"Mổ ruột" thú bông

TTCT - Những con thú bông xinh xắn ẩn chứa trong ruột đủ loại phế thải như mút xốp cũ nát, đế dép xốp, cao su, phế phẩm dệt may… Đã có trường hợp người sử dụng bị dị ứng mà không rõ lý do.

Phóng to
Thú bông được cơ sở An Nhiên trên đường Phan Huy Ích (P.12, Q.Gò Vấp) nhồi phế thải từ những tấm nệm cũ, ruột ghế sofa bị vứt bỏ - Ảnh: Uyển Nhi

“Con sâu này tôi mua sỉ 40.000 đồng, bán ra có khi đến 200.000 đồng” - ông Học, bán thú bông ở vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (Q.Bình Tân, TP.HCM), nói về lợi nhuận hấp dẫn của mặt hàng này. Không chỉ ở lề đường, một số cửa hàng cũng “nhập” thú bông ruột phế thải. “Giá nguyên liệu tăng cao quá phải xài hàng độn bán mới kiếm lời” - bà Hằng, chủ cửa hàng thú bông trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), phân trần.

“Ruột thú” nhồi đủ thứ

Mờ sáng 4-8, ông Năm, người bán thú bông dạo trước cổng Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân), cầm con cá heo dài nửa mét bọc vải nỉ giới thiệu: “Hàng này công nhân, người bình dân rất chuộng, mua về ôm ngủ, gối đầu xài vài năm chưa hư hỏng”. Khi chúng tôi thắc mắc: “Phải ruột gòn 100%?”, ông Năm trả lời: “Hàng bông gòn dù tự nhiên hay nhân tạo thì không thể có giá 30.000 đồng đâu, tiền nào của đó thôi”.

Sáng 5-8, theo chân một người bán thú bông dạo, chúng tôi đến cơ sở của bà Út ngụ ở khu phố 10 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân). Trong không gian rộng 10m2, một cơn gió nhẹ khiến gian phòng mịt mù bụi đủ màu sắc. Bà Út nhanh tay nhồi một con gấu bông nhỏ hỗn hợp gồm sợi vải, mạt vải vụn lẫn nhiều cát bụi trộn với những mảnh đế dép xốp. “Nguyên liệu” làm ruột cho thú bông có giá 2.000 đồng/kg. “Loại xốp nhựa này sẽ làm thú bông nhẹ đi nhiều, người cầm có cảm giác nhẹ và sờ êm tay hơn” - bà Út giải thích.

Trong phòng của bà Út chứa đủ phế phẩm: sợi vải (cào ra từ vải nỉ), vải xô các loại. Trong các bao tải vải nỉ, phần lớn là những tấm vải vụn mốc meo và bốc mùi. “Xài hàng này mới kiếm lời được chút đỉnh” - bà Út nói. Bên trong là gian nhà kho chất cả ngàn con thú bông. Từ bốn năm nay, mỗi tháng cơ sở bà cho ra lò hàng ngàn con thú bông các loại, cung cấp chủ yếu cho bạn hàng lớn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Phóng to
Những chiếc nệm vứt bỏ đã ố vàng, bốc mùi được ông Tiền dùng máy nghiền nhỏ làm ruột thú bông - Ảnh: Uyển Nhi

Không chỉ phế phẩm may mặc và xốp nhựa, nhiều cơ sở còn nhồi “tả pí lù” cho thú bông. Cũng trong sáng 5-8, cơ sở của bà Thi nằm trong hẻm nhỏ đường liên khu 5-6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) nhộn nhịp xe máy chở thú bông đi bán. Dọc con hẻm này, vải vụn đủ màu sắc được phơi khô chuẩn bị nhồi cho thú bông. Ngỡ chúng tôi là bạn hàng mới, bà Thi không giấu nghề: “Tụi này mua vải xô về cắt rồi mang đi may gia công về nhồi. Thú bông này tuy giá bình dân, nhưng mấy anh mua sỉ về bán lẻ sẽ kiếm lời gấp đôi”.

Vừa bước vào nhà, xộc thẳng vào mũi chúng tôi là mùi hôi bốc ra từ hàng chục loại tạp phẩm, phế thải được đổ đống giữa nhà. Quan sát đống “ruột thú” bốc mùi hôi nồng nặc, chúng tôi thấy rất nhiều mút xốp cũ, vải len, mạt nhựa cáu bẩn… Thậm chí có cả những gấu bông cũ được bằm nát, mũ bảo hiểm vỡ vụn. Một nhân công nhanh tay quơ mớ bùng nhùng này rồi dùng thanh gỗ ra sức nhét vào áo gấu. “Một ngày làm được hơn 200 con” - chị này nói.

Phóng to
Đủ loại tạp phẩm được cơ sở của bà Thi (ở P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) dùng để nhồi cho loại thú vải nỉ - Ảnh: Ngọc Khải

Hàng “cao cấp” nhồi ruột ghế sofa cũ

Nhiều người trở thành “nạn nhân” của loại thú bông phế phẩm chỉ biết âm thầm rút kinh nghiệm. Một tháng trước, Diệu Nga, học sinh THPT (ngụ thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương), than vắn thở dài: “Tưởng mua về được ôm gấu ngủ sẽ ngon hơn, ai ngờ mấy bữa sau bị dị ứng mà không hiểu nguyên do”. Nghe thông tin trên, bà Thanh, một chủ cơ sở kiêm chủ cửa hàng thú bông ở Q.Tân Phú, liền nói: “Muốn biết chuyện gì cứ mổ thẳng con gấu bông đó ra. Đã có nhiều người mua về làm thế mới biết bên trong toàn là rác bẩn”.

Giới trong nghề gọi thú bông “cao cấp” là làm bằng vải lông mềm, giá cả gấp 3-4 lần thú làm bằng vải nỉ. Chỉ trong một tuần, chúng tôi đã phát hiện gần mười cơ sở xài công nghệ độn mút xốp đã qua sử dụng và tất cả đều không có tem đăng ký chất lượng. Bà Ngân, chủ cơ sở thú bông ngụ P.Bình Hưng Hòa A, thừa nhận: “Hàng bên tôi làm bỏ mối ở Chợ Lớn, nhà sách. Loại hàng độn làm gì có tem được chứ, vả lại rất ít mối lái yêu cầu”.

Từ “shop” vỉa hè phía chân cầu Tham Lương (Q.12), ông Thành đồng ý dẫn chúng tôi về nơi tập kết hàng trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12). Thấy chúng tôi nắn kiểm tra ruột con thú bông, ông Thành cười hề hà: “Người mua chỉ xem hàng chứ không thể biết bên trong có gì đâu. Như con gấu này tối qua tôi bán được 500.000 đồng, trong khi giá gốc chỉ tròm trèm 200.000 đồng”.

Không chỉ bán ngoài lề đường, ông Thành còn là chủ cơ sở sản xuất hàng độn với gần 30 mẫu cung cấp cho nhiều mối khác nhờ giá cả cạnh tranh. “Nếu mấy anh có nhu cầu lớn tôi mới dẫn về cơ sở sản xuất” - ông Thành nói. “Cơ sở” của ông Thành chỉ là phòng trọ ẩm thấp thuộc khu tái định cư 10ha (P.Tân Thới Nhất, Q.12). Phía trước thềm phòng trọ chất ngồn ngộn các loại “ruột thú”, trong đó chiếm hơn phân nửa là nệm mút xốp ngả màu được cắt vụn.

Được một tay buôn giới thiệu, chúng tôi tìm đến cơ sở An Nhiên nằm trong hẻm nhỏ trên đường Phan Huy Ích (P.12, Q.Gò Vấp), nơi được xem là lò cung cấp hàng độn lớn cho các tỉnh miền Tây. Trong gian phòng rộng gần 20m2, ông Tiền cùng năm nhân công đang ra sức dồn ruột cho thú bông. Thay vì sử dụng bông gòn (loại nhân tạo) có giá thấp nhất từ 40.000 đồng/kg, cơ sở ông Tiền tái sử dụng bông xé nhỏ từ áo lạnh và đủ loại phế thải. Đó là những miếng xốp đã ngả vàng, bốc mùi, nhiều miếng xốp đen đúa đã mốc meo.

Ông Tiền giải thích: “Loại ruột trên từ những tấm nệm cũ, ruột ghế sofa không còn dùng nữa bị người ta vứt đi. Loại này chỉ 20.000 đồng/kg, nhưng muốn mua phải đặt hàng từ mối quen”.

Để có phế liệu ổn định, ông Tiền đã liên hệ mua lại từ các vựa ve chai. Mỗi ngày, trung bình có đến 100 con gấu bông đại (loại gấu bông lớn nhất) xuất xưởng. Một nhân viên nói giọng lí nhí qua lớp khẩu trang: “Đây là hàng dơ và bụi lắm. Tụi tôi phải nhồi cho khéo tay để ruột cũ không trồi qua lớp ruột mới”.

Trong không khí đặc quánh bụi bặm và mùi hôi bốc lên từ đống “ruột thú”, nghe tiếng ho sặc sụa của chúng tôi, ông Tiền cười nói: “Lông thú và loại ruột này dễ gây dị ứng lắm”. Dứt lời, ông nhanh tay đóng hai bao tải hàng lớn gửi xe khách chở về Châu Đốc (An Giang).

Tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM) về thông tin thú bông nhồi phế liệu, phế thải. Ông Đức cho biết: “Trong những “nguyên liệu” này có chứa các thành phần độc hại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Đã có nhiều trường hợp trẻ em chơi thú bông bị viêm đường hô hấp, hen suyễn. Các cơ quan hữu quan cần quan tâm đúng mức, đừng để những sự vụ xảy ra nghiêm trọng mới tìm cách khắc phục”.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Lê Huy Bá - viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM - cho rằng việc sử dụng phế liệu phải dựa trên nguyên tắc không gây độc hại đối với con người và môi trường:

“Các loại mút, xốp đã qua sử dụng dễ bị thay đổi trong điều kiện môi trường. Đặc biệt, dùng các chất nhựa (PVC), phẩm màu công nghiệp, sơn (có thể lẫn các tạp chất, kim loại nặng)… để nhồi thú bông là rất nguy hiểm. Trong quá trình giặt tẩy hoặc tác động của môi trường, các chất trên sẽ biến dạng về tính chất vật lý và tạo ra các hóa chất mới, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận