Phim ảnh đang đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất

CÁT KHUÊ THỰC HIỆN 22/05/2013 22:05 GMT+7

TTCT - Có mặt ở TP.HCM trong sự kiện “Hành trình đến Cannes” của YxineFF, rộng lượng và dịu dàng hơn thời điểm ra mắt Rừng Na Uy ở Hà Nội, Trần Anh Hùng đã dành cho TTCT một cuộc trò chuyện về điện ảnh trẻ hôm nay từ góc nhìn của một đạo diễn nổi tiếng mà cái tên không chỉ nằm trong biên giới Pháp - Việt.

Phóng to
Đạo diễn Trần Anh Hùng - Ảnh: Gia Tiến

* Sự có mặt của anh ở Sài Gòn hôm nay đúng là bất ngờ lớn, vì tôi nhớ có lần anh nói nếu về VN thì sẽ về Hà Nội chứ không về Sài Gòn?

- (cười phá lên) Ồ, đừng có tin lời tôi. Hãy cảnh giác trước mỗi tuyên bố của tôi nhé. Lúc đó tôi đang làm phim về Hà Nội nên rất mê Hà Nội, nhưng nếu giờ đây tôi làm phim ở Sài Gòn chị cũng sẽ thấy tôi nói nhiều về Sài Gòn và chỉ về Sài Gòn thôi.

Tôi biết về YxineFF trước khi gặp Marcus Cường Vũ ở VIFF (Liên hoan phim quốc tế người Việt ở Mỹ) để nhận lời mời về đây cổ vũ cho Hành trình đến Cannes (Voyage à Cannes). Có người bạn đã gửi cho tôi xem một phim trên YxineFF, và tôi đã bấm vào đó xem mê mải, một cảm giác rất tham lam khi được xem rất nhiều phim ngắn, những thế giới phong phú, giàu có và đa dạng.

Hơn nữa, là một người làm phim tôi có lại cảm giác của thuở bắt đầu, cũng lại là cảm giác mở rộng cái nhìn về cách làm phim.

Các bạn trẻ VN hôm nay muốn nói cái gì, họ sẽ nói mà không áy náy gì nhiều về ngôn ngữ điện ảnh. Chính điều đó tạo ra chất rất tươi cho YxineFF. Nếu không có YxineFF, có lẽ nhiều đạo diễn cô đơn lắm, vì lấy đâu ra nơi có thể chấp nhận chiếu những phim ngắn của mình để được lắng nghe từ những tiếng nói chân tình như trong giữa gia đình mình vậy...

Kiểm duyệt - bí ẩn lớn

Dự án sắp tới của tôi (dự kiến sẽ quay vào năm sau) là một phim Pháp được chuyển thể từ một cuốn truyện mà tôi đọc được. Kịch bản chỉ có 57 trang nhưng phim sẽ chắc chắn dài hơn hai tiếng. Tôi sẽ tập trung vào sự sinh đẻ, về những người đàn bà có con... đó là câu chuyện kéo dài một thế kỷ (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20) về một gia đình giàu có người Pháp. Đây sẽ là thay đổi lớn trong cách làm việc và phong cách phim của tôi, một bước đi rất nguy hiểm để có thể sẽ là một phim tuyệt vời hoặc là một phim vứt đi.

Sẽ rất tốn tiền cho phục trang, hóa trang, bối cảnh. Và đi cùng với nó sẽ là những diễn viên rất nổi tiếng thì mới có đầu tư tốt, kéo lại được doanh thu...

* Từ cái thuở Xích lô, bỏ qua những lần ghé thăm, thì hôm nay trở lại Sài Gòn, cảm giác của anh như thế nào nhỉ? Vì chiều qua lúc trời đổ mưa, tôi bỗng chợt nhớ đến những cơn mưa trong Xích lô của anh...

- Ừ, chiều qua lúc trời mưa tôi đang ở một quán cà phê tên là Bâng Khuâng, nhìn sang bên kia, qua cửa sổ là một căn hộ với bức tường ướt mưa, tôi đã qua đó để gần sát hơn nữa hình ảnh ấy, và giống chị, cảm giác Xích lô cũng trở lại trong tôi bắt đầu từ mùi của nước mưa, mùi của trời mưa. Còn hơn thế, cái mùi ấy đưa tôi trở về thuở xa xôi hơn, khi lần đầu tiên tôi về VN để chọn cảnh cho Mùi đu đủ xanh (1992) trên đường Tú Xương... Tôi nhớ lắm...

* Nghĩa là Mùi đu đủ xanh đã từng "suýt nữa thì" quay ở VN thật sự thay vì một trường quay ở nước Pháp?

- Đúng thế, nhưng thời gian chúng tôi dành cho sự chuẩn bị quá ngắn, nên nếu quay ở VN thời điểm đó sẽ là mùa mưa lớn, sẽ phức tạp cho chuyện quay phim. Mà phim lại cần rất nhiều cảnh ngoại. Chúng tôi đã tính dựng một bối cảnh ngoài trời, thậm chí đã đổ một cái nền bằng ximăng để chuẩn bị cho việc này, nhưng vì mưa nên đành rút về Pháp hết.

Tiếc là gần 20 năm, giờ tôi không thể nhớ nổi con đường nào chúng tôi đã chọn để tính quay Mùi đu đủ xanh ngày xưa... Đó là lần đầu tiên tôi về VN, xúc cảm xáo trộn nhưng khó nói thành lời, mà cũng lâu ngày rồi... (cười)

* Chỉ đơn giản là mùa mưa chứ không phải vì một lý do "nhạy cảm" nào khác chứ?

- Đây cũng là một vấn đề với chính tôi. Ngay bây giờ tôi cũng rất muốn về VN để làm phim nhưng rất khó để kéo nhà sản xuất theo vì họ cũng ngại những vấn đề tương tự chị đang đặt ra. Với cá nhân tôi, chính nhà sản xuất của tôi cũng không có quyền đi vào bất kỳ nội dung nào trong kịch bản của tôi, họ bắt buộc phải theo ý tôi.

Và bởi vậy, các nhà sản xuất của tôi rất khó chịu với việc kiểm duyệt phim ảnh ở VN vì ngay như họ là những người bỏ tiền để sản xuất phim mà cũng không có quyền động chạm vào nội dung kịch bản của tôi được.

* Ðể bảo vệ cho quan điểm về kiểm duyệt thì các nhà quản lý điện ảnh Việt cho rằng ở nước ngoài cũng thế. Kinh nghiệm ở Pháp ra sao về chuyện này?

- Pháp có chứ, kiểm duyệt là sự phân loại phim theo lứa tuổi. Cũng có một thời gian họ kiểm duyệt về mặt chính trị, ví dụ như vấn đề với Algeria chẳng hạn, thì đã có một phim không cho ra, nhưng tới bây giờ những vấn đề tương tự không còn nữa. Tuy nhiên tôi lại nghĩ kiểm duyệt cũng có cái hay của nó ở chỗ tùy theo người ta kiểm duyệt cái gì. Chẳng hạn như một trong những nụ hôn đẹp nhất và dài nhất trên màn ảnh là nụ hôn mà Alfred Hitchcock đạo diễn trong Notorious, dài đến mấy phút.

Năm 1946, người ta cấm hôn trên màn ảnh dài quá ba giây, Cary Grant và Ingrid Bergman khi hôn nhau thì hôn chỉ đủ để không quá thời gian kiểm duyệt cho phép, rồi buông ra và hôn lại, buông ra hôn lại đến mấy lần như thế, vừa hôn vừa chuyển động đã tạo ra một đoạn phim rất tuyệt. Và đúng là nhờ cái lệnh cấm kỳ quặc mà bây giờ chúng ta có thể bật cười khi nghe giải thích vì sao người ta tạo ra được một đoạn phim hay như thế.

Dù vậy, tôi sẽ không thể biết được lời giải chính xác cho câu hỏi này của chị. Bởi vì chẳng có gì rõ ràng, nên phần kiểm duyệt của VN vẫn đang là một bí ẩn lớn đối với tôi!

Sự dũng cảm đang bị thử thách

* Ðiện ảnh Việt sau một khoảng thời gian khá "rạng rỡ" với các phim được thừa nhận về giá trị nghệ thuật ở một số liên hoan phim lớn thì khoảng hai năm nay dường như khá im ắng, mà lý do lớn nhất tôi được biết là vì không có tiền... Tín hiệu này có xấu không, thưa anh?

- Vâng, vì thế mà những người như Phan Đăng Di rất dũng cảm, có sự can đảm lớn vì Di bây giờ bắt buộc phải đi khắp thế giới để tìm tiền làm phim của mình. Cái này là tín hiệu xấu - rõ rồi. Nhưng nó không chỉ xấu với riêng VN. Hàn Quốc cách đây 10 năm phim nghệ thuật ấn tượng rất nhiều nhưng hiện tại chỉ còn lại vài người theo đuổi con đường họ chọn.

Nhật cũng vậy, phim hay rất hiếm, đa số là thương mại. Liên hoan phim Cannes năm nay, phim Đức, phim Anh, phim Tây Ban Nha không có mặt. Đó cũng là hệ quả của tín hiệu xấu mà chúng ta đang bàn. Và nó cũng như một sự thử thách đối với lòng dũng cảm của những ai dám theo đuổi công việc đạo diễn...

* Anh đã sống với điện ảnh gần 30 năm, anh thấy giai đoạn khó khăn về kinh phí sản xuất này có thể so sánh với thời kỳ nào trước đây?

- Hiện tại là khó nhất. Sự khó khăn đó cũng nằm trong công việc của tôi. Bây giờ tôi phải có nhiều dự án cùng một lúc để xem dự án nào có thể được. Trước đây tôi chỉ theo đuổi một dự án, bỏ công ra làm việc thì nó sẽ thành. Còn giờ thì có những dự án làm việc với nó căng thẳng trong hai năm trời để rồi lại bỏ đi.

* Phong trào làm phim ngắn ở VN khoảng mấy năm gần đây dường như mãnh liệt hơn bao giờ, nhưng ít người trong số họ đi đường dài. Làm cách nào để thoát ra được, thưa anh?

- Tôi thấy có một sự thú vị ở VN là nhiều người có nhiều tài, có người vui khi làm phim nhưng nếu ngưng làm phim họ sẽ làm kiến trúc, viết sách... Nếu họ vui với đời sống như thế thì họ cứ tiếp tục, tại sao phải bắt họ làm phim. Tôi thì chán vì chỉ biết làm phim thôi, giả sử bắt tôi cầm bút vẽ một đường trên giấy thì đường vẽ đó cũng chết từ đầu, chẳng ra cái gì cả! Tôi buộc phải làm phim.

* Trong những khoảng nghỉ giữa các bộ phim đang quay, anh xem phim theo cách nào?

- Bây giờ thì con tôi lớn lên, tôi xem phim nhiều hơn, đủ các dạng phim, các thể loại phim chứ không còn khó tính như trước. Tôi đi xem phim giải trí rất nhiều, đó không phải là một thế giới mới với tôi đâu. Toàn là những thứ cũ kỹ cả. Lúc mình xem cũng có những kích thích nhưng ra khỏi rạp thì chẳng đọng lại dư vị gì đáng kể, quên hết.

* Chẳng lẽ không có phim nào gần đây làm anh đau đớn nữa ư?

- Có chứ, đó là The tree of life (Cây đời - đạo diễn Terrence Malick). Một phim làm tôi thất vọng đến đau đớn. Dù rằng The new world - tác phẩm cũng làm tôi đau đớn nhưng là sự đau đớn trước một tuyệt tác - tôi đã nghĩ Terrence Malick sẽ khó mà vượt qua được phim này.

* Tôi nhớ bài báo đầu tiên viết về anh ở VN, anh có nói anh ngồi chông chênh trên chiếc ghế giữa Pháp và Việt. Còn bây giờ thì sao?

- Bây giờ vẫn vậy, khi tôi đi lại giữa Pháp và Việt, tôi cũng không rõ cảm xúc của mình rằng đâu thật sự là "nhà" của tôi. Thì tôi vẫn nói là về VN đấy. Bây giờ đời sống càng lúc càng buộc tôi phải ở bên Pháp. Tụi nhỏ đã lớn lên và tôi muốn chúng học bên Pháp. Nên các lựa chọn công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Như sang năm, vì Lãng Khê con tôi sẽ thi tú tài nên phim tới của tôi cũng sẽ là một phim Pháp.

* Anh lại một lần nữa từ chối Nỗi buồn chiến tranh, dù đã có nhiều người muốn đặt vào tay anh, tại sao?

- Có quá nhiều cái khó để vượt qua. 20 triệu đôla kinh phí sẽ là không đủ. 40 triệu thì có thể để có những cảnh chiến tranh, cảnh chết chóc. Diễn viên thì không chỉ có hai nhân vật mà rất nhiều, một nhóm lính sẽ phải có tất cả mọi người đều hay, chừng đó diễn viên hay thì tế nhị lắm ở VN mình...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận