​Sự kỳ diệu mang tên trấu

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín rất có lý khi gọi là “trấu vô danh”: “Cũng như rạ rơm, khi mùa vụ nhọc nhằn thành ra chén cơm mới dẻo thơm, chẳng mấy ai còn nhớ tới trấu. Vậy mà, có bao nhiêu hạt gạo trên đời thì cũng bằng chừng ấy thân trấu...”.

Ghe gom trấu - Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ANH THI

Nhiều tục ngữ, thành ngữ, ca dao cũng đã nói “rẻ như trấu”, “nhiều như trấu”, “bòn tro đãi trấu”, “nghèo khạc ra tro, nghèo ho ra trấu”...  hầu như liên quan đến những gì nghèo hèn, thấp kém, vô giá trị...

Nhờ cái sự “rẻ như trấu” mà các lò gạch thủ công ở vùng Châu Thành, Chợ Mới (An Giang), Mang Thít (Vĩnh Long)... khoảng 30-40 năm trước đã chuyển từ đốt củi sang đốt trấu. Cộng với việc sử dụng trấu để nấu nướng sinh hoạt trong các hộ gia đình, toàn bộ lượng trấu được tiêu thụ vẫn không đáng kể so với lượng trấu tạo ra.

Từng có chuyện các cơ quan quản lý môi trường phải vất vả túc trực tại các nhà máy xay xát để ngăn người ta thải trấu xuống sông, xuống kênh nhưng... làm sao cho xuể? Các nhà máy xay xát xem trấu là “của nợ”, phải trả tiền để được người ta đem ghe đến chở trấu đi.

KHI TRẤU ĐỔI ĐỜI

Nhưng, những câu chuyện về vấn nạn trấu ấy đã thay đổi trong vòng hai năm trở lại đây, trấu bây giờ đã có giá, tìm không ra để mua. Vụ đông xuân năm 2015, trấu được mua tại nhà máy xay xát với giá 600.000 đồng/tấn. Vụ thu đông năm 2014, sản lượng lúa thấp hơn, trấu thành “hàng hiếm”, có lúc lên giá 1.000.000 đồng/tấn. Vậy là các nhà máy xay xát nay đã có thêm doanh thu từ bán trấu. Nói cách khác, trấu đang được đổi đời.

Trấu đã bắt đầu lên tiếng sau hàng ngàn năm “im như thóc”. Dự báo rằng trong vòng 50 năm tới, cơ cấu của ngành công nghiệp lúa gạo, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, sẽ thay đổi nhờ việc tận dụng trấu như là một nguồn nhiên liệu thay thế, một loại tài nguyên tái tạo có giá trị.

Sự đổi đời của trấu bắt đầu từ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong hơn 30 năm qua, tính từ khi công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được ký kết bởi 155 quốc gia từ năm 1992.

Đã xuất hiện những loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) như Đình Hải, Năng Lượng Xanh, Tín Thành... chuyên đầu tư và vận hành các lò hơi đốt trấu để cung cấp nhiệt cho các nhà máy công nghiệp, thay cho từng nhà máy phải tự đầu tư và vận hành những lò hơi đốt than, đốt dầu...

Kinh doanh trấu giờ đây đã là một nghề ăn nên làm ra. Trấu nay được sử dụng thay thế than đá trong các lò hơi, lò sấy, lò sưởi... Sản phẩm trấu viên có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn từ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hiện nay năng lực sản xuất không đủ để cung cấp.

GIẬT MÌNH VỚI NHỮNG CON SỐ

Năm 2014, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 45 triệu tấn, nghĩa là hằng năm đã tạo ra khoảng 9 triệu tấn trấu, trong đó có khoảng 4,5 triệu tấn chỉ riêng tại ĐBSCL. Các con số ấy có ý nghĩa như thế nào?

Nếu dùng lượng trấu này để đốt như là nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện, thay thế cho than đá thì đáp ứng được 25% nhu cầu trong năm 2015, từ đó tiết kiệm được 36.000 tỉ đồng/năm hay gần 1,7 tỉ USD/năm nhờ giảm được 25% than đá! Lượng trấu này nếu xây dựng các nhà máy phát điện sinh khối tại Việt Nam sẽ tạo ra công suất 4.800 MW, nghĩa là chỉ riêng trấu tại ĐBSCL đã đủ để xây dựng các nhà máy điện với công suất tương đương Nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 MW), được cho là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Lượng trấu này nếu sử dụng thay thế gas để nấu nướng trong các gia đình, năng lượng tương đương đủ để đốt trong vòng sáu năm! Nếu lấy giá 600.000 đồng/tấn trấu rời thì giá trị của lượng trấu trên tương đương 5.400 tỉ đồng hay 250 triệu USD mỗi năm, tương đương gần 9% so với doanh thu từ xuất khẩu gạo.

Tuy vậy, đó chỉ là những con số tính toán lý thuyết, vì thực tế chuyện thu gom 9 triệu tấn trấu rải rác khắp cả nước này không hề đơn giản, trừ khu vực ĐBSCL. Đã có nhiều dự án nhiệt điện đốt trấu công bố rầm rộ trong vài năm qua nhưng giờ vẫn chẳng thấy đâu chỉ vì một nguyên nhân căn bản nhưng không dễ gì giải quyết: làm sao đảm bảo cung cấp trấu ổn định về số lượng và giá cả trong ít nhất 20 năm vận hành nhà máy điện, khi mà nhà máy phải đi mua gom trấu từ nhiều nhà máy xay xát khác nhau?

Bài toán này cần được giải quyết sớm như nó đã được giải quyết tại Thái Lan, thay vì cứ làm những nhà máy điện tập trung quy mô lớn, hãy chuyển sang phân tán quy mô nhỏ. Hiện tại củi trấu hay viên trấu cũng là lựa chọn tốt cho môi trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận