2 triệu tỉ đồng: Bơm tiền gì mà ghê vậy?

HỒ QUỐC TUẤN 23/01/2024 19:03 GMT+7

TTCT - 2 triệu tỉ đồng: nghe chóng mặt không hình dung nổi có bao nhiêu con số không, nhưng với các gói kích thích kinh tế hay chính sách tài khóa, thì cũng là... bình thường.

Chênh lệch tăng trưởng cung tiền M2 so với M1 ở Trung Quốc cho thấy phần lớn lượng cung tiền M2 tăng lên được người dân bỏ vào trong ngân hàng dù lãi suất tiền gửi chỉ còn 1,25-1,5%. Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bloomberg

Chênh lệch tăng trưởng cung tiền M2 so với M1 ở Trung Quốc cho thấy phần lớn lượng cung tiền M2 tăng lên được người dân bỏ vào trong ngân hàng dù lãi suất tiền gửi chỉ còn 1,25-1,5%. Ảnh: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bloomberg

Đầu năm 2024, truyền thông Việt Nam đồng loạt đăng thông điệp khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế. Nghe thì có vẻ ghê gớm, nhưng thực hư câu chuyện này như thế nào?

Trước tiên, thông điệp này được phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại họp báo Chính phủ chiều 5-1.

Con số 2 triệu tỉ đồng này được ước tính dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% đã giao ngay từ đầu năm. Với tổng tín dụng của nền kinh tế là khoảng 13,5 triệu tỉ đồng trong năm 2023, thì 15% tăng thêm sẽ là xấp xỉ 2 triệu tỉ đồng.

Con số này vì vậy chỉ là số tiền mà các nhà chính sách hy vọng sẽ được bơm vào nền kinh tế qua kênh tín dụng, nhưng chưa có gì chắc chắn sẽ làm được. Ví dụ năm 2023, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%, nhưng cuối cùng thì cũng chỉ đạt đến 13,71% mà thôi. 

Con số 2 triệu tỉ đồng nghe tưởng lớn lắm, nhưng thật ra lượng tín dụng bơm vào nền kinh tế trong năm 2023 cũng đã là 1,3 triệu tỉ đồng rồi. Vì vậy, không như những mơ mộng "tô hồng" là bơm tiền mạnh lắm, kinh tế 2024 sẽ cất cánh, phân tích kỹ, thì với cả một nền kinh tế 100 triệu dân như Việt Nam, con số đó rất chi là bình thường.

Giữa mong muốn và thực tế

Mong muốn là một chuyện, nhưng có thể vay và cho vay được không lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc vào cả hai phía: chủ thể cho vay (ngân hàng) và người đi vay (người tiêu dùng và doanh nghiệp). 

Nếu niềm tin tiêu dùng và kinh doanh đủ tốt, thì không cần đặt mục tiêu, dòng tín dụng vẫn có thể tăng trưởng lành mạnh. Ngược lại, nếu nền kinh tế đang còn nhiều điều không chắc chắn, thì người dân và doanh nghiệp cũng không muốn vay nhiều tiền để đầu tư hay tiêu dùng.

Trường hợp của Trung Quốc là một ví dụ. Tăng trưởng tín dụng của nước này trong tháng 12-2023 so với năm trước chỉ còn trên 10% một chút, giảm mạnh từ mặt bằng chung là thường xuyên trên 13% của giai đoạn trước COVID-19. 

Điều này đồng nghĩa tiền được bơm qua nhiều kênh vào nền kinh tế Trung Quốc lại chảy ngược trở lại hệ thống ngân hàng dưới dạng tiền gửi, mặc dù lãi suất rất thấp.

Bài học của Trung Quốc cho thấy bơm tiền vào nền kinh tế không dễ như kỳ vọng, cũng không hẳn tăng cung tiền thì sẽ khiến tiền chảy vào các hoạt động chi tiêu và đầu tư như mong muốn của giới hoạch định chính sách. 

Ở Việt Nam cũng đang xảy ra tình trạng như vậy. Một bằng chứng là những tựa báo như "Lãi suất chạm đáy, tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng kỷ lục" đang xuất hiện ngày một nhiều.

Vậy có phải tình hình không sáng sủa? Cũng không thể khẳng định. Việt Nam không phải Trung Quốc, nên không thể dựa vào đó mà nói. Vấn đề chỉ là bài học của nước người ta cho thấy không phải Chính phủ cứ muốn bơm tiền qua kênh tín dụng là dễ.

Trở ngại của bơm tiền qua kênh tín dụng

Cốt lõi vẫn là niềm tin tiêu dùng và đầu tư. Mà nó xuất phát từ những lo ngại về triển vọng kinh doanh và thị trường lao động. 

Những vấn đề chung như thương mại toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, bất ổn địa chính trị ở Biển Đỏ, Dải Gaza và Ukraine vẫn luôn nóng khiến doanh nghiệp ngần ngại mở rộng, vậy thì vay tiền làm chi? 

Thị trường bất động sản còn nhiều bất định cũng là một nỗi lo. Những doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền, lãi suất nào cũng chịu vay thì ngân hàng có dám cho vay không?

Cuối cùng là thị trường lao động. Những tháng cuối năm, các công ty công nghệ toàn cầu lại đang đi vào một đợt cắt giảm nhân sự mới. Khắp nơi từ Âu sang Á, người ta đang nhìn thấy những công ty công nghệ cắt giảm nhân sự, hủy giao dịch mua bán và sáp nhập đã tính trước. 

Thế là các ngân hàng đầu tư chịu ảnh hưởng theo. Một số ngân hàng đầu tư đã đóng cửa hẳn một số bộ phận mua bán và sáp nhập ở một số nước để giảm chi phí, tập trung đội ngũ nhân sự về những cụm dịch vụ khu vực.

Một vấn đề nữa là không phải cứ tín dụng tăng là chắc chắn tiền mới vào nền kinh tế. Bài học của Trung Quốc năm trước là trong nhiều trường hợp những khoản vay qua hệ thống "ngân hàng ngầm" như các công ty tài chính gặp khó khăn thì một số khoản vay ngân hàng lại "đắp vào", nghĩa là túi trái chạy qua túi phải mà thôi.

Trong trường hợp của Việt Nam, có thể một số nguồn vốn được tài trợ qua kênh trái phiếu hay các hợp đồng hợp tác kinh doanh, ứng trước tiền từ người mua... của các công ty bất động sản sẽ được tái tài trợ qua kênh vốn tín dụng. 

Nghĩa là trong 2 triệu tỉ đồng bơm ra, thực tế một số là "đảo nợ" lại của các công ty bất động sản, thay nguồn tài trợ bằng trái phiếu hay các dạng hợp đồng (mà thực chất là vay tiền trước để làm dự án) thành nguồn tài trợ từ vốn tín dụng. Nghĩa là cũng không có tiền mới vào nền kinh tế.

Vậy có thể đạt tăng trưởng tín dụng như mong đợi?

Ở thời điểm này không ai có thể nói chắc chắn. Nhưng đó là mục tiêu để ngành ngân hàng "phấn đấu". Năm ngoái họ tăng trưởng trên 13% được thì hy vọng năm nay ráng thêm tí xíu nữa, cộng thêm nếu kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện bên ngoài, bên trong thuận lợi thì làm được. 

Còn nếu xui rủi, thì kỳ vọng 13-14% mà chỉ đạt 10% như Trung Quốc năm ngoái thì cũng phải chịu chứ biết làm sao!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận