Đời đệ nhất phu nhân

SÁNG ÁNH 12/09/2023 06:12 GMT+7

TTCT - Cuộc đời (cựu) đệ nhất phu nhân Gabon ở Mỹ cho thấy những trớ trêu của một nền chính trị nặng màu gia tộc, trưởng giả, và tham nhũng lan tràn.

Ali Bongo và Inge (phải) trong đám cưới. Ảnh: Medium

Ali Bongo và Inge (phải) trong đám cưới. Ảnh: Medium

Trên thế giới không có phu nhân nào nhiều giày (3.000 đôi) và áo ngực (500 cái nịt vú, trong đó có cả nịt vú chống đạn) bằng bà Marcos (Philippines). Không ai nhiều túi đầm hàng hiệu (562 cái) bằng bà vợ thủ tướng Najib Rajab (Malaysia). 

Nhưng gợi sự chú ý đến mình bằng đủ cách vô tình hay cố ý, thì cũng có nhiều bà nỗ lực tại châu Phi, thí dụ bà Grace Mugabe ở Zimbabwe trước đây. Bà này tên Grace, có nghĩa là "duyên dáng", nhưng biệt danh quần chúng tặng cho bà là Dis-grace tức là "đáng sỉ nhục". Có hai bà lại muốn lẫn lộn, để người ta không biết ai vào với ai, là hai bà vợ sinh đôi của cố tổng thống Mobutu (Zaire, nay là CHDC Congo).

Còn muốn được để ý nhất chắc là bà Inge Lynn Collins Bongo của nước Gabon. Tới đầu tháng 9-2023, trang LinkedIn của bà vẫn đề: "Đồng đệ nhất phu nhân Gabon. Từ tháng 6-1989, 34 năm".

Trang LinkedIn này cần cập nhật. Bà Inge có là đệ nhất phu nhân thì phải tính từ 2009, khi ông chồng đắc cử tổng thống lần đầu. Tới năm 2015, bà đệ đơn ly hôn tại Mỹ, thì giờ chắc chẳng còn là đệ nhất phu nhân nữa. 

Ngày 30-8 mới rồi, lúc 15h, truyền hình quốc gia Gabon công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống. Ông Ali Bongo thắng cử lần thứ ba, tức bà Inge cách nào đó vẫn có thể nhận là "đồng đệ nhất phu nhân". 

Nhưng 15 phút sau, cũng trên truyền hình quốc gia, lại xuất hiện mươi ông nhà binh nai nịt, một ông rất oai còn đeo súng giữa ngực dạng phim truyện hành động đu dây xuống từ trực thăng. Họ tuyên bố Ali Bongo bị tước chức nguyên thủ bởi một hội đồng quân nhân. Vậy là bà Inge cùng với vợ kia của Ali Bongo là bà Sylvia Bongo "đồng" mất chức phu nhân đệ nhất.

Mối tình chóng vánh

Inge là thiếu nữ Mỹ gốc Phi ở Nam Cali. Thời trẻ, cô quen một chàng Phi châu thấp béo vui tánh, ca sĩ nhạc funk và tiến sĩ ở Pháp trong một cuộc hẹn "blind date" - tức hai bên chưa từng biết trước nhau. Chàng hơn nàng 1 tuổi và ngay đêm hôm đó họ say trong ân tình đến nỗi hôm sau chàng phải hủy chuyến bay rời Mỹ để ở lại bên nàng.

Lúc đó nàng vừa tốt nghiệp môn kinh tế Đại học UCLA, còn chàng là trưởng nam của Omar Bongo, tổng thống Gabon từ năm 1967. Nhưng nào chỉ có vậy. 1989 cũng là năm ở quê nhà, chàng kết hôn với cô người Pháp da trắng Sylvia. 

Sang 1991, chàng bỏ ca nhạc để trở thành ngoại trưởng cho cha. Lại cũng năm 1991, chàng tổ chức thành hôn với cô Inge tại Tây Ban Nha, có đủ áo cưới, khách mời, cắt bánh và cụng ly sâm banh sủi bọt. Tuy vậy, giấy kết hôn chính thức của họ là tại Mỹ, đề ngày 30-6-1994.

Inge không chịu sang Gabon ở luôn, vì không thích, không hợp thủy thổ, hoặc bởi đồng phu nhân kia có ý kiến. Nói qua có lúc bà đồng phu nhân Sylvia giận chồng về Pháp ở riêng và tình cảm tay ba này chắc trồi sụt thất thường. Ở Nam Cali, bà Inge ngụ tại Beverly Hills, thuê nhà của ca sĩ rap Puff Daddy/Diddy giá 25.000 USD/tháng. Ta biết rõ chuyện này vì hai bên từng ra tòa năm 2001. Puff kiện bà không trả tiền nhà và bà kiện ngược là ông không bảo trì căn hộ đầy đủ theo hợp đồng.

Inge sống một cuộc đời phù phiếm tự xưng là công chúa Phi châu và nhà hảo tâm. Năm 2006 trên chương trình tivi "Bất động sản giàu thật sự" của Đài VH1 ở Mỹ, Inge xuất hiện ngay tập đầu: Bà đi xem một căn nhà 25 triệu USD ở Malibu (bờ biển), nhưng chê căn này bé. Đến căn thứ nhì ở Beverly Hills cũng giá 25 triệu thì bà vừa lòng vì phòng thay quần áo đủ chỗ chứa giày. Chương trình giới thiệu bà là "người thừa kế ở Phi châu".

Người giàu cũng khóc

Năm 2009, tổng thống cha Omar qua đời ở Gabon và chồng bà là Ali lên thay.

Ở Mỹ, đó cũng là năm tổng thống Obama nhậm chức. Inge viết thư cho Obama yêu cầu ông giúp đỡ bà lãnh chức "đệ nhất phu nhân gốc Mỹ đầu tiên của châu Phi vì ông là tổng thống gốc Phi châu đầu tiên của Hoa Kỳ". 

Có lẽ lúc đó về mặt tài chánh, bà đã lâm cảnh túng thiếu và không còn làm từ thiện được nữa. Bà kể lể trên truyền thông là "Đệ nhất phu nhân Gabon" bị đuổi khỏi nhà và không có lợi tức gì để sống ở Mỹ, phải xin tem phiếu thực phẩm 546 USD/tháng của bang Cali. 

Đây là tiền trợ cấp xã hội của bang, không phải dành cho đệ nhất phu nhân nước ngoài bị chồng bỏ chồng chê, mà là giúp phụ huynh túng thiếu có con dưới 18 tuổi. Bà kể có khi sang Gabon còn bị chồng đánh (thời gian 1999-2009, Ali là võ biền đường đường bộ trưởng quốc phòng) và mang cả thầy bùa ra dọa, nên bà phải về Mỹ giữ thân, tuy là không có cả cách bán vé số để nuôi con.

Hiện nay (2023) thì Inge khai trên LinkedIn là nhà thiết kế nội thất. Còn trên giấy tờ ngân hàng trước kia khi mở tài khoản, bà khai nghề nghiệp là "nội trợ" và công chúa Phi châu, có chồng là nhà ngoại giao.

Ta được rõ hơn về cuộc sống của Inge là nhờ cuộc điều tra rất chi tiết về tiền bất chính của tiểu ban Thượng viện Hoa Kỳ năm 2010. Theo đó năm 1999, bà Inge mở một tài khoản đầu tư với 3 triệu USD chuyển từ một công ty địa ốc. Tài khoản này thật ra không đầu tư gì hết, mà chỉ để chuyển tiền sang một quỹ tín thác do mình bà nắm giữ. Quỹ này mở nhiều trương mục khác nhau để bà rút tiền ra xài. Trương mục tại Ngân hàng HSBC giai đoạn 2000-2002 rút ra hơn 1,6 triệu USD.

Tiểu ban Thượng viện chỉ chú ý đến tiền bất chính, nhưng người viết thì lại chú ý đến một tiểu tiết khác. Ngày 17-9-2002, bà Inge nhận một ngân phiếu 22.000 USD từ South Beverly Wilshire Jewelry & Loan. 18 tháng sau, ngày 24-3-2004, bà lại nhận một ngân phiếu 82.675 USD cũng từ đó. Đây là một tiệm cầm đồ ở khu dân cư cao cấp - cho thấy người giàu cũng khóc, phải mang nữ trang hay túi Hermes Kelly đi cầm húp cháo qua ngày.

Chuyện bà Inge kiên trì đeo đuổi chức vụ đệ nhất phu nhân và leo cả lên mái nhà để được truyền thông chú ý là vì tại Mỹ, người hôn phối có một số quyền lợi theo luật định. 

Nhưng ông Ali không có của cải gì ở Mỹ để siết được, dù số tiền gia tộc ông sở hữu ước tính là từ 450 triệu đến 1,1 tỉ USD đây kia trên thế giới. Sang tận Gabon để đòi thì bà càng ít hy vọng, vì ông chồng cũ quen biết nhiều thầy pháp cao tay ấn, yểm bùa cho bà mọc lông và rụng tóc thì sao?

Nhưng nay bà cũng đã được an ủi phần nào. "Đồng đệ nhất phu nhân" kia, bà Sylvia da trắng, đang bị giam lỏng cùng chồng nên chẳng còn phải ganh ai đắp chăn bông, ai lạnh lùng. Về tình cảm thì không nói, nhưng về mặt quyền thế hay tự do cá nhân thì bà Inge có thể ngẩng đầu nói: 

"Chí ít là tôi còn có thể rời nhà, ra tiệm cầm đồ mà cầm luôn chiếc nhẫn đính hôn ngày nào để mua thùng mì gói. Còn bà, ngồi trong xó bếp của dinh mà đợi giờ quân đội nó phát cơm cho nhé!".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận