Peter Arnett: người dân là nhân vật chính của câu chuyện chiến trường

TTCT - Khác với người tuổi xế chiều thường hay nhớ về quá khứ với những trải nghiệm giàu có của mình như là một minh chứng cho sự tồn tại có ý nghĩa, nhà báo huyền thoại Peter Arnett ở tuổi 70 với hơn 3.000 bài báo về chiến tranh Việt Nam và 13 năm lăn lộn khắp “bốn vùng chiến thuật” trước đây lại mang đến cho tôi những tâm tình về cuộc sống đang đổi thay ở VN và về nghề báo.

Phóng to

“Năm 1966, tôi (Peter Arnett - giữa) giành giải thưởng Pulitzer. Đó là giải thưởng thứ ba cho văn phòng Sài Gòn của AP. Những đồng nghiệp của tôi là Mal Browne và Horst Faas giúp tôi đọc lời chúc mừng khi được công bố” - Ảnh tư liệu

1. Ngay buổi ban đầu gặp nhau trong cuộc giao lưu giữa chín nhà văn quốc tế và các nhà báo đoạt giải Pulitzer do Đại học Hong Kong Baptist tổ chức, khi biết tôi đến từ Việt Nam, Peter Arnett đã làm tôi hứng khởi theo những câu chuyện về một đất nước Việt Nam đang từng ngày hồi sinh sau hơn 30 năm chiến tranh lụi tàn dù vẫn còn lắm trăn trở. Ông không kể những “chiến tích” lừng lẫy của nghề báo, ngược lại ông cứ quấn quýt những câu chuyện về sự thay đổi của người dân Việt Nam được sống trong hòa bình, trong tiếng hát ru thơm mùi sữa mẹ thay vì lửa khói khét lẹt da thịt của chiến tranh. Bằng sự tinh tường của nghề báo, Peter Arnett cảm được đằng sau nụ cười thân thiện và bao dung của người dân và đất nước này vẫn ẩn chứa những mất mát to lớn do chiến tranh gây ra.

Ông nhận thấy sự chuyển mình trong chính sách hợp tác phát triển kinh tế với các nước phương Tây, nhưng dọc từ Nam tới Bắc của mảnh đất hình chữ S không thiếu những mộ bia tưởng niệm người đã khuất.

Qua câu chuyện với Peter Arnett, tôi nhận ra một điều: người dân chính là nhân vật cốt lõi trong những câu chuyện mà ông chuyển tải suốt 50 năm làm tin chiến trường của mình. Lâu nay khi nói đến Peter Arnett, độc giả khắp thế giới liền liên tưởng đến những phóng sự nóng bỏng phản ánh tình hình chiến sự, “thắng - bại” của bên này bên kia được viết ra từ khắp nơi trên thế giới, nhưng mấy ai biết được “nhân vật chính” hay nói đúng hơn là động lực để Perter Arnett xông pha như một người lính để làm tin chính là người dân - những người không cầm súng nhưng là nạn nhân của sự xung đột.

Peter Arnett nói rằng bài học lớn nhất mà ông học được từ chiến tranh Việt Nam là thấu cảm những bi thảm của người dân, nỗi đau và mất mát của người dân. Bổn phận của phóng viên chiến trường là phải nói lên những câu chuyện của họ.

Đó là lý do vì sao sau chiến tranh Việt Nam, Peter Arnett lại có mặt trong chiến tranh vùng Vịnh lần 1 năm 1991 để chứng kiến và đưa tin cuộc sống mà 25 triệu người dân Iraq phải gánh chịu khốn cùng bởi lệnh cấm vận của quốc tế. Peter Arnett đã phỏng vấn Saddam Hussein tại thành Baghdad ngay dưới mưa bom bão đạn của quân Mỹ, và ông tiếp tục sống chết với người dân Iraq để mang đến cho thế giới những câu chuyện buồn đau của người dân xứ sở ngàn lẻ một đêm cho đến khi Saddam Hussein bị bắt năm 1996.

Phóng to

Quân giải phóng vào Sài Gòn ngày 30-4-1975 - Ảnh: Peter Arnett

2. Dường như Peter Arnett sinh ra là để làm báo bởi định mệnh đã dành cho ông cơ hội đúng lúc, gặp gỡ sự kiện đúng lúc, nhân vật đúng lúc của thời đại. Khi cuộc chiến khủng bố chỉ mới manh nha, Peter Arnett đã gặp Osama Bin Laden. Cuộc phỏng vấn của ông trên kênh CNN với nhân vật này đã báo hiệu một sự thảm khốc sẽ đến với nhân loại. Những lời hăm dọa tưởng chừng hoang tưởng của Osama Bin Laden ở Bora Bora tháng 3-1997 đã trở thành hiện thực trong ngày 11-9-2001. Hơn 3.000 người dân Mỹ đã chết. Lịch sử loài người lật sang một trang mới đầy hiểm nguy vì cuộc chiến chống khủng bố đã và đang lan rộng toàn cầu.

Người dân bao giờ cũng là kẻ vô tội nhưng phải lao lụy gánh chịu mọi tổn thất. Vì luôn hướng về người dân và số phận của họ nên trong tập sách tự truyện Live from the battlefield (Sống từ chiến trường khốc liệt - TT vừa trích đăng), Peter Arnett không làm tôi ngạc nhiên vì những chuyện bếp núc làm tin chiến trường mà thật sự ông làm tôi đớn đau bởi những câu chuyện thống khổ của người dân. Ví như một chi tiết chẳng hề liên quan gì đến tuyến lửa đẫm máu nhưng tôi lại nặng trĩu lòng cùng Peter Arnett khi ông cảm thương trước cái chết và đám tang qua những hình ảnh tràn đầy nước mắt và thân phận của gia đình phóng viên ảnh Huỳnh Công La, người đã chết cùng chiếc máy ảnh trên tay khi đang tác nghiệp trên cánh đồng quê hương của mình bị bom đạn giày xéo.

3. Cùng với người dân, các đồng nghiệp báo chí như Huỳnh Công La đóng một vai trò quan trọng trong tâm tư và quan niệm về nghề của Peter Arnett. Nhắc đến những đồng nghiệp đã ngã xuống trên mảnh đất Việt Nam không chỉ là một nghĩa cử tưởng niệm quá khứ, mà theo Peter Arnett, cái chết của họ và sự tôn trọng của các thế hệ là một sự khẳng định vai trò quan trọng của nhà báo và sức mạnh truyền thông.

Sau hơn 30 năm chiến tranh trở thành những trang sử, Peter Arnett, với tư cách là giáo sư của Đại học Shantou, đã có chuyến dẫn dắt sinh viên thăm Việt Nam ba tuần vào mùa hè năm 2007. Dọc hành trình dặm dài Nam - Bắc nước Việt, ông dẫn sinh viên của mình đến thăm di tích Hỏa Lò và nhiều địa danh khác. Nhưng lay động trái tim ông xiết bao khi ông gặp lại những linh hồn, những gương mặt đồng nghiệp trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM. Không xúc động sao được khi những tên tuổi và gương mặt đã chết trong lửa đạn ấy vốn không chỉ là đồng nghiệp với Peter mà còn là những tấm gương về phẩm cách của người làm báo thường xuyên xuất hiện trong các bài giảng của ông như tôi từng nghe ông thuyết trình ở Đại học Hong Kong Baptist.

Ông đánh giá cao sự ghi nhận của Chính phủ Việt Nam vì nghĩa cử tưởng nhớ đến tinh thần can trường và hi sinh của những phóng viên chiến trường đa quốc tịch, không sinh ra và lớn lên nhưng lại gửi thân xác và linh hồn ở Việt Nam vì muốn nói lên tiếng nói của sự thật chiến tranh. Như Peter từng tâm sự, khi làm tin ông nghĩ mình trước hết là một nhà báo, không phải là một nhà báo người Mỹ hay là người Mỹ, người New Zealand đơn thuần.

Định mệnh, tấm lòng và sự dũng cảm của Peter Arnett đã giúp ông trở thành nhà báo của sự thật. Một nhà báo cần phải nói lên sự thật vì sự thật sẽ bảo vệ chính bản thân nhà báo. Sau cuộc gặp gỡ ở Hong Kong và bây giờ khi đọc lại những bản tin nhuốm màu lửa khói của Peter Arnett viết cách đây hơn 30 năm được lưu trữ ở Trung tâm Việt Nam miền Viễn Tây Hoa Kỳ, tôi đã nhìn thấy sự thật của những câu chuyện mà Peter chuyển tải trong suốt 50 năm làm tin chiến trường của mình, không những là nguồn tư liệu quý giá cho những ai muốn mở rộng tầm nhìn về quá khứ mà còn hướng con người đến tương lai, khát khao một thế giới hòa bình cho người dân và đồng nghiệp của ông không phải lâm vào những cuộc tử sinh của chiến tranh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận