“Xã hội thông tin” trông ra sao?

ĐỨC HOÀNG 09/09/2015 20:09 GMT+7

TTCT- Người ta hay nói rằng chúng ta đang sống trong “xã hội thông tin”. Nhưng thực chất, còn rất nhiều người vẫn đang đói thông tin - không phải là thông tin kinh tế, xã hội, chính trị hay khoa học xa vời nào, mà là những thông tin liên quan đến chính cuộc đời họ.

Người dân làng Malav đứng trước các bức tường cung cấp thông tin. Ảnh Đức Hoàng

“Có ba gói mì một ngày mà người ta cũng lấy mất đi một gói, các anh chị không nói thì chúng tôi làm sao biết được” - anh Ngô Trung Sổng, người đàn ông tàn tật ở xã Trịnh Xá (Hà Nam), thốt lên như thế trên mặt báo vào tháng 2-2015. Xã hội đau lòng khi biết khoản trợ cấp chỉ 270.000 đồng/tháng của anh cũng bị xà xẻo. 

Và đó là khi ta nhận ra rằng quyền được biết của người dân, ít nhất là những gì đang diễn ra với mình, quan trọng thế nào.

Khi thông tin là sinh mạng

Ngài ủy viên Yashovardhan Azad ngồi trong phòng làm việc của mình ở New Delhi, giải quyết một vụ khiếu kiện tại Chennai, cách đó hơn 2.000km. Căn phòng đơn giản, chỉ có hàng chồng hồ sơ, màn hình lớn và một bức ảnh ngài Azad bắt tay với Bill Clinton.

Người khiếu kiện ngồi trong văn phòng của Ủy ban thông tin liên bang tại Chennai, đối thoại với ngài Azad thông qua truyền hình Internet. Trong phòng ngài ủy viên có sáu trợ lý. Một trong số đó là một luật sư, bắt đầu trình lên các hồ sơ và phân tích về vụ việc.

Cuộc tranh chấp khá căng thẳng: ngài Azad nói chuyện với luật sư của mình bằng tiếng Anh (để đoàn khách mời ngồi trong phòng có thể nghe được), rồi lại quay sang trả lời chất vấn của người khiếu kiện bằng tiếng Hindi. Sau khoảng năm phút, ngài ủy viên tuyên bố vụ khiếu kiện thất bại. Trên màn hình người ta thấy người dân kia bắt đầu to tiếng. Nhưng camera trực tuyến tắt. “Vụ án” khép lại.

Cho dù chỉ năm phút nhưng không dưới 10 người, trong đó có ngài Azad (một người đã 30 năm làm việc trong lĩnh vực an ninh và thông tin), một luật sư, ba thư ký, một nhân viên kỹ thuật và một hệ thống truyền hình Internet đã được huy động để giải quyết một khiếu nại.

Nó rất nhỏ: người dân kia nộp đơn xin cung cấp thông tin từ cơ quan nhà nước, và cho rằng mình bị trả lời chậm. Thực tế là ông ta trả thiếu một ít tiền phí, nên việc trả lời bị chậm. Ở Ấn Độ, theo luật, bất kỳ một yêu cầu thông tin nào cũng buộc phải trả lời trong tối đa là 30 ngày. Nếu không người dân sẽ kiện lên cấp cao hơn. Ủy viên Azad là đại diện cho cấp khiếu nại thứ hai, Ủy ban thông tin liên bang. Cấp thứ ba sẽ là tòa án.

Luật về quyền thông tin 2005 của Ấn Độ đã tạo ra hệ thống đó. Một hệ thống chống lại sự im lặng của các cơ quan nhà nước. Bởi vì những người như ngài ủy viên Azad hiểu rằng thông tin quan trọng với người dân nghèo là thế nào. Giờ giải lao, ông dừng lại và bắt đầu trò chuyện với các vị khách Việt Nam có mặt trong phòng.

“Ông có thường xuyên phải dùng cảm giác để giải quyết các vụ khiếu nại không?” - người viết hỏi. “Rất thường xuyên” - ngài Azad trả lời rất nhanh, cho dù đó là một tuyên bố mâu thuẫn với vai trò của một quan tòa.

Rồi ông kể chuyện một người dân nghèo ở Mumbai, suốt năm năm ròng đi tìm thông tin về chế độ đãi ngộ dành cho người cha đã mất. “Tôi sẽ dùng tất cả quyền lực của mình để giúp người nghèo” - ông nói. Nhưng vụ đó không thành. Ông ủy viên buồn bã kể rằng ông đã rút tiền túi ra 5.000 rupee để gửi tới anh ta mà không nói với bất kỳ ai.

Người Ấn Độ bắt đầu nhận ra rằng thông tin chính là sinh mạng, sau khi trải qua một thảm họa. Họ đã đánh đổi cả vạn sinh mạng để biết được điều đó.

Đêm ngày 2 rạng sáng 3-12-1984, nhà máy hóa chất ở Bhopal, cách New Delhi vài trăm kilômet, rò rỉ khí gas. Cả một “thành phố chết” được tạo ra. Ít nhất 3.700 người đã chết, có con số nói rằng 16.000 người. Số người bị ảnh hưởng sức khỏe lên tới 558.000 người. Chất độc di truyền qua nhiều thế hệ. Thảm họa Bhopal được coi là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.

Cú sốc ấy khiến cho các trí thức trên toàn quốc bắt đầu cuộc đấu tranh miệt mài đòi chính phủ phải minh bạch. Giáo sư Shekhar Singh là một trong những người lãnh đạo chiến dịch từ thời điểm đó. Ông và những người cùng chí hướng đã yêu cầu chính phủ phải công bố các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất hóa chất trên toàn quốc, và phát hiện ra một thực tế kinh hoàng là những “quả bom hóa học” như nhà máy Bhopal tồn tại ở khắp mọi nơi, với quy chuẩn cấp phép lỏng lẻo của chính phủ.

Trong suốt 30 năm sau đó, giáo sư Singh đã đấu tranh cho một thứ rộng hơn là quyền được tiếp cận thông tin cho toàn bộ người dân. Quan điểm ấy rất rõ ràng: bất kỳ một thông tin nào mà chính phủ đang nắm giữ, người dân có quyền được biết, miễn là việc công khai không làm hại đến lợi ích quốc gia. Đó là một hành trình gian khổ.

Nói có sách, mách có chứng

Luật về quyền thông tin 2005 bây giờ cho phép bất kỳ một công dân Ấn Độ nào chất vấn chính phủ theo cách chi tiết nhất. Anh Venkatesh Nayak, một nhà hoạt động về quyền thông tin, kể có lần anh đọc báo thấy bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng cần có chế tài mới cho giải phóng mặt bằng, vì có rất nhiều công trình công cộng đang bị chậm vì vấn đề này.

Anh viết đơn lên Bộ Tài chính, yêu cầu cung cấp thông tin về các công trình đang bị chậm. Một thời gian sau, Venkatesh nhận được câu trả lời: người ta gửi cho anh danh sách 34 trang về toàn bộ các công trình đang chậm giải phóng trong cả nước.

Venkatesh ngồi một tuần để thống kê, phát hiện ra rằng phần lớn công trình bị chậm giải phóng là trung tâm giải trí, sân golf, siêu thị, chỉ có vài phần trăm là công trình công cộng. Tức là chính thông tin của Bộ Tài chính nói rằng ông bộ trưởng đã “hàm hồ”. Anh gửi thống kê này cho báo chí. Một thời gian sau, Bộ Tài chính phải rút lại đề xuất.

Mỗi năm, các ủy viên thông tin của Ấn Độ giải quyết hàng triệu đơn đòi cung cấp thông tin. Đó có thể là một vấn đề nhỏ như chế độ trợ cấp dành cho cụ thể một người nghèo, đó cũng có thể là một vấn đề quốc gia như những chính sách về môi trường.

Có lần, nhà báo Shyamlal Yadav viết đơn đòi cung cấp... mẫu nước sông Hằng vào năm 1985. Anh được cung cấp và phân tích để chỉ ra rằng suốt 30 năm qua, chương trình cải thiện môi trường nguồn nước trị giá hàng trăm triệu USD của chính phủ chỉ mang mục đích giải ngân. Lần khác, anh đòi cung cấp... tài sản đã kê khai của các bộ trưởng (việc được quy định trong luật) và phát hiện ra rằng sau 45 năm kể từ khi có quy định kê khai, chẳng ông bộ trưởng nào làm việc này.

Tuần hành ở New Dehli tưởng niệm những nhà hoạt động đã chết cho quyền thông tin. Ảnh Đức Hoàng

Đắt rất đắt, rẻ rất rẻ

Câu chuyện của anh Ngô Trung Sổng, người chỉ nhận 180.000 đồng/tháng tiền trợ cấp cho dù chính sách quy định anh được nhận 270.000 đồng, nói rằng quyền được tiếp cận thông tin rất “đắt”.

Chưa bàn tới các vấn đề vĩ mô, nó cho phép những người yếm thế trong xã hội được biết mình đang là đối tượng tác động của điều gì. Khắp nơi trên mặt báo, ta bắt gặp những người dân từ nông thôn đến thành thị thiếu thông tin - thông tin chứ không phải “kiến thức”.

 Một người thành thị thắc mắc với phóng viên: Tại sao họ nâng vỉa hè mà không hỏi tôi? 

Một người dân nông thôn ngơ ngác: Tôi không biết chế độ của mình!


Ngay từ cửa nhập cảnh ở sân bay Gandhi, nhân viên hải quan đã biết chủ đề “RTI” (viết tắt) mà các vị khách Việt Nam sang tìm hiểu nghĩa là gì: “right to information” - quyền thông tin. Khắp nơi trên đất Ấn người ta dùng nhuần nhuyễn khái niệm ấy.
Đắt, bởi vì để có được sự thông suốt thông tin giữa người dân - cơ quan công quyền, cả một hệ thống sẽ phải vào cuộc với thái độ tích cực nhất.

Nhưng rẻ, bởi khi đã xây dựng được một hệ thống thì chi phí vận hành của nó không hề đắt đỏ. Cần nói thêm rằng tỉ lệ mù chữ ở Ấn Độ rất cao, sắc tộc đa dạng và nhiều người dân không sử dụng ngôn ngữ chính thức (tiếng Anh hoặc Hindi). Việc yêu cầu họ viết một lá đơn là xa vời.

Nhưng ví dụ, tại bang Bihar, một bang có dân số đông hơn Việt Nam (100 triệu người), tỉ lệ mù chữ cao, chính quyền bang này chỉ cần bảy người và bảy chiếc máy tính để tiếp nhận yêu cầu của người dân qua điện thoại. Họ cứ nói mộc mạc những gì mình cần, phần mềm tự động sẽ biến nó thành lá đơn và gửi đến đúng địa chỉ.

Và quan trọng hơn, sau 10 năm, các cán bộ nhà nước của Ấn Độ hiểu một điều đơn giản: họ càng chủ động cung cấp thông tin bao nhiêu thì càng nhàn trước những lá đơn, những khiếu nại bấy nhiêu. Họ tìm mọi cách để chủ động cung cấp.

Ở làng Malav (bang Punjarab) việc cung cấp thông tin được thực hiện rất đơn giản: toàn bộ các thông tin chính sách, chế độ trợ cấp cho dân làng được sơn lên tường của cơ quan công quyền. Họ sơn chữ kín đặc những bức tường, thậm chí sơn cả cầu thang. Việc làm đơn giản như thế nhưng đó được gọi là một “sáng kiến”.

Và khi nghĩ về những bức tường vốn đã được “dự định” sử dụng cho mục đích ấy suốt hàng thập kỷ ở nước ta, hẳn nhiều người sẽ giật mình.■

Việc bất kỳ một người dân nào cũng có quyền hỏi thông tin tạo ra một cơ chế tự đối soát và ngăn chặn tham nhũng liên tục. Nhà báo Shyamlal Yadav của báo India Express, tờ báo uy tín nhất nước, thường xuyên dùng chính thông tin do chính phủ cung cấp để phản biện chính phủ. Năm 2008, anh nộp đến 60 lá đơn đòi cung cấp thông tin lên hơn 30 bộ của Ấn Độ.

Anh hỏi một câu đơn giản: Trong ba năm qua bộ trưởng đã đi công tác ở đâu? Sau đó, Yadav dùng vài tuần để tính toán quãng đường các ông bộ trưởng đã di chuyển. Kết quả: trong ba năm rưỡi, các bộ trưởng của Ấn Độ đã đi công du với một khoảng cách bằng 256 vòng Trái đất. Bài báo ra như một quả bom tấn.

Nhân đà thắng lợi, Yadav viết tiếp đơn đòi cung cấp thông tin về tất cả những chuyến công tác của viên chức tại các bộ. Kết quả còn khủng khiếp hơn: 1.200 công chức Ấn Độ trong ba năm rưỡi đã di chuyển một khoảng cách bằng 74 lần khoảng cách Trái đất - Mặt trăng. Ngay sau khi bài báo được xuất bản, Thủ tướng Manmohan Singh có chỉ đạo mới về việc đi công tác, nhằm hạn chế việc lạm quyền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận