Giữa hai bờ thiện ác

NGUYỄN THU QUỲNH 26/07/2023 07:11 GMT+7

TTCT - Chục ngày qua, tòa xử đại án "chuyến bay giải cứu" hai năm trước. Nhưng tôi không muốn nhắc lại phiên tòa buồn bã ngày hôm nay, mà muốn nhắc về một quá khứ vẫn còn nóng hổi, của lòng trắc ẩn trong đại dịch...

Người di cư về tới đèo Lò Xo đầu tháng 10-2021. Ảnh: Calvin Tran

Người di cư về tới đèo Lò Xo đầu tháng 10-2021. Ảnh: Calvin Tran

Một trong những sợi dây quan trọng giúp hình thành, cố kết, duy trì cộng đồng xuyên suốt trong chiều dài lịch sử và chiều ngang không gian của mọi cộng đồng là đạo đức, là nhân tính. Và một biểu hiện cụ thể của nó là không quay lưng bỏ rơi đồng loại trong những khúc nguy nan.

Hai thế giới

Hồi tháng 9, tháng 10-2021, tôi có một người bạn, xin không nêu tên anh và có lẽ cũng không cần nhắc tên, vì anh, cũng như ngàn vạn những người khác, những chị bán cá, những anh lái xe, cả trăm nhóm thiện nguyện, đã xuống đường, đã nấu cơm, đã chạy đôn chạy đáo lo từng chuyến xe cho hành trình dọc chiều dài đất nước của những người di cư… từ TP.HCM và vùng lân cận về các tỉnh. Đó đều là những người giàu lòng trắc ẩn mà chúng ta chưa từng biết tên.

Ngày đó, ở Đà Nẵng, chứng kiến những dòng người di cư trở về từ TP.HCM, những chiếc xe máy cà tàng rách nát mòn vẹt cả lốp, những đôi mắt đàn ông đỏ ngầu vì bụi đường và thức trắng, bìu ríu phụ nữ trẻ con và cả những đứa trẻ đỏ hỏn, chất đằng sau toàn bộ gia tài nồi niêu xoong chảo chăn màn nhếch nhác, anh rút tiền, cùng nhóm thiện nguyện tổ chức cơm nước và thuê các chuyến xe đưa người về quê, ai còn sức đi xe thì tiếp xăng. Có người xe hỏng rách nát chỉ còn trơ lại khung sắt hoen gỉ, vứt bên vệ đường, đợt chút sẽ có xe mang tới.

Hết tiền, anh bán một căn nhà, rồi lại cùng cả nhóm lên Facebook kêu gọi thêm, cứ đứng trên đèo Hải Vân như thế cả tháng. Ngày ấy, đúng mùa mưa miền Trung nên video nào anh quay lên cũng nghe tiếng gió gào rít, tiếng áo mưa phần phật trong gió, nước mưa nước mắt nhòa vào video…

Đâu chỉ mình anh, cả trăm, cả nghìn người tốt không cần biết từ đâu tới, miễn là đồng bào với nhau, đứng chờ sẵn ở các chặng người di cư dễ mỏi mệt ngủ quên, dễ trượt ngã nhất, trên con đường thiên lý Bắc - Nam.

Những con đèo đã ghi lại bao nhiêu biến cố xã hội, bao đổi dời thế sự, ức triệu bước chân di cư trong lịch sử, từ đèo Cả - Phú Yên đến Hải Vân - Đà Nẵng, qua đèo Ngang - Hà Tĩnh… giờ đây lại là nơi dừng chân của người di cư và là nơi chứng kiến tình nghĩa đồng bào. Chặng cuối là Phủ Lý - Hà Nam, sẽ có xe tình nguyện, cũng không ai biết ai đã thuê, từ đâu những xe ấy xuất hiện, chờ sẵn đưa người di cư về các tỉnh phía Bắc.

Tiếp tế trong giãn cách xã hội ở TP Thủ Đức (TP.HCM) tháng 7-2021. Ảnh: Quỳnh Trang

Tiếp tế trong giãn cách xã hội ở TP Thủ Đức (TP.HCM) tháng 7-2021. Ảnh: Quỳnh Trang

Có lần gặp một gia đình người Mông, con mới chục ngày tuổi về tận Lào Cai, anh đang tìm xe thuê cho cháu về, quay ra đã thấy gia đình ấy lên xe máy đi mất rồi (vì sợ lạc đoàn đi từ Đồng Nai), hôm sau liên lạc được, H., bố cháu bé đã bảo "đi qua Đà Nẵng mấy tiếng thì có trạm dừng, có thức ăn, nước uống, có xe về tới Phủ Lý. Ở đây lại có xe về Lào Cai rồi, em cũng không biết các anh ấy là ai…". 

Người tốt ở đâu mà nhiều quá. Ngàn vạn những tấm lòng như thế! Chưa từng gặp nhau nhưng các bạn tôi cũng gửi, người nghìn đô, người mấy nghìn đô… cho nhóm đứng ở đèo Hải Vân, điểm trung chuyển nhiều xe hỏng nhất, nhiều người kiệt sức nhất, khi đi được nửa chặng đường Bắc - Nam.

Ở Sài Gòn và vùng lân cận ngày ấy cũng thế, tôi nhớ có những chị bán cá, đứng ở ngã ba đường, chân dép lê, quần áo nhem nhuốc, vừa rút tiền biếu người về quê vừa khóc. Những nhóm thiện nguyện không biết ở đâu tụ lại kết nối thành group trên Facebook, bỗng chốc lên tới cả nghìn thành viên, đều là những người đứng đầu các tổ chức xã hội, hay những nhóm tình nguyện rất lớn, hằng ngày chia sẻ thông tin về tình hình cứu trợ ở TP.HCM và vùng lân cận. Cả hàng vạn người mà đến hôm nay chúng ta chưa từng biết tên, hò nhau tải hàng vạn chuyến hàng cứu nhau, ngọn rau xanh, miếng lương khô, gói mì, chai nước…

Dịch bệnh khủng khiếp thách thức nhân tính và cũng cho thấy lòng trắc ẩn. Đáng lẽ, như một lẽ thường, những người đứng trước tòa hôm nay và những phận người bao bọc lấy nhau trong dịch bệnh và đói khát - như hàng vạn người chưa từng biết mặt biết tên, lo cho nhau trên đèo Hải Vân hay ở hải ngoại xa xôi, có một sợi dây gặp gỡ - nhân tính.

Nhưng rủi thay, có những người đã bước ra khỏi sợi dây đó, và đẩy mình cách biệt với phần còn lại của dân tộc trong những ngày tháng dịch bệnh nguy nan. Và giờ đây không có điểm chung gì giữa những ràng mối trong nhằng nhịt đồ họa đường đi của dòng tiền hối lộ vụ giải cứu với những người mất việc, không tiền, không người thân, không nơi trú ngụ đã mòn mỏi tìm về quê hương. Không có điểm nào chung nữa vì mối dây đồng bào đó đã được thay bằng lớp lang quyền lực, bằng phân phối tiền bạc.

Chúng ta đã không may phải chứng kiến một trong những dịch bệnh lây lan nhanh nhất kể từ khi có loài người. Nhưng đây không phải dịch bệnh đầu tiên, cũng sẽ chưa phải dịch bệnh cuối cùng, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui chúng ta vẫn chở che nhau như thế qua những dịch bệnh kinh hoàng nhất, và những lúc ấy không có chỗ cho điều gì khác ngoài tình đồng loại, nghĩa đồng bào. 

COVID đã xảy ra, và chúng ta không quay lưng với nỗi đau của đồng loại. Chúng ta không cần biết nhau, không cần phải nhìn thấy nhau, vẫn sẵn sàng góp sức, góp tiền để cứu trợ nhau - đó được gọi là vốn xã hội - tài sản quý báu của bất kỳ dân tộc nào.

Niềm tin xã hội

Dân tộc Việt Nam với vốn xã hội phong phú và gắn kết cộng đồng mạnh mẽ đã được hun đúc trong lịch sử ngàn năm của dân tộc. Dịch bệnh một lần nữa lại khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong dân tộc ta, tình đồng bào, sự đùm bọc tự nhiên, trong trái tim của mỗi người. 

Vì thế, những người hỗ trợ nhau trong cơn khốn khó như một nguồn vốn biểu tượng về lòng tin, niềm trắc ẩn, nghĩa đồng bào, thì những người đục bỏ giá trị tốt đẹp ấy cũng là một biểu tượng của sự lệch chuẩn xã hội.

Nhìn từ góc độ này, thử phân tích vốn xã hội, vốn đạo đức, niềm tin xã hội, các chuẩn mực và hành vi của đại đa số người Việt trong đại dịch, và của những người, giữa hai bờ thiện - ác, đã từ bỏ những giá trị cơ bản nhất, chắc chắn sẽ đem lại những góc nhìn quan trọng về việc phải xây dựng, bồi đắp niềm tin, lòng trắc ẩn, sự kết nối giữa người với người. 

Và phải ngăn chặn những điều gây phá vỡ niềm tin của con người trong xã hội, gây xói mòn liên kết xã hội, gây suy kiệt nguồn vốn xã hội. Tất cả những điều làm suy giảm niềm tin xã hội đều cần ngăn chặn, bởi một xã hội không còn niềm tin và những chuẩn mực là một xã hội gặp nguy nan.

Theo các nhà xã hội học, niềm tin của con người với con người trong xã hội là một giá trị cốt lõi của vốn xã hội - yếu tố cố kết cả một xã hội. Mạng lưới kết nối người với người - đan bện vào nhau tầng tầng lớp lớp theo thời gian, rộng lớn theo không gian, là yếu tố quan trọng nhất để duy trì, gắn kết, nuôi lớn một cộng đồng người.

Nhìn ra các nước, chúng ta từng rưng rưng xúc động vì những biểu hiện của vốn xã hội ở Nhật: tính kỷ luật của người Nhật để tương hỗ nhau trong cơn sóng thần, tới mức một đứa trẻ nhỏ mồ côi đói khát cũng xếp hàng trong im lặng, thì chúng ta cũng có vô vàn nguồn vốn ấy trong triệu triệu người Việt.

Sau dịch, TP.HCM, thành phố phồn vinh, thành phố dung chứa cho mọi thân phận người và cũng ôm lấy những sinh mệnh mãi mãi nằm lại đây do COVID, đã tổ chức một đề tài khảo sát về tình hình sinh kế, về lưới an sinh của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động phi chính thức, người di cư ở Sài Gòn (khảo sát do thành phố đặt hàng Viện Social life, một cơ quan độc lập thực hiện, để đề xuất các giải pháp an sinh lâu dài cho TP.HCM), trong đó có cả những nội dung về vốn xã hội, về sự tương trợ của các tổ chức xã hội, của người dân dành cho nhau trong đại dịch. 

Nhưng tôi tin rằng chúng ta không bao giờ thống kê được hết những con người không tên, chỉ còn biết nhau qua lòng trắc ẩn, không đong được hết những tấm lòng.

Người di cư về tới đèo Hải Vân tháng 9-2021. Ảnh: Calvin Tran

Người di cư về tới đèo Hải Vân tháng 9-2021. Ảnh: Calvin Tran

Nhìn nhận lại, vốn xã hội chính là điều đã dắt chúng ta đi qua những ngày tháng cơ cực nhất ở TP.HCM, vì nguồn chi viện của Chính phủ lúc đó như nước xa chưa cứu được lửa gần ngay tức thời (hãy nhớ TP.HCM mất nhiều tuần để ra quyết định, xin giải ngân nguồn tài chính hỗ trợ an sinh khẩn cấp, và có nhiều khoản hỗ trợ bằng tiền mặt, đến hết dịch vẫn chưa giải ngân xong) cho cả chục triệu con người đang giãn cách xã hội.

Nếu chúng ta có cuộc nhìn nhận lại toàn diện, rút ra bài học từ COVID, hẳn sẽ có một chương về vốn xã hội, về sự cố kết tương hỗ nhau, cả những giá trị đong đếm được thành tiền, cho những ATM oxy, thậm chí cả giá trị của những mạng người được cứu kịp thời, cho đến những bát cơm mùa dịch cũng như những điều không đong đếm đủ hết được, là tình yêu, là sự cố kết cộng đồng, những điều giữ cho cộng đồng người tồn tại.

Từ quá khứ, chúng ta đã đến hiện tại nhờ lòng trắc ẩn, nhờ tính cộng đồng, chúng ta sẽ chỉ đi tiếp được đến tương lai nhờ vào dòng vốn xã hội không dứt ấy từ quá khứ. Nhìn từ góc độ kết nối xã hội, một xã hội phát triển được là nhờ hàng triệu triệu những mối liên kết ấy, nhờ vào có niềm tin, có tình người, có tính người.

Những em bé chào đời trong COVID nay đã chuẩn bị đi học mẫu giáo. Tôi gọi video cho H., bố đứa trẻ đỏ hỏn được bế từ Đồng Nai về Lào Cai trong những ngày mưa gió miền Trung tháng 9-2021, đứa trẻ hôm nào giờ đã lớn, đứng ngay cạnh bếp vịn vào bố, tay chân chắc nịch và nhem nhuốc…

H. tìm việc làm thuê, còn vợ H. cũng đợi con đi học mẫu giáo lại gửi ông bà và tìm đường kiếm việc làm thuê. Sau tất cả, nhiệm vụ của các cơ quan công vụ là để những đứa trẻ ấy lớn lên trong ấm no, trong đầy đủ, trong tình người, có cơ hội được vươn lên. Để làm được điều ấy, không có chỗ cho những toan tính vụ lợi, những lệch chuẩn, trong hệ thống công vụ.■

Cách Sài Gòn gần 4.000km đường chim bay, từ mùa đông năm trước, người Việt cũng đã phải co cụm lại cưu mang nhau khi nước Nhật giãn cách và bị dịch bệnh bao trùm. Từ tháng 2-2021, tôi đã xem video clip có tiêu đề "Tôi không thể về nhà, nhưng tôi cũng không tìm được việc làm" trên blog Đài phát thanh truyền hình NHK Nhật Bản nói về tình thế mắc kẹt của những người Việt ở Nhật.

Các tờ báo lớn khác của Nhật như The Asahi Shimbun cũng kể về những người Việt phải mổ trộm lợn khi hết hạn thị thực, hay về trường hợp có người lao động 29 tuổi được bạn bè phát hiện trong tình trạng bất tỉnh và con dao đâm vào ngực, anh tự sát vì tuyệt vọng.

Giữa đói, rét, người Việt tìm đến nương tựa những nơi như chùa Đại Ân (Daionji) ở TP Honjo (tỉnh Saitama). Theo lời kể của các sư cô ở đây, có thể tạm chia những người xin tá túc vào ba nhóm chính: những lao động xuất khẩu theo diện thực tập sinh hết hạn không có chỗ ở và việc làm; những người không xin được visa để tiếp tục; những người lao động bất hợp pháp chỉ được thuê làm việc tay chân, đều đã hoàn toàn mất việc trong COVID.

Đáng thương nhất là trong số những người đó có rất nhiều phụ nữ trẻ đang mang thai, trung bình từ lúc COVID mỗi tháng có 8-9 phụ nữ mang thai tới đây xin tá túc. Có thời điểm, ngôi chùa này cưu mang tới 2.000 người chờ được giải cứu về nước. Nhưng nào đã hết những phận người cơ nhỡ, khi tôi lần theo Facebook, gọi video cho một số em đi xuất khẩu lao động theo dạng thực tập sinh ở Nhật, nhiều em vẫn lang thang đói rách, màn trời chiếu đất chưa thể tìm đến chùa.

Lúc đầu, các sư cô còn có nguồn dự trữ là mấy trăm thùng mì, gạo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi sang tiếp tế cho nhà chùa nhưng rồi cũng không đủ, mà phải kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở Nhật cùng hỗ trợ. Sau khi Đài NHK của Nhật Bản làm phóng sự về chùa thì người dân Nhật Bản đã thương cảm gửi lương thực, tiền bạc tiếp tế. Vào tháng 4-2021, khi tôi phỏng vấn, các sư cô cho biết để lo cho sự sinh tồn trước mắt của người Việt lâm vào cảnh khốn khổ, nhà chùa xin tài trợ để mua được hơn 100 tấn gạo, mì gói chất lên xe tải chở đi các điểm, các tỉnh có người Việt đang ở để cứu đói. "Có nhiều bạn đã viết thư về cho nhà chùa là "nếu không có 5kg gạo này thì con chết đói ở nơi này mất sư cô ơi"".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận