Doanh nghiệp kêu khổ vì lún

QUANG KHẢI 23/04/2012 21:04 GMT+7

TTCT - Tại cụm công nghiệp Việt Tài (khu vực đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TP.HCM), nhà xưởng của nhiều công ty đã lún thấp hơn mặt đường 50-60cm.

Ông Hồng Tập Quân, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Phước Nguyên (chuyên sản xuất các thiết bị điện), cho biết nhà xưởng được xây dựng từ năm 2001, qua mỗi năm hoạt động tình trạng lún diễn ra ngày càng rõ.

Phóng to
Khu vực bậc tam cấp bị lún xuống khoảng 20cm so với nền nhà khối văn phòng Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Phước Nguyên - Ảnh: Q.K.

Chỉ tay về khu vực đặt máy móc sản xuất, ông Quân cho biết: “Lúc mới xây dựng, khu vực này bằng với thềm trước nhà xưởng nhưng giờ thấp hơn 60cm”. Toàn bộ mặt bằng xung quanh nhà xưởng xuất hiện tình trạng lún, làm gãy, hư một số công trình ngầm như hệ thống thoát nước, cáp điện, công ty đã phải hai lần bỏ chi phí sửa chữa.

“Lún tới đâu thì tính tới đó chứ giờ không thể ngưng hoạt động, di chuyển máy móc thiết bị để nâng nền được vì như thế sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí” - ông Quân cho biết.

Cách đó không xa, tại Công ty TNHH dịch vụ - thương mại Phương Dung (ngành sơn tĩnh điện, địa chỉ 207/63D), nhiều thợ hồ đang vận chuyển cát đá để trộn bêtông nâng cao trình trước sân.

Theo chị Võ Trần Nhất Linh (quản lý nhà xưởng), vài năm qua đã có hiện tượng lún làm khu vực nhà xưởng thường xuyên bị ngập nước mỗi khi có mưa (do thấp hơn mặt đường) hay triều cường. “Thiết bị máy móc đã được lắp đặt cố định nên chưa nâng nền được, chúng tôi đã đề nghị chủ mặt bằng xây bờ bao tạm xung quanh nhà xưởng và chỉ nâng nền phía trước sân đề phòng nước tràn vào”, chị nói.

Dạo một vòng xung quanh cụm công nghiệp này, chúng tôi thấy mặt bằng hầu hết nhà xưởng, công ty đều thấp hơn mặt đường 30-50cm. Nhà nhiều hộ dân xung quanh cụm công nghiệp cũng trong tình trạng tương tự. Một người dân lâu năm ở đây cho biết khu vực này trước đây vốn là vùng trũng thấp, chủ yếu là ao, đìa. Sau đó người dân bỏ tiền mua đất phân lô bán, cho các công ty, xí nghiệp thuê để xây dựng mặt bằng làm nhà xưởng.

Việc có quá nhiều vật nặng hoạt động trên nền đất yếu có thể là nguyên nhân gây lún tại khu vực này.

__________

Trả lời thắc mắc của một số bạn đọc về quan điểm vì sao nên phát triển TP.HCM về hướng Biên Hòa, Đồng Nai mà không phải về hướng Bình Dương, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khẳng định: “Giai đoạn đầu, TP.HCM phát triển giãn dân về hướng Đồng Nai (hướng TP Biên Hòa) là khả thi nhất”. Ông giải thích: hướng này có thế đất cao, lại gần nguồn nước nên thuận tiện cho việc cấp nước, cấp điện cho dân.

Hiện nay, nối giữa TP.HCM với Biên Hòa hay Bình Dương chỉ có tuyến quốc lộ 1A hoặc quốc lộ 13 là chưa đủ, cần có tuyến metro hoặc xe buýt thường xuyên (khoảng 5 phút/chuyến). So sánh hai nơi, việc kết nối giữa Biên Hòa và TP.HCM dễ dàng hơn do tuyến này đã có đường rộng, dễ tổ chức tuyến xe buýt thường xuyên mà không cần đầu tư quá nhiều tiền.

TP.HCM tổ chức gom xe tải vào đường vành đai, tránh tập trung vào xa lộ Hà Nội. Hạ tầng về hướng Biên Hòa cũng là tốt nhất, đất không mắc, vị trí không xa nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn. Bên cạnh đó, phía Biên Hòa có cụm đại học, ít nhất thu hút 1-2 triệu người dân. Đây cũng là hướng phát triển công nghiệp nhẹ (thường đi liền với đại học - nghiên cứu) sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm hơn. Nếu bệnh viện phát triển về hướng này thì người dân sẽ giãn dần theo.

Bình Dương thiếu liên kết với TP.HCM nên nhiều chuyên gia làm việc ở Bình Dương nhưng lại về TP.HCM ở vì theo họ, Bình Dương không có (dịch vụ) gì ngoài việc làm. Những chuyên gia giỏi không ở Bình Dương vì đời sống ở đây không bằng TP.HCM. Ngược lại, công nhân không đủ tiền để mua nhà cao cấp mà Bình Dương lại không có nhiều nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nếu phát triển TP.HCM về hướng Biên Hòa thì vừa giúp Biên Hòa, vừa giúp Bình Dương vì cả hai đều phải phát triển dựa vào TP hạt nhân của vùng là TP.HCM và ba địa điểm này đều nằm trong vùng phát triển TP.HCM. Nếu Biên Hòa phát triển thì Bình Dương sẽ phát triển theo.

Bình Dương thu hút công nghệ, Biên Hòa thu hút công nghiệp thì yếu tố đầu tiên là việc làm. Chính vì thế, nếu Bình Dương không kết nối với TP.HCM thì 20 năm nữa mới phát triển được. Trong quan hệ này, Bình Dương và Biên Hòa nên kết nối với nhau và với TP.HCM chứ không nên cạnh tranh nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận