“Kháng sinh đủ liều” và những tranh cãi mới nhất

MẠCH ĐINH 09/08/2017 22:08 GMT+7

Uống kháng sinh phải đủ liều? Không - Một nghiên cứu mới ở Anh vừa nói vậy. Nhưng...

Getty Images
Ảnh: Getty Images

Uống kháng sinh phải uống hết liều để tránh lờn thuốc là lời khuyên của bác sĩ mà bệnh nhân nào cũng phải thuộc nằm lòng. Một nghiên cứu mới đây tại Anh lại cho rằng có thể ngừng uống kháng sinh khi bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn. Điều này đã gây nên những tranh cãi.

Ủng hộ...

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí y khoa lâu đời British Medical Journal, các nhà khoa học tại trường y Brighton và Sussex (Anh) cho rằng nguyên tắc uống kháng sinh lúc nào cũng phải đủ liều là chưa đầy đủ và cần phải thay đổi.

“Không có đủ bằng chứng thuyết phục để bảo vệ quan điểm cho rằng ngừng điều trị bằng kháng sinh sớm làm vi khuẩn phát triển sức đề kháng với kháng sinh, trong khi đó uống kháng sinh nhiều hơn cần thiết lại có thể làm gia tăng nguy cơ này”, bài báo viết.

Theo nhóm nghiên cứu, có những bệnh mà vi khuẩn gây bệnh có thể đột biến để kháng kháng sinh nếu uống không đủ liều, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến bệnh lao.

Tuy nhiên, phần lớn các vi khuẩn gây bệnh thường gặp khác ở người đều đang hiện diện hằng ngày trên chính... bàn tay của chúng ta, đơn cử như vi khuẩn E. coli hay tụ cầu vàng. Bình thường, các vi khuẩn này không có hại cho đến khi chúng vào được máu hay đường ruột của con người. Càng tiếp xúc lâu với kháng sinh, chúng lại càng đề kháng mạnh với thuốc.

Ở thời điểm hiện tại, số công trình nghiên cứu về thời gian lý tưởng cho một đơn thuốc kháng sinh là rất hạn chế, nhóm nhận xét, trong khi đó liều kháng sinh tối ưu dành cho mỗi bệnh nhân là khác nhau và còn phụ thuộc vào các yếu tố như những loại kháng sinh mà họ đã từng dùng trong quá khứ.

Đối với bệnh nhân điều trị nội trú, bác sĩ có thể cho làm xét nguyện thường xuyên để quyết định thời điểm dừng điều trị bằng kháng sinh tối ưu nhất.

“Nhưng với bệnh nhân ngoại trú, việc xét nghiệm thường xuyên là không khả dĩ, và lời khuyên tốt nhất dành cho họ có thể là dừng uống kháng sinh khi đã cảm thấy khỏe hơn”, nhóm nhận định.

Ý kiến này trái ngược với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhưng lại nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia, trong đó có Peter Openshaw, chủ tịch Hội Miễn dịch học Anh.

“Nghiên cứu ngắn gọn nhưng đáng tin cậy này ủng hộ quan điểm rằng kháng sinh có thể được sử dụng một cách tiết chế hơn, bằng cách chỉ ra rằng bằng chứng cho việc dùng kháng sinh dài ngày là khá mờ nhạt - ông Peter nhận xét - Rút ngắn thời gian uống kháng sinh không những không vô trách nhiệm, mà còn có thể giảm nguy cơ kháng kháng sinh”.

...và phản đối

Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia bày tỏ quan ngại về khuyến cáo mà nhóm tác giả bài nghiên cứu đưa ra.

“Các lộ trình điều trị bằng kháng sinh được bác sĩ khuyên dùng không phải là ngẫu nhiên” - GS Helen Strokes-Lampard, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ gia đình Hoàng gia Anh, cho biết. “Chúng đều được cân chỉnh theo thể trạng và tình trạng bệnh của từng bệnh nhân, và trong nhiều trường hợp thì lộ trình này là rất ngắn. Ví dụ như đối với nhiễm trùng đường tiết niệu, thông thường uống kháng sinh ba ngày là đủ để lành bệnh”.

“Chúng tôi quan ngại trước viễn cảnh bệnh nhân ngừng uống thuốc khi chưa hết liều chỉ khi họ cảm thấy “khỏe hơn”, vì sự cải thiện về triệu chứng không đồng nghĩa với việc nhiễm trùng đã hoàn toàn được loại bỏ. Việc đưa ra một thông điệp rõ ràng cho bệnh nhân là rất quan trọng, và “khẩu quyết” uống kháng sinh phải uống đủ liều thì ai cũng nằm lòng. Thay đổi điều này chỉ làm bệnh nhân thêm rối mà thôi” - GS Helen cảnh báo.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận