Chuyện dài "bản đồ tiêu chuẩn"

DANH ĐỨC 20/09/2023 09:28 GMT+7

TTCT - Chuyện Trung Quốc công bố cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn" đã vấp phải sự phản đối của hầu khắp các nước láng giềng.

Tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng với tàu Philippines ở Biển Đông. Ảnh: AP

Tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng với tàu Philippines ở Biển Đông. Ảnh: AP

Chuyện Trung Quốc công bố cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn" không mới, nhưng riêng năm nay, sự kiện phát hành phiên bản 2023 của bản đồ này được tổ chức trọng thể trong khuôn khổ Tuần lễ công khai nhận thức về bản đồ quốc gia tại thành phố Đức Khánh (Chiết Giang).

Có tới 879 bản đồ tiêu chuẩn và bản đồ tham khảo 2023 được phát hành tại sự kiện, gồm 20 bản đồ gọi là tiêu chuẩn, trong đó có 6 bản đồ Trung Quốc và 14 bản đồ lục địa; và 859 bản đồ tham khảo của 13 địa phương - đơn vị, gồm Bắc Kinh, Hà Bắc, Hắc Long Giang và Cục Sản xuất và Xây dựng Tân Cương.

Đầu tư lớn cho công tác bản đồ

Tổng trưởng quy hoạch của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc Vũ Văn Trung cho biết các sự kiện công bố bản đồ kiểu này đã được Trung Quốc tổ chức năm năm liên tiếp, và nhờ đó "nhận thức của cả nước về quy định pháp luật liên quan đến đo đạc và bản đồ và ý thức quốc gia, nhận thức lãnh thổ đã được cải thiện đáng kể".

Là nước có diện tích lên đến gần 9,6 triệu km2, đứng thứ ba trên thế giới (sau Nga 17,0 triệu km2 và Canada gần 10 triệu km2), Trung Quốc ráo riết đầu tư cho công tác bản đồ cũng là dễ hiểu. 

Bộ Tài nguyên thiên nhiên nước này đã tổ chức và phát triển hệ thống dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn trên trang web chính thức của họ. Từ khi hệ thống này ra mắt, tổng số lượt xem đã vượt quá 12,5 triệu, tổng số lượt tải xuống là gần 5,5 triệu và tổng số người dùng đã đăng ký sắp cán mốc 200.000.

Cũng chính từ đó, nhiều nước "quan tâm" đã phát hiện ra ngay trong 20 bản đồ gọi là "tiêu chuẩn" kia, có những vấn đề không thể chấp nhận được liên quan đến các yêu sách lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh. Nhiều hãng tin quốc tế cho biết bản đồ mới gây ra phản ứng gay gắt từ Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Malaysia và cả Đài Loan.

Tất nhiên, các bản đồ này không chỉ vẽ ra cho có, mà còn được Trung Quốc sử dụng làm cơ sở cho các hoạt động ngày càng quả quyết ở những vùng tranh chấp. 

Một ví dụ là đường 9 đoạn nay đã thành 10 đoạn ở vùng Biển Đông mở rộng. Quá trình này diễn ra cùng với sự lớn mạnh về thế và lực của Trung Quốc. Sự kiện bản đồ của họ năm nay được tổ chức rầm rộ tương ứng với các hoạt động trên biển.

Từ bản đồ đến thực tế

Ban đầu, lực lượng quân sự Trung Quốc là chỗ dựa cho các lực lượng "bán quân sự" như hải cảnh và kiểm ngư, nhưng gần đây hơn, hải quân nước này, bao gồm cả không lực thuộc hải quân, ngày càng mở rộng hoạt động ra xa và huy động các phương tiện lớn.

Ví dụ Global Times 23-8 đăng bài về một cuộc tập trận với nhiều chi tiết cụ thể: "Gần đây Bộ Tư lệnh chiến khu nam Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành một cuộc tập trận tấn công trên biển và không chiến với sự tham gia của các máy bay chiến đấu được cải tiến, hoạt động từ một sân bay trên đảo nhỏ. Cuộc tập trận này được tổ chức cả ngày và đêm bởi một lữ đoàn hàng không hải quân của Bộ Tư lệnh chiến khu nam, tập chú vào thích nghi với các đặc điểm của sân bay trên đảo nhỏ. Trong cuộc tập trận, bốn máy bay chiến đấu lần lượt cất cánh từ sân bay và tạo thành hai nhóm trước khi kín đáo di chuyển đến một khu vực mục tiêu được chỉ định bằng cách bay sát mặt nước".

Bản tin trên, tuy không nêu rõ chi tiết loại máy bay nào, và nhất là không nêu tên đảo được chọn để tập trận, song cũng tiết lộ nhiều điều. Global Times còn trích ý kiến chuyên gia cho rằng máy bay được sử dụng có thể là hai biến thể khác của dòng J-11B cải tiến - đây là một bản sao máy bay

Su-27 của Nga. Tìm hiểu sẽ thấy có thể các máy bay đó là phiên bản J-11BH và J-11BSH dành cho không lực hải quân, được trang bị radar AESA có tầm quét xa tới 400km và tên lửa không đối không P-15 có tầm bắn xa hơn tên lửa AIM-120D của Mỹ - tạm cho là có ưu thế hơn F-18E/F của hải quân Mỹ (Military Watch Magazine 24-3-2022).

Global Times cũng công bố nhiều chi tiết kỹ thuật quan trọng khác: "Một thành viên của lữ đoàn cho biết trong báo cáo rằng sân bay ở đảo nhỏ có đặc điểm thời tiết thay đổi nhanh, điều kiện chim phức tạp và thiếu vật thể tham chiếu khi bay trên biển. So với bay từ sân bay trên đất liền, sân bay trên đảo đòi hỏi phi công phải có tâm lý vững vàng, kỹ năng và khả năng chiến thuật cao hơn, vì chủ yếu phải dựa vào các công cụ và thiết bị dẫn đường để xác định tư thế và vị trí máy bay".

Global Times còn trích lời một đại úy phi công: "Cuộc tập trận đã bỏ qua các phương pháp thông thường, thay vào đó tập trung sâu vào đặc điểm môi trường của sân bay, nhấn mạnh những thay đổi mới trong chiến thuật không chiến. Bằng cách tìm ra vấn đề và lỗ hổng trong kịch bản đối đầu thực sự, các phi công chúng tôi đã cải thiện hiệu quả các kỹ năng và khả năng chiến thuật".

Các đảo nhỏ nơi xuất phát của những chiếc J-11 cải tiến có thể là các Đá Chữ Thập hoặc Đá Subi, mỗi đảo đá có đường băng dài 3.000m hoặc Đá Vành Khăn, có đường băng dài 2.700m. Những đường băng dài và nhà chứa máy bay lớn trên các đảo bồi đắp này có thể hỗ trợ bất kỳ hoạt động máy bay nào của PLA, theo nghiên cứu South China Sea Military Capability Series của Đại học John Hopkins, tháng 12-2022. Cũng theo nghiên cứu đấy, đường băng trên các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông cũng có thể thích hợp với bất kỳ máy bay không người lái (UAV) nào.

10 năm trước, sức mạnh và tư thế của Trung Quốc từng thể hiện qua qua vụ giàn khoan Hải Dương 981, tuy cũng ồn ào nhưng rồi êm ả trở lại. Nay thì tình hình có thể đã khác. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận