Chính trường Singapore: Khi tiêu chuẩn chống tham nhũng quá cao

THANH TUẤN 20/08/2023 07:19 GMT+7

TTCT - Kể từ khi nắm quyền ở Singapore từ năm 1959, Đảng Hành động nhân dân (PAP) luôn đảm bảo vị thế bằng điều hành ổn định và mô hình quản trị gần như không tham nhũng.

Ảnh: CNBC

Ảnh: CNBC

Các bộ trưởng và quan chức nước này được trả lương cao tương đương lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, và những hành vi sai phạm bị xử lý gần như ngay tức khắc. 

Nhưng mấy tuần gần đây, uy tín của PAP rung chuyển bởi một loạt bê bối. Giữa tháng 7, Bộ trưởng Giao thông S. Iswaran bất ngờ bị bắt cùng tỉ phú Ong Beng Seng (người có công đưa đua xe F1 tới nước này). Cơ quan Điều tra tham nhũng Singapore (CPIB) thông báo đang điều tra mối liên hệ giữa hai người, dù chi tiết vụ việc chưa được tiết lộ thêm.

Cùng tháng 7, Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin (Trần Xuyên Nhân), từng là ngôi sao của PAP, đệ đơn từ chức vì những lời lẽ "thô tục và phi nghị viện". Ông đồng thời thừa nhận có những "khía cạnh còn khiếm khuyết" khiến gia đình bị tổn thương.

Liên tiếp các bê bối

Ông Tan gặp sự cố khi micro bắt được ông gọi nghị sĩ đối lập Jamus Lim "đồ mị dân chết tiệt" (ông Lim chỉ tranh cãi cần giúp nhiều hơn các nhóm thu nhập thấp). Nhưng có lẽ câu mạ lỵ này không phải tội chính. Thủ tướng Lý Hiển Long nói ông Tan (đã kết hôn) có quan hệ tình ái với một nghị sĩ khác và ông đã biết gần hai năm. 

Ông Lý nói đã cho đôi tình nhân tội lỗi này thời gian để gặp tư vấn hôn nhân, tuy nhiên điều nhiều người thấy khó hiểu là việc ông Lý từng chấp nhận để ông Tan từ chức từ tháng 2, nhưng sau đó lại yêu cầu ông tiếp tục vị trí chủ tịch Quốc hội tới khi tìm được ứng viên thay thế. 

Giữa scandal của ông Tan, một video lộ ra cho thấy hai nghị sĩ khác của Đảng Công nhân đối lập cũng có quan hệ tình ái trong mấy năm, khiến cả hai nghị sĩ này phải từ chức.

Chính phủ Singapore thì lập luận vụ nghị sĩ Tan cho thấy họ vẫn giám sát hành vi các quan chức và hành động quyết liệt khi thấy vấn đề. 

Quá trình này cũng được khởi động sau thông tin Bộ trưởng An ninh nội địa và Tư pháp K. Shanmugam và Ngoại trưởng Vivian Balakrishna được thuê hai căn nhà công rất lớn trên đường Ridout từ một công ty dưới quyền ông Shanmugam (xung đột lợi ích). 

CPIB vào cuộc nhưng không phát hiện ra sai phạm hay tiêu cực. Bộ trưởng cao cấp Teo Chee Hean (Trương Chí Hiền) có rà soát lại và cũng không thấy vấn đề.

Nhưng dư luận Singapore vẫn bất bình. Khi vụ việc được báo thủ tướng, người chỉ định lãnh đạo CPIB, thì tổ chức này không còn được coi là độc lập hoàn toàn. Bộ trưởng cao cấp Teo thì vừa là bạn ông Shanmugam, vừa ở cùng nhánh chính quyền trong hệ thống. 

Giới quan sát cho rằng nên có thẩm phán độc lập để điều tra vụ việc, vì kể cả khi vụ nhà Ridout được coi là sạch thì về hình ảnh vẫn có vấn đề. Theo Bloomberg, tìm được căn nhà nhỏ giá phải chăng là thách thức lớn cho dân thường Singapore, nhưng ông bộ trưởng lại ở trong ngôi nhà to như khu thương mại.

Với các chính quyền khác, những vụ việc này có thể được coi là khá nhỏ và không ảnh hưởng nhiều uy tín đảng cầm quyền. Nhưng ở Singapore, nơi chính quyền từ lâu vẫn lấy nền hành chính sạch, hiệu quả làm tôn chỉ, đây quả là một mùa hè quá nhiều cú sốc.

Theo cố thủ tướng Lý Quang Diệu, để Singapore tồn tại sau khi tách khỏi Malaysia, nước này phải trở thành nơi thu hút các tập đoàn quốc tế hàng đầu. Đất nước nhỏ vận hành tốt trong khu vực đầy biến động đòi hỏi hạ tầng tốt, lực lượng lao động có đào tạo, kỷ cương pháp luật và hệ thống thuế cạnh tranh. 

Cùng với đó, họ cần hệ thống chính quyền sạch gần như tuyệt đối và mạnh tay với tham nhũng. Các đảng viên PAP thường mặc màu trắng để thể hiện thông điệp này khi tranh cử suốt từ cuối những năm 1950 tới tận ngày nay. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thường tranh cử với màu trang phục này.

Các bê bối gần đây, do đó, là những cú sốc lớn ở Singapore. Trong phát biểu ở Quốc hội hôm 8-8, Thủ tướng Lý thừa nhận ông lẽ ra cần hành động sớm hơn. "Tại sao tôi lại hành động chậm vậy, mất hơn hai năm? Đó là câu hỏi có căn cứ - ông nói - Nhìn lại và giờ biết diễn biến sẽ thế nào, tôi đồng ý đúng ra phải hành động sớm hơn".

Ông Lý Hiển Long (trái) và ông Lawrence Wong. Ảnh: Tatler Asia

Ông Lý Hiển Long (trái) và ông Lawrence Wong. Ảnh: Tatler Asia

Thời điểm chuyển giao nhạy cảm

Singapore được chú ý vì nước này luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng hệ thống quản trị nhà nước trong sạch trên thế giới. Năm 2022, đảo quốc đứng thứ 5 trong danh sách 180 nước về chỉ số không tham nhũng. Hộ chiếu của Singapore hiện là tấm hộ chiếu mạnh nhất thế giới sau khi vượt Nhật Bản hồi tháng trước. 

Vì vậy các bê bối trở thành tâm điểm của báo chí trong nước. Bốn trang đầu tờ báo chính của Singapore The Straits Times 3-8 dành toàn bộ cho những phát biểu của ông Lý cùng các bộ trưởng hàng đầu về vụ bê bối tình ái của vị cựu chủ tịch quốc hội.

Vụ việc của Bộ trưởng Giao thông S. Iswaran tới giờ vẫn chưa có thông tin cụ thể gì. CPIB vẫn chưa tiết lộ hành động sai là gì và chưa công bố tội danh. Ông Lý và Phó thủ tướng Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) đều cam kết xử lý và nếu có sai phạm thì người làm sai phải chịu trách nhiệm.

"Có rất nhiều thuyết âm mưu vì chẳng ai có thể nói được chuyện gì đang xảy ra trong nội bộ PAP hay về cơ chế làm việc trong đảng, cùng cách ra quyết định - phó giáo sư Chong Ja Ian của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói với Financial Times - Tích tụ những sự kiện này khiến mọi người hoang mang và không rõ về định hướng khi Singapore có lãnh đạo mới trong thế giới ngày càng chia rẽ".

Với những người chỉ trích, các bê bối trong mấy tháng vừa rồi dấy lên câu hỏi về khả năng PAP có thể kiểm soát các vấn đề chính trị nội bộ giữa thời điểm quan trọng cho đất nước. 

Singapore đang đối mặt nhiều thách thức giữa những chống đối ngày càng lớn với lao động nhập cư nước ngoài, tăng trưởng chậm lại, chi phí sinh hoạt - nhất là giá thuê nhà - gia tăng, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và những biến động với mô hình toàn cầu hóa vốn từng giúp nước này trở thành một trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu.

Mùa hè bê bối diễn ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm về chính trị và kinh tế. Ông Lý đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ tư của PAP. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Wong là ứng viên đã được PAP lựa chọn, nhưng hiện chưa có lịch trình chuyển giao chính thức. Singapore trong lịch sử 58 năm mới có ba thủ tướng, nên dễ hiểu quá trình chuyển giao có ý nghĩa trọng đại thế nào.

Ông Lý vẫn tránh né khi được hỏi liệu việc chuyển giao có diễn ra trước tổng tuyển cử 2025 hay không. Theo Bloomberg, rủi ro với ông Lý là càng trì hoãn, ông càng đẩy mình vào thế khó. Phe đối lập dù ít ỏi nhưng đã kiếm được thêm ghế trong cuộc bầu cử gần đây nhất. 

Tỉ lệ ủng hộ PAP đã giảm xuống còn 61% năm 2020, mức thấp nhất trong lịch sử và thấp hơn hẳn so với 70% của 2015. Các cuộc bầu cử trong tương lai được dự báo sẽ còn khó khăn hơn.

Một trong những vấn đề lớn khiến dư luận thiếu niềm tin là chưa thật sự xuất hiện gương mặt kế thừa nổi bật. Cho tới lúc này, ông Wong, người kế nhiệm được lựa chọn, vẫn chưa công bố tầm nhìn về Singapore của ông, khi mà các động lực tăng trưởng của quốc gia đang đối mặt nhiều thách thức.

Trong những năm cuối đời, ông Lý Quang Diệu từng nói ông không chắc Singapore còn tồn tại sau 100 năm nữa hay không. Ông nói cử tri giờ phần lớn là những người sinh ra sau giai đoạn đất nước giành độc lập và theo ông, hệ thống chính trị hai đảng sẽ là thảm họa. 

Trong hồi ký, ông nói đó là lý do mà các hành vi sai trong hệ thống cần xử lý triệt để ngay từ đầu, dù là hải quan nhận tiền để thông quan nhanh, hay giáo viên nhận lại quả từ những người bán sách. Vậy mà giờ đây, bê bối đã lên tới tầm bộ trưởng.■

Những vụ scandal quả đã khiến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9 tới được chú ý hơn. Vai trò tổng thống ở Singapore là lễ nghi, nhưng giới chuyên gia nói kết quả bầu cử có thể phản ánh phần nào tâm lý cử tri. Trong khi PAP vẫn tiếp tục giữ vị thế chi phối, Đảng Công nhân đối lập đã giành được 10/93 ghế tranh chấp trong bầu cử 2020.

PAP đã đề xuất ứng viên Tharman Shanmugaratnam, cựu phó thủ tướng, một người có sự ủng hộ lớn. "PAP đương nhiên không muốn gắn những bê bối gần đây với cuộc bầu cử" - phó giáo sư Michael Barr của Đại học Flinders, Adelaide (Úc) và là tác giả cuốn The Ruling Elite of Singapore (Giới tinh hoa lãnh đạo Singapore), nói. Nhưng ông cho rằng nếu tỉ lệ phiếu dưới 65% thì đã có thể coi đó là nỗi thất vọng lớn với PAP, bởi ông Tharman có uy tín cá nhân rất tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận