Chính sách đối ngoại của Trung Quốc: Những dấu hiệu hòa hoãn

NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2023 14:27 GMT+7

TTCT - Hôm 15-11, trong bữa tối với khoảng 300 CEO doanh nghiệp và chính trị gia Mỹ bên lề Hội nghị APEC tại San Fracisco, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu được coi là đặc biệt ấm áp trong nhiều năm qua.

Ảnh: Vox

Ảnh: Vox

Ông liên tục nhấn mạnh những lợi ích của hợp tác kinh tế và đề nghị Trung Quốc có thể gửi thêm gấu trúc đến Mỹ. Đây là lời đề nghị đã nhận được một tràng pháo tay từ khán giả. Những người tham dự bữa tối với ông Tập nói rằng đó là giọng điệu thân thiện nhất mà họ từng nghe được từ ông trong nhiều năm.

Michael Froman, cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ tham dự bữa tối, nói với The New York Times: "Tôi thực sự ngạc nhiên, đó như thể là một bài phát biểu cách đây 7 hay 10 năm, trong thời "kỷ nguyên gắn kết" giữa Mỹ và Trung Quốc, và cứ như thể "kỷ nguyên ngoại giao chiến lang" chưa từng xảy ra, và một số biến cố trong vài năm qua cũng chưa từng xảy ra".

Mềm mỏng hơn

Dưới thời ông Tập, đường lối đối ngoại của Bắc Kinh dường như đã từ bỏ câu châm ngôn được trích dẫn nhiều của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: "Giấu mình, chờ thời". 

Phong cách ngoại giao quyết đoán và mạnh mẽ hơn từng có lúc được triển khai sau khi Trung Quốc vươn lên vai trò nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với vị trí gần như không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đường lối đó từng có hẳn một tên gọi: "Ngoại giao chiến lang", đặt theo tên bộ phim hành động ăn khách năm 2015 Chiến lang của đạo diễn kiêm diễn viên Ngô Kinh, người chuyên đóng các vai anh hùng Trung Quốc, mà trong phim này là vai một người lính chiến đấu ở châu Á và châu Phi trước các kẻ thù ngoại quốc.

Dưới lăng kính phương Tây, "ngoại giao chiến lang" bao gồm việc các nhà ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng với lãnh đạo nước ngoài dám chỉ trích Trung Quốc và bỏ ra ngoài giữa chừng các cuộc họp đa phương quốc tế mà họ không vừa ý. 

Một nhân vật nổi lên thời đó là cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, người quyết liệt bảo vệ đường lối của Bắc Kinh và là hình mẫu không chính thức cho "ngoại giao chiến lang" với lối tiếp cận mạnh mẽ, ăn nói sắc bén với những người chỉ trích Trung Quốc.

Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc có vẻ đang thay đổi, với giọng điệu nhẹ nhàng hơn trong những ứng xử với thế giới. Hồi giữa tháng 10 chẳng hạn, Trung Quốc đã trả tự do cho nhà báo người Úc gốc Hoa Thành Lôi, vốn bị kết tội "chuyển trái phép bí mật quốc gia ra nước ngoài" và đã bị giam giữ ở Trung Quốc 3 năm qua. 

Họ cũng mời Mỹ tham gia Diễn đàn an ninh quốc phòng Hương Sơn, cam kết hợp tác chống biến đổi khí hậu với nước này, đồng ý với thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ trị giá 4,2 tỉ USD với Sri Lanka...

Vụ thả Thành Lôi chỉ là một trong nhiều bước đi của Trung Quốc khi họ tìm cách gầy dựng lại quan hệ với Úc, vốn có lúc đã tưởng như đổ vỡ không thể cứu vãn vì rất nhiều bất đồng. Vụ việc đã dọn đường cho chuyến thăm của Thủ tướng Úc Anthony Albanese tới Trung Quốc đầu tháng 11 vừa rồi. 

Ông Albanese trở thành thủ tướng Úc đầu tiên thăm Trung Quốc từ năm 2016, sau một thời gian dài căng thẳng gây thiệt hại hàng tỉ USD cho thương mại song phương. Ông được chào đón trọng thể tại Bắc Kinh. 

Chủ tịch Tập Cận Bình tươi cười hứa hẹn với ông Trung Quốc và Úc có thể trở thành "đối tác đáng tin cậy" và hợp tác trong mọi lĩnh vực, từ biến đổi khí hậu đến an ninh. Thậm chí Thủ tướng Lý Cường còn nói đùa với Thủ tướng Albanese: "Ai cũng nói có một chàng đẹp trai người Úc ghé thăm".

Ảnh: Canberra Times

Ảnh: Canberra Times

Nhìn những cảnh tượng đó, ít ai nghĩ được mới cách đây vài năm, Trung Quốc từng áp thuế cao với một loạt hàng hóa Úc như lúa mạch, thịt bò và rượu vang, đồng thời ngừng nhập khẩu than đá của nước này, gây thiệt hại hàng tỉ đô la thương mại để trả đũa lời kêu gọi của Canberra về việc điều tra nguồn gốc COVID-19 cũng như các hoạt động thắt chặt an ninh của Úc ở trong nước nhắm vào người Trung Quốc.

Từ những dấu hiệu nhỏ

Quyết định từ bỏ lối tiếp cận "chiến lang" đã thể hiện qua một số dấu hiệu từ đầu năm nay. Tháng 1-2023, ông Triệu Lập Kiên từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao được đưa lên chức phó vụ trưởng Vụ Biên giới và đại dương - một động thái đưa ông ra khỏi ánh đèn sân khấu, tới một vị trí hoàn toàn đằng sau cánh gà. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không giải thích sự thay đổi này, nhưng đây có thể coi là một trong những động thái đầu tiên trong một loạt điều chỉnh chiến thuật nhằm giảm bớt không khí xung đột và đối đầu, làm dịu đi hình ảnh quyết đoán của Trung Quốc trên toàn cầu.

Lý do thì có nhiều, nhưng một trong những thực tế dễ thấy nhất là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đối phó với nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, tăng trưởng chậm lại, lĩnh vực bất động sản đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng, và tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên đang ở mức quá cao, gần 20% vào giữa năm 2023. Đó cũng có thể là nỗ lực nhằm xoa dịu phương Tây, tránh cảnh rơi vào thế xung khắc với quá nhiều nước.

Tiến sĩ Yu Jie, nghiên cứu viên cao cấp tại Tổ chức nghiên cứu Chatham House (London, Anh), trả lời phỏng vấn NPR, nhận định: "Trung Quốc đơn giản là không đủ khả năng để trở thành đối thủ của mọi nước phương Tây". 

Bà nói cuộc chiến ở Ukraine và tình hữu nghị Trung - Nga đã gây tổn hại cho Bắc Kinh về mặt ngoại giao với các nước Tây Âu. Giữa năm ngoái, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc phụ trách chính sách với Nga Lạc Ngọc Thành đã bị loại khỏi Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm làm cục phó Cục Quản lý phát thanh và truyền hình quốc gia.

Cùng chung nhận định, Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận xét: "Cảm giác chung của tôi là Trung Quốc nhận ra rằng họ còn nhiều vấn đề trong nước và muốn giảm thiểu các vấn đề ở nước ngoài để tập trung vào các thách thức quốc nội cấp bách hơn". 

Còn Collin Koh, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nói ngoại giao chiến lang đã phản tác dụng. 

Ông nói với Đài Đức DW: "Đường lối đó không phục vụ mục đích nào, mà còn khiến bạn bè xa lánh. Nó tạo ra nhận thức hoặc hình ảnh xấu về Trung Quốc". 

Noah Barkin, nhà phân tích của Rhodium Group (Mỹ) và chuyên gia về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, phân tích: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn trấn an giới đầu tư nước ngoài rằng mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Á và châu Âu không phải theo vòng xoáy leo thang một chiều".

Ảnh: NBC News

Ảnh: NBC News

Tới những cuộc gặp lớn

Hội nghị thượng đỉnh San Francisco giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập hồi tháng 11 là một tín hiệu then chốt nữa để các đồng minh của Mỹ bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. 

Sự tan băng rõ ràng đã có tác động toàn cầu khi Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ hơn, ít ra là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước đó vào cuối tháng 8, một đồng minh của Mỹ là Anh đã có những bước đi nhằm củng cố mối quan hệ đang rạn nứt với Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Anh James Cleverly thăm Trung Quốc lần đầu sau 5 năm, cũng là quãng thời gian quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Abigael Vasselier, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Berlin, Đức), nhìn nhận: "Việc các kênh liên lạc được mở lại tự nó đã là một thành công".

Nhưng đồng thời, Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ chính trị và thương mại với các nước khác không chỉ vì lý do kinh tế, do nỗ lực thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tiếp diễn, dù nay dạng thức đã khác, không còn là sự hùng hổ như xưa. 

Cuối tháng 11-2023, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp hai người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc gặp ba bên nhằm khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên Hàn - Trung - Nhật. Ba nước đồng ý thúc đẩy tổ chức hội nghị thượng đỉnh. (Lần cuối một hội nghị như vậy diễn ra đã là 4 năm trước, ở Thành Đô, Trung Quốc, vào tháng 12-2019).

Nhưng không phải ai cũng lạc quan. Chu Chí Quần, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ), nói: "Cánh cửa cải thiện quan hệ hiện đang mở. Nhưng nó rất hẹp và chẳng bao lâu nữa, cánh cửa đó sẽ đóng lại". 

Về lâu dài, Mỹ và Trung Quốc có xung đột về cấu trúc, ông Chu lưu ý: "Washington muốn duy trì ưu thế tối cao trong hệ thống quốc tế trong khi Bắc Kinh có ý định trở thành cường quốc thống trị ở châu Á. Tôi nghĩ Trung Quốc đang cố gắng thể hiện giọng điệu hòa giải... để xây dựng một hình ảnh thân thiện hơn. Nhưng chính sách cơ bản của họ sẽ không thay đổi".

Trung Quốc quả thật không hề thay đổi, cả về giọng điệu lẫn hành động, trong một số vấn đề then chốt, như cuộc đối đầu hàng hải leo thang với Philippines ở Biển Đông, hay lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản mới đây, do lo ngại về môi trường và an toàn với việc xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Năm 2023 có thể đánh dấu khởi đầu của một thời kỳ tương đối bình lặng trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng tình trạng hòa hoãn có thể không kéo dài do sự chia rẽ cơ bản giữa hai nước là khó thể san lấp.■

Ở San Francisco, ông Tập đã nói trên tờ Wall Street Journal: "Trung Quốc đang theo đuổi sự phát triển chất lượng cao và Mỹ đang hồi sinh nền kinh tế của nước này", nên "có rất nhiều chỗ cho sự hợp tác của chúng ta". Trong khi đó, ông Biden nhấn mạnh rằng ông và ông Tập "đã đồng ý rằng mỗi người trong chúng tôi có thể trực tiếp nhận điện thoại và chúng tôi sẽ được lắng nghe ngay lập tức".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận