Doanh nghiệp gia đình Trung Quốc: Khủng hoảng thừa kế

THANH TUẤN 29/01/2024 07:22 GMT+7

TTCT - Kinh tế tăng trưởng suốt bốn thập niên qua ở Trung Quốc giúp kinh tế tư nhân phát triển bùng nổ, cùng với đó là sự xuất hiện hàng chục triệu doanh nghiệp gia đình, vốn sắp bước vào giai đoạn chuyển giao cho thế hệ thứ hai.

Ảnh: Superpowershq.com

Ảnh: Superpowershq.com

Trong khi một số tập đoàn đã nổi tiếng ở quy mô toàn cầu, phần lớn doanh nghiệp gia đình vẫn là vừa và nhỏ, tập trung vào các thị trường hẹp về sản xuất hoặc thương mại. Khi thế hệ lãnh đạo đầu - những nhà sáng lập - tới tuổi nghỉ hưu, việc quyết định chuyển công ty cho con cái mình và tiến hành giai đoạn chuyển giao thế nào trở thành nhiệm vụ đầy thách thức.

Làn sóng chuyển giao lớn nhất lịch sử

Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ACFIC) cho thấy hơn 80% doanh nghiệp tư nhân nước này là doanh nghiệp gia đình với 29% là doanh nghiệp sản xuất truyền thống. Từ 2017-2022, khoảng 2/3 số doanh nghiệp gia đình này tiến hành chuyển giao thế hệ, đánh dấu làn sóng chuyển giao lớn nhất trong lịch sử.

Các nghiên cứu từ 2017 cho thấy hơn một nửa con cái của làn sóng doanh nghiệp từ thời Đặng Tiểu Bình mở cửa năm 1979 không muốn tiếp quản công ty nhà. Đa số muốn tự làm cho bản thân hoặc tham gia các ngành thời thượng như ngân hàng, đầu tư và công nghệ. 

"Trung Quốc đang đối mặt với tổn thất lớn về xã hội và kinh tế - Joseph Fan, đồng giám đốc Trung tâm kinh tế tài chính, Đại học Hong Kong, nói với Financial Times - Rất nhiều doanh nghiệp tốt sẽ điêu đứng". Ông ước tính các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp hơn 1/2 GDP Trung Quốc.

Dịch bệnh đẩy nhanh quá trình chuyển giao này. Theo nghiên cứu của PwC năm 2022, 59% các doanh nghiệp gia đình nói họ "đã lên kế hoạch về chuyển giao", tăng đáng kể so với 19% của năm 2021. 

Theo PwC, dịch bệnh và những bất ổn về kinh doanh có thể là nguyên nhân chính. Hạn chế đi lại khiến các thành viên gia đình ngồi lại và thảo luận nhiều hơn về chuyện chuyển giao.

Thay đổi về quản lý sẽ tác động lớn tới nền kinh tế Trung Quốc khi các công ty tư nhân chiếm tới 90% hoạt động kinh doanh ở nước này. Họ đóng góp hơn 60% GDP, 1/2 nguồn thu thuế, hơn 70% các sáng chế và nghiên cứu công nghệ, và tạo hơn 80% việc làm ở thành thị. 

"Chuyển giao ở các doanh nghiệp tư nhân không chỉ là vấn đề nội bộ doanh nghiệp mà ở mức độ nhất định sẽ tác động tới biến chuyển của kinh tế Trung Quốc" - Xiang Bin, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Cheung Kong, nói với Tài Tân.

Làn sóng chuyển giao rộng khắp diễn ra giữa bối cảnh thay đổi lớn. Hơn một thập niên qua, sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc trải qua một loạt cú sốc do chuyển giao công nghệ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch bệnh Covid-19 và sự leo thang căng thẳng địa chính trị. 

Các thách thức như kinh tế tăng trưởng chậm lại, giá nhân công tăng và lo ngại về sản xuất thừa là những khó khăn mà các ông chủ trẻ phải đối mặt. Theo các chuyên gia, làn sóng chuyển giao ở doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với bức tranh công nghiệp đại lục và tác động lớn sâu sắc lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp gia đình vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các doanh nghiệp gia đình vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters

"Cay đắng và cô độc"

Huang Xiyi, 28 tuổi, là người thừa kế nhà máy do bố mẹ để lại. Sau khi học ở Boston (Mỹ), cô trở về Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, làm trong doanh nghiệp sản xuất máy móc của nhà. Trong bài viết gây sốt trên mạng xã hội, Huang kể về những vật lộn của cô khi vận hành nhà máy. 

Hành trình rất "cay đắng và cô độc", cô viết. Bài viết của Huang thu hút hàng nghìn người khác chia sẻ những câu chuyện tương tự khi tiếp quản doanh nghiệp từ gia đình. "Trước kia, đó là cạnh tranh giữa thế hệ doanh nhân đời đầu - cô viết - Trong tương lai, đó sẽ là cạnh tranh giữa thế hệ thứ hai".

Không giống bố mẹ, những người khởi nghiệp từ tay trắng, thế hệ thứ hai không quen chuyện điều hành và không hào hứng với các ngành truyền thống. Dù họ sinh ra và được nhắm để kế thừa doanh nghiệp, rất nhiều người không muốn tiếp quản trách nhiệm này, theo Xu Zewei - tổng thư ký Ủy ban Doanh nghiệp trẻ của ACFIC.

"Khi thế hệ doanh nghiệp đầu của kỷ nguyên cải cách và mở cửa sắp nghỉ hưu, doanh nghiệp bước vào giai đoạn chuyển giao, nhưng một số thành viên thế hệ hai không muốn tiếp quản" - Ding Xuedong, phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia về quỹ bảo hiểm xã hội, nói. 

Đây là lý do dẫn tới đầu tư tư nhân nước này giảm và tác động mạnh tới quá trình hồi phục kinh tế, theo ông Ding. Nghiên cứu năm 2022 của PwC cho thấy trong các doanh nghiệp gia đình, 94% vừa chuyển giao sang thế hệ thứ 2 và chỉ 6% chuyển giao sang thế hệ thứ 3. 

Trên toàn cầu, 51% doanh nghiệp gia đình đã chuyển giao quyền lãnh đạo sang thế hệ thứ 2, 27% sang thế hệ thứ 3 và 16% chuyển giao tới thế hệ thứ 4 hoặc xa hơn.

Giới quan sát đánh giá nguyên nhân chính là chủ nghĩa cá nhân mà thế hệ thiên niên kỷ tiếp nhận trong khi thế hệ cha mẹ họ vì quá tập trung vào xây dựng doanh nghiệp mà bỏ quên việc giúp con cái mình gắn bó với hoạt động của công ty. Con cái các gia đình này sau khi du học về có thể tự bắt đầu doanh nghiệp riêng dựa trên kiến thức họ có ở nước ngoài.

"Tôi nghĩ có hơn 6/10 con cái của các doanh nghiệp này không muốn tiếp quản doanh nghiệp gia đình" - ông Fan, người mỗi tháng tiếp xúc với hơn 100 doanh nhân Trung Quốc để làm nghiên cứu và là tư vấn cho các doanh nghiệp về việc chuyển giao, nói. 

Giáo sư Jean Lee, đồng giám đốc Trung tâm di sản gia đình ở Trường Kinh doanh CEIBS, Thượng Hải, trích ba nghiên cứu của các đại học đại lục kể từ 2011 cho thấy không tới một nửa thế hệ 2 ở các gia đình doanh nghiệp muốn tiếp quản công việc của cha mẹ.

"Các doanh nghiệp gia đình ở Trung Quốc thiếu văn hóa nuôi và dạy con mình về cách thức điều hành doanh nghiệp nhà và văn hóa liên quan", bà Lee nói. 

Bà giải thích nhiều doanh nhân vì quá bận rộn "đã không đào tạo để con cái tiếp quản" và rất nhiều người được ông bà nuôi dạy và gửi đi học ở các trường phương Tây. "Mối gắn kết của họ với gia đình không mạnh và những người trở về Trung Quốc thì đầy ý tưởng và cơ hội nghề nghiệp mới".

Hồi tháng 7, chính quyền trung ương đã ban hành chỉ thị về định hướng hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân. Các biện pháp bao gồm hướng dẫn doanh nhân trẻ và hỗ trợ các kế hoạch chuyển giao. Các nhà hoạch định đánh giá rằng đảm bảo chuyển giao tốt cho thế hệ thứ hai là yếu tố quan trọng thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Thế hệ chủ nhân trẻ khác thế hệ cha mẹ mình trên nhiều khía cạnh, như được du học và quen với Internet cùng công nghệ mới. Các ông chủ mới cũng có thiên hướng áp dụng giải pháp số cho chuyển đổi doanh nghiệp, đầu tư nhiều vào xây dựng thương hiệu và các sáng tạo mới, áp dụng nhiều mô hình quản trị hiện đại. 

Fan Xinyu, giảng viên kinh tế tại Trường Kinh doanh Cheung Kong, nói ông tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp thứ hai ở Trung Quốc. "Cho họ 3-5 năm, sẽ có những tăng trưởng đáng kể", ông nói.

Ảnh: East Asia Forum

Ảnh: East Asia Forum

Những thách thức mới

Trong vài năm qua, nhiều người thế hệ 2 đã tham gia quản trị các doanh nghiệp mới, sử dụng trải nghiệm quốc tế và khả năng ngôn ngữ để tham gia các ngành như thương mại điện tử xuyên biên giới, kinh doanh quốc tế và thúc đẩy chuyển đổi số. Nhưng các thử nghiệm của họ cũng có nhiều trường hợp không thành công.

Zhao Yifan, 31 tuổi, từng học ở Anh từ cấp III và có chỗ làm đầu tiên là ở một công ty tư vấn địa ốc tại London. Bố anh, Zhao Niangao, nhà sáng lập Tập đoàn Linya Chiết Giang, mất nhiều năm thuyết phục anh trở về tiếp quản doanh nghiệp gia đình. 

Bắt đầu từ nghề làm chiếu năm 1988, ông Zhao xây dựng Linya thành doanh nghiệp tầm trung với các mảng kinh doanh từ bất động sản và vật liệu xây dựng tới dịch vụ hàng hải quốc tế, sử dụng hàng nghìn nhân công.

Năm 2015, Zhao quyết định trở về. Anh trải qua nhiều tháng ở nhà máy làm các việc cơ bản. Tới năm 2016, anh tiếp quản mảng thương mại điện tử mới của Linya, tìm cách bán sản phẩm của công ty ra nước ngoài qua các nền tảng như Tmall và Amazon. 

Nhưng Zhao không lường hết được các rủi ro liên quan tới logistics xuyên biên giới và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến doanh nghiệp lỗ hàng triệu nhân dân tệ và buộc anh phải dừng một loạt dự án mới.

Chỉ tới năm 2021, khi Chính phủ Mỹ duyệt hàng loạt gói trợ cấp lớn để đối phó dịch bệnh, Zhao mới thấy cơ hội cho các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Đơn hàng từ Mỹ tăng giúp mảng thương mại quốc tế của Linya tăng lên mức kỷ lục 300 triệu tệ (41 triệu USD) năm đó.

Một số lãnh đạo thế hệ 2 nói với Tài Tân rằng xuất khẩu tới các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu vẫn quan trọng, nhưng đang đối mặt nhiều thách thức. 

"Khi bạn về nhà máy, các công nhân vẫn là những người dạy bạn cách làm, bạn luôn là người ít kinh nghiệm nhất - Huang nói - Nhưng nếu bạn chuyển đổi mô hình, biến nó thành nhà máy số thì lại trở thành người dẫn dắt họ đi lên".■

Hầu hết gia đình ở Trung Quốc không có kế hoạch chi tiết về việc chuyển giao doanh nghiệp. Trong số 100 doanh nghiệp gia đình hàng đầu ở Trung Quốc, 31% đã lên kế hoạch cho thành viên gia đình tiếp quản, 54% có kế hoạch cho các quản lý nội tập đoàn tiếp quản và 15% sẽ thuê các quản lý chuyên nghiệp từ bên ngoài, theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group năm 2022.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận