Việt Tú: gương mặt lạ của làng đạo diễn

UYÊN LY 15/02/2004 08:02 GMT+7

TTCN - Theo dõi lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 22 qua màn ảnh nhỏ có lẽ ít người biết tổng đạo diễn hình ảnh (truyền hình) của hai chương trình hoành tráng này là một chàng trai 27 tuổi. Được giao trọng trách này, anh phải cùng lúc “để mắt” đến 18 máy quay trong khi từ trước tới nay số máy quay nhiều nhất anh quán xuyến là năm chiếc. Để đảm bảo thành công, anh đã cho ghi hình “thử như thật” tới sáu lần, khiến nhiều hãng truyền hình lớn của các nước Đông Nam Á cũng phải nể mặt truyền hình VN.

Phóng to
TTCN - Theo dõi lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 22 qua màn ảnh nhỏ có lẽ ít người biết tổng đạo diễn hình ảnh (truyền hình) của hai chương trình hoành tráng này là một chàng trai 27 tuổi. Được giao trọng trách này, anh phải cùng lúc “để mắt” đến 18 máy quay trong khi từ trước tới nay số máy quay nhiều nhất anh quán xuyến là năm chiếc. Để đảm bảo thành công, anh đã cho ghi hình “thử như thật” tới sáu lần, khiến nhiều hãng truyền hình lớn của các nước Đông Nam Á cũng phải nể mặt truyền hình VN.

Cùng nghề đạo diễn ca nhạc với bố, và cùng làm việc với bố trong ban văn nghệ Đài truyền hình VN nhưng Việt Tú đã sớm khẳng định không là cái bóng của cha anh: “Nếu phải làm việc gì giống bố tôi sẽ không muốn làm nữa”. Anh thậm chí còn ngang ngạnh đến mức thà làm sai còn hơn là làm theo bố! Nhưng chính sự quyết liệt, cực đoan như vậy đã tạo nên một Việt Tú luôn độc đáo trong ý tưởng và không tiếc công sức để thực hiện ý tưởng ấy.

Ai từng xem video clip Sói con ngơ ngác (tác giả: nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ: Kasim Hoàng Vũ) hẳn sẽ có ấn tượng mạnh về một không gian siêu thực luôn biến ảo với hai màu đen - trắng và một màu xanh rất hiếm thấy trong hội họa nhờ vào hiệu ứng khúc xạ ánh sáng khi quay trong một bể nước sâu. Dưới đáy bể là hai nhân vật luôn giằng co nhau, một bên là cậu bé mồ côi - cái thiện, một bên là người đàn ông - cái ác. Cái thiện yếu ớt luôn nhoài người một cách gần như vô vọng để trốn khỏi bàn tay của cái ác. Câu chuyện kết thúc không có hậu như câu kết của bài hát “Em không có lỗi khi em mồ côi…”.

Luồng ánh sáng tương phản lạ lẫm và những cử động dưới nước của các nhân vật tạo nên những ảo hình hiếm thấy. Ý tưởng thực hiện tác phẩm công phu đó đã chợt lóe lên sau lần đạo diễn đi bơi và thấy một cậu bé lặn dưới nước.

Sau đó là vô số công đoạn rắc rối: tìm nhân vật rồi thuê thầy dạy lặn cho nhân vật và toàn bộ êkip làm phim; không thuê được máy quay phim dưới nước, phải mượn từ một người bạn quay phim ở Mỹ; do đạo diễn phải lặn quá nhiều lần tưởng đã ngã bệnh, làm phim xong hai tháng sau cũng chưa dám đến bể bơi cho dù yêu thích nhất môn bơi lội! Và thành quả cho một tháng rưỡi ghi hình vất vả ấy là video clip Sói con ngơ ngác đoạt giải của Hội đồng nghệ thuật VTV Bài hát tôi yêu lần 2 - 2003.

Năm 2002 là giai đoạn “căng” nhất của Việt Tú khi anh nhận làm đạo diễn chương trình giới thiệu album Nhật thực của Trần Thu Hà, cùng lúc phải hoàn thành năm video clip dự thi VTV Bài hát tôi yêu lần 1 cho các ca sĩ Thu Phương (Ngủ ngoan nhé ngày xưa ơi), Mỹ Linh (Mùa đông đã qua), Minh Quân (Nếu phải xa nhau), Trần Thu Hà (Mùa thu trắng), Thu Phương - Quang Huy (Khúc xuân).

Nhiều trục trặc đã diễn ra: băng video clip của Mỹ Linh bị ướt vì quay đúng hôm trời mưa, của Trần Thu Hà và Minh Quân thì hình ảnh, màu sắc không đẹp như mong muốn. Việt Tú nhất quyết làm lại từ đầu và nỗ lực của anh đã được đền bù xứng đáng: các video clip của Mỹ Linh, Minh Quân và Thu Phương lọt vào danh sánh 10 nghệ phẩm được khán giả yêu thích nhất, riêng Ngủ ngoan nhé ngày xưa ơi đoạt thêm giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật VTV Bài hát tôi yêu.

Giao thừa 2002-2003, sau khi bỏ ra rất nhiều công sức thuyết phục, Việt Tú “bê” nguyên dàn nhạc giao hưởng với 150 nhạc công lên nóc khách sạn Melia (Hà Nội) để biểu diễn với phông nền là pháo hoa rực rỡ bầu trời đêm. Nhiều nhạc công không thể nào quên được cảm giác mạnh khi được chơi nhạc trên tầng cao với pháo hoa trùm trên đỉnh đầu.

Từ khi còn là một cậu bé Việt Tú đã cho thấy một cá tính mạnh mẽ, dám phiêu lưu, thích tự lập. Học hết lớp 10, được bố mẹ cho đi học kèn clarinet ở Nhạc viện Hà Nội nhưng Việt Tú lại chỉ mê nhạc rock. Đến khi yên vị trong khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu điện ảnh, điểm số các môn học của anh trồi sụt theo sở thích.

Tốt nghiệp, Việt Tú phải mất hai năm phân vân giữa việc chọn làm đạo diễn phim truyền hình đang thời thượng và đạo diễn ca nhạc hợp sở thích và khả năng hơn. Khi đã quyết định chọn nghề thứ hai, anh lao vào công việc. Không chỉ tìm tòi và học hỏi từ các video clip nước ngoài, Việt Tú còn quan tâm và theo dõi hoạt động của các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, sắp đặt, trình diễn, múa và video art, những thứ có tác dụng bổ trợ cho công việc của một đạo diễn ca nhạc. Chương trình lớn đầu tiên mà Việt Tú được giao trọng trách dàn dựng là lễ trao giải Sao Mai năm 2001 tổ chức tại TP.HCM. Và sau đó là những thành công như đã kể trên.

Năm 2004, Việt Tú được giao thực hiện một loạt chương trình lớn, dài hơi mang tên “Con đường âm nhạc” sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV3 vào tối chủ nhật đầu tiên hằng tháng. Mỗi chương trình có thời lượng 100 – 120 phút, nhằm khắc họa chân dung, cá tính sáng tạo của những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc nước nhà, đồng thời giới thiệu gương mặt ca sĩ trẻ triển vọng.

Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ trẻ Lê Hiếu sẽ là những nhân vật chính đầu tiên của “Con đường âm nhạc”, dự kiến phát sóng vào 20g chủ nhật đầu tiên của tháng ba. Anh cho biết có thể sẽ mời nhạc sĩ Lê Minh Sơn hoặc Ngọc Đại tham gia chương trình của mình; và sẽ thử phối lại một bài hát nổi tiếng theo phong cách hip hop nếu việc này tạo hiệu quả tốt. “Tại sao lại không thử nhỉ?” - Việt Tú nói.

Bước sang tuổi 27, Việt Tú đã là một giọng nói lạ trong làng đạo diễn ca nhạc truyền hình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận