Thông điệp biển Đông của Global Times

DANH ĐỨC 15/08/2010 18:08 GMT+7

TTCT - Tình hình Đông Á nói chung, và ASEAN nói riêng, căng như dây đàn mấy tháng qua. Mới thứ sáu 6-8 tuần trước, một thứ trưởng ngoại giao Philippines còn nhắc lại rằng ASEAN cần một quy chế chính thức về ứng xử trên biển Đông. Mới đây, đã có vài tín hiệu có vẻ như muốn hòa hoãn.

Khi Global Times đổi giọng
Biển Đông cần gì?

Phóng to
Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN hai ngày 19 và 20-7, các ngoại trưởng đã kêu gọi xúc tiến thêm về quy ước ứng xử ở biển Đông - Ảnh: Việt Dũng

Tín hiệu đầu tiên là từ tờ Global Times ngày 30-7 với bài xã luận mang tựa đề “Một sách lược tàu sân bay tối ưu” (1). Đầu tiên Global Times muốn trấn an: “Có nhiều đồn thổi về kế hoạch tàu sân bay của Trung Quốc (TQ)… Trên biển Đông, nơi mà căng thẳng vẫn thỉnh thoảng dấy lên, một tàu sân bay có thể giúp TQ đạt được chiến thắng trong các cuộc chạm trán nhỏ tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, thắng lợi đó có thể sẽ biến một tranh chấp tương đối nhỏ thành một sự đối đầu lâu dài làm mất ổn định các quan hệ song phương. Còn trên đại dương xa, một tàu sân bay có thể sẽ là một dụng cụ hữu hiệu để duy trì trật tự và giúp TQ được các nước láng giềng nể vì”.

Thừa hiểu “địa chỉ người nhận” thông điệp trên là gì cũng như đây là một vuốt ve trấn an. Thế nhưng, đoạn sau vẫn còn chưa rõ: “trật tự” mà Global Times muốn “duy trì” là trật tự nào, cũng như tại sao phải có tàu sân bay thì láng giềng mới “nể vì”?

Ngoại giao nhân dân hay “ASEAN vận”?

Global Times 4-8 tung ra tiếp một bài xã luận mà ngay từ tựa đề đã đặt thẳng vấn đề “Làm sao ta có thể biến thế giới thích ta được?” (2). Bài xã luận này khác hẳn với các bài trước. Bài xã luận nhắc lại tin TQ nay trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, sau đó tự hỏi: “Việc TQ leo lên vị thế ấy có làm cho các nước khác ngưỡng mộ và chấp nhận hay không?”. Và cũng tự trả lời : “Việc một nước đứng đầu bảng xếp hạng các cường quốc đâu đã đảm bảo rằng đất nước đó sẽ được thế giới còn lại yêu quý. Còn nếu ta tiếp tục trưng ra một hình ảnh tự tin hơn nữa thì sẽ còn bị thế giới đề kháng, thậm chí ngay từ những người bạn cũ của mình”.

“Trung Quốc cần làm nhiều việc chỉnh sửa hơn nữa để cải thiện hình ảnh của mình… Một khi dân chúng các nước cảm thấy cùng chung bước với Trung Quốc, thì lúc đó Trung Quốc có thể trở nên được yêu quý hơn nữa trên toàn thế giới” - Global Times, 4-8-2010

Điều mà tờ Global Times 4-8 gọi là “sự đề kháng của thế giới” có thể thấy qua tuyên bố hôm thứ sáu 6-8 sau đó của Thứ trưởng ngoại giao Philippines Erlinda Basilio: “Hãy bắt đầu bàn đến các điều khoản dự phòng của một quy ước ứng xử khu vực đi thôi, để đảm bảo cho biển Đông còn là một chốn an bình và ổn định…”.

Theo Thứ trưởng Basilio, “ASEAN cần đề xuất một quy ước ứng xử mang tính chất chính thức và bó buộc thi hành về mặt pháp lý”. Thứ trưởng Basilio còn tỏ rõ mong mỏi chung của ASEAN: “ASEAN không chỉ muốn ổn định và hòa bình ở khu vực mà còn cả trên toàn thế giới”.

Điều mà Thứ trưởng Basilio thúc hối, “một quy ước chính thức”, chính là do cho đến nay các vấn đề tranh chấp biển Đông mới chỉ được đặt trong khuôn khổ của Tuyên bố quy ước ứng xử (DOC), một văn kiện không mang tính chất chính thức cũng chẳng ràng buộc thi hành.

Đây chính là trả lời cụ thể đầu tiên của một quan chức ASEAN cho đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao TQ Dương Khiết Trì trước đó hai tuần: “Các nước nên sử dụng cơ chế đa phương như Tổ chức hợp tác Thượng Hải… nhằm thúc đẩy lợi ích chung và an ninh chung” (3). Nhìn lên bản đồ sẽ thấy Tổ chức hợp tác Thượng Hải - hiện gồm TQ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan - có tâm điểm là… Trung Á, quá xa xôi và xa lạ với ASEAN và biển Đông.

Vào lúc mà tình hình coi như bế tắc thì bài xã luận ngày 4-8 của Global Times xuất hiện như một tín hiệu thăm dò, do lẽ Global Times mới chỉ là phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo, không mang tính chất tiếng nói chính thức.

Do vậy, Global Times thích hợp với vai trò thả bóng thăm dò hòa hoãn qua những đoạn văn về “ngoại giao nhân dân” như: “TQ cần làm nhiều việc chỉnh sửa hơn nữa để cải thiện hình ảnh của mình… Các cá nhân có thể chuyển tải tốt hơn nữa các khái niệm và hình ảnh về TQ nơi cử tọa nước ngoài, thông điệp thiện chí, gắn kết (như một) gia đình hoặc ý muốn yêu thương, cả những ý tưởng mà dân chúng các nước có thể cảm nhận và chia sẻ. Một khi dân chúng các nước cảm thấy cùng chung bước với TQ, thì lúc đó TQ có thể trở nên được yêu quý hơn nữa trên toàn thế giới”.

Chính diện đối thủ

Sau hai bài vuốt ve “sẽ không đánh biển Đông” và vuốt ve dân tình khu vực trên, qua ngày hôm sau 5-8, Global Times phát đi một bài xã luận khác có địa chỉ không phải là những nước liên quan trực tiếp đến biển Đông, mà là Hoa Kỳ (4).

Tựa đề bài này rất cụ thể: “Phá vỡ sự ngăn chặn của Hoa Kỳ”. Bài báo nhắc lại rằng hồi đầu khi ông Obama mới lên cầm quyền, quan hệ Trung - Mỹ nồng ấm, song thật nhanh chóng trở nên đắng cay. Căng thẳng gần đây nổi lên ở Hoàng Hải và biển Đông như là một cố gắng của Mỹ nhằm cầm chân “sự tăng trưởng hòa bình của TQ”.

Bài báo trên đặt câu hỏi: “Nếu đối đầu sâu sắc hơn nữa là không tránh khỏi thì TQ sẽ làm gì?”. Và cũng tự trả lời: “Cho đến nay TQ vẫn chưa phát đi tín hiệu rõ ràng nào, cho dù dư luận ở TQ đã là nóng bỏng rồi”. Bài báo thừa nhận rằng: “TQ có ít phương tiện phản kích Mỹ hơn là Mỹ có thể có để sử dụng chống lại TQ… Song điều đó không có nghĩa là TQ sẽ đầu hàng sách lược ngăn chặn của Mỹ. TQ sẽ một mặt tăng tốc hiện đại hóa quốc phòng, mặt khác tiếp tục vươn lên một cách hòa bình bằng sức mạnh kinh tế của mình”. Tín hiệu mà Global Times phát ra rõ rệt: lần này thì để đó, song hãy đợi đấy: “Nếu Mỹ xem TQ như kẻ thù, hậu quả sẽ là thê thảm”.

Thông điệp “ba tầng”

Cũng trong bài này, Global Times như muốn giải tỏa những nghi kỵ từ trong khu vực Đông Nam Á về sự tăng cường sức mạnh quân sự của TQ, nên đã rao to: “TQ sẽ không đi theo con đường chiến tranh mà Nhật đã đi trong Thế chiến thứ hai”.

Qua đến thứ hai 9-8, Global Times lại tiếp tục chỉ mặt kình địch Mỹ, trách Mỹ khiêu khích TQ bằng cách nhất mực đưa tàu sân bay George Washington đến Hoàng Hải tập trận (5). Song, trách xong, Global Times vẫn tỏ ra tạm hòa hoãn: “Nhất thiết phải thực tế… TQ nên giữ thăng bằng tốt hơn nữa sao cho đừng để Mỹ dễ dàng khiêu khích xúc phạm, mà cũng đừng quá cứng nhắc trong việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của mình”.

“Các lợi ích cơ bản” (fundamental interests) của TQ là gì? Từ mấy tháng nay, TQ quả quyết rằng biển Đông thuộc về “các lợi ích cốt lõi” (core interests) của mình. Nay Global Times dùng tính từ “cơ bản” thay cho “cốt lõi” để tránh bị cho là “bỏ cuộc”. Còn “đừng quá cứng nhắc” là có thể tạm gác lại đợi một dịp khác…

Thông điệp của Global Times qua các bài xã luận trên không khó hiểu: do ngờ rằng đang có lôi kéo của Mỹ ở Đông Nam Á, nên TQ vừa vuốt ve trấn an các nước có quan hệ trực tiếp (bạn cũ hay láng giềng), vừa tỏ thái độ không hài lòng với “kỳ đà cản mũi”, song không đến mức “qua cầu rút ván”. Quả bóng thăm dò vào lúc này, sau những căng thẳng đã qua, là “Thôi, xí xóa nhe!”.

__________

(1) “An optimal aircraft carrier strategy”, Global Times, 30-7-2010
(2) “How can we make the world like us?”, Global Times, 4-8-2010
(3) “China makes 5 proposals to enhance regional security”, China Daily 23-7-2010
(4) “Breaking out of US containment”, Global Times, 5-8-2010
(5) “Taking a stand on US provocation”, Global Times, 9-8-2010

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận