David Cousin: "Tôi như học sinh cấp III..."

THANH PHƯƠNG THỰC HIỆN 15/10/2012 23:10 GMT+7

TTCT - Những ai thường xuyên tới L'Espace, Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) những ngày này, có thể gặp một chàng trai người Pháp biểu diễn nhạc Việt - David Cousin.

Những clip hát tiếng Việt của anh cũng xuất hiện trên YouTube.

Phóng to
David Cousin song ca cùng Vũ Ngọc Hân trong buổi trình diễn các tác phẩm của Serge Grainsbourg tại L'Espace, Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội - Ảnh: Philippe Boudoux

Thầy giáo David Cousin ở Việt Nam đã được sáu năm. Bốn năm đầu làm việc tại Trường Pháp Marguerite Duras (TP.HCM), sau đó chuyển ra Trường Pháp Alexandre Yersin ở Hà Nội. Nghề chính của David là dạy tiếng Pháp, nhưng người ta thường thấy anh hát...tiếng Việt tại một số sân khấu.

* David, khi còn ở TP.HCM anh thường xuyên hát tại các buổi dạ hội Pháp ngữ. Ra Hà Nội, anh lại tham gia tích cực các buổi biểu diễn ca nhạc ở L’Espace, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Có vẻ như dạy học là nghề nhưng ca hát mới là đam mê?

- Đúng vậy. Ca hát là niềm đam mê của tôi từ nhỏ. Hồi còn ở nhà lúc nào tôi cũng hát, và sau này cũng vậy. Khi đến Việt Nam, tôi thấy âm nhạc và các bài hát Việt thật thú vị. Hồi còn ở Sài Gòn tôi đã hai, ba lần tham gia dạ hội Pháp ngữ. Tôi cũng tham gia một chương trình truyền hình "Song ca cùng thần tượng" khi được hát cùng ca sĩ Tuấn Hưng. Đó thật sự là trải nghiệm đầu tiên của tôi trên sân khấu lớn.

Tới Hà Nội, tôi đã đến những buổi biểu diễn ca nhạc không chuyên ở L’Espace và rất thích. Tôi bèn đề nghị với Cédric Drouard, người phụ trách các buổi biểu diễn đó, cho tôi được hát và sau vài lần hát thử tôi được tham gia cùng họ.

* Vì sao anh chủ yếu chỉ hát những bài hát Việt Nam?

- Tôi muốn hát bằng tiếng Việt vì từ sáu năm nay tôi đã bắt đầu học tiếng Việt, và tự nhủ rằng ca hát không những giúp mình luyện tiếng, mà còn kết nối đam mê âm nhạc với đam mê văn hóa
Việt Nam.

* Trong một buổi biểu diễn mới đây ở L’Espace, anh đã hát Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên. Anh còn thích những tác giả nào nữa?

- Điều cuốn hút tôi trong các sáng tác của Ngô Thụy Miên là cảm xúc lãng mạn, bay bổng và đam mê. Niệm khúc cuối là một ví dụ tuyệt vời về điều đó. Tôi còn thích các ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, và tất nhiên cả những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất nổi tiếng nữa. Tôi từng hát Sắc màu của Trần Tiến, Hà Nội mùa thuCát bụi của Trịnh Công Sơn. Về Trịnh Công Sơn, điều cuốn hút tôi trước hết trong các ca khúc của ông là hoài niệm toát lên từ những giai điệu. Tôi rất mê âm hưởng digan toát lên từ các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Ngoài ba nhạc sĩ kể trên, tôi cũng thích hát những bài đương đại. Ví dụ thời điểm này tôi nghe nhiều ca khúc của Hà Okio. Trong các bài hát của anh, tôi cảm nhận được tình yêu đất nước Việt Nam với các đặc điểm vùng miền, nhân văn dù là TP.HCM với Sài Gòn cà phê sữa đá, các làng quê miền núi trong Nơi ấy, hay Hà Nội trong Hà Nội phố. Tôi yêu cả âm điệu ghita thường xuyên có mặt trong các ca khúc của anh.

* Nhân nói về Hà Okio, trên YouTube có một clip bài hát Sài Gòn cà phê sữa đá do anh hát cùng Hà Okio. Hãy kể cho chúng tôi về trải nghiệm này...

- Tất cả bắt đầu cách đây sáu tháng. Tôi và một người bạn ở Sài Gòn thích bài hát viết về không khí ở Sài Gòn này, bầu không khí nồng nhiệt và yên bình. Chúng tôi tập và thu lại để đưa lên YouTube, trước tiên là cho gia đình thưởng thức, sau đó cho bạn bè. Tôi đưa clip này lên Facebook, đồng thời gửi cho Hà Okio. Có vẻ như anh rất thích hình thức hát đơn giản và vui nhộn như vậy. Thế rồi một hôm anh ấy tổ chức live show ở Sài Gòn và đề nghị tôi hát cùng.

Tôi hát tiếng Pháp, còn anh ấy hát tiếng Việt. Sau khi cả hai cùng luyện tập thông qua Internet, Hà Okio bảo tôi là rất ổn và thế là tôi quyết định thử xem sao. Tôi vào Sài Gòn và hát cùng anh ấy.

Phóng to
David Cousin - Ảnh: Đức Anh

* Anh cũng vừa thử nghiệm hát song ca một ca khúc của Quốc Bảo, Bình yên.

- Đã từ lâu tôi muốn hát song ca một bài hát bằng tiếng Việt, với một bạn Việt Nam. Tôi biết đến bài Bình yên từ năm đầu tiên khi tới Việt Nam. Tháng năm vừa rồi ở L'Espace, mọi người gợi ý tôi nên hát song ca và tôi nghĩ tới bài hát này của Quốc Bảo. Hơi khó để dịch và hiểu vì bài hát này không kể một câu chuyện mà được viết như bài thơ. Lúc đầu tôi nghĩ là ca từ hơi buồn, thậm chí hơi bi quan và tôi đã thể hiện theo cách đó. Tuy nhiên, sau đó tôi hỏi Mai An, người bạn cùng song ca, xem nên thể hiện như thế nào là tốt nhất. Chúng tôi quyết định thay đổi cách thể hiện bài hát.

Tôi thấy hát song ca thật tuyệt vời. Đó là những khoảnh khắc chia sẻ, không chỉ lúc tập luyện mà cả khi hát trên sân khấu nữa. Hi vọng khán giả cảm nhận được những tình cảm đó.

* Anh bảo "mê" văn hóa Việt Nam ngay từ khi mới đặt chân tới đất nước chúng tôi. Ngoài âm nhạc thì còn những khía cạnh nào trong văn hóa Việt mà anh muốn chia sẻ với bạn bè và gia đình mình ở Pháp?

- Tôi thường xuyên chia sẻ những bài hát Việt Nam yêu thích với gia đình và bạn bè ở Pháp thông qua trang blog cá nhân. Ngoài âm nhạc thì ngôn ngữ là điều tôi cũng muốn chuyển tải, theo khả năng của mình. Tôi thấy thật vui và ngạc nhiên khi nghe các đứa cháu tôi nói mấy từ tiếng Việt. Cháu gái bé nhất của tôi mới 2 tuổi mà đã biết gọi tôi "chú ơi" bằng tiếng Việt rồi đấy.

Tôi cũng rất thích hội họa. Từ khi sống ở Hà Nội, tôi rất ngưỡng mộ họa sĩ Bùi Xuân Phái và tranh phố cổ của ông. Tôi rất mê dạo qua các phòng tranh trong khu tôi ở và ngắm các bức tranh. Ở nhà bố mẹ tôi ở Pháp có treo một số bức tranh tôi tìm được ở Hội An. Vậy nên khi về Pháp thì Việt Nam vẫn luôn hiện hữu với tôi.

Và văn học nữa. Ngay khi tới sống ở TP.HCM, tôi muốn khám phá văn học Việt Nam. Bạn bè tôi khuyên trước tiên hãy đọc truyện thơ Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. May là tìm được những bản dịch rất hay. Tôi thấy câu chuyện mang tính định mệnh này thật là cuốn hút. Tuy nhiên, phải mất sáu năm tôi mới dám thử đọc vài vần thơ bằng tiếng Việt. Tôi biết là mình còn phải học rất nhiều.

Bây giờ tôi chỉ như chàng học trò cấp III lần đầu khám phá những tác phẩm văn học, lần mò tìm hiểu ý nghĩa nhưng không phải lúc nào cũng hiểu hết. Hiểu biết của tôi về văn hóa Việt Nam vẫn còn rất ít ỏi, nhưng tôi luôn mong muốn được chia sẻ những hiểu biết ít ỏi đó với gia đình và bạn bè dù là người Pháp hay người Việt. Và tôi cũng không ngừng học hỏi để hiểu biết, tôn trọng đất nước đã đón tiếp tôi từ sáu năm nay và hi vọng sẽ còn muốn tôi ở lại nhiều năm nữa.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ.

THANH PHƯƠNG thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận