Xem người ta chọn sếp bóng đá

HUY ĐĂNG 16/01/2018 23:01 GMT+7

TTCT - Luật sư, nhà báo, doanh nhân, chính khách, cựu danh thủ..., chủ tịch liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) của mỗi quốc gia có xuất thân không hề giống nhau. Nhưng phần lớn mỗi LĐBĐ đều có những tiêu chí thống nhất cho người nắm giữ chức vụ cao nhất của mình.

Bóng đá học đường Nhật Bản là nền tảng đào tạo nên cả những cầu thủ lẫn nhà quản lý giỏi.-Ảnh: soccermommanual.com
Bóng đá học đường Nhật Bản là nền tảng đào tạo nên cả những cầu thủ lẫn nhà quản lý giỏi.-Ảnh: soccermommanual.com

Nhật Bản - kết tinh của nền bóng đá học đường

Có bao nhiêu quan chức bóng đá xuất thân từ giới cầu thủ chuyên nghiệp? Có lẽ không nhiều, bởi học thức là một rào cản lớn với những danh thủ muốn làm công việc đoàn hội thể thao sau ngày giải nghệ. Nhưng Nhật Bản là một ngoại lệ.

Từ nhiều thập niên qua, LĐBĐ Nhật Bản (JFA) đã có truyền thống bầu chọn ra người đứng đầu xuất thân từ giới cầu thủ chuyên nghiệp. Xu hướng này bắt đầu từ nhiệm kỳ 1994-1998 của ông Ken Naganuma, người từng 4 lần khoác áo tuyển Nhật Bản.

Junji Ogura, chủ tịch giai đoạn 2010-2012 là một trường hợp ngoại lệ, được bầu lên nhờ mối quan hệ ngoại giao rộng rãi với các quốc gia châu Âu. Giữ chức giám đốc điều hành của JFA từ năm 1990, ông Ogura đóng vai trò quan trọng trong việc mang về Nhật Bản hàng loạt giải đấu danh giá, nổi bật nhất là World Cup 2002.

Nhưng sau nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông, JFA sớm trở lại với những cựu danh thủ. Cựu hậu vệ Kuniya Daini là vị chủ tịch tên tuổi nhất với 44 lần khoác áo tuyển quốc gia cùng một sự nghiệp lâu dài với CLB giàu truyền thống Mitsubishi Motors.

Chủ tịch đương nhiệm Kozo Tashima từng 7 lần khoác áo tuyển quốc gia khi mới 23 tuổi, trước khi rẽ sang đường học vấn.

Cần hiểu rằng thể thao nói chung, và bóng đá học đường nói riêng, ở Nhật Bản rất mạnh, thậm chí là tiệm cận trình độ chuyên nghiệp.

Đó là kết tinh của một mô hình thể thao học đường bền vững được xây dựng suốt từ những năm 1960. Hầu hết các cầu thủ học trò giỏi nhất ở Nhật Bản sẽ đầu quân cho các đội bóng trường ĐH sau này.

Ông Tashima chẳng hạn, trước khi đá chuyên nghiệp cho CLB Furukawa, từng chơi 3 năm ở ĐH Tsukuba, nơi ông lấy bằng cử nhân khoa học thể thao. Sau đó ông nhận học bổng ở ĐH Thể thao Cologne, trường chuyên ngành thể thao hàng đầu châu Âu.

Về nước, ông giảng dạy ở ĐH Rikkyo song song với công việc HLV các đội trẻ Nhật Bản. Kinh nghiệm cùng học thức giúp ông Tashima đặc biệt được FIFA xem trọng, là thành viên Hội đồng FIFA thậm chí trước khi trở thành chủ tịch JFA.

Sự đối lập Anh - Đức

Anh và Đức là 2 nền bóng đá hùng mạnh nhưng trái ngược nhau nhất về tư duy phát triển hệ thống của mình. “Tam sư” luôn ồn ào nhưng thi đấu thất thường ở các giải lớn, “xe tăng Đức” thì luôn nằm trong tốp 8 của World Cup bất kể mọi thời điểm...

Trong sự tương phản đó, các chủ tịch của LĐBĐ Đức (DFB) và LĐBĐ Anh (FA) chính là hình ảnh tượng trưng.

Nhà báo Vũ Công Lập từng nhận định: “Ở Đức, bóng đá không chỉ đơn thuần là một môn giải trí, mà nó hòa hợp cùng những chính sách xây dựng xã hội của người Đức”.

Có lẽ vì vậy mà xuất thân của các chủ tịch DFB những thập niên gần đây phần đông đều là chính khách, cụ thể là những người theo Đảng Liên minh dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) của bà Angela Merkel.

Ông Gerhard Mayer-Vorfelder, chính khách của CDU và từng giữ chức bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao (1980-1991) rồi Bộ Tài chính (1991-1998), mở đầu cho xu hướng này khi đứng đầu DFB nhiệm kỳ 2001-2006.

Người thay thế ông Mayer-Vorfelder là Theo Zwanziger, một thẩm phán đồng thời cũng là một thành viên của CDU. Người kế nhiệm ông Zwanziger - Wolfgang Niersbach không thuộc giới chính trị nhưng lại là một nhà báo có uy tín.

Ông Niersbach phải từ chức vào năm 2015 vì vụ bê bối hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2006. Hai người tạm quyền ông Niersbach trong nửa năm sau đó là Rainer Koch và Reinhard Rauball đều là những thành viên của Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), trước khi chính thức trao trả lại cho tân chủ tịch Reinhard Gringel, một nhà báo theo CDU.

Đối lập với sự nghiệp chính trị đồ sộ của các chủ tịch DFB, các đời chủ tịch của FA trong nhiều năm trở lại đây gắn liền với thể thao hơn.

Phần lớn họ có kinh nghiệm điều hành CLB và kinh doanh trong ngành thể thao giải trí. Greg Clarke, chủ tịch đương nhiệm của FA từng là giám đốc điều hành ở Leicester City giai đoạn 2002-2005.

Trước Clarke là Greg Dyke, một nhà báo lão làng trong lĩnh vực truyền hình và từng điều hành Manchester United những năm thập niên 1990. Trước đó nữa là cựu chủ tịch Manchester City - David Bernstein...

Sự đối lập Anh - Đức còn rõ đến mức trong khi Niersbach hay Gringel đều là các nhà báo của những cơ quan truyền thông uy tín của Đức thì Dyke, người góp công lớn giúp Premier League trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, lại được xem như cha đẻ của “truyền hình lá cải Anh”. Và ông Dyke đã giúp lượng khán giả Premier League toàn cầu tăng vọt.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận