"Dĩ pháp trị quốc" kiểu Trung Quốc

NGUYỄN THÀNH TRUNG 31/01/2024 07:45 GMT+7

TTCT - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay khi nhậm chức, từ tháng 11-2013, đã khẳng định cải cách pháp luật và tư pháp là ưu tiên hàng đầu trong quản trị nhà nước, và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ "xây dựng một đất nước pháp quyền".

Ảnh: cointelegraph

Ảnh: cointelegraph

Tuy nhiên, dù ông Tập tuyên bố chiến dịch cải cách tư pháp nhằm "dĩ pháp trị quốc", ông vẫn nhấn mạnh Đảng sẽ tiếp tục thực thi quyền lực với các tòa án, vì điều này "thể hiện những đặc điểm cơ bản và lợi thế chính trị của hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa". 

Ông Tập lưu ý: "Với cải cách tư pháp, chúng ta vẫn đang đi trên con đường pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".

Là một trọng tâm trong chương trình nghị sự chính trị của Chủ tịch Tập, sau một thập niên, hệ thống tư pháp Trung Quốc đã trải qua những cải cách sâu rộng nhằm nâng cao tính hiệu quả và uy tín của ngành cầm cân nảy mực này. 

Những cải cách tư pháp này ít được biết tới hơn ở Trung Quốc, diễn ra khá thầm lặng và thoạt nhìn không mang tính đột phá, nhưng nếu đặt trong bối cảnh của hệ thống chính trị đặc thù của Trung Quốc, thì chúng đã tạo ra những thay đổi trọng đại với công tác quản lý xã hội.

Phóng quyền bất phóng nhiệm

Ưu tiên hàng đầu trong những cải cách này, phản ánh đúng tuyên bố "đặc sắc Trung Quốc", không phải là tăng cường quyền tự chủ hay độc lập như phương Tây - mà là "khiến tòa án trở nên có thẩm quyền hơn và ít tham nhũng hơn". 

Cụ thể, một quan chức Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã gọi quá trình này là "phóng quyền bất phóng nhiệm" ("giải phóng quyền lực nhưng không giải phóng kiểm soát").

Các cải cách chính bao gồm chuyển giao quyền lực về tài chính và nhân sự của tòa án địa phương từ chính quyền địa phương lên cấp tỉnh, áp dụng hệ thống hạn ngạch nhân sự để nâng cao năng lực thẩm phán, nhấn mạnh "chung thân phụ trách chế" (chế độ chịu trách nhiệm giải trình trọn đời) của thẩm phán đối với các quyết định tư pháp của mình, và quy định thủ tục chuyển vụ việc giữa các tòa án. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiết lập được cơ sở dữ liệu trực tuyến về các quyết định tư pháp để cải thiện tính minh bạch của ngành.

Với cải cách ngân sách cho tòa án, một trong những cải cách đầu tiên là nỗ lực tập trung quyền kiểm soát hệ thống tư pháp và hạn chế ảnh hưởng của quan chức địa phương lên tòa án. Họ thực hiện bằng cách nâng quyền kiểm soát ngân sách tòa án địa phương lên cấp hành chính cao hơn là cấp tỉnh.

Trước cải cách tư pháp, quyền quyết định về quản lý nhân sự và ngân sách của tòa án địa phương thuộc đảng ủy và chính quyền địa phương cùng cấp hành chính. Các quyết định nhân sự như bổ nhiệm, thăng chức vướng vào cơ cấu quản lý theo hệ thống Đảng và chính quyền phức tạp, phần lớn do cấp ủy và chính quyền địa phương cùng cấp quyết định.

Sự phụ thuộc tài chính và nhân sự của hai cấp tòa án dưới cùng vào chính quyền địa phương này từ lâu đã được coi là nguyên nhân chính dẫn đến chủ nghĩa địa phương trong xét xử. Kể từ năm 2014, tất cả các quyết định về ngân sách tư pháp đều được đưa ra ở cấp tỉnh. 

Ngân sách hằng năm cho tất cả các tòa án và viện kiểm sát địa phương hiện được sở tài chính cấp tỉnh phê duyệt và phân bổ. Việc tuyển dụng thẩm phán, công tố viên nay cũng thông qua ủy ban chuyên môn cấp tỉnh. 

Điều này tạo ra cơ cấu báo cáo theo chiều dọc nhằm xóa dần ảnh hưởng của chính quyền địa phương trong việc xử án. Ảnh hưởng của chính quyền địa phương với tòa án giảm đồng nghĩa với tăng sức nặng cho tòa án cấp trên. Họ có nhiều tiếng nói hơn trong bổ nhiệm nhân sự cấp cao và tuyển dụng thẩm phán cho tòa cấp thấp.

Các tòa án cấp dưới của Trung Quốc nay ít phụ thuộc vào chính quyền hơn về nhân sự và ngân sách. Ảnh: NPR

Các tòa án cấp dưới của Trung Quốc nay ít phụ thuộc vào chính quyền hơn về nhân sự và ngân sách. Ảnh: NPR

Cần tinh không cần nhiều và trách nhiệm cả đời

Về hạn chế số lượng thẩm phán, đổi mới cũng tập trung vào sự khác biệt giữa vai trò thẩm phán và viên chức nhà nước khác trong hệ thống tư pháp. 

Việc tạo ra hạn ngạch về số lượng thẩm phán, tức "viên ngạch chế", ở mỗi tòa án là nỗ lực nhằm xây dựng nghề thẩm phán chuyên nghiệp hơn. Trước đây, người giữ chức vụ quản lý tòa án cũng giữ chức danh thẩm phán. Còn hiện đã có phân định rõ ràng hơn giữa thẩm phán và người không phải thẩm phán (người quản lý tòa án, cán bộ, công chức).

Theo cải cách, chỉ những người có khả năng giải quyết vụ án một cách hiệu quả và công tâm mới được làm thẩm phán. Điều này nhằm nhấn mạnh xét xử là nhiệm vụ trung tâm của tòa án. Năm 2017, viên ngạch chế đã giúp giảm số lượng thẩm phán Trung Quốc từ 210.000 xuống còn 120.000 người, mục tiêu là còn 80.000 người trên cả nước.

Trong các vụ án dân sự và thương mại ít mang tính chính trị, chất lượng ra quyết định của tòa án đã được cải thiện nhờ quá trình chuyên nghiệp hóa thẩm phán và việc cải thiện thể chế liên tục này, vốn là những nỗ lực cải cách dài hạn bắt đầu từ trước khi ông Tập lên nắm quyền.

Trong nguyên tắc Chung thân phụ trách chế (Hệ thống trách nhiệm trọn đời), cải cách tư pháp buộc các thẩm phán chịu trách nhiệm suốt đời về bản án. Trước đây, quan chức cấp cao của tòa án phải phê chuẩn quá nhiều phán quyết, khiến tòa án trở thành bộ máy quan liêu nặng nề. Giờ đây, thẩm phán có thể tự mình đưa ra hầu hết các quyết định.

Với hầu hết các vụ án, thẩm phán và các thành viên trong hội đồng xét xử hiện sẽ có tiếng nói cuối cùng, nhưng họ phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình tới hết đời. 

Các thẩm phán phải ký vào quyết định của họ và lãnh đạo tòa án, tức các chính trị gia cao cấp, không thể xem xét lại hay can thiệp vào đó. Trước cải cách tư pháp, những câu chỉ đạo bâng quơ của các chính trị gia cấp cao như: "Phải xử lý đúng người đúng tội, đúng pháp luật" trước những phiên tòa lớn là chuyện thường tình. 

Hiện giờ thì họ không được nói như vậy nữa, bởi một tuyên bố như vậy nếu để lại bản ghi trong hồ sơ, ngay cả khi chỉ là vô thưởng vô phạt, sẽ bị coi là can thiệp vào hoạt động của tòa.

Bằng cách đặt ra những trách nhiệm nghiêm khắc và toàn diện cho thẩm phán nhưng vẫn cho phép họ có nhiều không gian hơn để đưa ra phán quyết, các thẩm phán Trung Quốc đã trở nên nhạy bén và hiệu quả hơn.

Với việc tạo cơ sở dữ liệu trực tuyến, cuộc cải cách tư pháp của ông Tập luôn nhấn mạnh tích hợp công nghệ thông tin và AI vào tất cả các khía cạnh của hệ thống tòa án Trung Quốc. 

Theo thống kê của SPC, tính đến tháng 8-2020, các tòa án đã đăng hơn 100 triệu hồ sơ vụ án trên cổng thông tin của hệ thống tòa án wenshu.court.gov.cn - nền tảng Internet là cơ sở dữ liệu về các quyết định tư pháp từ các tòa án trên toàn Trung Quốc. Cho đến thời điểm đó, cổng này đã nhận được hơn 48 tỉ lượt truy cập.

Wenshu là một bước tiến quan trọng cho sự minh bạch tư pháp ở Trung Quốc. Dù sau đó trang đã có những giới hạn tiếp cận nhất định, nó đã khơi dậy những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các luật sư, thẩm phán, học giả và công chúng về các xu hướng trong việc ra quyết định của tòa án, lẫn các điểm mạnh và yếu của các phán quyết quan trọng. 

Bằng cách nâng cao tính minh bạch tư pháp và tòa án cho công chúng, chính quyền đã thúc đẩy tính chính danh của thể chế chính trị.

Trụ sở Tòa Tối cao Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Trụ sở Tòa Tối cao Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Vẫn tăng cường sự kiểm soát của đảng

Kiểm soát theo chiều dọc. Trong khi đó, sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với các tòa án thông qua Ủy ban Giám sát đã trở nên chặt chẽ hơn. 

Kể từ khi thành lập vào năm 2018, các biện pháp kiểm soát tích cực với nhân viên tư pháp, bao gồm cả thẩm phán, đã được mở rộng thông qua cơ chế ủy ban. Ủy ban được trao quyền điều tra hành vi sai trái về chuyên môn và pháp lý của các viên chức tòa án. 

Cùng hệ thống chịu trách nhiệm suốt đời, những biện pháp cải cách này đã thắt chặt, chứ không hề buông lỏng, sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước với các thẩm phán, ngay cả khi các thẩm phán có nhiều không gian hơn để đưa ra phán quyết.

Có thể nói, chính quyền Trung Quốc đã thiết kế thành công cơ chế cải cách tập trung hóa theo chiều dọc của ngành tư pháp. Ben Liebman, giáo sư luật tại Trường Luật và giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp lý Trung Quốc của Đại học Columbia, New York, nhận xét: 

"Đây là những cải cách quan trọng nhất trong nhiều thập niên và bản thân các tòa án cũng rất nghiêm túc, những người tham gia muốn thực hiện công việc của họ tốt hơn. Tuy nhiên, có một sự hiểu ngầm rằng họ sẽ không thách thức "hệ thống cơ bản"".

Tất nhiên ở Trung Quốc, ổn định xã hội vẫn là mục tiêu hàng đầu, và những gì liên quan đến chính trị thì sẽ do các cơ quan của Đảng xử lý. Một ví dụ: Cơ quan kỷ luật của Đảng, chứ không phải là cơ quan pháp luật và tư pháp, đã đi đầu trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của ông Tập. ■

"Tôi kỳ vọng những cải cách kỹ thuật sẽ tiếp tục tiến triển, vì một phần của cuộc cải cách nhằm mục đích đạt được quyền tự chủ lớn hơn, chứ không phải sự độc lập [tư pháp]"

Susan Finder (học giả luật đang làm nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận