng, đang đối mặt với áp lực đáng kể trong chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới do thiếu chuyên môn công nghệ cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này, là quốc gia dẫn đầu thế giới về pin năng lượng mặt trời. Điều này mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước.■

Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại TP.HCM hôm 25-11, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết hợp tác thương mại Việt - Trung đã đạt được "kết quả tốt đẹp" và sẽ bao gồm các lĩnh vực chiến lược như nền kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực khác mà Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn và công nghệ từ Trung Quốc, như xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt cao tốc - có thể sẽ là một trong những trọng tâm của quan hệ kinh tế Việt - Trung trong thời gian tới. Đó quả là một chặng đường dài nếu so với nhà hàng ẩm thực Trung Hoa ở Hà Nội có vốn đầu tư đầu tiên từ Trung Quốc vào năm 1991.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận