Bầu Đức sắp chia tay bóng đá?

NGUYỄN NGUYÊN 02/01/2024 07:20 GMT+7

TTCT - Năm 2001, bầu Đức nhận đội bóng Gia Lai của tỉnh và gắn tên Hoàng Anh vào lập "dream team". 22 năm sau, ông bầu này phải chấp nhận gắn thêm cái tên LPBank vào để cứu đội bóng.

Không chỉ cái tên dài lượt thượt "CLB bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai", xem ra bầu Đức còn mất "chủ quyền" trong việc quyết định về nhân sự, khi chấp nhận đưa một nhân vật đi đến đâu tan tác đến đó về làm giám đốc học viện đào tạo trẻ lẫn ghế giám đốc kỹ thuật của đội bóng. Giờ đây, làng bóng đá Việt chờ giờ G: bầu Đức chia tay bóng đá Việt.

Bầu Đức và đội bóng nhí HAGL năm 2008. Ảnh: Sĩ Huyên

Bầu Đức và đội bóng nhí HAGL năm 2008. Ảnh: Sĩ Huyên

Từ đội bóng tư nhân đầu tiên…

Từ một đội Gia Lai trực thuộc Sở Thể dục thể thao hằng năm ky cóp với khoản kinh phí còi cọc đá Giải hạng nhất chỉ để trụ hạng, năm 2001, đội bóng được Tỉnh ủy Gia Lai giao cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh Pleiku do bầu Đức làm chủ.

Đấy cũng là đội bóng Việt Nam đầu tiên từ đơn vị nhà nước được chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân và nổi đình nổi đám một thời với những cái "nhất" khó bị xô đổ. Trong những cái nhất đó, thành công nhất là thế hệ cầu thủ khóa I Học viện HAGL - Arsenal JMG. Họ ra trường ở tuổi 18, 19, đi đến đâu là kín sân, cháy vé đến đấy.

Tôi còn nhớ một chiều thứ bảy cuối năm trong không khí se lạnh ở Pleiku, người hâm mộ hạnh phúc khi chứng kiến đội nhà đá giao hữu chơi ngang ngửa với nhà vô địch V-League lúc đó là Sông Lam Nghệ An có Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng, Quang Trường, Lê Văn Lưu, Phi Hùng… 

Sau trận đấu, bầu Đức chiêu đãi ban lãnh đạo đội SLNA. Ông bầu phố núi nói với trưởng đoàn và HLV đội khách: "Em không làm bóng đá thì thôi nhưng làm thì sẽ làm tử tế. Hôm nay em mời nhà vô địch Việt Nam đến Pleiku để người hâm mộ phố núi chứng kiến nhà vô địch và cũng là để học hỏi các anh, học hỏi cách làm bóng đá của nhà vô địch mà bóng đá Gia Lai phấn đấu hướng đến trong thời gian nhanh nhất".

Đến dream team và những dấu ấn lịch sử

Nói là làm, ngay sau đó, đội hạng nhất của bầu Đức đã thành một dream team khác xa đội Gia Lai trước đó. Ông kéo nhiều ngôi sao trong thành phần đội vô địch xứ Nghệ về, đưa những cầu thủ tài năng nhưng ngỗ nghịch kiểu Hữu Đang, Mạnh Dũng… về phố núi cùng cuộc chuyển nhượng đình đám nhất lịch sử bóng đá Đông Nam Á thời bấy giờ với bộ đôi người Thái Kiatisak - Chukiat đến HAGL.

Dream team HAGL năm 2002 đá đâu thắng đó và cú santo của Kiatisak sau mỗi bàn thắng được ghi dấu trên khắp sân cỏ cả nước. HAGL vô địch hạng nhất và bước lên V-League trong sự nể phục và cả thèm thuồng của nhiều đội bóng hạng chuyên nghiệp.

Tân binh HAGL dự V-League hai mùa bóng liền 2003 và 2004 đều vô địch tuyệt đối. Bầu Đức biến HAGL thành đội bóng đáng xem nhất, mà đỉnh điểm là trận cuối mùa bóng với Nam Định trên sân Thiên Trường đang xây dở dang. Người xem leo cả lên giàn giáo, đu lên cần cẩu chỉ vì muốn xem HAGL thi đấu.

Có hai chức vô địch rồi, bầu Đức bắt đầu nghĩ xa hơn, mới hơn. Ông sang Anh, gặp giáo sư Wenger của Arsenal và tìm hiểu mô hình hợp tác với Học viện JMG. Mọi thứ được ông quyết rất nhanh. Học viện cần cơ ngơi, ông phá liền 7ha cao su để xây dựng trường cho đám trẻ ăn, ngủ và học đá bóng.

Bầu Đức hết hứng thú?

Nói bầu Đức chi đậm cho bóng đá để đổi lấy niềm vui cũng đúng mà nói bóng đá cho lại ông nhiều cũng không sai. Từ một doanh nghiệp tư nhân chuyển sang công ty cổ phần, cổ phiếu HAGL cũng "xanh" theo bóng đá. 

Những năm 2013, 2014 khi lứa cầu thủ học viện khóa I của bầu Đức bắt đầu thoát chân trần, xỏ giày thi đấu thì cũng là lúc cái tên HAGL thành hàng hot. Thậm chí các sân, các giải khi ấy muốn kéo khán giả đến vỡ sân hay cháy vé đều phải gắn cái tên U19 HAGL vào. 

Đội U19 đấy cũng chiếm tỉ lệ rất lớn trong lứa U19 Việt Nam nổi đình nổi đám ở sân chơi Đông Nam Á sang châu Á, thậm chí là chấp tuổi đá U21 quốc tế cũng vô địch và đến đâu "vỡ sân" đến đấy.

Chuyên làm những điều mới mẻ là đặc sản của bầu Đức, và nhờ đó mà cái tên HAGL đã đình đám suốt 22 năm liền. Vậy vì sao bây giờ ông bầu này lại chấp nhận gắn thêm cái tên LPBank vào - một cách làm rất cũ kỹ?

Trong số 14 đội bóng chuyên nghiệp đá V-League hiện nay, HAGL là một trong những đội hiếm hoi chỉ tiêu tiền của ông chủ, của doanh nghiệp. Nó khác rất nhiều so với các đội bóng tuy là chuyên nghiệp nhưng vẫn lệ thuộc nhiều vào Nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước.

Đội bóng bầu Đức không có kiểu sở hữu miếng đất đắc địa hay có được dự án thơm thì phải có trách nhiệm tài trợ nuôi đội bóng của tỉnh hay đơn vị. Đội bóng của bầu Đức cũng không có kiểu "con khóc" thì xin "tỉnh" hỗ trợ không bằng nguồn này thì nguồn khác với lý do đội bóng là của tỉnh, của địa phương... Đó là cái hay của một đội bóng chuyên nghiệp nhưng với xu hướng làm bóng đá Việt Nam thì lại là gánh nặng rất lớn.

Gánh nặng đấy đã làm bầu Đức mệt mỏi khi nhìn vào đội bóng. Điều mà khi ở thế thượng phong, là phó chủ tịch VFF, ông từng tuyên bố một mùa giải mỗi CLB chỉ tiêu tốn 15-25 tỉ chứ không như nhiều đội xài đến 70-100 tỉ. 

Lúc vui, có lẽ ông quên đội bóng của mình tiêu ít là do khung chuyên nghiệp HAGL lúc đó lấy từ lứa cầu thủ ông đào tạo và sử dụng đến tuổi 28, khác với nhiều đội phải mua và trả lương lẫn lót tay giá cao cho nhiều cầu thủ.

Khi bầu Đức "đuối" với bóng đá

Hơn ai hết, bây giờ thì bầu Đức thấy rất rõ khi lứa cầu thủ con cưng ở khóa I của ông đủ tuổi ra đi như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy… để lại một khoảng trống lớn cho HAGL. 

Ông từng nghĩ đến những cầu thủ khóa II, khóa III nhưng đấy lại là những bài toán hoàn toàn khác liên quan đến chất lượng đào tạo, nhất là khi những cái tên uy tín đứng chung trong học viện của ông trước đây đã dần rút ra. 

Cũng cần nhớ công thức đào tạo của Arsenal JMG là sàng lọc để tìm 1-2 cầu thủ tốt nhất trong mục tiêu đào tạo cầu thủ để mua bán sang thị trường châu Âu, chứ không phải nguyên một đội bóng.

Đầu tư của một doanh nghiệp vào một CLB bóng đá luôn bắt đầu từ câu hỏi đơn giản nhất: Tiền đâu để nuôi đội bóng? Nhìn vào những con số trên sàn chứng khoán và trên thương trường thì ai cũng thấy bầu Đức đang rất khó khăn và tất nhiên khó khăn đấy kéo theo phần uể oải của ông chủ với đội bóng.

Cái tên HAGL tồn tại suốt 22 năm giờ phải chấp nhận gắn thêm tên là vì thế. Một biện pháp cứu vãn hay nói đúng hơn là chừa chỗ cho một ông chủ mới đứng vào và có trách nhiệm chia sẻ, cũng đồng nghĩa chia quyền lực.

Bây giờ thì rất nhiều người tự hỏi một Kiatisak lịch lãm từng là một phần của HAGL nay lại có phần lép vế trước "vua trụ hạng" Vũ Tiến Thành mới được bồi thường hợp đồng ở TP.HCM nay lại nhận toàn chức to ở HAGL và điều đó có phải vì ông chủ thực ngày nào bị chia quyền lực.

Những ai từng yêu HAGL, yêu bóng đá đẹp và yêu một ông chủ có tâm với bóng đá giờ có quyền lo khi đội bóng mình yêu thích buộc phải song hành với một ông chủ từng bỏ giải và giải tán đội bóng mùa 2013 (CLB Sài Gòn Xuân Thành).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận