Cửa hẹp cho nhà nghiên cứu trẻ

TTCT - Đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học từ lâu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ít nhiều không gian cho nghiên cứu khoa học trẻ đã được mở và nuôi dưỡng trong điều kiện hạn hẹp.

Nhưng những người trẻ cũng lần lượt già đi mà vẫn còn nhiều giấc mơ khoa học dang dở, lắm ưu tư.

TS Nguyễn Ngọc Dũng, giảng viên bộ môn ôtô - máy động lực, hướng dẫn học viên - sinh viên thực hiện nghiên cứu ứng dụng xăng pha cồn trên động cơ xe gắn máy - Ảnh: T.T.D.

Trở về từ Nhật Bản với tấm bằng tiến sĩ, Nguyễn Ngọc Dũng - giảng viên trẻ của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đầy hăm hở cho một chặng đường mới. Bảy năm quyết định đeo đuổi con đường làm nghiên cứu, Dũng bảo không dễ yên tâm làm việc nếu không có sự hỗ trợ lớn từ… vợ. Về nước, anh làm tư vấn cho một vài công ty, nhưng cuối cùng vẫn chọn con đường quay lại trường, bởi “môi trường ngoài nhà trường không thể nào phù hợp cho một người thích nghiên cứu như mình” - anh kể.

Thực tế công việc trong môi trường ĐH ở VN là một thử thách lớn với Dũng cũng như nhiều người trẻ giống anh. “Cơ chế cho người trẻ làm khoa học à? Làm gì có. Tôi hoàn toàn không thấy điều đó” - tiến sĩ Dũng thẳng thắn. Trường ĐH nào cũng có hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, nhưng hầu hết vẫn đang nặng về đào tạo, cán bộ - trẻ hay già - do vậy chỉ tập trung giảng dạy, thời gian cho nghiên cứu không nhiều.

Tài chính cho nghiên cứu khoa học cũng là một rào cản đáng kể: một đề tài chỉ được cấp vài chục triệu đồng lại đòi hỏi phải có kết quả, sản phẩm cụ thể, khiến ngay cả những người háo hức tìm tòi nhất cũng phải e ngại. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hoàng - giảng viên một trường ĐH chuyên ngành kinh tế - cũng phàn nàn về điều này: “Vì vậy mà nhiều khi chúng tôi phải làm ra những sản phẩm mang tính đối phó”.

Đang làm việc tại phòng thí nghiệm MANAR (Molecular and nano architecture - Cấu trúc kích thước phân tử và nano) trong một dự án đào tạo tiến sĩ liên kết giữa ĐH Quốc gia TP.HCM với UCLA (University of California, Los Angeles, Mỹ), kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng cho rằng những người trẻ làm khoa học đang đối diện cùng lúc nhiều áp lực lớn, từ chứng minh hướng nghiên cứu của mình là mới mẻ và khả thi đến khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo trong điều kiện kinh phí dành cho nghiên cứu hạn hẹp, nhất là tình trạng thiếu liên kết trong nghiên cứu.

“Việc sử dụng kết quả nghiên cứu của nhau để tìm ra hướng mới gần như rất hiếm nếu không muốn nói là không có, đây là lãng phí lớn trong khoa học. Có những điều người ta đã tìm ra rất lâu nhưng vì ở ta vẫn thường tự ai nấy làm, có người lại đi tìm tòi, nghiên cứu lại từ đầu”, anh nói.

Bao giờ đạt tới giấc mơ?

Thạc sĩ Nguyễn Đình Vượng - giám đốc trung tâm nghiên cứu thủy nông và cấp nước, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - cho biết chừng chục năm trước, số kỹ sư trẻ làm việc tại viện chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng hiện đã lên gần 100 người. Tuy vậy, số cán bộ trẻ đứng tên chủ nhiệm đề tài, dự án còn khá khiêm tốn vì “dự án của viện thường khá lớn nên cán bộ trẻ chỉ có thể tham gia trong từng nhánh nghiên cứu”.

Những kỹ sư trẻ của viện góp sức trong các đề tài cấp bộ như thạc sĩ Nguyễn Trọng Tuấn (Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thủy lợi) không nhiều. Tuấn từng tham gia nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ thiết kế và thi công kết cấu cống lắp ghép ở đồng bằng sông Cửu Long”, nhận bằng sáng chế của Bộ KH-CN năm 2009.

Tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, các kỹ sư, thạc sĩ trẻ cũng chỉ được duyệt và làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở, số đứng tên đề tài cấp tỉnh rất ít dù họ là lực lượng chiếm 2/3 nhân sự của viện.

Đang thực hiện đề tài chọn lọc dòng thuần ớt cay phục vụ công tác lai tạo giống giai đoạn 2012-2014, kỹ sư nông học Lê Thị Huệ (phòng nghiên cứu kỹ thuật canh tác) tự lý giải rằng trong nghiên cứu khoa học, cái khó nhất là “thương hiệu” mỗi cá nhân. “Đề tài cấp cơ sở mà nếu không có kỹ năng thuyết minh tốt cũng khó được duyệt”. Thực tế này cũng phản ảnh chuyện “cây đa cây đề” trong giới nghiên cứu khoa học còn khá phổ biến, mà lý giải thường là “nhà khoa học đi trước “kèm cặp”, giúp đàn em tích lũy kinh nghiệm”.

“Đánh giá cán bộ trẻ nên không chỉ trên quá trình giảng dạy mà nhất thiết phải trên cả thành quả khoa học, là các bài báo công bố quốc tế và dự hội thảo khoa học. Tiếc là điều này đang bị xem nhẹ. Hầu như rất ít hoặc không có kinh phí dành cho việc dự hội thảo quốc tế, nhiều hội thảo tôi có bài báo khoa học mà cũng phải tự tìm hỗ trợ mới đi dự được” - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, người có bốn bài báo trên tập san ISI (các tập san khoa học uy tín, được công nhận trong danh mục của Thomson ISI - Viện Thông tin khoa học) đề nghị.

Chờ đợi bứt phá

Ra đời 14 năm nay, năm nào giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka của Trung tâm khoa học và công nghệ trẻ (thuộc Thành đoàn TP.HCM) cũng có thông báo “số đề tài đăng ký tham dự nhiều hơn năm trước”. Nhưng trung tâm nhiều năm qua vẫn rất khó khăn trong việc làm cầu nối cho các kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp. Thạc sĩ Đoàn Kim Thành - giám đốc trung tâm - thừa nhận anh cũng không quá trông đợi một kết quả bất ngờ.

“Đó là một khoảng cách không dễ gì thu hẹp. Bởi tâm lý chung doanh nghiệp muốn ứng dụng ngay, tạo ra sản phẩm cụ thể trong khi đề tài nghiên cứu của sinh viên phần lớn chỉ là bước đầu, muốn phát triển cần đầu tư sâu hơn”. Mới đây, trung tâm đã gửi đi khoảng 500 thư giới thiệu các đề tài đoạt giải Euréka đến các doanh nghiệp với hi vọng tìm được sự hợp tác, song đến nay vẫn không có hồi âm nào.

Trong vài năm qua, Thành đoàn và Sở KH-CN TP.HCM đã cùng thực hiện chương trình “Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ”, mở cửa cho tất cả bạn trẻ dưới 35 tuổi nghiên cứu khoa học. Thạc sĩ Thành cho biết mỗi năm có khoảng 150 đề tài đăng ký và khoảng 20-25 đề tài được duyệt, với kinh phí khoảng 80 triệu đồng/đề tài. Một cuộc thi về “Ý tưởng sáng tạo trẻ” hằng năm cũng được mở ra cho tất cả người trẻ để khích lệ những ý tưởng có thể trở thành tiền đề nghiên cứu khoa học.

Mới đây, trung tâm lại cho ra mắt chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện”, tập hợp nhiều trí thức trẻ ở các lĩnh vực, các khu vực công tác tham gia tư vấn, nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức khoa học phổ thông cho bà con vùng ven, ngoại thành.

Nhưng những gì mà một tổ chức thanh niên có thể làm rất khó tạo ra sự đột phá trong việc hỗ trợ người trẻ làm khoa học, bởi nhân lực và ngân sách có hạn. Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ cũng chỉ đóng vai trò quản lý hành chính về phong trào làm khoa học của tuổi trẻ TP là chính. Đòi hỏi của một số người làm quản lý khoa học về “sản phẩm cụ thể, ứng dụng thực tế” kết quả nghiên cứu khoa học của lực lượng trẻ, thậm chí có ý kiến còn cho rằng mỗi năm đầu tư tiền tỉ cho khoa học trẻ là hơi tốn kém... cũng là những rào cản lớn.

“Nếu nhìn từ một góc khác, khi sự đầu tư hôm nay đã trợ lực cho nhiều người trẻ trở thành những nhà khoa học được ghi nhận như Từ Diệp Công Thành (một trong những PGS trẻ nhất VN), Trần Minh Triết (khoa CNTT - ĐH KHTN TP.HCM), Vũ Thị Hạnh Thu (khoa vật lý - ĐH KHTN TP.HCM)… thì công đoạn đầu của tổ chức Đoàn hay trung tâm là tạo ra một không gian cởi mở, khích lệ nghiên cứu khoa học trong giới trẻ cũng đã đạt được ít nhiều thành công. Phát triển tiếp theo thế nào phải là nhiệm vụ của các cấp cao hơn, những người quản lý khoa học của TP và cả nước” - anh Thành nói.

Kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã - Ảnh: Quốc Linh

Nữ kỹ sư nông lâm Nguyễn Thị Trang Nhã kể khi giới thiệu thành quả nghiên cứu lai tạo thành công loại cây cho cà chua trên thân và khoai tây dưới gốc tại một hội nghị khoa học, cô nhận được rất nhiều lời khích lệ kèm theo hứa hẹn tiếp quản, chuyển giao cho nông dân. Vậy mà chờ mãi rồi gõ cửa khắp nơi cũng chẳng thấy câu trả lời. Nay Nhã âm thầm tự trồng tại vườn nhà và hướng dẫn cho ai có nhu cầu.

“Kết quả khoa học không thể ích kỷ, mình cũng không ngại chuyển giao vì phải nhân rộng mới kiểm nghiệm được kết quả thật sự của nghiên cứu nhưng cách làm việc như thế khiến mình hơi nản” - Nhã bộc bạch. Cô vẫn đang tiếp tục tìm hướng đi mới bởi “nó là đứa con tinh thần, là thành quả khoa học đầu đời nên dù không ai hỗ trợ, mình vẫn phải tìm cách hoàn thiện”.

“Không thể cứ mãi “dàn hàng ngang”, “tất cả cùng tiến” như hiện nay mà cần có chọn lọc và ưu tiên khi đầu tư cho người trẻ làm khoa học. Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ ban đầu một khoản tiền đủ để cán bộ trẻ có kinh phí tìm tòi, nghiên cứu khi chưa được giao bất kỳ đề tài nào. Ở VN, nguồn lực dù hạn chế nhưng không phải không thể làm được như vậy.

Tôi vẫn nghĩ rằng phải đặt niềm tin vào người trẻ vì họ chính là tương lai của khoa học. Vì sao nhiều bạn trẻ khi học ở nước ngoài được đánh giá rất cao nhưng về nước lại không phát huy được năng lực, sở trường? Ở ĐH Quốc gia TP.HCM, mỗi năm ngân sách dành 80 tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học, nếu chia bình quân cho khoảng 2.500 cán bộ thì mỗi người có chưa đến 40 triệu đồng/năm. Thử hỏi, liệu bao nhiêu phần trăm trong số ấy có phần của người trẻ để nghiên cứu cho “ra ngô ra khoai” đây?”.

__________

“Thành quả khoa học của trường thời gian gần đây rất đáng kể, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người trẻ” - PGS.TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), trao đổi với TTCT.

* Nhiều người trẻ đam mê nghiên cứu và gặp trở ngại không ít vì thiếu kinh nghiệm, kinh phí. Cơ chế nào để giúp họ, thưa ông?

- Chúng tôi giải quyết vấn đề này bằng bốn nhóm giải pháp. Thứ nhất, mỗi năm dành 2% từ nguồn thu học phí đầu tư cho cán bộ trẻ chưa có đề tài, khoảng 1 tỉ đồng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh hoàn thành đề tài, 600 triệu đồng cho nghiên cứu khoa học. Sinh viên, cán bộ trẻ có báo cáo khoa học dự hội thảo quốc tế được hỗ trợ 50% vé máy bay khứ hồi, những tác giả có bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế được khen thưởng kịp thời.

Thứ hai, nguồn đề tài từ ĐH Quốc gia, đặt hàng của các tỉnh thành, doanh nghiệp (đang có xu hướng gia tăng), chúng tôi phân bổ cho cán bộ trẻ phù hợp năng lực.

Thứ ba, ngoài phần chi của ngân sách hằng năm cho các phòng thí nghiệm (hiện có hai phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và bốn phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐH Quốc gia đặt tại trường), nhà trường duyệt chi hơn 4 tỉ đồng/năm đầu tư trang thiết bị cho những phòng thí nghiệm có thành tích nghiên cứu tốt.

Thứ tư, chúng tôi hình thành các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu liên ngành vì xu hướng chung phải như vậy, không thể nghiên cứu riêng lẻ nữa…

* Khả năng ứng dụng thực tiễn trong đề tài của người trẻ chưa cao, điều này có phổ biến tại ĐH Bách khoa? Trường sẽ làm gì để việc nghiên cứu gần hơn với cuộc sống?

- Trường chúng tôi nặng về công nghệ và mục tiêu là phải tạo ra sản phẩm, đưa vào ứng dụng thực tế nên nghiên cứu cơ bản chỉ là một phần. Đúng là trước đây có đề tài nghiên cứu xong để đó do tính ứng dụng chưa cao. Tuy nhiên, cách nghĩ của các bạn trẻ nay đã thay đổi. Hai năm trở lại đây, nhà trường cấp kinh phí nghiên cứu theo đặt hàng. Tức là khi nhận thấy nhu cầu xã hội cần thì đặt hàng cán bộ nghiên cứu, điều kiện phải ra sản phẩm, chí ít cũng phải đăng ký sáng chế công nghệ chứ không thể nghiên cứu chung chung.

* Ông có cho rằng chúng ta đã đầu tư thỏa đáng để nâng chất công tác nghiên cứu khoa học của lực lượng trẻ hiện nay?

- Kinh phí dành cho nghiên cứu trước đây không nhiều nên thường chia đều cho anh em, nên với vài triệu đồng một người mỗi năm cũng chẳng làm được gì và đó đúng là làm khoa học theo phong trào. Nhưng hiện ngân sách tăng, nhà trường đã đầu tư, cùng với nhận thức nghiên cứu khoa học phải là then chốt với mỗi người, số lượng đề tài ít đi, kinh phí được cấp khá hơn và có sự chọn lọc. Điều này tạo sự canh tranh bình đẳng giữa các anh em làm khoa học.

Trường bắt đầu tính điểm thành quả khoa học để đánh giá chất lượng cán bộ ngoài giảng dạy nên cũng giúp cán bộ trẻ có ý thức đầu tư nghiên cứu hơn. Việc tuyển chọn phải qua nhiều hội đồng, khó khăn hơn nên tính thực tiễn của đề tài phải cao mới thuyết phục. Đối với những nhà nghiên cứu trẻ bên ngoài trường, nếu có nguyện vọng tham gia nghiên cứu tại đây, trường sẵn sàng tiếp nhận và không thu bất kỳ khoản tiền nào.

__________

Nếu vệ tinh F-1 được phóng thành công thì đó sẽ là lần đầu tiên một vệ tinh nhỏ do chính những người VN trẻ tuổi chế tạo bay vào vũ trụ. Vũ Trọng Thư, thủ lĩnh nhóm F-Space (ĐH FPT) - những tác giả của F-1, đã trải qua chặng đường dài để chờ phút ghi tên VN trên bản đồ vệ tinh CubeSat toàn cầu.

Vũ Trọng Thư (giữa) và các thành viên nhóm F-Space

Chàng trai “xê dịch”

Gặp Thư tại Hà Nội sau chuyến đi dài ngày ở Nhật Bản, anh hào hứng khoe: “Nhờ F-1, bọn mình đã được đội dự án UNIFORM của Nhật Bản mời hợp tác chế tạo chùm vệ tinh nhỏ phục vụ phát hiện cháy rừng sớm. Phía Việt Nam có thể tham gia dự án ở khâu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất thu tín hiệu từ vệ tinh, phát triển hệ thống lưu trữ, phân phối thông tin đến người dùng...”.

Con đường dẫn một chàng trai chuyên tin của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đến với khoa học vũ trụ bắt nguồn từ một bản tin truyền hình năm 1997 có hình ảnh bề mặt sao Hỏa được truyền về từ tàu đổ bộ Pathfinder 97 của NASA. Thư tìm thật nhiều sách thiên văn về đọc, rồi lần mò làm kính thiên văn.

Ban đầu, kính thiên văn của Thư chỉ có độ phóng đại 3 lần, rồi 10, 30 lần, chiếc kính thiên văn cuối cùng đã được “nâng cấp” lên độ phóng đại 200 lần, dài 2m. Nhưng cũng chính vì niềm đam mê vũ trụ, dành quá nhiều thời gian cho kính thiên văn, anh đã không thi đỗ vào ngành công nghệ thông tin mơ ước. Đành rẽ vào ĐH Mỏ - địa chất, Thư tự an ủi vì học trắc địa có bản đồ, đo đạc, cũng liên quan ít nhiều đến công nghệ thông tin, vũ trụ, bầu trời...

Năm 2003, khi FPT Software tuyển dụng, chàng kỹ sư địa chất đã vào làm cho công ty chuyên về phần mềm này, đúng với niềm đam mê công nghệ. Nhưng đam mê một lần nữa chỉ hướng cho Thư rẽ sang đường khác.

“Khoảng năm 2006, Chính phủ có quyết định về chiến lược nghiên cứu công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020, kêu gọi mọi lực lượng xã hội tham gia. Sau thông tin Vinasat 1 phóng thành công lên vũ trụ (năm 2008), tôi và nhóm bạn đam mê thiên văn trong Câu lạc bộ Thiên văn học tập hợp lại, xây dựng đề án, thuyết minh để tập đoàn đồng ý thành lập Phòng nghiên cứu F-Space, nhóm chuyên nghiên cứu về công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ” - Thư kể.

Song một kế hoạch chế tạo vệ tinh nhỏ với số tiền đầu tư không nhỏ không dễ thuyết phục những người chủ của FPT. “Trở ngại lớn nhất chính là kinh phí đầu tư lớn. Nhưng cuối cùng tập đoàn cũng lựa chọn dự án chính vì niềm đam mê của những người Việt trẻ, cả vì khát khao được chạm vào vũ trụ của họ” - TS Trần Thế Trung, viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ĐH FPT, nhớ lại. Ba năm, từ 2008-2011, FPT đã đầu tư hơn 100.000 USD để nhóm bắt tay chế tạo vệ tinh nhỏ F-1.

Hành trình F-1

Ý tưởng chế tạo F-1 nằm trong xu thế chế tạo các vệ tinh nhỏ, siêu nhỏ trên thế giới, được gọi là CubeSat (vệ tinh nặng chừng 1kg, chủ yếu để các trường ĐH, viện nghiên cứu học tập, nắm bắt quy trình chế tạo vệ tinh). Năm 2003, loạt sáu vệ tinh CubeSat đầu tiên đã phóng thành công lên vũ trụ. Năm 2008, sau khi được FPT “duyệt” dự án, những bước khởi động cho F-1 mới bắt đầu. Công việc chế tạo một khối vệ tinh có kích thước 10x10x10cm với những tỉ mỉ, lo lắng kéo dài suốt ba năm.

Một năm trước, F-1 “xuất ngoại” lần đầu và đến Nhật Bản một ngày sau khi xứ sở này trải qua trận siêu động đất kinh hoàng. “Trong những tan hoang sau động đất, tôi xúc động vô cùng khi ĐH Tokyo vẫn giúp nhóm vận hành máy tạo rung động để thử nghiệm độ bền của vệ tinh khi cả Nhật Bản phải cắt điện luân phiên. Mà vận hành chiếc máy khi đó tốn khá nhiều điện năng” - Thư kể.

Ước mơ lớn nhất của anh là F-1 được phóng thành công lên quỹ đạo trong năm 2012. Vì Việt Nam chưa có tên lửa nên F1 sẽ phải tìm đường đi “ké” với tên lửa nước khác, dự kiến là tên lửa H-2B của Nhật Bản. Hiện tại, F-1 vẫn đang trong giai đoạn được đánh giá độ an toàn bay và kiểm tra độ thích ứng với tên lửa. Một camera cỡ nhỏ để chụp ảnh Trái đất và một thẻ nhớ microSD 4GB cũng được khéo léo gắn trên thân F-1 mang theo tên tuổi và thông điệp cá nhân của mọi người vào vũ trụ.

“Nhiều thông điệp đọc vô cùng xúc động. Có những kỳ vọng lớn lao về nền khoa học Việt Nam, cũng có những thông điệp giản dị cha mẹ dành cho con, có cả người Việt, người nước ngoài... Hiện có gần 3.000 thông điệp đã được chuyển đến F-1” - Thư hồ hởi.

Đằng sau những ước mơ về ngày F-1 bay lên quỹ đạo, Thư đang cùng cộng sự vạch ra những kế hoạch ứng dụng vệ tinh nhỏ vào nhiều bài toán thực tế, đó là ý tưởng dùng vệ tinh giám sát đường đi của tàu biển, kết hợp ảnh chụp các vụ xả trộm dầu trên biển để giúp truy tìm thủ phạm. “Hiện Việt Nam chưa có hệ thống giám sát vệ tinh trên biển, nên nói thật, nhiều tàu nước ngoài vẫn... an tâm đến biển nước mình đổ trộm dầu mà không lo bị “bắt đền”. Nếu có vệ tinh giám sát sẽ góp phần hạn chế chuyện tàu lạ ngang nhiên xâm hại môi trường biển Việt Nam như hiện nay” - Thư tiết lộ.

Nhóm của Vũ Trọng Thư đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn Hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu (EADS) tổ chức năm 2011 với giải pháp liên lạc dạng số cho các tàu cá với các trạm bờ và kênh liên lạc dự phòng thông qua chùm vệ tinh nhỏ.

Thư cho hay giải pháp công nghệ này tận dụng tối đa các trang thiết bị liên lạc hiện có trên tàu cá của ngư dân Việt Nam hiện nay, duy trì phương thức đàm thoại truyền thống và bổ sung phương thức điều chế tín hiệu số tiên tiến có độ tin cậy cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận