Nobel cho sử gia kinh tế

XÊ NHO 15/10/2023 10:09 GMT+7

TTCT - Có thể nói bà Claudia Goldin, nữ giáo sư Đại học Harvard, người vừa được trao giải Nobel Kinh tế năm 2023, là một sử gia kinh tế hơn là một nhà kinh tế thuần túy.

Bà Claudia Goldin. Ảnh: The Harvard Crimson

Bà Claudia Goldin. Ảnh: The Harvard Crimson

Đó là bởi bà lục lạo, đào xới nhiều số liệu, dữ liệu thống kê liên quan lao động nữ trải dài hơn 200 năm, như một thám tử điều tra các đặc trưng của lao động nữ thường bị hiểu nhầm, từ đó đưa ra các lý giải về sự khác biệt trong mức độ tham gia thị trường lao động của nữ so với nam, chênh lệch thu nhập giữa lao động nam với lao động nữ, và nhiều vấn đề quan trọng khác của kinh tế học.

Nhìn lại lịch sử lao động nữ

Trước đây người ta cứ nghĩ tỉ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động tăng dần theo thời gian, cùng mức độ phát triển của nền kinh tế. 

Quan sát dữ liệu từ cuối thế kỷ 18 kéo dài đến giữa thế kỷ 20, bà Goldin phát hiện đến 60% phụ nữ có gia đình tại Philadelphia có làm việc vào cuối thế kỷ 18, chủ yếu là làm nông, chăn nuôi gia súc, dệt vải và các ngành nghề thủ công khác. 

Sau đó mức độ tham gia lao động của nữ giới giảm dần, xuống thấp nhất cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp. Chỉ đến thế kỷ 20, khi khu vực dịch vụ phát triển mạnh tạo ra các loại công việc phù hợp cho nữ như thư ký, bán hàng, các ngành nghề du lịch, ăn uống..., tỉ lệ nữ giới trong lực lượng lao động mới tăng cao trở lại.

Chúng ta cứ tưởng công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế đoạt giải Nobel ắt có những phát hiện chấn động, những kết luận bất ngờ. 

Thật ra giá trị công trình của bà Goldin nằm ở chỗ dày công rà soát các tàng thư, các số liệu thống kê khô khan, thậm chí phải chỉnh sửa các thống kê sai trong quá khứ để nhận ra các xu hướng và trình bày chúng dưới những kiến giải mới. 

Chính bà đã phát biểu sau khi được tin về giải Nobel năm nay: "Là một nhà thám tử có nghĩa bạn có một thắc mắc… quan trọng đến nỗi bạn sẽ đi đến tận cùng mọi ngóc ngách để tìm câu trả lời".

Trên bình diện toàn thế giới, hiện nay chừng 50% phụ nữ có đi làm so với nam giới là 80%, tuy mức độ khác biệt này còn cao hơn ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi. 

Ngay ở các nước phát triển, tỉ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động đã tăng gấp ba lần trong thế kỷ qua, nhưng chênh lệch với nam giới vẫn còn đó, nhất là về thu nhập và thăng tiến nghề nghiệp. Số lượng nữ giới ở các vị trí lãnh đạo vẫn còn thấp hơn nam giới nhiều.

"Các nghề tham lam"

Trong cuốn sách mới xuất bản, Sự nghiệp và gia đình (Career and Family: Women's Century-Long Journey toward Equity), bà Goldin lý giải hiện tượng này bằng khái niệm "các nghề tham lam", hàm ý những ai sẵn sàng làm việc tối ngày sáng đêm, chịu ở lại cơ quan làm thêm giờ cho xong việc sẽ được nhận lương cao hơn, dễ thăng tiến hơn so với những ai chọn gia đình, ưu tiên cho con cái hơn sự nghiệp và đành phải chịu thua thiệt trên bước đường sự nghiệp. 

Bà từng phát biểu: "Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có bình đẳng giới chừng nào chúng ta chưa có bình đẳng vợ chồng".

Claudia Goldin, năm nay 77 tuổi, là người phụ nữ thứ ba đoạt giải Nobel Kinh tế, sau các bà Elinor Ostrom năm 2009 và Esther Duflo năm 2019. Bà cũng là nữ giáo sư đầu tiên được nhận vào biên chế tại Khoa kinh tế, Đại học Harvard vào năm 1989. 

Bà thường viết chung nghiên cứu với chồng, ông Lawrence Katz (cũng là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard), như bài viết về viên thuốc ngừa thai có tác động thế nào lên cách phụ nữ lập kế hoạch và đầu tư cho nghề nghiệp.

Công việc nghiên cứu của bà vẫn tiếp diễn cho đến nay. Công trình mới nhất của bà, do Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ xuất bản vào tháng 10-2023 có tựa đề: "Tại sao phụ nữ thắng thế?" lý giải vì sao phụ nữ đạt được những tiến bộ lớn trong thập niên 1970 và vì sao những nỗ lực này gặp trở ngại những năm gần đây. 

Đúng với phong cách sử gia kinh tế, nghiên cứu đã rà soát 155 phong trào đòi quyền phụ nữ do bà ghi nhận từ năm 1905 đến 2023 với phát hiện đến 45% diễn ra trong 10 năm từ 1963 - 1973.

Một đặc điểm của các công trình nghiên cứu do bà Goldin thực hiện là không đưa ra các khuyến nghị chính sách, nhưng theo đánh giá của ủy ban trao giải, chúng vẫn có tác động xã hội to lớn khi giới làm chính sách dựa vào các phát kiến này để thiết kế chính sách phù hợp với nữ giới trên thị trường lao động. ■

Sức mạnh kinh tế của thuốc ngừa thai

Từ 1963 tới 1967, bà Goldin là sinh viên Đại học Cornell. Thời bấy giờ ở Mỹ, thuốc ngừa thai hay dịch vụ phá thai khó kiếm hơn ngày nay nhiều. Phụ nữ chưa kết hôn cũng không được tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Ở Đại học Cornell nơi bà Goldin theo học, nếu sinh viên nữ muốn ngừa thai, họ sẽ phải tới gặp cơ quan y tế của trường và giả vờ rằng họ đã kết hôn. Trong lúc nghiên cứu vấn đề này sau khi tốt nghiệp, bà biết có phụ nữ phải đeo nhẫn giả là đã kết hôn để qua mặt nhân viên y tế và kiếm thuốc ngừa thai.

"Với nữ thanh niên thời bấy giờ, để duy trì một đời sống xã hội và tình dục bình thường, họ cần một chính sách bảo hiểm", bà Goldin nói với báo The New Yorker. Chính sách đấy là phải có người yêu ổn định, công khai, để lỡ dính bầu thì ai cũng biết cha đứa bé là ai và kỳ vọng nói chung là họ sẽ kết hôn.

Chuyện này không phải quá lạ lùng, nhưng về mặt kinh tế học, nó đi kèm nhiều hậu quả tai hại. "Khi đã làm như vậy, ngay cả khi không có thai, ta vẫn đã thay đổi - bà Goldin nói - Cách suy nghĩ của ta thay đổi. Ta chờ đợi sẽ kết hôn, làm cha mẹ hài lòng, có cuộc sống nội trợ ổn định".

Hệ quả là phụ nữ sẽ ít tham gia lực lượng lao động hơn, đúng vào lúc họ bắt đầu bước vào giai đoạn có thể lao động chính thức.

Tình hình ở Mỹ còn đặc biệt vì nhà nước không có chính sách thai sản bắt buộc với nơi sử dụng lao động - về cơ bản các cặp vợ chồng muốn có con sẽ phải tự xoay xở. Điều đó đồng nghĩa hạn chế quyền tiếp cận các biện pháp tránh thai sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Quyền tiếp cận các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình ở Mỹ chỉ được xác lập qua các phán quyết trong hai vụ kiện ở Tòa tối cao các năm 1965 và 1972.

Trong nghiên cứu lớn đầu tiên về tác động của quyền tiếp cận này với các phụ nữ trẻ độc thân ở đại học xuất bản năm 2002, Goldin và chồng, Lawrence Katz, thấy rằng lựa chọn giáo dục và sự nghiệp của phụ nữ thay đổi hoàn toàn và tuổi kết hôn trung bình tăng mạnh sau khi thuốc ngừa thai trở nên phổ biến.

Lấy ví dụ, năm 1970, phụ nữ chiếm 10% số sinh viên năm nhất đại học ở các trường luật; năm 1980, con số đó đã là 36%. Rồi gần 50% phụ nữ tốt nghiệp đại học sinh năm 1950 kết hôn trước tuổi 23; so với không tới 30% các phụ nữ sinh năm 1957, tức những người tới tuổi trưởng thành khi thuốc ngừa thai đã thực sự rất dễ tiếp cận.

Kết hôn và có con muộn hơn đồng nghĩa họ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn.

Những nghiên cứu của Goldin lại thể hiện rõ tính thời sự rất gần đây, khi năm 2022 ở Mỹ nổ ra cuộc tranh luận về hạn chế với quyền phá thai và các biện pháp tránh thai. Một số chính trị gia hàng đầu vận động chống lại các biện pháp tránh thai khẩn cấp.

Một số tiểu bang có xu hướng chính trị bảo thủ thông qua luật hạn chế quyền tiếp cận một số biện pháp tránh thai. Phán quyết theo hướng hạn chế quyền phá thai của Tòa tối cao Mỹ vào tháng 6-2022 đặc biệt gây tranh cãi, và Goldin đã được viện dẫn nhiều lần trong cuộc tranh luận giữa hai bên.

"Tôi cho rằng không có gì bảo đảm những thành tựu mà phụ nữ đã giành được ở nơi làm việc và trong nghị trình chính trị - Wendy Parmet, đồng giám đốc Trung tâm chính sách và luật pháp y tế ở Đại học Northeastern, nói - Nếu tòa (tối cao) trở lại với thời những năm 1950 trong quyền tiếp cận biện pháp phá thai và ngừa thai thì tôi cho rằng những hệ quả xã hội và kinh tế chúng ta đã thấy lúc bấy giờ cũng sẽ quay trở lại".

H.MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận