"Không chỉ có hai phía trong cuộc xung đột tại Ukraine"

JAN OBERG 10/03/2014 02:03 GMT+7

TTCT - “Tôi thất vọng khi đọc tin về Ukraine” - tiến sĩ người Đan Mạch Jan Oberg, giám đốc Quỹ hòa bình và nghiên cứu tương lai xuyên quốc gia (Transnational Foundation for Peace and Future Research, trụ sở tại Lund, Thụy Điển), đã thốt lên như thế trong một thông tin báo chí gửi TTCT.

Chạy đua tìm giải pháp cho Ukraine
Ukraine trong cuộc chiến thông tin
Obama thúc giục Putin theo đuổi biện pháp ngoại giao cho Ukraine

Tiến sĩ Jan Oberg

Ông cho rằng cách đưa tin của báo chí phương Tây hiện nay về Ukraine quá đơn giản, thiên kiến, không đáp ứng được nhu cầu được biết thông tin đầy đủ, trung thực, nhiều phía của công chúng. Được sự đồng ý của ông, TTCT trích dịch bài viết này.

“Tôi không phải là chuyên gia về Ukraine, thậm chí chưa từng đến đó. Giống nhiều triệu công dân khác, tôi dựa vào các bản tin truyền thông để tìm hiểu những diễn biến khá nghiêm trọng ở đó. Và tại sao tôi lại thấy thất vọng trước những gì nhận được? Tại sao tôi vẫn còn quá nhiều câu hỏi sau nhiều tuần đọc các bản tin báo chí? Và nếu vậy, liệu những công dân chỉ có vài phút mỗi ngày lên mạng đọc tin sẽ nắm được gì (ngoài việc Putin là gã xấu)?

Đây là một cuộc xung đột, phải thế không?

Tôi rất muốn hiểu những chiều kích bên trong Ukraine, những khía cạnh của Liên minh châu Âu (EU), Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tất cả những chuyện vẫn đang xảy ra liên quan gì tới các phát triển toàn cầu như chính sách ngoại giao của Mỹ, sự mở rộng của NATO kể từ kết thúc Chiến tranh lạnh, các lợi ích chiến lược của Nga và quan hệ Nga - NATO. Và Trung Quốc cùng các nước BRICs ở đâu trong câu chuyện này?

Về mặt đối nội chẳng hạn, tôi muốn tìm hiểu bố cục sắc tộc và địa lý, vai trò của người Nga - và không ít vai trò trong đó là người Do Thái - cũng như những quan hệ lịch sử giữa Nga và Ukraine.

Còn trong một tầm nhìn ngắn hơn là từ khi nào phương Tây bắt đầu thấy Ukraine như một quốc gia hấp dẫn? Tại sao G. Bush cha và James Baker (ngoại trưởng Mỹ thời G. Bush cha - LND) hứa với Mikhail Gorbachev là phương Tây sẽ không bao giờ mở rộng tới biên giới Nga, cũng như bằng cách nào mà NATO trở thành một vấn đề ở Ukraine từ năm 1995?

Sẽ rất thú vị nữa nếu biết được từ truyền thông về việc như thế nào - cũng như ở bất cứ đâu - khi việc quản lý kinh tế yếu kém và một cuộc khủng hoảng toàn diện sẽ tạo nên sự bất mãn chung, tâm trạng bài Do Thái và chủ nghĩa Quốc xã mới?

Và tại sao điều đó lại được đưa quá ít trên báo chí phương Tây? Tại sao những khía cạnh nền rất quan trọng đó lại dễ dàng bị diễn dịch một cách đơn giản hóa thành thái độ chống hoặc ủng hộ Nga?

Vấn đề an ninh và tính hợp pháp

Tôi cho rằng thế giới truyền thông do Mỹ thống trị đã tỏ rõ sự thấu hiểu nhu cầu an ninh Mỹ, các nền tảng cũng như chủ nghĩa can thiệp toàn cầu nhân danh an ninh quốc gia Mỹ, nhưng lại hiểu rất ít rằng Ukraine quan trọng, thậm chí là thiết yếu như thế nào đối với Nga về mặt chiến lược, lịch sử, văn hóa; và rằng có một giới hạn, một biên giới mà tại đó những lợi ích của phương Tây cần phải dừng lại? Sau rốt thì chữ Ukraine nó có nghĩa là “biên giới” mà.

Tôi không hiểu tại sao Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại nói về việc nhân dân Mỹ ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập Ukraine (trời ạ, trong đó gồm các võ sĩ quyền anh, bọn côn đồ, những nhà dân tộc, những kẻ chống Nga, bọn Quốc xã mới và bài Do Thái) và lại còn nói những lời đe dọa Nga về việc không được can thiệp quân sự vào các nước có chủ quyền - cứ như là chính Mỹ chưa từng bao giờ làm (can thiệp) vậy, đặc biệt là (ở những nơi) rất xa nước Mỹ.

Lạ thật, sao các nhà báo không hỏi ông ta nói thế là có nghĩa gì? Nói tóm lại, sao truyền thông không đặt câu hỏi là sự an ninh cho nước Mỹ đó, hợp pháp tới đâu?

Lời chửi thề và việc thay đổi chế độ

Còn một tường thuật tôi không thấy trên báo chí chính thống phương Tây, đó là chuyện Washington tài trợ cho việc thay đổi chế độ. Trên Internet bạn có thể tìm thấy các báo cáo về những hoạt động vụng trộm, về ngoại giao phi chính thức và việc tài trợ hàng loạt từ các định chế Mỹ nhằm đạt được những gì vừa xảy ra.

Đấy, bạn có thể đọc thấy trợ lý ngoại trưởng Mỹ (thời Reagan) Paul Craig Roberts (*) nói về vấn đề này, cho biết Mỹ đã chi

5 tỉ USD cho việc can thiệp và làm suy yếu Chính phủ Ukraine ra sao. Chúng ta cũng biết câu chửi thề nổi tiếng của bà trợ lý Victoria Nuland khi nói chuyện với đại sứ Mỹ ở Kiev Geoffrey Pyatt... Điều hiển nhiên từ đoạn băng này là Mỹ luôn luôn dính líu trong việc môi giới thay đổi chế độ ở cấp cao nhất.

Và khó mà đưa ra thỏa thuận nếu không có lợi ích của Mỹ. Đoạn băng này quan trọng ở chỗ đó là một bằng chứng cho việc thay đổi chế độ hơn là từ chửi thề nọ...

Crimea

Chắc chắn sẽ rất hữu ích nếu truyền thông với tham vọng đóng góp vào việc tăng hiểu biết của cộng đồng, chú trọng vào lịch sử Crimea, quy chế đặc biệt cũng như tầm quan trọng của nó. Crimea được lấp đầy bởi tầng tầng lịch sử và có quy chế của một cộng hòa nghị viện tự trị quan trọng trong lòng Ukraine, được lãnh đạo bởi hiến pháp và là nơi trú đóng của hạm đội Biển Đen của Nga.

Có ai giải thích cho chúng ta tất cả điều đó có nghĩa gì? Có vẻ như chẳng ai cả. Góc nhìn đó sẽ yêu cầu một tài năng sư phạm lẫn nghiên cứu, trong khi quá dễ khi thay vì vậy, trỏ vào kẻ - xấu - Putin (**) đang “lên gân cơ bắp Nga” (công thức này được lặp lại trên hàng nghìn tiêu đề của Google). Điều đó đòi hỏi kiến thức về mọi thứ và không được thiên vị.

Tôi tự hỏi ngài Kerry sẽ làm gì nếu có gì đó đe dọa biên giới Mỹ hay một phương tiện hàng hải quan trọng của Mỹ?

Người Ukraine có nhiệt thành với EU và NATO không?

Wikipedia là nguồn được nhiều người sử dụng, sẽ kể cho bạn về rất nhiều cuộc thăm dò thời gian qua, rằng có vẻ như việc người Ukraine chống lại tư cách thành viên NATO đã tăng gấp đôi 10 năm qua và hiện chiếm tỉ lệ khoảng 70%.

Khi nói về mong muốn trở thành thành viên EU, Wikipedia thông báo cho chúng ta rằng nhiều nhất là 50% (muốn Ukraine gia nhập EU) và có 1/3 chống lại. Tôi không thấy điều này có nghĩa là người Ukraine quá mong muốn hội nhập vào phương Tây và cắt đứt quan hệ với Nga (***).

Truyền thông toàn tạo cảm tưởng rằng phe đối lập và hầu hết những người khác không thích nước Nga. Thật không đơn giản vậy. Trong 5 năm qua thái độ tích cực ở Ukraine đối với Nga đã dao động từ 70% đến 96%. Trong khi đó, thái độ tích cực của người Nga đối với người Ukraine dao động từ 34% đến 68%. Vì thế nếu những cuộc thăm dò này có giá trị gì đó và nếu chúng ta tôn trọng dân chủ, tại sao phương Tây - Mỹ/NATO/EU lại đẩy Ukraine về phía “chúng tôi”?

Liệu chúng tôi đã sẵn sàng nhận thêm một quốc gia có nhiều vấn đề như thế vào một khối cũng đang khủng hoảng và liệu có ai nghĩ chúng tôi vẫn có thể thuyết phục Nga rằng tất cả những gì NATO làm là vì lợi ích tốt nhất cho Nga? Cả với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo? Cả việc Nam Tư tan rã?

Giải pháp?

Giờ thì tôi cũng như mọi người muốn biết ai sẽ thực hiện nhiệm vụ chính của báo chí là tìm ra những giải pháp khả dĩ mà các phe đưa ra cho cuộc xung đột.

Cứ giả định là Ukraine hoặc phải thuộc về phạm vi ảnh hưởng của Nga hoặc bị xâu xé và thuộc về thế giới EU/Mỹ/NATO. Nhưng cũng chẳng cần óc sáng tạo để thấy rằng có thể kết hợp hòa bình cả hai giải pháp và rằng vấn đề không phải là các thế lực bên ngoài muốn hoặc yêu cầu cái gì, mà là 45 triệu người Ukraine muốn gì cho tương lai họ.

Chẳng khó khăn gì để báo giới rời mắt khỏi các bản tin phương Tây, chịu khó lướt mạng, tìm hiểu một chút và kiểm chứng những nguồn tin. Mà việc này thì dễ hơn trước rất nhiều.

Hãy nối các điểm chấm lại

Tôi cho rằng đã tới lúc nối các điểm chấm lại. Và nếu các chấm đó là những mảng thông tin nhanh, tôi muốn nhiều kiến thức và tính giáo dục hơn trong truyền thông - kết nối các chấm này lại thành những hình ảnh.

Và tôi luôn có cảm giác dai dẳng rằng tất cả mọi thứ phức tạp hơn những gì ta được kể, nó không đơn giản là chỉ trắng và đen! Các áp lực suốt từ năm 1989 (năm sụp đổ bức tường Berlin - TTCT) phải gây ra những phản áp lực chứ, phải không? Sự mở rộng thống trị của phương Tây và NATO kéo dài từ các nước cộng hòa Baltics đến Gruzia, giữ cho NATO sống sót và hạ thấp nước Nga phải chăng, trong một nhận thức muộn màng, là một ý tưởng thiển cận?

Không chỉ có hai phía trong xung đột Ukraine - không chỉ có một chính phủ và những người đối lập của nó, mà đó là một bức tranh khảm của những sự rối rắm mà chỉ có thể tháo dỡ và ổn định thông qua đối thoại và những nỗ lực thấu hiểu nhau - chấm dứt trò chơi quyền lực bao gồm cả việc phá hoại những chính phủ được bầu lên một cách dân chủ.

Tôi và các bạn đáng được phục vụ tốt hơn

Vâng, phải thừa nhận tôi không biết nhiều. Tôi đang nói như một công dân, không phải một chuyên gia. Tôi chỉ không thể bỏ khỏi đầu (suy nghĩ) rằng sự đơn giản hóa và tuyên truyền đã lấn át cách đưa tin dựa vào nghiên cứu, cách tường thuật dựa trên nhiều nguồn. Nhất là trong trường hợp Ukraine.

Dân chủ xứng đáng được đối xử tốt hơn. Báo chí tự do không có nghĩa là tự do lặp lại vô điều kiện tin tức từ các văn phòng báo chí phương Tây và bỏ rơi việc đào sâu hoặc dừng đặt câu hỏi phản biện. Người dân Ukraine cũng xứng đáng được phục vụ tốt hơn.

Vậy thì khi nào các bạn - những nhà báo thân mến - đưa ra một cách thức làm việc mới và cuối cùng, bỏ Chiến tranh lạnh lại phía sau?”.

(*): http://www.the-free-foundation.org/tst2-24-2014.html. Trong bài viết “Hãy để Ukraine yên”, cựu cố vấn Paul Craig Roberts tiết lộ chính quyền Mỹ đã tài trợ cho Cách mạng cam 2003 và chưa từ bỏ việc thay đổi chế độ nếu điều này chưa xảy ra, cho dù nhân dân Mỹ không muốn sự can thiệp này.

(**): http://www.thenation.com/article/178344/distorting-russia#

(***): http://en.wikipedia.org/wiki/Russia%E2%80%93Ukraine_relations

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận