Vì sao ai cũng thích màu xanh dương nhất?

ABIGAIL CAIN 03/10/2017 21:10 GMT+7

TTCT - Đến những năm 1920, các nhà nghiên cứu gần như đã bỏ cuộc trước câu hỏi tưởng quá đơn giản: “Bạn thích nhất màu gì?”.

..
Tranh của Yves Klein - Họa sĩ người Pháp nổi tiếng với bảng màu xanh dương. Ông thậm chí còn tạo ra một màu riêng, được đặt tên quốc tế là “Klein Blue”.

 Những câu trả lời tỏ ra quá riêng tư để có thể được nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng khi các công cụ thống kê và sự tiêu chuẩn hóa màu sắc được cải thiện trong những thập kỷ tiếp theo, một hình mẫu bắt đầu nổi lên, chậm rãi nhưng rõ ràng: mọi người đều thích màu xanh dương.

Những nghiên cứu từ năm 1941 chỉ ra: sắc xanh được nhiều người ưa thích nhất.

Vào mùa hè năm nay, màu sắc được yêu thích nhất thế giới được công bố là màu xanh dương ánh lục (hay xanh lá ánh lam) dựa trên cuộc khảo sát 30.000 người ở 100 quốc qia.

Sự ưa thích đó không giới hạn trong một khuôn khổ địa lý hay giới tính hay thậm chí là chính trị cụ thể nào. Trong khi những nghiên cứu và khảo sát trải qua chặng đường dài nhằm miêu tả sự phân bổ sở thích về màu sắc của con người trên bảng màu, một bí ẩn vẫn chưa có lời giải: Tại sao những sở thích như thế lại tồn tại ngay từ ban đầu?

 

Không phải tại gen

Theo nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Stephen E.Palmer và Karen Schloss trong suốt bảy năm qua, câu trả lời không nằm trong ADN của chúng ta.

Nghiên cứu này (xuất bản năm 2010) cho rằng sở thích về màu sắc của mỗi người có thể được xác định bằng cách tính trung bình xem họ thích những đồ vật gắn với màu sắc đó đến mức độ nào. Ví dụ, thái độ của bạn với màu cam phụ thuộc vào cảm xúc của bạn về bí ngô, trụ giao thông và bánh Cheetos, cùng những thứ có màu cam khác. Còn với xanh lá, nó thay đổi tùy theo việc bạn nghĩ gì về cỏ, tờ đôla Mỹ và bông cải xanh.

“Hóa ra là nếu nhìn vào tất cả những vật gắn với màu xanh dương, phần lớn chúng đều tích cực” - giáo sư tâm lý học Schloss (ĐH Wisconsin - Madison, Mỹ) giải thích. “Rất khó nghĩ ra thứ gì tiêu cực có màu lam. Nhiều thứ chúng ta cho là xấu và có màu xanh dương thực ra không hẳn là màu xanh dương. Chẳng hạn, mốc xanh thực ra hơi ngả sang màu lục, vết bầm thường có màu tím hoặc vàng hơn là xanh dương”.

Chúng ta thường gắn màu xanh dương với bầu trời và nước- những thứ trung tính hoặc tích cực.

 Thay vào đó, chúng ta thường gắn màu xanh dương với bầu trời và nước (cũng như những thứ vặt vãnh hơn, trung tính hoặc tích cực, như bút bi hay quần jeans), khiến cho sự ưa chuộng trung bình với màu lam cao hơn những màu khác trên dải màu cầu vồng.

Những gắn kết đó không giới hạn ở một khu vực nhất định nào trên địa cầu. “Bầu trời trong và làn nước xanh là những thứ đặc biệt mà chúng ta đều trải nghiệm khắp thế giới - Schloss nói - Không quan trọng bạn đang ở đâu, nếu đó là một ngày nắng quang đãng, bầu trời sẽ có màu xanh. Và nước trong sẽ ngả màu lam. Nói thế không có nghĩa là không tồn tại khác biệt trong văn hóa, nhưng sự áp đảo của những thứ màu xanh dương mang ý nghĩa tích cực là điều ít nhiều nhất quán”.

Giả thuyết này cũng rọi ánh sáng lên một hình mẫu khác xuất hiện trong nghiên cứu các sở thích màu sắc. Các sắc xanh dương luôn về nhất trong các cuộc thăm dò, những màu vàng đậm gần như luôn xếp hạng chót. “Các màu như vàng mù tạt, vàng olive, vàng của chất nôn... vẫn gắn kết với đôi điều tích cực - Schloss chỉ ra - Nhưng chúng cũng có rất nhiều kết nối tiêu cực: chất thải sinh học và những thứ ghê tởm khác mà tôi không tiện nhắc”.

 

Những sở thích thất thường

Giả thuyết của Schloss và Palmer cũng giải thích được sự khác nhau giữa các cá nhân - điều không thể giải thích nếu quả thật sở thích về màu sắc là ở trong ADN con người. Bởi trong khi phần lớn nhân loại quả thật thích màu xanh dương, vẫn có một phần đáng kể dân số thích màu đỏ hoặc lục.

“Điều đáng nói ở đây là không chuyện riêng lẻ nào có thể dự đoán được sở thích màu sắc, đó là tóm gọn của toàn bộ những gì ta trải nghiệm suốt cuộc đời - Schloss nói - Điều hay nhất của giả thuyết này là nó có thể giải thích tại sao sở thích về màu sắc khác nhau tùy người, và vì sao chúng thay đổi theo thời gian”.

Trong một nghiên cứu vào năm 2013, họ thử thay đổi sở thích màu sắc bằng cách cố ý tạo nên những sự liên hệ mới cho màu đỏ và xanh lá. Một nửa số người tham gia khảo sát được xem 10 đồ vật màu đỏ mang tính tích cực (như hoa hồng và dâu tây chín) và 10 đồ vật màu lục mang tính tiêu cực (như nước mũi và chất nôn); nửa còn lại tiếp xúc với đồ vật đỏ - tiêu cực (tròng mắt đẫm máu và vết thương hở) và lục - tích cực (cây cối và quả kiwi). Cả hai nhóm đều có sự thay đổi về cảm giác, dù không phải là vĩnh viễn, những thay đổi mờ nhạt dần vào hôm sau.

 

Schloss cũng nhận thấy sự ưa chuộng màu sắc chuyển biến theo thời gian trong năm, gắn với sự chuyển mùa. Thông thường, những màu sắc của mùa thu (vàng sáng, nâu, đỏ sậm) là những màu kém được yêu thích nhất trong bảng màu.

Nhưng nghiên cứu thực hiện trong mùa thu cho thấy sự ưa chuộng những màu tối và ấm áp tăng nhanh, khi những người tham gia liên hệ chúng chủ yếu với những thứ vui tươi như trò ngồi xe rơm hay những ruộng bí ngô (chứ không phải là thương tích hay phân).

Những sở thích kiểu đó có thể thay đổi còn nhanh hơn nữa. Vào ngày bầu cử Mỹ chẳng hạn, sự ưa chuộng màu đỏ dựa trên đảng phái của những người Cộng hòa tăng mạnh (trong khi vào những ngày còn lại trong năm, màu sắc ưa thích áp đảo của họ là xanh dương, thật đáng kinh ngạc vì còn cao hơn những người Dân chủ vốn có màu của đảng là xanh dương).

“Tôi nghĩ rằng ý tưởng “màu sắc yêu thích nhất” khiến nó có vẻ là một đặc điểm cá nhân bền vững - Schloss nói - Những gì chúng tôi tìm thấy là, đúng, có thể có những yếu tố ổn định trong sở thích màu sắc. Nhưng chúng cũng linh hoạt phản ánh sự thay đổi trong sở thích của mỗi người và những thứ trong tâm trí họ ngay ở thời điểm hiện tại”.■

Thủy Tiên (chuyển ngữ từ artsy.net)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận