Chuyện nhức đầu của chứng đau đầu

PHẠM HẰNG 30/01/2024 05:59 GMT+7

TTCT - Một triệu chứng được ghi nhận từ thời cổ đại nhưng đến nay vẫn khiến bao nhiêu người thống khổ, vì bao nhiêu tiến bộ trong điều trị và dự phòng vẫn chưa thể đánh bại nó hoàn toàn.

Ảnh: virtualheadachespecialist.com

Ảnh: virtualheadachespecialist.com

Hyppocrates (460-370 TCN) từng mô tả những người bệnh nhìn thấy hình thù chói lóa đi kèm đau nhói giữa đầu và nôn mửa. Khoảng 2.400 năm sau, nữ ca sĩ Lady Gaga kể lại trải nghiệm suy nhược, "phải nằm trên giường nhiều ngày với một cơn đau khủng khiếp ở đầu, sau mắt và khắp mặt". Cả hai đều đang nói về chứng đau nửa đầu (migraine).

Cơn đau đầu tồi tệ

Khác với đau đầu thông thường, migraine là một rối loạn thần kinh kịch phát có tính chất di truyền, xuất hiện thành từng đợt với những cơn đau nửa đầu nguyên phát - nghĩa là không do bệnh lý khác gây ra. 

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau đầu mạn tính từ vừa đến nặng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có hơn 1 tỉ người mắc bệnh và đứng thứ hai trong số các nguyên nhân gây ra khuyết tật trên thế giới.

Migraine được chẩn đoán nếu từng xuất hiện năm cơn đau đầu, kéo dài từ 4 - 72 giờ, với biểu hiện đặc trưng gồm: trước đó vài giờ nhìn thấy các ngôi sao, điểm mù hay rối loạn ngôn ngữ hoặc cảm thấy tê ở mặt hoặc cánh tay. Tiếp theo là một cơn đau nửa đầu dữ dội hoặc đau theo nhịp đập của mạch máu tăng lên khi hoạt động, đi kèm cảm giác buồn nôn, nôn mửa hoặc sợ âm thanh, ánh sáng.

Sau khi hết cơn, người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, tâm trạng chán nản, chóng mặt và khó tập trung. Tuy nhiên, có tới 75% trường hợp cơn đau xuất hiện mà không có dấu hiệu báo trước.

Lượng giá cơn đau dựa vào thang điểm đo cường độ đau, mức điểm từ 1-10, trong đó điểm 10 chỉ cơn đau khiến người bệnh không thể nói chuyện, nằm liệt giường và có thể mê sảng.

Đau nửa đầu lặp lại theo chu kỳ, có thể chỉ một hoặc hai lần một năm nhưng cũng có thể 2-3 lần mỗi tuần khiến người bệnh lo lắng, cơ thể dần suy nhược, năng suất làm việc giảm sút, thậm chí tổn thương các cơ quan.

Gian nan tìm thuốc

Chứng đau nửa đầu là một trong số ít bệnh được ghi chép đầy đủ từ thời kỳ cổ đại. Mô tả triệu chứng này cũng có trong Ebers Papyrus - trang giấy cói ghi chép về y học Ai Cập, có niên đại khoảng 1550 TCN.

Tên gọi migraine có nguồn gốc từ thuật ngữ Hy Lạp cổ đại hemikrania - với "hemi" nghĩa là nửa và "kranion" là hộp sọ. Galen vùng Pergamon (129 - 216), một thầy thuốc nổi tiếng thời La Mã, đã dùng từ này trong các ghi chép y khoa của mình.

Giải pháp chữa hemikrania thời cổ đại bao gồm "phẫu thuật" đục lỗ sọ não hoặc sử dụng đỉa để làm giảm các cơn đau. Các nhà khoa học đã tìm thấy các lỗ khoan hoặc các lỗ nhỏ được cố ý khoan xuyên vào não, trên hộp sọ của các xác ướp Ai Cập cổ đại.

Đến thế kỷ 16-17, con người đã biết cách giảm đau thông qua chế độ ăn uống và sử dụng các nguyên liệu sẵn có. Ví dụ, cuốn sách công thức nấu ăn của Jane Jackson, xuất bản năm 1642 đã đưa ra sáu công thức nấu ăn riêng biệt cho những người bị đau đầu hay phương pháp trộn tỏi tây và giun đất với bột mì, phết lên một miếng vải và đắp lên trán.

Sang thế kỷ 18-19, migraine được nghiên cứu chính thức. Y học tìm ra nguyên nhân là do hệ thần kinh trung ương hoạt động quá mức cùng với sự giãn nở mạch máu não. Thuốc điều trị đầu tiên cũng ra đời trong giai đoạn này. 

Một cách tình cờ, thuốc Ergotamine vốn được dùng để kích thích các cơn co thắt khi sinh và kiểm soát tình trạng chảy máu sau sinh, cũng có tác dụng giảm đau đầu do làm co mạch máu não. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ gây đau, yếu cơ và ở liều cao có thể gây hoại tử.

Đau đầu - Tranh biếm họa của George Cruikshank (1819)

Đau đầu - Tranh biếm họa của George Cruikshank (1819)

Khoảng mươi năm gần đây bắt đầu có những phương pháp điều trị mới, mang lại tin vui cho những người phải vật vã với chứng đau nửa đầu.

Tháng 5-2018, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt Propranolol - nhóm thuốc chẹn beta để điều trị bệnh tim mạch - để điều trị dự phòng bệnh migraine, sau khi nhận thấy thuốc cũng làm giảm các cơn đau nửa đầu.

Hy vọng lớn nhất là nhóm thuốc mới, phát triển sau một khám phá đột phá mới đây của các nhà khoa học. Thông qua chụp cắt lớp vi tính sọ não và cộng hưởng từ (MRI) sọ não, các nhà khoa học đã quan sát được mô não và hình ảnh giải phẫu của não trong cơn đau. 

Kết quả cho thấy ngoài sự giãn nở mạch máu còn do tình trạng các mạch máu não bị viêm và sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh ở dây thần kinh sinh ba - dây thần kinh lớn nhất có các sợi nằm trên màng não, liên quan đến cảm giác đau ở mặt và đầu.

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây viêm vẫn chưa rõ ràng và cần được tiếp tục nghiên cứu, dựa vào cơ chế quan sát được, bốn nhà khoa học đã mang đến "cuộc cách mạng" trong điều trị bệnh và nhận được giải thưởng Brain (Đan Mạch) năm 2021 - giải thưởng uy tín nhất thế giới về nghiên cứu não bộ.

Giáo sư Michael Moskowits (Mỹ) đề xuất được cơ chế bệnh do sự giải phóng các chất hóa học, gây giãn mạch máu não, gây viêm và đau liên quan đến sự kích hoạt các sợi dây thần kinh sinh ba. Peter Goadsby (Úc) và Lars Edvinssion (Thụy Điển) đã chứng minh được một phân tử CGRP (peptid liên quan đến gene Calcitonin), được giải phóng từ các hạch dây thần kinh khi bị kích thích, gây giãn màng não mạnh mẽ. Còn Jes Olesen (Đan Mạch) thì chỉ ra các thuốc ngăn chặn CGRP sẽ giảm các cơn đau đầu hiệu quả và lâu dài mà ít tác dụng phụ như các loại thuốc khác.

Công trình của họ đã dẫn đến sự ra đời của một loạt thuốc điều trị mới mà CGRP trở thành mục tiêu. FDA đã phê duyệt tám loại thuốc điều trị đau đầu mới, được gọi là gepants và ditans (tên thương hiệu là Nurtec ODT, Ubrelvy và Reyvow). 

Đây là thuốc uống chủ yếu để ngăn chặn cơn đau nửa đầu khi nó bắt đầu. Cũng có thuốc dùng qua đường xịt mũi là Zavzpret. Ngoài ra, FDA cũng phê duyệt một số thiết bị đeo trên cánh tay, đỉnh đầu, trán, có tác dụng kích thích thần kinh và giảm đau hiệu quả.

Âm thầm chịu đựng

Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh, các nhà khoa học "vẫn chưa hiểu đầy đủ và chính xác nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu và tại sao một số người lại phải chịu đựng nhiều hơn những người khác" - giáo sư Elizabeth Loder của Trường Y Harvard nói với The Atlantic.

Các loại thuốc điều trị chỉ có tác dụng với 80% số người bị bệnh và mức độ hiệu quả khác nhau. Với thuốc giảm đau thông thường, hiệu quả giảm đau kém và nếu lạm dụng có khả năng gây tổn thương gan, thận hoặc bị phụ thuộc vào thuốc. Còn các thuốc điều trị mới thì "cực kỳ đắt đỏ khiến chúng nằm ngoài tầm với của người bệnh", Loder nói.

Ảnh: allure.com

Ảnh: allure.com

Trong bài viết cho trang Vox đầu năm nay, bác sĩ Keren Landman, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, chỉ ra một vấn đề nhức nhối khác liên quan đến đau nửa đầu: hầu hết mọi người âm thầm chịu đựng, những ai chủ động chữa thì lại không được điều trị đúng mức.

Đau nửa đầu là chứng bệnh "vô hình" trong mắt người ngoài - chỉ người trong cuộc mới biết nó kinh khủng thế nào. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy so với bệnh động kinh, một chứng rối loạn thần kinh có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, những người mắc chứng đau nửa đầu mạn tínhđược coi là kém đáng tin cậy hơn, ít cố gắng và nhiều khả năng nói xấu bệnh hơn thực tế.

Những quan niệm sai lầm xung quanh chứng đau nửa đầu, kết hợp với sự "vô hình" của nó, khiến chứng rối loạn này dễ bị kỳ thị và "nạn nhân" chỉ còn cách âm thầm chịu đựng hoặc tự dùng thuốc.

Ngoài ra, tại Mỹ có khoảng 40 triệu người mắc bệnh nhưng chỉ có khoảng 600 chuyên gia được hội đồng chứng nhận. Điều đó cho thấy những người mắc bệnh khó nhận được sự tư vấn và điều trị hiệu quả từ các chuyên gia.

Migraine là một bệnh lý thần kinh phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh nhưng sự hiểu biết về bệnh còn thấp. Do vậy, WHO tổ chức tuần lễ nâng cao nhận thức về chứng đau nửa đầu vào tháng 9 hằng năm. 

Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về cơ chế gây bệnh và tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn. Mỗi người bệnh cần chủ động tránh các yếu tố kích hoạt cơn đau và dùng thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia. 

Giảm căng thẳng, bớt đau đầu

Chứng đau nửa đầu có thể bị kích hoạt bởi các yếu tố như bỏ bữa, rối loạn giấc ngủ, uống rượu, caffein… hay sự căng thẳng và thay đổi hormon Estrogen liên quan đến kinh nguyệt hoặc mãn kinh ở phụ nữ. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là căng thẳng.

Có một nghịch lý là căng thẳng gia tăng tạo thuận lợi cho các cơn đau xuất hiện nhưng sự thư giãn sau căng thẳng cũng gây bệnh. Một số người xuất hiện cơn đau khi họ đã kết thúc một ngày hoặc một tuần làm việc khó khăn, thậm chí khi bắt đầu một kỳ nghỉ hay khi có những sự kiện vui mừng.

Một nghiên cứu từ năm 2014 trên trang Science Daily cho biết trong sáu giờ đầu sau khi căng thẳng giảm bớt, nguy cơ bị cơn đau cao gấp năm lần so với thời điểm khác. Trong vòng 12-24 giờ sau khi tâm trạng chuyển từ buồn hoặc lo lắng sang vui vẻ, thư giãn, khả năng xảy ra cơn đau tăng 20%. Nguyên nhân được cho là sự dao động của hormon Coritsol - một hormon do cơ thể tiết khi căng thẳng và giảm đi khi thư giãn.

Do vậy, những người bệnh cần chủ động quản lý căng thẳng và cân bằng cảm xúc bằng cách thực hành các kỹ thuật thư giãn (như hít thở sâu, thiền định, các bài tập chánh niệm); tham gia các bài tập vận động cơ thể thường xuyên như đi bộ, yoga, giãn cơ… Mặt khác, điều quan trọng không kém là phải duy trì giấc ngủ hiệu quả, đều đặn kết hợp với thói quen lành mạnh như không uống rượu, hạn chế lượng caffein và tránh lạm dụng thuốc giảm đau. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy bổ sung Vitamin B2, Magie hay Coenzym Q10 cũng có hiệu quả giảm đau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận