Giác Lâm: Chùa cổ thơ xưa

PHẠM HOÀNG QUÂN 24/02/2024 05:47 GMT+7

TTCT - Chùa Giác Lâm không gần không xa trung tâm Sài Gòn (số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình), đã liệt hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia hồi năm 1988.

Chùa vốn nổi tiếng từ xưa, trong phần viết về thành trì ở trấn Phiên An, Trịnh Hoài Đức chỉ mô tả 2 ngôi chùa tiêu biểu là Kim Chương Tự (đã hủy thời Pháp chiếm) và Giác Lâm Tự. Nếu kể ra điểm đặc biệt thu hút người nay, theo trào lưu các thứ xanh, có thể nói Giác Lâm là kiểng chùa xanh hiếm hoi đang cố thủ trong xu thế xám khói đô thị.

Chùa Giác Lâm. Ảnh: TRUNG KIÊN

Chùa Giác Lâm. Ảnh: TRUNG KIÊN

Cấn Trai văn và thơ

Hồi năm 1820, Gia Định thành thông chí chép rằng chùa Giác Lâm nằm trên gò đất rộng 3 dặm (khoảng 1,5km), "cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói mờ ảo, chùa tuy nhỏ mà kỳ thú… Mùa xuân năm Giáp Tý, đời Thế Tông năm thứ 7 (1744), người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên tiền của dựng lập, kiểng chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, đến tiết Thanh minh, Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách từng nhóm năm ba người đến đây mở chiếu tiệc tựa bên hoa, chén rượu nhẹ bay trong câu xướng họa, coi chợ búa tợ bụi trần xa ngoài tầm mắt, thật là nơi đáng đến thưởng ngoạn".

Trong đoạn tả cảnh thanh lương tao nhã này, Trịnh công đã trích lục không ghi nguồn gần như trọn câu văn Lý Bạch trong Thuật lại buổi theo người em dự tiệc đêm xuân ở Đào Hoa Viên: "Khai quỳnh diên dĩ tọa hoa, Phi vũ thương nhi túy nguyệt" (Mở chiếu tiệc tựa bên hoa, Chén rượu nhẹ bay trong trăng say). Hai chữ "túy nguyệt" trong biền văn của Thi Tiên được Trịnh công đổi là "liên cú" (thơ xướng họa).

Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909), khi viết về kiểng chùa Giác Lâm (tỉnh Gia Định) đã trích lục trọn bài thơ của Cấn Trai Trịnh Hoài Đức liên quan đến hòa thượng Viên Quang (trụ trì chùa 1774-1827), bài thơ ngũ ngôn không ghi tiêu đề, nội dung cũng không đề cập tên Giác Lâm Tự, người sau cứ vào nội dung tạm đặt tựa là "Tặng Viên Quang hòa thượng" (có thể xem nội dung cùng bản dịch ở các trang web Phật giáo hay Thi viện).

Gia Định thành thông chí cũng chép "…Gần đây Viên Quang đại lão hòa thượng đời thứ 36 phái Lâm Tế chánh tông mật hạnh kiên trì, tu hành từ nhỏ cho đến già ngày càng tinh tấn, tánh yêu cảnh sương khói suối khe, ít khi đặt chân đến chốn phố chợ ồn ào. Từ khi ông đến đây, trong núi dứt phiền não, dưới rừng lộ chùa chiền", nhưng không đề cập bài thơ. Còn trong Cấn Trai thi tập khắc in năm 1819 không thấy bài thơ này, có thể đoán là nó được sáng tác sau năm 1819.

Hiện ở chùa Giác Lâm, nơi gian nhà Tổ, đối diện ban thờ lịch đại chư tổ còn thấy bức bình phong sơn mài tùng hạc lồng chép toàn văn chữ Hán bài thơ nói trên, lạc khoản đề làm năm Nhâm Thân (1992).

Vân Khê, tao nhân trọ tết

Hai mươi năm trước, khi soạn mục lục phần Hán văn Nam Phong tạp chí, tôi gặp một tên hiệu lạ, Vân Khê. Nam Phong đăng 58 bài thơ với tiêu đề chung là "Vân Khê di thảo / 雲溪遺草" (bản thảo của Vân Khê, số 115, 116, và 117). Trong 6 bài làm ở Gia Định, thấy có 3 bài ghi làm ở chùa Giác Lâm, 2 bài ở chùa Cây Mai, 1 bài chỉ ghi làm ở Gia Định. 

Tòa soạn chỉ đăng thơ mà không lời dẫn nên chưa biết họ tên tác giả hiệu Vân Khê này, các sách công cụ về tác gia Việt Nam, hay từ điển tên tự tên hiệu cũng không thấy nhắc. Riêng Thư mục Di sản Hán Nôm Việt Nam có ghi còn một bản chép Vân Khê thi tập (雲溪詩集.A.1668) với 103 bài thơ, nhưng cũng không có dòng thông tin nào về tác giả.

Qua nội dung những lời thù tạc trong một số bài thơ, thấy Vân Khê có vài bài gởi Cúc Đường (Cao Bá Quát).

Thư pháp bài Đề Giác Lâm Tự của tác giả. Lạc khoản (trái): Cung lục Vân Khê di thảo nhất thủ, Đề Giác Lâm Tự. Giáp Thìn niên xuân, Phạm Hoàng Quân thư (triện đỏ trên: Việt Nam văn hiến, triện đỏ dưới: Hồ Viên Tử).  Ảnh: P.H.QUÂN

Thư pháp bài Đề Giác Lâm Tự của tác giả. Lạc khoản (trái): Cung lục Vân Khê di thảo nhất thủ, Đề Giác Lâm Tự. Giáp Thìn niên xuân, Phạm Hoàng Quân thư (triện đỏ trên: Việt Nam văn hiến, triện đỏ dưới: Hồ Viên Tử). Ảnh: P.H.QUÂN

Nay tạm dịch 2 bài, Đề Giác Lâm Tự và

Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự:

題覺林寺, 寺在嘉定

覺林清淨地, 眞個老禪家.

院没留賓榻, 庭栽獻佛花

鳥聲餘竹柳, 僧氣有烟霞

坐久機心寂, 凉風拂帽裟

Phiên âm:

Đề Giác Lâm Tự (tự tại Gia Định)

Giác Lâm thanh tịnh địa

Chân cá lão thiền gia

Viện một lưu tân tháp

Đình tài hiến Phật hoa

Điểu thanh dư trúc liễu

Tăng khí hữu yên hà

Tọa cửu cơ tâm tịch

Lương phong phất mạo sa

Dịch nghĩa:

Viết ở Giác Lâm Tự (chùa tại Gia Định)

Giác Lâm chốn thanh tịnh

Đúng nơi cửa thiền xưa

Chùa ẩn khuất đặt sẵn chõng cho khách

Trước sân trồng hoa cúng Phật

Tiếng chim quyện với khóm trúc bụi liễu

Phong thái nhà sư nhẹ như mây khói

Ngồi hồi lâu thấy lòng trần thanh thản

Ngọn gió lành phất phơ khăn áo nâu sòng

Tạm dịch thơ:

Giác Lâm Tự (chùa ở Gia Định)

Giác Lâm chốn thanh tịnh

Đúng nơi cửa thiền xưa

Chùa khuất bày giường khách

Cúng Phật trồng sân hoa

Tiếng chim lướt trúc liễu

Bóng sư lẫn mây mờ

Ngồi lâu tâm phàm lặng

Gió mát lượn cà sa

Thư pháp bài Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự của tác giả. Lạc khoản (chữ nhỏ, trái): Cung lục Vân Khê di thảo nhất thủ, Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự. Giáp Thìn niên xuân, Phạm Hoàng Quân thư (triện đỏ trên: Việt Nam văn hiến, triện đỏ dưới: Hồ Viên Tử). Ảnh: P.H.QUÂN

Thư pháp bài Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự của tác giả. Lạc khoản (chữ nhỏ, trái): Cung lục Vân Khê di thảo nhất thủ, Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự. Giáp Thìn niên xuân, Phạm Hoàng Quân thư (triện đỏ trên: Việt Nam văn hiến, triện đỏ dưới: Hồ Viên Tử). Ảnh: P.H.QUÂN

人日寓覺林寺

花發時聞鳥語頻

空門無酒酌良辰

羈身萬里還依佛

浮世今朝始作人

Phiên âm:

Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự

Hoa phát thời văn điểu ngữ tần

Không môn vô tửu chước lương thần

Ky thân vạn lý hoàn y Phật

Phù thế kim triêu thỉ tác nhân

Tạm dịch thơ:

Mùng 7 tháng giêng ở chùa Giác Lâm

Hoa nở đương hồi chim ríu rít

Cửa thiền không rượu nhấm sương mai

Gởi thân muôn dặm rồi nương Phật

Trần thế sớm nay đúng nghĩa người

Bài "Hạ Châu hỉ ngộ Cúc Đường hữu nhân" (Ở Jakarta mừng gặp bạn Cúc Đường), cho thấy Vân Khê từng xuất dương trong thời gian sự vụ Dương trình hiệu lực của Cao Bá Quát (1843-1844), bài thơ này lại mở câu "Vạn lý phiên vi hãn mạn du, Đồng châu nhân hựu ngộ đồng chu" (Vạn dặm làm cuộc phượt, Cùng thuyền lại gặp người đồng châu), ý thơ này cho thấy Vân Khê là người đồng hương Hà Nội với Cúc Đường.

Trong chùm thơ Nam Phong tạp chí đăng, sau bài thơ kể vụ gặp đồng hương ở Hạ Châu là chùm thơ làm ở Gia Định, một bài nói "Từ Gia Định về đến nhà", không ghi địa điểm và ý thơ nói rằng ra đi đã 8 năm mới quay về, và sau nữa hầu hết là in dấu chân ở mấy châu phủ vùng biên cương phía bắc, kể ra ông Vân Khê này quả là tay giang hồ có đẳng vậy. Qua đây cũng mong bạn đọc tìm hiểu thêm về lai lịch tác gia này.

Vân Khê ghé Gia Định lưu 6 bài thơ, đoán là khoảng cuối năm 1844, đầu năm 1845 (sau khi gặp Cúc Đường ở Hạ Châu). Một bài ghi tiêu đề "Đề Giác Lâm Tự, tự tại Gia Định" (Viết ở chùa Giác Lâm, chùa ở Gia Định), một bài "Túc Giác Lâm Tự nguyên đán thư hoài" (Nghỉ đêm ở chùa Giác Lâm, mùng 1 Tết viết tỏ nỗi lòng), một bài đề "Nhân nhật ngụ Giác Lâm Tự" (Mùng 7 tháng giêng ở chùa Giác Lâm), một bài "Đề Ân Tông Tự mai, chùa tại Gia Định" (Vịnh cây mai chùa Ân Tông, chùa ở Gia Định), một bài "Du Mai Sơn Tự" (Dạo chơi chùa Cây Mai), và bài "Cô nhạn, tại Gia Định thời tác" (Nhạn lẻ, làm lúc ở Gia Định).

Qua các tiêu đề và nội dung mấy bài thơ, có thể thấy ra Vân Khê ghé chùa Giác Lâm vào trước Tết (có thể Tết Ất Tỵ 1845), và nghỉ trọ đến sau mùng 7, nhằm giai đoạn hòa thượng Hải Tịnh đương nhậm trụ trì (1827-1869).

Dấu chữ xưa

Trước Tết Giáp Thìn vài bữa, tôi lại thăm chùa Giác Lâm, với ý tìm thêm chút manh mối Vân Khê họa chăng còn lưu trên gỗ đá. Không thấy lạc khoản hoành đối nào lưu tên Vân Khê. 

Có điều hơi lạ là tứ thơ thanh thoát trong câu "Tăng khí hữu yên hà" (Đề Giác Lâm Tự) nghe mài mại cặp đối ở gian thờ Tổ, đối viết "Tự cổ tăng nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn lữ; Sơn thâm thế cấu, chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu" (Chùa xưa sư nhàn, thường với khói mây làm bầu bạn; Non xa đời biệt, chỉ nhờ cây cỏ chép thời gian). Cặp đối ấy nằm trong số những cặp đối chạm thẳng vào thân cột gỗ xưa, có lẽ là di tích của đợt trùng tu lần thứ nhứt (1804).

Qua miêu tả của Trịnh Hoài Đức, chùa Giác Lâm xưa như ẩn hiện trong rừng cây khe suối, trải thời gian, phố xá tứ bề vây bủa nhưng may mà vẫn còn được khoảnh rừng, có thể xem như một thoáng biểu tượng viên lâm gắn với tên gọi. 

Còn như có ai hỏi rằng "sách xưa nói chùa Giác Lâm là nơi thi nhân mặc khách từng du ngoạn đề thơ, nay còn lưu được bi nhiêu", có thể đáp rằng chưa rõ, trước mắt có thể đọc thơ Vân Khê.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận