Cẩn thận, nghe nhạc mà cũng bị lừa đảo

NGUYỄN VŨ 27/01/2024 08:40 GMT+7

TTCT - Miếng bánh chừng 17 tỉ USD mà các nơi đăng nhạc trực tuyến chia cho các ca sĩ, nhạc sĩ có vẻ ngon ăn, nên nhiều nơi tìm cách nhảy vào chia phần. Từ đó sinh ra trò ăn cắp nhạc cho máy nghe để đòi tiền.

Cẩn thận, nghe nhạc mà cũng bị lừa đảo- Ảnh 1.

Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi: ai đứng đằng sau các vụ gian dối này. Và tại sao các dịch vụ như Level sao chấp nhận các tác phẩm bị đánh cắp một cách dễ dãi như thế. Trách nhiệm của các nền tảng streaming như Spotify là đến đâu, nhất là khi họ xử lý yêu cầu gỡ nhạc rất chậm trễ?

Giả lượt nghe, lấy tiền thật

Những nơi làm dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Apple Music tiếp nhận nhạc từ khắp các nguồn rồi đưa lên cho ai muốn nghe, chỉ cần đăng ký trả một khoản tiền hằng tháng là nghe thoải mái. 

Họ giữ lại một phần để trang trải chi phí và kiếm lãi, còn lại chia cho các nguồn cung cấp nhạc theo tỉ lệ được chọn nghe. Phương thức này nghe hợp lý, nhưng cũng mang lại một cơ hội không nhỏ cho bọn tội phạm.

Những kẻ lừa đảo tìm mọi cách để vừa trở thành một nguồn cung cấp nhạc, vừa được chọn nghe nhiều để tăng số tiền chúng được chia. Theo Beatdapp, một hãng chuyên điều tra các vụ lừa đảo trong lãnh vực nhạc trực tuyến cho các khách hàng là các hãng sản xuất băng đĩa, ước tính hơn 10% khoản tiền được chia, chừng 2 tỉ USD, lọt vào tay kẻ lừa đảo.

Các ca sĩ lớn có album bán chạy như Taylor Swift hay Adele thì không nói làm gì. Đối với các ca sĩ ít tên tuổi, muốn đưa nhạc mình lên hết các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến rồi theo dõi lượng người nghe, chờ đếm tiền được chia, quy trình đó quá nhiêu khê với họ. 

Họ bèn sử dụng dịch vụ, giá 20 USD/năm, đăng ký với các hãng phân phối nhạc, nơi này thay mặt họ đưa nhạc lên không thiếu nền tảng nào. Kẻ xấu nhân đó len lỏi, đưa nhạc làm dối, làm ẩu vào, dùng các "nông trại tự động" giả làm người nghe click vào hay cho nhạc chơi lặp lại suốt ngày đêm… Thế là chúng kiếm tiền chẳng khác gì các ca sĩ nổi tiếng.

Cẩn thận, nghe nhạc mà cũng bị lừa đảo- Ảnh 2.

Nhưng làm nhạc dẫu theo kiểu hàng chợ đó vẫn rất mất công. Kẻ xấu bèn nghĩ ra cách tạo ra các bản nhạc chỉ có tiếng ồn, nói cách khác là dùng AI tạo ra nhạc. Trong thế giới streaming, tiếng ồn kéo dài 40 giây cũng được tính như bản nhạc nổi tiếng Hey Jude, miễn sao có người nghe. Sau khi đưa lên, kẻ xấu vào mua lượt truy cập, chẳng hạn vào Spotify từ tài khoản của người thật rồi dùng tài khoản đó click vào các bản tiếng ồn, tất cả đều tự động để tăng lượt nghe.

Đại diện của Hãng Beatdapp, Andrew Batey giải thích: "Nếu bạn có lần được Spotify đề nghị nghe một bản nhạc, bạn đừng có ngạc nhiên sao lạ thế, mình có bao giờ nghe nhạc này bao giờ đâu. Nay bạn đã hiểu vì sao". 

Batey nói với tờ The New York Times, có những màn lừa đảo trên các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến không sao giải thích nổi. Chẳng hạn, có một tài khoản trên một nền tảng đã tạo ra đến 694.000 lượt nghe chỉ trong một tuần. Hay một tài khoản khác xuất hiện tại hơn chục nước trên 40 thiết bị khác nhau cũng trong vòng một tuần lễ.

Các nền tảng streaming phải áp dụng các quy định mới để trói bớt tay kẻ xấu kiếm tiền từ tiếng ồn. Thế trói tay này khiến chúng nghĩ ra mánh khác. Nhận thấy rốt cuộc nhạc do con người làm được ưa chuộng hơn, đặc biệt là nhạc của các nghệ sĩ tài tử - những người không muốn kiếm tiền từ các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, chúng có chiêu trò mới. Chuyện ban nhạc Bad Dog bị mất nhạc mà không hề hay biết là một ví dụ điển hình.

Bị đánh cắp mà không hay biết

Craig Blackwell (58 tuổi) và David Post (72 tuổi) là các nhạc sĩ tài tử trong mấy chục năm qua. Thành lập ban nhạc Bad Dog, họ đã qua cái thời mơ tưởng tổ chức tour diễn, đi về trên xe limousine với các cô gái hâm mộ xinh đẹp; họ giờ chỉ còn ước muốn làm đĩa CD để tặng bạn bè vào dịp cuối năm. 

Thế nhưng khi họ hoàn thành album The Jukebox of Regret rồi đưa lên SoundCloud, chưa kịp làm thành CD để tặng như dự định thì mọi bản nhạc trong album này đã xuất hiện trên Spotify, Apple Music, YouTube và cả chục nền tảng khác. Điều đáng nói là mỗi bài đều có tựa đề mới, do một nhạc sĩ nào đó lạ hoắc sáng tác và biểu diễn.

Sự kiện này sẽ không bị phát hiện nếu người được thuê làm CD đã không đưa một bản nhạc lên tài khoản Instagram của phòng thu. Anh ngạc nhiên khi thấy Instagram tự động biến bản Preston của ban nhạc Bad Dog của hai ông bạn già thành bài Drunk the Wine của Vinay Jonge, một nhạc sĩ trước đây chưa có tác phẩm nào và trên Internet không hề có bất kỳ hoạt động nào. 

Sau đó phòng thu phát hiện mọi bản nhạc trong album The Jukebox of Regret đều được đổi tên, gán cho tác giả khác như Pop Song thành With Me Tonight (tác giả: Kyro Schellen) hay The Misfit thành Outlier (tác giả: Arend Grootveld)… Ngay cả thông tin nền đăng ký trên cơ sở dữ liệu, một dạng vân tay của các tác phẩm kỹ thuật số, cũng bị đổi hết.

Thế là nhạc của Craig và David nay chính thức mà nói là của người khác; ban nhạc Bad Dog không thể dập đĩa CD cho đến khi chứng minh nhạc là của mình. Mặc dù cả hai từng hành nghề luật sư, quá trình đòi lại nhạc của họ vô cùng nhọc nhằn.

Đầu tiên họ gởi thư cho các dịch vụ streaming, yêu cầu lấy nhạc bị mạo nhận xuống, họ dùng trang SoundCloud có tải album The Jukebox of Regret làm bằng chứng đây là nhạc của họ. 

Chỉ có hai nơi đầu tiên hồi đáp khá nhanh bằng hành động: Amazon Music gỡ nhạc sau chừng một tuần; YouTube chậm hơn một chút nhưng cũng đồng ý gỡ. Các nơi khác gởi email trả lời theo kiểu công thức "yêu cầu của quý vị sẽ được đội ngũ của chúng tôi xử lý" rồi im lặng.

Apple Music cũng hồi âm cách đó nhưng thư của họ có một chi tiết đáng lưu ý: tên công ty tải nhạc của họ lên là Warner Music, một hãng băng đĩa nổi tiếng.

Hóa ra một công ty con của Warner Music chuyên làm dịch vụ phân phối nhạc tên là Level đã tải nhạc lên. Công ty này lấy phí 20 USD/năm và sẵn sàng đưa nhạc lên một danh sách dài các nơi làm dịch vụ streaming. 

Level chỉ yêu cầu bên cung cấp nhạc đánh dấu vào ô như một lời cam đoan không tải nhạc do một bên khác tạo ra hay làm chủ sở hữu. Warner Music sau đó nhanh chóng lấy hết nhạc mạo danh xuống.

Craig Blackwell và David Post 

Craig Blackwell và David Post

Tính đến thời điểm gỡ xuống, các bài hát của Bad Dog đã được nghe tổng cộng 60.000 lần trên Spotify, theo giá chia phần của Spotify, họ sẽ được chia 250 USD - một con số nhỏ nhoi, không hề gây nghi ngờ nếu trót lọt. Nhưng thật khó ước tính toàn bộ các bài nhạc bị đánh cắp của Bad Dog tạo ra được bao nhiêu doanh thu khi cộng hết số lượt nghe trên mọi nền tảng từng đăng tải chúng.

Nếu kẻ xấu khai thác nhạc của nhiều nơi như Bad Dog, chúng có thể kiếm được tiền tùy theo quy mô gian dối. Ví dụ trên SoundCloud hiện có hơn 320 triệu bài nhạc, trong số đó rất nhiều bài được sáng tác và trình diễn một cách tài tử. 

Không ai nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ chúng và rất có thể chúng đã bị đánh cắp, đổi tên, đổi người sáng tác như trường hợp của Bad Dog.

Cuối cùng hai nhạc sĩ nghiệp dư Craig Blackwell và David Post cũng in được 100 CD album The Jukebox of Regret chính chủ để tặng bạn bè trong một buổi tiệc cuối năm. Nhưng tới đoạn này, lại nảy sinh một khó khăn mới: hầu như các bạn bè đến dự tiệc đều than, nhà họ làm gì còn máy nghe nhạc kiểu cũ để bỏ đĩa CD vào. 

Mà vẫn chưa hết đau thương: khi mở chương trình nhận dạng bài hát Shazam của Apple trên điện thoại iPhone, cho nó nghe bài Preston của Bad Dog, nó vẫn bảo đấy là bài Drunk the Wine của Vinay Jonge. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận