Nghề mai một

TTCT 29/11/2013 09:11 GMT+7

TTCT - Họ vẫn ở đâu đó: một góc phố, một gốc cây, một ngã ba đường, một chỗ ngồi không thể chật hẹp hơn nữa nơi đầu hẻm hay cuối chợ, với những công cụ hành nghề đơn giản như cả trăm, cả vài chục năm trước vẫn đơn giản như vậy, chờ đợi những người khách quen.

Phóng to
Ông Bảo Nguyên (78 tuổi) - được mệnh danh là “bô lão” của làng truyền thần Hà Nội vì có thâm niên 45 năm theo nghề - tại cửa hiệu nhỏ chừng 10m2 ở 47 Hàng Ngang - Ảnh: Lê Bích

Đó là những người làm nghề thật sự: một thợ cưa với cái cưa gỗ truyền thống, một thợ vẽ truyền thần với bút chì và bột than, một thợ rèn với bếp lò rực đỏ, một thợ khắc bút, một thợ đóng guốc mộc, một cụ già mỗi năm chỉ tết được chừng dăm cái võng ngô đồng...

Những cuộc “đảo chính” về công nghệ, thói quen muốn “nhanh, tiện, lợi” của những khách hàng đời mới đã đẩy nhiều nghề truyền thống vào một cái chết chậm rãi mà không cưỡng lại được. Những người có lẽ là cuối cùng theo nghề phần đông đau đáu với ý niệm giữ nghiệp tổ, hoặc vẫn còn may mắn giữ được một mối kết nối mỏng manh với những khách hàng tri âm của họ. Họ có thể biến mất ngay lúc này mà chẳng ai hay.

Thời nay, người ta liên tục tạo ra những bảo tàng online nhằm lưu giữ các hình ảnh, câu chuyện của quá vãng, thậm chí có cả một hệ thống toàn cầu nhằm lưu giữ và phát huy di sản, hi vọng tái tạo bằng cách này hay cách khác những di sản đó thành một nguồn hứng khởi mới của sáng tạo theo công thức mà Hội đồng quốc tế các bảo tàng (Intenational Council of Museums - ICOM) đề ra: “Ký ức + Sáng tạo = Biến đổi xã hội”.

Từ góc độ này, chẳng phải chính những thường dân ấy, những cái nghề giản dị bậc nhất ấy lưu giữ những ký ức quan trọng của một cộng đồng cho mai này mà may mắn thay, ta vẫn còn gặp được họ ngoài đời thực?

Phóng to
Ở Hà Nội vẫn còn nhiều hàng phở chuyên thái thịt bằng dao ta rèn ở Sinh Từ hay làng Đa Sỹ - loại dao vẫn cần đến những người mài dao bằng tay. Người mài dao dạo gặp trên phố Nguyễn Hữu Huân chia sẻ: “Làm nghề này phải thong dong và tập trung vào nó” - Ảnh: Lê Bích

Phóng to
Ông Chim Văn Trà (Sáu Trà), 60 tuổi, với 40 năm theo nghề đóng và sửa chữa tàu ghe gỗ loại lớn. Ụ tàu của ông ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nay hoang tàn, ông cũng mới trả môn bài, quyết định không làm nữa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Phóng to
Nhà ông Hùng (làng Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội) có tám anh em trước đây đều làm tàu thủy sắt tây theo nghề bố truyền lại, giờ chỉ mình ông Hùng làm. Từ những chiếc tàu nhỏ cỡ bàn tay đến tàu lớn dài 60-80cm hoặc mô phỏng chiến hạm cỡ lớn đều được làm từ những miếng sắt tây cắt ra từ vỏ hộp sữa, thùng sơn, có thể chạy được và phát ra tiếng kêu đặc trưng với rất nhiều chi tiết bé xíu được khéo léo cắt, tỉa, uốn, dập bằng tay, ghép lại bằng những mối hàn thiếc - Ảnh: Lê Bích

Phóng to
Cụ Phan Thị Môn, 91 tuổi, nghệ nhân làm võng ngô đồng cuối cùng ở thôn Cấm, xã đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An (Quảng Nam). Võng được làm từ vỏ cây ngô đồng mọc trên núi, tết bằng tay với sự tỉ mỉ cao độ. Mỗi chiếc võng mất hai tháng để hoàn tất nhưng độ bền có thể lên tới hàng chục năm nếu người làm võng kết được chiếc “óc” và viền võng tốt - Ảnh: Hoàng Điệp

Phóng to
Vợ chồng ông Hòa (62 tuổi) ở số 73 Hàng Than đã làm mặt nạ suốt hơn 30 năm nay theo lối thủ công truyền thống, vì thế hàng nghìn chiếc mặt nạ làm ra không cái nào giống cái nào. Chưa có ai theo học nghề của vợ chồng ông - Ảnh: Lê Bích

Phóng to
Lò rèn thủ công, chuyên rèn các nông cụ của ông Nguyễn Văn Nha (Ba Nha), 66 tuổi, ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vẫn hoạt động trong khi các thợ rèn khác trong vùng đã bỏ nghề gần hết. Cha con ông dùng chẹt (ghe thợ rèn lưu động) đi khắp vùng sông nước Hậu Giang để mưu sinh - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Phóng to
Những người thợ cưa đợi khách trên phố Đường Thành (Hà Nội) - Ảnh: Lê Bích

Phóng to
Ông Nguyễn Phương Hùng, thợ rèn trên phố Lò Rèn (Hà Nội), tự hào vì “là người cuối cùng ở đây còn có thể rèn được xà beng, búa con, mũi khoan...” - Ảnh: Lê Bích

Phóng to

Phóng to
Ông Lê Văn Quý, 74 tuổi, ở phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có 50 năm làm nghề khắc bút tại gốc đa hàng trăm tuổi bên đền Bà Kiệu, gần hồ Gươm - Ảnh: Hoàng Hà

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận