Xem Nga - Mỹ đánh cờ ở Ukraine

DANH ĐỨC 08/03/2014 21:03 GMT+7

TTCT - Khi Quốc hội Ukraine truất phế ông Viktor Yanukovych, phản ứng của Nga không có gì là gay gắt. Thậm chí ông Yanukovych còn trách tại sao ông Vladimir Putin nín thinh. Phía Mỹ mở lời kêu gọi Nga “hợp tác”. Song thay vì hợp tác, Nga nắm gọn Crimea. Cuộc đấu trí dai dẳng suốt từ cuối tháng 11 đầy những bất ngờ.

Obama thúc giục Putin theo đuổi biện pháp ngoại giao cho Ukraine
EU tuyên bố 3 bước trừng phạt Nga

Ông Arseny Yatsenyuk (phải) gặp phụ tá ngoại trưởng Mỹ Joseph Burns tại Kiev hôm 25-2, hai ngày trước khi ông lên làm thủ tướng Ukraine - Ảnh: Reuters

Những gì diễn ra cho đến thứ bảy 22-2-2014 rất ngoạn mục: sau mấy tháng chứng kiến cảnh đàn áp người biểu tình phản đối việc tổng thống Yanukovych “buông” EU và ngả về phía Nga, Quốc hội Ukraine đã truất phế ông này. Sau đó, Chủ tịch quốc hội Oleksandr Turchynov được quốc hội bầu làm tổng thống tạm quyền, rồi thì một chính phủ mới, một “chính phủ kỹ trị” hôm thứ năm 27-2 được lập nên do ông Arseny Yatsenyuk lãnh đạo.

Ông Yatsenyuk từng là bộ trưởng kinh tế trước khi trở thành bộ trưởng ngoại giao, rồi chủ tịch quốc hội dưới trào cựu tổng thống Viktor Yushchenko.

Bàn cờ chính trị Kiev

Đây chính là nhân vật mà trong mẩu điện đàm của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland với đại sứ Mỹ tại Ukraine bị Nga tung lên YouTube hồi đầu tháng 2, đã được bà Nuland đề cử: “Tôi nghĩ rằng Yatsenyuk là người có kinh nghiệm kinh tế”. Nếu nhớ lại chi tiết đó sẽ không ngạc nhiên khi thấy hôm thứ năm 27-2, ông Yatsenyuk được giao giữ chức thủ tướng. Sự “đề cử” của bà Nuland quả là chính xác và đầy hiệu quả!

Nếu theo dõi cuộc họp báo đó sẽ thấy trước những gì vừa diễn ra ở Kiev. Bà Nuland không giấu giếm: “Trên bình diện quốc gia và cả cá nhân, tôi cùng ông đại sứ hiện có những quan hệ rất chắc chắn, rất chặt chẽ với các thành viên chủ chốt của phe đối lập.

Trong ba tháng qua, tôi đã đến Ukraine bốn lần, đã có dịp gặp họ từng người... Chúng tôi gặp họ ở đây, gặp họ ở Munich. Ngoại trưởng Kerry cũng đã gặp họ... và hiện có quan hệ cá nhân chắc chắn với mỗi người trong số họ. Với sự hậu thuẫn mà nước Mỹ có thể sẽ cung cấp, với sự hậu thuẫn mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể sẽ cung cấp, sự hậu thuẫn đó sẽ là đáng kể cho một Ukraine đang cải cách”.

Cải cách như thế nào? Bà Nuland giải thích rất cụ thể: “...cải cách hiến pháp, cải cách bầu cử cần thiết để có được một chính phủ đoàn kết quốc gia, một chính phủ chuyên gia mà cộng đồng quốc tế, IMF và chúng tôi có thể làm việc với họ...”. Ngay từ hôm 7-2 đã có thể hình dung diễn biến “cuộc cách mạng Ukraine 2014” như thế nào.

Trong suốt thời gian đó, Nga đã phản ứng bằng cách mà RIA-Novosti gọi là “đã tin rằng ông Yanukovych có thể giải quyết cuộc xung đột bằng vũ lực. Nga cũng đã đánh giá thấp cơn thịnh nộ của người dân Ukraine đối với chính phủ”.

Thậm chí hai ngày trước khi ông bị Quốc hội Ukraine truất phế, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác với các đối tác Ukraine của chúng tôi trên cơ sở những định hướng trước đây đã thỏa thuận và giữ lời hứa với họ, song họ phải chứng tỏ họ hiệu quả và không phải là tấm thảm chùi chân ngoài cửa ai muốn gí lên thì gí” (RIA-Novosti, 20-2-2014). Ai là “tấm thảm chùi chân”? Ai là “người cứ gí chân lên”? Quá rõ!

24 giờ sau khi Tổng thống Turchynov được đưa lên ở Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Psaki thông báo trong cuộc họp báo trưa thứ hai 24-2: “Đại sứ Pyatt cùng êkip tại chỗ của chúng tôi đã tiếp xúc chặt chẽ với một loạt quan chức địa phương...

Phụ tá ngoại trưởng Joseph Burns sẽ đến Kiev vào ngày mai 25 và thứ tư 26. Ông sẽ gặp một loạt đại diện chọn lọc của chính giới, doanh thương và xã hội dân sự nhằm cổ vũ một sự xuống thang tình hình an ninh trong thời điểm chuyển tiếp chính trị tại Ukraine... Chúng tôi sẽ thúc đẩy thay đổi hiến pháp, thành lập chính phủ liên hiệp, bầu cử sớm...”.

Hai ngày sau khi phụ tá ngoại trưởng Mỹ Burns đến Kiev, hôm thứ năm 27-2 ông Yatsenyuk lên làm thủ tướng. Coi như Mỹ đã thắng ván cờ chính trường Kiev.

Bàn cờ thế Crimea

Thua ván một, Nga nín thinh bày bàn cờ thế ở Kiev, tận dụng lợi thế “tự nhiên” chiến lược mà họ đang có trong tay: bán đảo Crimea, với 60% dân số gốc Nga, đang hưởng quy chế một nước cộng hòa tự trị trong Ukraine, có chính phủ và nghị viện riêng.

Hôm thứ năm 27-2, trong khi ở Kiev Quốc hội Ukraine bầu ông Yatsenyuk lên làm thủ tướng, thì ở thủ phủ Simferopol nghị viện Crimea cũng giải tán chính phủ của ông Anatoly Mogilyov bị xem là quá “hòa hiếu” với Kiev, bầu thủ lĩnh Đảng Thống nhất Nga Sergey Aksenov làm thủ tướng.

Cũng hôm đó, dân chúng Crimea biểu tình trước nghị viện phản đối chính quyền mới ở Kiev và đòi trưng cầu ý dân về tương lai Crimea. Kịch bản dân chủ ở thủ đô Kiev lặp lại ở thủ phủ Simferopol trong chiều ngược lại. Kết quả cuộc biểu tình này là Quốc hội Crimea quyết định tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 30-3.

Chính chế độ mới ở Kiev đã tạo điều kiện cho phe thân Nga ở Crimea vùng dậy và Nga can thiệp khi Kiev nôn nóng bãi bỏ luật về các ngôn ngữ thiểu số ngay hôm chủ nhật 23-2, chỉ công nhận tiếng Ukraine là ngôn ngữ nhà nước duy nhất.

Tờ Christian Science Monitor (28-2) đã chê trách như sau: “Việc bãi bỏ luật ngôn ngữ này chỉ nhằm làm sôi sục các khu vực nói tiếng Nga vốn xem động thái này như là một bằng chứng thêm nữa cho thấy các cuộc phản đối chống chính phủ ở Kiev nhằm lật đổ ông Yanukovych chỉ nhằm gây sức ép cho vấn đề dân tộc. Điều này chỉ làm sâu sắc thêm những căng thẳng trên bán đảo Crimea, nơi đang xem những người biểu tình trên quảng trường Maidan (ở Kiev) là những phần tử phát xít cực đoan”.

Chính những sai lầm trên đã tạo cớ cho Nga, hôm thứ ba 26-2, dàn 150.000 quân dọc biên giới Ukraine tập trận! Mỹ tưởng thật liên tiếp cảnh cáo Nga đừng manh động. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry điện đàm ngay với Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Không dừng ở đó, tối thứ bảy 1-3, Thượng viện Nga bỏ phiếu cho phép Tổng thống Putin sử dụng các lực lượng vũ trang của Nga ở Ukraine.

Sáng hôm sau, xe bọc sắt và binh sĩ Nga rồng rắn ở Crimea. Chính phủ Ukraine yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn, Nga đồng ý ngay, trái với thói quen phủ quyết các đề xuất họp khẩn về Iran hay Syria. Không khó hiểu: Nga tự tin rằng hành động quân sự ở Crimea là hợp pháp cả với quốc tế, với Crimea và với Nga.

Điều này đã được phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson loan báo với Hội đồng Bảo an: “Tân thủ tướng của Crimea, Sergei Aksenov, hôm nay đã ra một tuyên cáo yêu cầu Tổng thống Putin cung cấp hỗ trợ nhằm đảm bảo hòa bình và yên ổn trong lãnh thổ Cộng hòa tự trị Crimea”. Coi như Mỹ bị chiếu bí ở ván cờ thế Crimea, sau khi đã thắng Nga ván cờ thứ nhất ở Kiev một tuần trước đó.

Ván cờ chung cuộc

Nội vụ nay ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Mỗi bên đều cho rằng bên mình là chính đáng và bên kia là vi phạm. Trong tình hình sôi sục đó, vẫn có một điểm sáng là Nga - Mỹ luôn liên lạc với nhau ở cấp ngoại trưởng và cả cấp tổng thống. Ít nhất những cú điện thoại này cũng giúp hai bên có dịp tự phân trần với nhau, tránh rơi vào hiểu lầm, và sẽ là kênh đàm phán trực tiếp với nhau.

Hàng loạt cuộc điện đàm như thế, thậm chí kéo dài đến 90 phút giữa hai ông Obama và Putin tối thứ bảy 1-3 (giờ Mỹ) sau khi Thượng viện Nga cho phép ông Putin sử dụng quân đội ở Ukraine. Một phê chuẩn tương tự của lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ là “nằm mơ cũng không thấy” đối với Tổng thống Obama, trong tình hình Đảng Cộng hòa đang nắm chắc Hạ viện và làm kỳ đà cản mũi suốt, và trong hoàn cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đòi cắt giảm quân số vì thiếu ngân sách!

Làm gì bây giờ? Chiến tranh là không thể! Cuộc chiến năm ngày Nga - Gruzia năm 2008 đã cho thấy Mỹ thà để Gruzia thua, còn hơn là đụng độ Nga.

Ngoại trưởng Kerry lên truyền hình tối chủ nhật đe dọa sẽ cô lập Nga, trừng phạt kinh tế Nga... Lãnh đạo G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh và Mỹ) cùng chủ tịch hội đồng EU và chủ tịch ủy ban EU ra thông cáo chung “lên án việc Liên bang Nga xâm phạm một cách rõ rệt chủ quyền của Ukraine... Chúng tôi kêu gọi Nga giải quyết bất cứ mối quan ngại về an ninh hay nhân quyền qua đàm phán trực tiếp, qua trung gian của Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE)”.

Thế là nội vụ lại quay lại trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và với các cú điện thoại trực tiếp.

Sáng thứ ba 4-3, ông Putin cho thấy ông cũng biết đâu là điểm dừng khi ra lệnh rút số quân đang tập trận dọc biên giới Ukraine. Đến tối cùng ngày, ông Putin phàn nàn rằng việc ông Yanukovych ngưng gia nhập châu Âu chỉ là một cái cớ để hậu thuẫn phe đối lập trong cuộc tranh giành quyền lực và ông trách: “Tại sao lại đẩy đến tình trạng vô chính phủ, đến một cú đảo chính vi hiến, một sự chiếm quyền bằng vũ khí, đưa đất nước vào cảnh hỗn độn?”.

Nếu ông Putin có thể hoài nghi về sự trong sáng và động cơ của những hậu thuẫn cho phe đối lập ở Ukraine, thì ngược lại một khi ông phủ nhận tính hợp hiến của việc truất phế ông Yanukovych của Quốc hội Ukraine, ông cũng phải phủ nhận luôn tính hợp hiến của phiên họp bất thường của Quốc hội Crimea 27-2 bãi chức Thủ tướng Mogilyov (thủ lĩnh Đảng Các khu vực của ông Yanukovych ở Crimea) và thay bằng thủ lĩnh Đảng Thống nhất Nga Aksenov trong khung cảnh những binh lính “nặc danh” đeo mặt nạ đóng quanh trụ sở nghị viện Crimea để bảo vệ cuộc bỏ phiếu này.

Trong chính trị không chỉ có hai màu trắng và đen. Chẳng bên nào là thiên thần hay ác quỷ, nhất là khi hai bên đang cố tranh giành ảnh hưởng ở một đất nước đang nằm giữa ranh giới NATO và Nga, và khi từ bấy lâu nay vẫn hục hặc nhau về vấn đề tên lửa và chống tên lửa, về sự mở rộng của NATO. Có vẻ như Mỹ đang thiếu một người chuyên về Nga và Đông Âu cỡ cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice thời ông Bush.

Riêng đối với Ukraine nói chung, thân nhược tiểu mà “vung tay quá trán” và sa đà chia rẽ sắc tộc, dễ mất nước bằng cách này hay cách khác.

Vấn đề sống còn ngay trước mắt là “tiền đâu?” để tân Thủ tướng Yatsenyuk có thể đưa được đất nước Ukraine ra khỏi khủng hoảng nợ vốn đã khiến cựu tổng thống Yanukovych ra đi vì đã đặt cả đất nước vào “nhà cái” Putin cùng 15 tỉ USD ông này hứa hẹn. Giờ đây phải cung cấp “bột” để ông Yatsenyuk “gột nên hồ”, đó là điều mà cả EU lẫn Mỹ đều không có dư. Ông Kerry loan báo 1 tỉ USD, EU cũng 1 tỉ USD.

Bộ trưởng ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier - người được mong đợi như một “khách sộp” tiềm năng do lẽ nước Đức đã và đang “giải cứu” Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha - hôm 27-2 đã trả lời dứt khoát sau bữa ăn trưa làm việc với ông Kerry: “Đừng có tập trung vào việc lôi kéo Ukraine, lôi thêm về phía Đông hay phía Tây. Đó không phải là công việc cần làm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận