Bệnh cũ không rủ cũng trở lại

PHẠM HẰNG 03/01/2024 12:41 GMT+7

TTCT - Dù tạm không phải quá lo lắng nhiều về COVID-19, ngành y tế khắp nơi trên thế giới lại phải vất vả đương đầu với sự trở lại của nhiều bệnh "cũ". Đây là xu hướng bắt đầu từ 2022 và đã tiếp diễn trong suốt năm 2023 vừa qua.

Ảnh: Hopkins Bloomberg Public Health

Ảnh: Hopkins Bloomberg Public Health

Tỉ lệ tiêm chủng giảm, biến đổi khí hậu, thay đổi trong hành vi của con người cùng tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng… tất cả đã tạo nên "một cơn bão" khiến những căn bệnh nguy hiểm tưởng chừng đã lùi xa thời đại, quay trở lại ngay cả với các quốc gia phát triển tại châu Âu, Hoa Kỳ - nơi từng loại bỏ được chúng thông qua các chiến dịch tiêm chủng phối hợp hiệu quả, truyền thông y tế công cộng thông minh và có các loại thuốc hiệu quả cao.

Dĩ vãng không nhạt nhòa

Hiện nay, bản đồ dịch bệnh thế giới (dựa vào GIS - hệ thống thông tin địa lý) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và chính quyền tại nhiều quốc gia sử dụng để theo dõi, phân tích nguyên nhân, lên kế hoạch ứng phó cũng như dự đoán xu hướng dịch bệnh trong tương lai. 

Dựa vào đây có thể thấy sự bùng phát trở lại của những dịch bệnh nguy hiểm đã từng được khống chế như bệnh sởi, giang mai, phong, sốt rét và viêm não Nhật Bản.

Viết trên Politico, cây bút y tế Ashleigh Furlong cho rằng năm căn bệnh từ thời Victoria, tưởng lấy từ tiểu thuyết của Charles Dickens, đã quay trở lại phương Tây: phong, sởi, gout, giang mai và sốt rét. Trong số này, không tính gout là bệnh do chuyển hóa, có nhiều điều để nói về bốn bệnh truyền nhiễm kia.

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan bậc nhất. Căn bệnh từng khiến hàng triệu người mắc và hơn 2,6 triệu người tử vong mỗi năm khi chưa có vắc xin, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. 

Bệnh gây nhiều biến chứng về thần kinh, phổi, mắt và ngoài da. Sự ra đời của vắc xin vào năm 1963 đã làm giảm tỉ lệ lây nhiễm. Nhiều nước như Anh, Albania, Czech và Hy Lạp đã loại bỏ hoàn toàn bệnh sởi, song cả bốn đều đã mất "thành tích" này trong năm 2023. Theo Furlong, chỉ trong hai tháng đầu năm tại châu Âu đã có 900 trường hợp mắc sởi, vượt quá tổng số ca mắc trong năm 2022.

Bệnh sởi cũng lây lan ở nhiều nơi tại châu Á (Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan...). Nhận định về sự bùng phát này, chuyên gia y tế cấp cao của UNICEF, Gunter Boussery nói với The Telegraph: "bệnh sởi như con chim hoàng yến trong mỏ than. Đó là dấu hiệu đầu tiên của một hệ thống y tế đang suy yếu".

Bản đồ đếm ca nhiễm sởi ở Anh hồi tháng 5-2023. Ảnh: UKHSA/Getty/Metro.co.uk

Bản đồ đếm ca nhiễm sởi ở Anh hồi tháng 5-2023. Ảnh: UKHSA/Getty/Metro.co.uk

Sốt rét là một căn bệnh lâu đời do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền qua trung gian là muỗi Anopheles, với các triệu chứng đau đầu, sốt, lạnh run và dễ tử vong. Bệnh sốt rét không chỉ phổ biến tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mà đang có xu hướng trở lại châu Âu - nơi đã loại trừ thành công thông qua phun thuốc diệt côn trùng và điều trị bằng thuốc. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, thời tiết ấm lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Ngoài ra, còn do việc người dân đi lại, du lịch đến các địa phương có dịch bệnh.

Khảo sát dịch tễ học hằng năm gần đây nhất của CDC châu Âu (tháng 9-2022) cho thấy các trường hợp mắc giang mai (lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai) có khả năng gây tử vong đang có xu hướng gia tăng trên khắp EU. 

Riêng ở Anh ghi nhận 8.692 ca (nhiều nhất kể từ năm 1948). Nguyên nhân là do sự thay đổi về hành vi của con người, khi những cuộc gặp gỡ liên quan đến tình dục trở nên dễ dàng hơn thông qua các ứng dụng hẹn hò, đặc biệt là việc sử dụng ma túy khi quan hệ (chemsex) và việc cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục.

Trong khi đó ở Mỹ số người mắc bệnh phong - vốn không phổ biến, chỉ gặp nhiều ở những người nhập cư tại các vùng có bệnh lưu hành - đang có xu hướng tăng. Các báo cáo mới đây cho thấy số trường hợp mắc bệnh đã tăng gấp đôi ở các bang phía đông nam trong thập niên qua và gần 34 ca bệnh mới dường như mắc tại cộng đồng và có thể đã trở thành bệnh đặc hữu ở một số nơi như bang Florida. 

Bệnh phong do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra, chủ yếu gây tổn thương ở da và các dây thần kinh ngoại vi. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự di cư quốc tế của những người mắc bệnh phong - nguồn lây truyền bệnh tiềm tàng.

Từ tháng 3-2022 đến 6-2023, Chính phủ Úc đã phải tuyên bố viêm não Nhật Bản là "bệnh truyền nhiễm có tầm quan trọng quốc gia" vì đợt bùng phát bất thường ở khu vực phía nam, khiến 45 người mắc và 7 người tử vong. 

Nguyên nhân được cho là do sự trở lại của hiện tượng El Nino đã gây ra mưa lũ liên tục, giúp muỗi sinh sôi mạnh vào hai mùa xuân - hè. Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng não cấp tính lây truyền qua trung gian là muỗi Culex. Tại Ấn Độ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, đây được coi là một trong những bệnh do muỗi truyền nguy hiểm nhất, với hàng chục ngàn ca mắc nặng mỗi năm. Hiện nay biện pháp phòng tránh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vắc xin.

Ngoài ra, những dịch bệnh nguy hiểm khác có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như bệnh bại liệt, bệnh bạch hầu hoặc bệnh tả cũng đang bùng phát trở lại sau đại dịch, nhất là tại những nước nghèo với nền y tế yếu kém và chịu ảnh hưởng của chiến tranh.

Niềm tin vắc xin xói mòn

Các dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại, đặc biệt là ở các nước phát triển đã từng loại bỏ được chúng, còn do nguyên nhân chủ quan là thuyết âm mưu chống vắc xin lan rộng, mà chúng ta đã chứng kiến trong giai đoạn dịch COVID-19.

Đại dịch đã tạo ra "lỗ hổng" lớn về miễn dịch khi tỉ lệ tiêm chủng giảm mạnh, đặc biệt ở trẻ em. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ngày 20-4, có khoảng 67 triệu trẻ em không được tiêm vắc xin đầy đủ (bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc xin trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021), trong đó khoảng 48 triệu trẻ em không được tiêm liều vắc xin nào. Nguyên nhân là do dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn (cách ly y tế, hệ thống y tế chuyển hướng điều trị COVID-19) và sự gia tăng thông tin sai lệch về vắc xin.

Catherine Russell, giám đốc điều hành của UNICEF, nói: "Ở đỉnh điểm của đại dịch, các nhà khoa học đã nhanh chóng phát triển các loại vắc xin giúp cứu sống vô số người nhưng bất chấp thành tựu lịch sử này, nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch về tất cả các loại vắc xin vẫn lan truyền rộng rãi như chính loại vi rút này".

Theo Russell, hơn một thập niên thành quả đạt được trong việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã bị đạp đổ chỉ trong ba năm qua. "Niềm tin vào vắc xin dường như đang suy yếu ở nhiều quốc gia. Mặc dù niềm tin vào vắc xin không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định nhu cầu vắc xin ở hầu hết các cộng đồng, nhưng sự do dự gia tăng này là điều không thể bỏ qua" - bà nói trong báo cáo của UNICEF.

Minh họa: Rachel Neser/rnz.co.nz

Minh họa: Rachel Neser/rnz.co.nz

Tháng 2-1998, một bài báo của bác sĩ người Anh, Andrew Wakefield, được đăng trên tạp chí Lancet, đề cập đến mối liên hệ giữa vắc xin MMR (sởi, quai bị, rubella) và bệnh tự kỷ ở trẻ em. 

Mặc dù nhiều cuộc điều tra ngay sau đó của các tổ chức y tế uy tín đã bác bỏ mối liên quan này, Wakefield vẫn tiếp tục kết nối với các cộng sự khác để chứng minh lập luận của mình. 

Năm 2010, ông bị loại khỏi sổ đăng ký y tế và bị cấm hành nghề tại Anh. Sau đó, Wakefield đã sang Hoa Kỳ, thành lập các tổ chức, kênh truyền thông và sản xuất phim, trở thành "người hùng" của phong trào chống vắc xin.

Nhắc chuyện cũ là bởi 25 năm sau, vẫn có phụ huynh tin vào thông tin sai lệch của Wakefield. Cuối thập niên 1990, mọi người biết rất ít về nguyên nhân của bệnh tự kỷ. Các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ cho rằng chúng phát triển hoàn toàn bình thường cho đến khi tiêm vắc xin MMR. Đó là cơ sở để nỗi sợ "vắc xin gây tự kỷ" có đất sống. 

Còn ngày nay, trên các nền tảng mạng xã hội vẫn diễn ra các cuộc thảo luận về sức khỏe với thông tin sai lệch về vắc xin, với sự tham gia của những người nổi tiếng với một lượng lớn người theo dõi.

Kết quả là tỉ lệ tiêm chủng giảm sút và các đợt bùng phát bệnh sởi gia tăng. Lấy ví dụ ở Anh, tỉ lệ tiêm vắc xin MMR năm 2023 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2010 - chỉ có 84,5% trẻ được tiêm hai liều vắc xin trước 5 tuổi, có nơi chỉ đạt 56,3%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 95%. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến bệnh sởi quay lại và làm hại những đứa trẻ.

Cách hữu hiệu nhất để đối phó với các dịch bệnh chính là sự minh bạch về kết quả nghiên cứu cũng như thông tin về các loại vắc xin. 

Mặt khác, mỗi người cần có sự chọn lọc thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, có thể là các tổ chức sức khỏe uy tín hay các chuyên gia y tế mà bạn tin tưởng. Đây là cách chuẩn bị tốt nhất giúp chúng ta bảo vệ bản thân và gia đình trước các dịch bệnh.

Rận rệp cũng trở lại

Hồi tháng 3, rệp nổi lên thành tâm điểm chính trị ở Pháp. Con côn trùng nhỏ bé này hút máu người vào ban đêm, vết cắn ngứa dữ dội và gây ra tâm lý mệt mỏi, khó ngủ, thậm chí là trầm cảm.

Rệp đã bị lãng quên từ năm 1950, còn giờ đây do mật độ dân số cao cùng di chuyển công cộng bùng nổ khiến chúng lại xuất hiện ở khắp nơi từ xe lửa đến tàu điện ngầm hay rạp chiếu phim.

Ngoài ra, rệp ngày càng kháng thuốc diệt côn trùng. Đây cũng là nguyên nhân giúp loài muỗi tung hoành khắp nơi trong năm qua, mang vi rút gây bệnh sốt xuất huyết đến những nơi mà trước đây chẳng ai cần bận tâm về chúng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận